Người thầy thuốc Pháp có trái tim Việt

26/02/2012 06:00
Theo SK&ĐS
Người chúng tôi muốn nói đến là GS. Chirstian Dao - nguyên Trưởng khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Neilly sur Sein Paris (Pháp), là bác sĩ cố vấn của Tổng thống Pháp.

Ðó là một con người giản dị, chân thành và rất vui tính, người thầy giáo của rất nhiều thế hệ thầy thuốc thành đạt ở Việt Nam như PGS.TS. Ðỗ Doãn Lợi – Phó Giám đốc Bệnh viện  Bạch Mai, TS. Nguyễn Thu Hương – Phó Giám đốc Bệnh viện Thận Hà Nội, TS. Nguyễn Vĩnh Hưng – Trưởng khoa Thận - Tiết niệu Bệnh viện E…

Giáo sư đã tham gia giảng dạy tại Việt Nam 13 năm liên tục từ năm 1991, đã đào tạo cho 11 bác sĩ Việt Nam tại Pháp.

Duyên nợ Việt Nam

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, vị giáo sư già mỉm cười và nói “tôi đến đất nước này là duyên nợ”. Bởi lẽ khi đã thành danh tại xứ sở kinh đô của ánh sáng Paris hoa lệ, ông đã từng đi khắp các nước trên thế giới từ những nước nghèo đến những nước giàu có, đã từng được rất nhiều bệnh viện, phòng thí nghiệm nổi tiếng trên thế giới mời đến làm cán bộ giảng dạy, chữa bệnh bằng tài năng và trí tuệ của mình.

Ông có thể có được một vị trí nào đó rất quan trọng. Vậy mà ông đã chọn làm việc tại một bệnh viện công phía Bắc Paris, nơi có nhiều người nghèo, người lao động và cống hiến tất cả trái tim, trí tuệ của người thầy thuốc.
GS. Chirstian Dao (thứ 2 từ phải sang) trong một buổi hội chẩn với các bác sĩ Việt Nam tại Bệnh viện E.
 GS. Chirstian Dao (thứ 2 từ phải sang) trong một buổi hội chẩn với các bác sĩ Việt Nam tại Bệnh viện E.

Trong quá trình làm việc tại Bệnh viện công Paris, ông đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn đào tạo cho rất nhiều thế hệ học sinh của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Anh, Đức... Nhưng rồi, ở cái tuổi 50, cái tuổi đã hiểu rành rẽ cuộc đời, ông lại tình nguyện sang Việt Nam và đón nhận những học sinh Việt Nam. GS. Chirstian Dao sang Việt Nam từ những năm đầu 90 của thế kỷ trước.

Những năm đó, ở Paris nơi ông sinh ra điều kiện kinh tế-xã hội đã phát triển hơn rất nhiều. Trong khi đó, ở Việt Nam, điều kiện sinh hoạt kham khổ, nghèo nàn… Ông đã khắc phục mọi khó khăn từ rào cản ngôn ngữ đến điều kiện sinh hoạt để truyền đạt cho các sinh viên Việt Nam yêu quý của mình những kiến thức mà mình có.

“Tôi chọn dạy các bạn sinh viên Việt Nam như một lẽ tự nhiên, bởi trong con người tôi mang dòng máu Việt. Tôi yêu Việt Nam và muốn gắn bó với đất nước Việt Nam vì đó là quê cha đất tổ của mình, hơn nữa, bằng nhãn quan của người thầy giáo, tôi luôn tin tưởng và đánh giá cao các sinh viên Việt Nam, bởi tôi nhận thấy ở họ có một tấm lòng thủy chung, một nghị lực phi thường và đặc biệt là sự thông minh chăm chỉ...”. GS. Chirstian Dao đã tâm sự như vậy, khi được hỏi tại sao ông lại chọn sang Việt Nam đào tạo cho các sinh viên y khoa.

