Cụ ông 84 tuổi đi nhặt đinh để làm từ thiện

18/02/2012 06:00
Theo PLXH
Trong tổng số tiền 30 triệu đồng ông Nguyễn Thành Long đã ủng hộ, có 20 triệu đồng ông tích góp được từ việc nhặt… đinh rồi đem bán.
Ông là Nguyễn Thành Long, một chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc, từng vào sinh ra tử ở nhiều chiến trường của Tổ quốc. Qua ba lần được gặp Bác Hồ, được nghe Bác chỉ dạy, ông luôn tự nhủ sống được ngày nào phải ra sức xây dựng đất nước, xứng đáng là bộ đội cụ Hồ. 35 năm sau ngày thống nhất, ông đã được nhiều người biết đến với cái tên thân thương “ông già từ thiện”.
Ông già từ thiện kể về cuộc đời mình
Ông già từ thiện kể về cuộc đời mình

“Khắc tinh” của “đinh tặc”
Theo lời giới thiệu của cán bộ địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thành Long ở số nhà 85, tổ 9, đường Quy Lưu, phường Minh Khai, TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Nhà ông nằm giữa lòng thành phố náo nhiệt, nhưng chỉ vài bước chân qua cửa hàng nhỏ gia đình ông cho thuê, không khí phố xá ồn ào như lắng lại bởi giữa khoảng sân nhỏ vẫn xanh mướt những chậu cây cảnh, tiếng chim hót ríu rít. 
Ra đón chúng tôi là bà Xuyến vợ ông Long, trong khi bà rót nước mời khách thì ông Long từ trong nhà bước ra. Ông say sưa kể về câu chuyện đời mình, những lần ra Bắc vào Nam, những kỷ niệm với đồng đội và có lúc ngẫu hứng lên ông còn hát cho chúng tôi nghe. Quả thật nếu không gặp ông, tôi không nghĩ rằng một ông lão đã ngoài 80 mà còn yêu đời đến vậy. Khi nói về những kỷ niệm thời chinh chiến đôi mắt đục lòa của ông ánh lên bao cảm xúc. 
Là bộ đội miền Nam tập kết, sau hơn 40 năm sống ở đất Bắc, ông vẫn giữ chất giọng trầm ấm của người miền Nam. Đến nay, ông Long, bà Xuyến có 5 người con, đều thành đạt, người làm ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, người làm ở Bệnh viện Đa khoa, người làm ở ngành dược.

Lương hưu cộng với tiền cho thuê nhà đủ để hai ông bà có thể sống an nhàn, thế nhưng hơn 10 năm qua ông vẫn miệt mài ra đường đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày để nhặt đinh trên đường quốc lộ. Thoạt nhìn dáng người nhỏ thó, khuôn mặt gầy guộc, khắc khổ của ông Long, nhiều người sẽ nghĩ ông già này bị gàn dở, hoặc không có gia đình nên phải lang thang.

Thực ra, với ông nhặt phế liệu, nhặt đinh do bọn “đinh tặc” ném ra vừa là một việc làm nhằm giảm tình trạng ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, cũng là một nguồn thu để ông giúp đỡ cho người nghèo.

Việc ông làm không ít lần đã vấp phải sự phản đối ngay từ gia đình. Con cái ông đều thành đạt và có thể lo cho ông, họ không muốn ông ngày ngày ra đường nhặt phế liệu, nhỡ đâu có người quen nhìn thấy lại tưởng các con đối xử bạc đãi, rồi điều tiếng của người đời làm ảnh hưởng tới công việc của họ.

Còn các cháu ông thì sợ bạn bè cùng lớp nói là ông có vấn đề nên làm chuyện rỗi hơi. Hàng xóm láng giềng lúc đầu cũng nghĩ ông Long có bệnh hay làm chuyện vớ vẩn. Nhưng ông bỏ qua hết tất cả chỉ với một mong muốn đem sức lực của mình góp phần làm cho người khó khăn hơn mình đỡ khổ, xã hội tốt đẹp hơn.

Dần dần công việc của ông cũng được mọi người ghi nhận, cô cháu gái của ông còn xem ông là thần tượng, nó hãnh diện với bạn bè vì đi đâu cũng được hỏi thăm.
Bà Xuyến tâm sự: “Hơn 10 năm qua ông ấy cứ lủi thủi ở ngoài đường, mặc gia đình lo lắng khuyên ngăn. Tháng 12-2006, trong một lần đi nhặt phế liệu, đinh ốc ở trên QL 1A, trời gió rét ông bị tai biến mạch máu não, nằm ngay trên đường. May mà có người quen nhận ra và đưa ông vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu mới tai qua nạn khỏi. Gần một năm trời gia đình chăm sóc, thuốc thang ông mới phục hồi sức khỏe. Thế mà, đi lại được ông lại ra đường ngay”.

