'Bún mắng cháo chửi', ông Tây chặn xe qua con mắt Tùng Dương

08/07/2012 06:40
Quốc Khánh
(GDVN) - Tùng Dương là một trong những ca sỹ luôn nặng lòng với các giá trị văn hóa truyền thống. Anh tìm tòi, khám phá những thể loại, cách thể hiện mới trong âm nhạc để cống hiến cho khán giả những sản phẩm âm nhạc thực sự có giá trị.
Không chỉ thế, Tùng Dương còn là một người sống ở Hà Nội từ khi còn nhỏ. Những thay đổi của Hà Nội, văn hóa ứng xử của người Hà Nội với anh rất đỗi quen thuộc. Nhân chuyện “bún mắng cháo chửi” đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận, phóng viên báo Giaoduc.net.vn đã có cuộc trao đổi ngắn với Tùng Dương về văn hóa phục vụ của người Hà Nội. Mặc dù đang rất bận rộn với vai trò giám khảo của chương trình Sao mai điểm hẹn nhưng Tùng Dương đã dành cho chúng tôi một cuộc trò chuyện khá thú vị.

- Là một người sống ở Hà Nội từ khi còn nhỏ, đã bao giờ Tùng Dương gặp trường hợp “bún mắng cháo chửi" chưa?

Bún mắng cháo chửi thì Dương chưa gặp lần nào nhưng cũng có rất nhiều các dịch vụ khác cũng tương tự như vậy. Văn hóa ẩm thực của Hà Nội rất đa dạng, rất ngon, rất hấp dẫn. Tuy nhiên, những người sống ở Hà Nội nhiều khi họ thể hiện cái tôi của mình quá lớn nên có những cách phục vụ không làm hài lòng thực khách. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể đánh đồng tất cả. Bởi hiện tượng bún mắng, cháo chửi hay những cách phục vụ không nhã nhặn khác là tính cách của từng cá nhân chứ không thể quy kết rằng đó là một đặc trưng của người Hà Nội.


Nhưng hiện tượng xua đuổi, chửi bới ấy cũng gây những ức chế cho khách hàng. Và cung cách bán hàng theo kiểu “bún mắng cháo chửi” chỉ có thể phục vụ cho những ai chịu được phong cách của họ thôi. Khách du lịch sẽ chọn những nơi sạch sẽ, có sự phục vụ tốt ở mọi khâu chứ họ sẽ không bao giờ quay lại những cái quán mà họ đã bị chửi nữa.

- Nếu Tùng Dương gặp hoàn cảnh đi ăn bị “chửi”, anh sẽ làm gì?

Chắc chắn, tôi sẽ đứng dậy và đi luôn chứ không tiếp tục ở đó nữa.

- Có người nói, chính người dân quê (người ở tỉnh lẻ) sống ở Hà Nội đã làm “bẩn” văn hóa của người Hà Nội?

Nói như vậy có phần quá đáng. Bởi mỗi người đều có công ăn việc làm khác nhau. Họ đều là những công dân tốt nên chúng ta không được phép kỳ thị người ở quê hay người ở phương xa đến. Nói rằng người ở quê làm “bẩn” văn hóa người Hà Nội là có sự kỳ thị rồi. Và sự kỳ thị đó hoàn toàn không tốt. Quan trọng là bạn có năng lực, làm tốt công việc mà bạn yêu thích chứ không phải bạn xuất phát từ đâu.

- Nhưng hiện nay, hai khái niệm “người Hà Nội gốc” và “người tỉnh lẻ” vẫn được dùng rất phổ biến?

Đó thực sự là một sự phân biệt. Tuy nhiên, Dương thấy rằng, số lượng người Hà Nội cổ (gốc Hà Nội) chiếm một tỷ lệ rất nhỏ. Họ có thể họ đi làm ăn, sinh sống ở chỗ khác. Còn những người đang sống ở Hà nội cũng bị “lai căng”. Có thể họ sinh ra ở Hà Nội nhưng cha mẹ họ lại không phải người Hà Nội. Khái niệm Hà Nội gốc bây giờ cũng không rõ ràng. Nhưng theo tôi, cái quan trọng nhất để đánh giá những người sống ở Hà Nội là năng lực, khả năng, ý thức của họ khi sống ở Hà Nội.

- Trở lại chuyện văn hóa ứng xử của người Hà Nội. Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao việc một “ông Tây” đứng  ra điều khiển giao thông ở Hà Nội nhưng lại vấp phải những hành động không hay của những người tham gia giao thông vi phạm luật. Đó phải chăng là một biểu hiện của văn hóa ứng xử của người Hà Nội hiện nay?

Theo tôi, đó là văn hóa ứng xử của người sống ở Hà Nội thì chính xác hơn. Sự việc đó cũng cho thấy ý thức của người tham gia giao thông quá kém làm cho một người nước ngoài cũng không thể chịu được mà phải hành động. Đó sẽ trở thành một hình ảnh không đẹp trong mắt của họ khi nghĩ về người Việt Nam.


Những hành động rất nhỏ như nhặt rác, chấp hành luật giao thông mà không làm được thì sẽ khó có thể làm việc gì khác. Và khi người ta dám vượt đèn đỏ thì trong cuộc sống, họ cũng sẵn sàng vượt qua những giới hạn khác. Chỉ qua một hành động nhỏ, người ta cũng có thể đánh giá họ là con người như thế nào.

- Theo anh, âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung có thể “cải tạo” được những hiện tượng chưa tốt trong văn hóa ứng xử của những người sống ở Hà Nội?

Nghệ thuật có một sức mạnh lớn trong việc “cải tạo” ý thức của con người. Những bài hát tuyên truyền cổ động, những buổi tuyên truyền bằng các vỡ diễn… tại các trường đại học có thể sẽ tác động mạnh vào ý thức của các bạn trẻ. Và như vậy, nó sẽ làm thay đổi một phần ý thức của mỗi con người trong việc xây dựng một nền văn hóa văn minh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

- Xin cám ơn anh!
Quốc Khánh