Nữ giám đốc trẻ mang ngôn ngữ cho người khiếm thính

17/02/2012 06:00
Đỗ Quyên Quyên
(GDVN) - Sinh năm 1988, Lê Thị Thanh Hoa đã tự mình thành lập và đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm đào tạo ngôn ngữ ký hiệu.
Sử dụng ngôn ngữ ký hiệu như ngôn ngữ mẹ đẻ
Lê Thanh Hoa chia sẻ về niềm đam mê ngôn ngữ không lời: “Suốt 2 tháng trời, ngày nào cũng thế, mình dành tới 22 tiếng một ngày cho việc học ngôn ngữ ký hiệu. Ăn cũng học, thậm chí tối đi ngủ cũng nghĩ đến nó”. Kết quả là chỉ sau 2 tháng, Thanh Hoa có thể là phiên dịch cho Chi hội người điếc Hà Nội trong khi với người bình thường khác phải mất ít nhất 6 tháng. 
Hoa cho rằng, trong xã hội mỗi người đều có cách riêng làm việc tốt
Hoa cho rằng, trong xã hội mỗi người đều có cách riêng làm việc tốt
Lê Thanh Hoa đã có 5 năm gắn bó với CLB: “Khi ra trường, chưa xin được việc, mình nghĩ phải kiếm một lớp gì đó học cho đỡ buồn. Lên mạng tìm kiếm, thấy lớp học ngôn ngữ ký hiệu, mình đăng ký học ngay.” Ban đầu Lê Thanh Hoa học ngôn ngữ ký hiệu do tò mò, muốn tìm hiểu một ngôn ngữ mới lạ. Sau đó, Hoa yêu công việc của mình đơn giản vì nó có ích cho cộng đồng người khuyết tật nói chung và người khiếm thính nói riêng. 
Hoa cho rằng, trong xã hội mỗi người đều có cách riêng làm việc tốt. Làm việc với người khiếm thính, Hoa củng cố kỹ năng giao tiếp, thấy tuổi trẻ của mình ý nghĩa hơn, học hỏi được những giá trị nhân văn cao cả. 

Những kỷ niệm không quên

Trong quá trình tham gia CLB, Lê Thanh Hoa có những kỷ niệm đáng nhớ. Thanh Hoa kể, khi gặp vấn đề không hiểu, các bạn khiếm thính thường hỏi mình, nếu không gặp trực tiếp họ sẽ nhắn tin. Có một lần Hoa bị ốm, không thể nhắn tin trả lời được. Mặc dù nhà xa, trời nắng nhưng tới buổi chiều các bạn đã tới tận nhà của Hoa và động viên bằng ngôn ngữ ký hiệu “Hoa cố gắng khỏe nhé, thương lắm”. Chỉ điều này thôi cũng đủ để Thanh Hoa gắn bó lâu dài với các bạn.
Làm việc với người khiếm thính, Hoa củng cố kỹ năng giao tiếp, thấy tuổi trẻ của mình ý nghĩa hơn, học hỏi được những giá trị nhân văn cao cả.
Làm việc với người khiếm thính, Hoa củng cố kỹ năng giao tiếp, thấy tuổi trẻ của mình ý nghĩa hơn, học hỏi được những giá trị nhân văn cao cả.
Một kỷ niệm khác, trong chương trình “Điều kỳ diệu của cuộc sống”, Hoa đứng phiên dịch cho anh Hải Vân, một người khiếm thị. Sau đó anh Vân hát bài “Hãy yêu nhau đi”, nhưng do không nhìn thấy gì nên đến lúc hát anh quay lệch hướng với khán giả. Thanh Hoa đã đỡ ra anh quay lại, anh cứ thế nắm chặt tay Hoa cho đến khi hết bài hát, rồi ôm Hoa vào lòng nói: “Cảm ơn em”. Hoa đã rất xúc động, như một khoảnh khắc không thể nào quên trong suốt cuộc đời.

Doanh nhân xã hội 2011

Lê Thanh Hoa (Phó chủ nhiệm CLB Ngôn ngữ ký hiệu) tốt nghiệp cử nhân ngành kế toán Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sau khi ra trường, cô lại không theo đúng chuyên ngành mà làm: công tác xã hội. Thanh Hoa đã từng tham gia làm cộng tác viên với khá nhiều báo lớn, các công ty truyền thông, đài truyền hình và đặc biệt là cộng tác với các tổ chức tình nguyện từ thiện.
Đam mê ngôn ngữ ký hiệu tới nỗi Lê Thanh Hoa đã từ bỏ học bổng đi nghiên cứu sinh về phiên dịch ngôn ngữ ký hiệu tại Nhật. Đồng thời cô cũng không tham gia hội thảo nâng cao nhận thức và lãnh đạo cho người khuyết tật ở Thái Lan để tập trung nghiên cứu và làm dự án thành lập Trung tâm Đào tạo và nghiên cứu ngôn ngữ ký hiệu. Đến nay, song song với các lớp dạy ngôn ngữ ký hiệu, Trung tâm của Hoa còn mở rộng mảng đào tạo phiên dịch, tư vấn và nghiên cứu tổng hợp về ngôn ngữ ký hiệu.
Cuối năm 2011, Lê Thanh Hoa là 1 trong 15 người đoạt giải thưởng Doanh nhân xã hội. Giải thưởng hỗ trợ 7000 USD trong 12 tháng cho dự án. Nữ giám đốc trẻ Thanh Hoa sẽ được hỗ trợ về kiến thức và kỹ năng quản lý doanh nghiệp, truyền thông để thực hiện các đề án đạt được những mục tiêu xã hội đề ra. Giải thưởng này là món quà khích lệ, tiếp sức cho Hoa. Một cô gái trẻ với phẩm chất doanh nhân, niềm đam mê và khát vọng cống hiến cho sự phát triển của xã hội và cộng đồng
Đỗ Quyên Quyên