Bà Xuyến vừa nói xong, ông Long cười hồn hậu: “Tôi là lính cụ Hồ, vào sinh ra tử tôi còn chịu được. Bây giờ làm những việc nhỏ nhặt này tích đức, còn giúp được cho xã hội. Mất mát gì đâu”.
Một tâm hồn cao đẹp
Ông Long dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ, lấy ra rất nhiều giấy tờ chứng nhận: Ông Nguyễn Thành Long ủng hộ 2 triệu đồng cho đồng bào lũ lụt miền Nam (vụ cầu Cần Thơ sụp đổ); 19 triệu đồng (3 đợt) cho đồng bào bị bão lụt miền Trung; 2 triệu đồng cho Quỹ xóa đói giảm nghèo tỉnh Hà Nam; 1 triệu đồng cho Bà mẹ Việt Nam anh hùng khó khăn, 1 triệu đồng mua sách giáo khoa cho học sinh nghèo khó khăn...

Trong tổng số tiền 30 triệu đồng ông đã ủng hộ, có 20 triệu đồng ông tích góp được từ việc nhặt đinh rồi đem bán. Số còn lại ông trích một phần từ lương hưu.

Ông Long chia sẻ: “Tôi vẫn nhớ như in lời Bác dặn cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo giúp đỡ người nghèo. Bây giờ đời sống nhiều gia đình ở thành phố dư giả, nhiều người lãng phí vứt những đồ vật dụng ra đường, trong khi ở các vùng quê, miền núi đồng bào phải chịu cái đói, thiếu thốn mọi mặt. Thế nên, những năm qua tôi đã tận dụng cái lãng phí của nhà giàu đem biếu cho người nghèo”. 
“Tôi vẫn nhớ như in lời Bác dặn cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo giúp đỡ người nghèo
“Tôi vẫn nhớ như in lời Bác dặn cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa để lấy gạo giúp đỡ người nghèo
Năm nay ông đã bước qua tuổi 84, nhưng mái tóc vẫn còn xanh, lúc nào ông cũng nở nụ cười hiền hòa với mọi người. Và cũng ít ai nghĩ rằng, người đàn ông dáng người gầy gò, khuôn mặt khắc khổ với bộ đồ cũ kỹ hơn 10 năm qua cặm cụi nhặt phế liệu ngoài đường kia lại từng lăn lộn khắp các chiến trường Nam – Bắc, từng 3 lần được gặp Bác trong những cuộc vinh danh điển hình tiên tiến, chiến sĩ thi đua được Bác khen ngợi và 2 lần vinh dự được gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Những lần gặp Bác còn đọng mãi trong ký ức của ông. Trong căn phòng của ông Long, hình ảnh của Bác vẫn mãi được ông lưu giữ.

Nhìn lên bốn bức tường, hàng ngàn tấm ảnh, bài báo về Bác từ lúc Bác ra đi tìm đường cứu nước, lúc Bác ở Côn đảo, Bác cùng chiến sĩ chiến đấu, cùng nhân dân chăm lo xây dựng kinh tế... đến nay vẫn nguyên vẹn. Các tấm ảnh về đồng chí, đồng đội, các vị đại biểu cấp cao của Nhà nước qua các thời kỳ đến nay vẫn được ông lưu giữ.

Những bức hình của Bác mà ông lưu giữ được Bảo tàng Hà Nam mua lại với giá 16 triệu đồng nhưng ông không bán mà gửi về quê hương Bình Dương lưu giữ làm kỉ niệm.

Ngoài ra, ông Long còn có sở thích trồng cây cảnh, nuôi chim, sưu tầm tem báo và các loại tiền chính phủ đã được lưu hành từ trước tới nay. Những lúc rảnh rỗi, ông lại làm thơ, sáng tác nhạc…
"Kìa ngoài đồng, bông lúa vàng, cây cối đều tốt tươi
Ta đi cấy, trâu đi cày, xinh xắn thêm nhiều lên
Đây khoai bắp, kia trồng rau, tiếng giã gạo nhịp nhàng...”. 
Đặc biệt, ông Long còn biết tiếng Pháp, tiếng Nga. Ông kể, ông biết tiếng Pháp rất tình cờ, đó là vào năm 1946 trong khi bắt được lính Pháp, khai thác thông tin. Do hai thứ tiếng khác nhau nên việc khai thác thông tin rất khó khăn. Từ đó ông quyết tìm sách và học tiếng Pháp. Ông nói lại cho chúng tôi nghe những câu tiếng Pháp mà ông đã nói lúc khai thác thông tin khi bắt được lính Pháp.
Có một đoàn quay phim ngỏ ý muốn xây dựng một tập phim về ông, về một người lính thời bình mang tâm hồn cao đẹp. Một người bạn của ông Long nhận xét: “Ông ấy là người hiếm gặp với công việc lạ đời nhưng mang lại lợi ích cho cộng đồng và mọi người cần học tập làm theo”. Trước khi chúng tôi ra về, ông Long đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ mà ông tâm đắc: 
“Quang minh chính trực xuân vô hạn 
Xử thế công bằng lộc tự nhiên
Ngày mai Long xa đời vĩnh cửu
Cả đời Long vì nước, vì dân”.
Theo PLXH