GS.Chirstian Dao là người Pháp lai Việt, ngay từ nhỏ ông đã được nghe kể rất nhiều về Việt Nam. Nhưng cho đến 50 tuổi ông mới được sang Việt Nam, mới được tận mắt chứng kiến quê hương “trong mơ ước” của mình. Vì thế, ông đến với Việt Nam bằng tình yêu và cả trách nhiệm của một người đang mang trong mình dòng máu ấy.

Khi đến Việt Nam, được đắm mình trong những làn điệu dân ca mượt mà đậm chất đồng quê, được trò chuyện tìm hiểu về văn hóa, phong tục Việt Nam, ông thấy mình thật may mắn và tự hào. Đôi khi bà vợ ông hỏi vì sao ông lại yêu quý đất nước Việt Nam  đến như vậy? Ông chỉ mỉm cười và đặt bàn tay lên ngực mà nói, vì trong trái tim ông có một phần của Việt Nam trong đó. Và cho đến tận bây giờ, sau 20 năm, sự lựa chọn và nhìn nhận của ông về các sinh viên y khoa Việt Nam đã không lầm.

Người thầy đáng kính

Trong ký ức của BS. Nguyễn Vĩnh Hưng, Trưởng khoa Thận - Tiết niệu Bệnh viện E, học trò của ông, luôn tự hào về người thầy đáng kính của mình: “GS. Chirstian Dao  là người thầy tận tâm với học trò, đặc biệt quan tâm đến sinh viên Việt Nam, người thầy đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong cảnh sống xa nhà, lạ lẫm về phong tục văn hóa… Tôi và những người bạn của mình đã nhận được sự giúp đỡ tận tâm của thầy và gia đình. Khi ấy, khoảng cách Paris - Hà Nội còn rất xa, công nghệ thông tin không hiện đại như bây giờ, nhưng thầy đã bao lần bỏ tiền túi của mình để chi trả cho cước phí liên hệ điện thoại từ Pháp về Việt Nam. Có lần, một sinh viên Việt Nam sang Pháp học do vốn ngoại ngữ hạn chế nên việc tiếp thu bài chậm hơn so với các bạn khác.
Ông giáo già băn khoăn và ái ngại cho học trò, ông đã cố gắng tìm người trong khoa có tính tình thân thiện, cởi mở, biết tiếng Việt dẫn anh sinh viên đó đi chơi, đi học, đi giao lưu văn hóa, giao lưu với các nhóm lưu học sinh khác để nâng cao khả năng ngôn ngữ và thích ứng dần với văn hóa Pháp. Nhờ sự quan tâm của ông và các thầy cô trong khoa, sau 3 tháng, sinh viên này đã làm việc và học tốt như những lưu học sinh khác. Ông đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh đến sự thân thiện, bởi lẽ thân thiện sẽ là liều thuốc tốt nhất ngăn mọi rào cản về ngôn ngữ văn hóa để hòa đồng với nhau, phải hòa đồng và học hỏi thì mọi công việc sẽ rất tốt. GS. Chirstian Dao luôn nói với các học trò của mình rằng “kết thúc công việc của một người thầy là điểm bắt đầu của người học trò”.
 
GS. Chirstian Dao trò chuyện với phóng viên
GS. Chirstian Dao trò chuyện với phóng viên 
Ông cũng luôn luôn khuyên các học sinh của mình “người thầy thuốc phải luôn ở bên cạnh bệnh nhân, nói chuyện trực tiếp với người bệnh, lắng nghe bệnh nhân, xem từng dấu hiệu của bệnh, hãy làm việc với bệnh nhân và chẩn đoán trên giường bệnh, như vậy hiệu quả sẽ cao và tình cảm tâm lý của bệnh nhân sẽ tốt…”. Những lời dạy dỗ, khuyên nhủ của ông luôn được những người học trò ghi nhớ. Trở lại Việt Nam sau 20 năm gặp lại các học trò năm xưa của mình, người thầy cảm động và tự hào vì mình đã đóng góp một phần nhỏ bé cho nền y học Việt Nam những người thầy thuốc, những nhà khoa học. Các bác sĩ Việt Nam ngày nào, những học trò yêu quý của ông đã trưởng thành và có một chỗ đứng trong xã hội, họ đang đóng góp vào sứ mệnh chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho những người dân Việt Nam.
Cầm trên tay những quyển sách mà học trò tặng dù không thể đọc hiểu hết bằng tiếng Việt, nhưng ông vẫn cảm thấy sự ấm áp tình cảm của những người học trò đối với mình: “Cái lớn lao nhất mà tôi cảm nhận được ở họ đó là sự vững tin trong nghề nghiệp, là trí tuệ, là cách tư duy công việc, tôi thật sự thấy vui và hạnh phúc mỗi khi biết những học trò nhỏ bé của mình ngày nào, bây giờ đã có những vị trí quan trọng, đó là món quà lớn nhất với một người thầy”. Có lẽ, với ông khi đi qua một phần trong hành trình dài của công việc và cuộc đời, ông thấu hiểu rằng cái để lại không chỉ là những người bệnh được cứu chữa mà còn là những thế hệ học sinh đang thực hiện những phần mà người thầy còn dang dở. Đó chính là điều giản dị mà cao quý của bất kỳ một người thầy giáo, thầy thuốc nào.
Cứ mỗi năm, 1 học sinh Việt Nam lại được đến với ông để được học từ người thầy những kiến thức chuyên môn hiện đại, những khả năng tư duy logic về bệnh tật và học cả cách làm người. 13 năm ông đã đào tạo được 11 lưu học sinh Việt Nam. Những bác sĩ với tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ đã đến học tại bệnh viện của ông và ngày nay họ đã trở thành những người thầy thuốc cốt cán, những người thầy giáo - thầy thuốc với tấm lòng nhân ái và có nền tảng về mặt khoa học, đang ngày đêm đóng góp vào sự nghiệp chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân Việt Nam.
Trong quãng thời gian khó khăn của quá trình đi lên của một đất nước, đã có rất nhiều người bạn lớn cùng GS. Christian Dao đến làm việc, chứng kiến đất nước con người Việt Nam thay đổi và tiến lên từng ngày. Có thể, những đóng góp của họ chỉ là rất nhỏ, nhưng đã mang lại những kết quả tốt đẹp cho đất nước. Thời gian vẫn cứ trôi đi và bốn mùa luôn luân chuyển, nhưng khoảng cách về địa lí dường như ngắn lại. Đường bay thẳng Hà Nội - Paris chỉ còn 13 tiếng và cơ hội được gặp gỡ của người học trò với những người thầy của mình càng nhiều hơn. Nền y học Việt Nam đã có nhiều công trình khoa học tiêu biểu, nhiều báo cáo trong các hội nghị quốc tế.
Thầy và trò lại được gặp nhau trong những hội nghị chuyên ngành như vậy. GS. Christian Dao tâm sự: “Trước đây chỉ là những học trò Việt Nam nhỏ nhắn, chăm chỉ, giờ đây thầy trò đã trở thành những người bạn đồng nghiệp”. Và họ, những thầy thuốc Việt Nam đang tiếp nối con đường của một người thầy thuốc, thầy giáo đã đi qua. Những kỷ niệm về người thầy Pháp và học trò Việt Nam có lẽ sẽ mãi mãi xanh tươi như những hàng cây rủ bóng trên mặt nước hồ Tây, hay trong khu vườn Luxembourg yên tĩnh.

Lại một mùa đông nữa trôi qua, mùa xuân lại đến. Một năm mới lại bắt đầu cho những công việc mới. Vị giáo sư già lại bắt đầu rong ruổi trên những nẻo đường Việt Nam để tìm hiểu nhiều hơn nữa về quê hương Việt Nam.     

Theo SK&ĐS