Đào Anh Khánh lý giải ánh mắt bí ẩn 'soi' thí sinh Got Talent

11/12/2012 08:59
Thảo Nguyên
(GDVN) - Anh cũng nhận xét về tiết mục múa đương đại của thí sinh Vietnam Got Talent trong tập 1: "Phần trình diễn của Đoàn Thị Minh Hoàn rất xuất sắc".

- Vừa qua, khán giả bất ngờ khi thấy anh xuất hiện tại Vietnam's Got Talent. Anh có thường xuyên tới xem các chương trình truyền hình thực tế?

Tôi ít có dịp xem chương trình truyền hình thực tế. Tôi hiểu nó đem lại sự giải trí cho khá đông tầng lớp nhân dân, tuy nhiên chất lượng thông tin, giá trị thẩm mĩ, tầm kiến thức thường còn thấp và khá xa lạ với những vấn đề về nghệ thuật.

Đưa ra những chương trình để công chúng có cơ hội tiếp cận gần hoặc trực tiếp là rất tốt, song phải có hướng những cách nhìn đa dạng khác nhau để công chúng có cơ hội đưa ra chính kiến của mình.

- Trong chương trình VietNam's Got Talent vừa rồi, khi xem tiết mục múa đương đại của thí sinh Đoàn Thị Minh Hoàn khán giả thấy anh nở 1 nụ cười rất tươi. Điều gì đã khiến anh thích thú như vậy?

Tôi có đến dự buổi trình diễn của thí sinh Đoàn Thị Minh Hoàn để xem và cổ vũ cho thí sinh này, vì Hoàn là 1 trong những diễn viên chính của chương trình Đáo xuân 7, Rừng tóc xanh… do tôi làm đạo diễn.

Tôi rất vui và tin tưởng vì nhìn thấy khả năng của Hoàn. Tuy chưa qua trường lớp múa nào, nhưng cô đầy nhiệt huyết, đam mê và cả năng lực để dấn thân đi xa hơn trên con đường tìm tòi và phát triển nghệ thuật múa đương đại – một loại hình đã phát triển mạnh mẽ nhiều nơi trên thế giới nhưng còn đang khá xa lạ ở Việt Nam.

Thí sinh Đoàn Thị Minh Hoàn trên sân khấu Vietnam Got Talent đêm thi đầu tiên.
Thí sinh Đoàn Thị Minh Hoàn trên sân khấu Vietnam Got Talent đêm thi đầu tiên.

- Anh đánh giá thế nào về phần trình diễn của Đoàn Thị Minh Hoàn?

Tôi nghĩ là xuất sắc. Từ ý tưởng đến phương pháp thể hiện, cô phát huy được tổng hợp 1 cách logic các yếu tố tạo hình, chuyển động của cơ thể, gắn kết được sự hỗ trợ từ các tác phẩm sắp đặt, âm nhạc, video, phục trang, ánh sáng…

Tuy nhiên, tôi biết do điều kiện phương tiện không cho phép nên phần hiệu quả của video hơi bị phân tán thị giác người xem, đúng như phần nhận xét của BGK. Nhìn chung, với ý tưởng bảo vệ môi trường quen thuộc, Hoàn đã đưa được cách thể hiện ấn tượng, mạnh mẽ và mới mẻ về thực trạng môi trường đến với người xem 1 cách đa dạng, sâu sắc và mang đầy tính nghệ thuật thưởng thức.

- Thí sinh này có nói: “Nghệ thuật không có cái mới là nghệ thuật chết”. Anh nghĩ gì về điều đó?

Nếu nhìn từ góc độ phát triển thì điều này hoàn toàn đúng. Nó đúng với cả bản thân người nghệ sĩ, đúng với quá trình phát triển của nghệ thuật, đúng với cả con người và vũ trụ này bởi vì bất cứ một đối tượng nào không còn vận động thay đổi để tạo ra cái mới đều có thể coi là “đã chết”.

Nếu không vì cái mới thì loài người cần gì phải sáng tác thêm. Vì vậy, sáng tạo ra cái mới đó chính là sức sống, là sứ mệnh của nghệ thuật, của nghệ sĩ. Nếu không tạo ra cái mới chúng ta không có nghệ sĩ mà chỉ có những người giỏi tay nghề, khéo léo, những người chuyên đi nhai lại quá khứ, núp bóng chay ông mà thôi.

Tuy nhiên, tất cả những tác phẩm nghệ thuật đã định hình hoặc đã là quá khứ nếu nó có giá trị thẩm mĩ thực sự thì giá trị ấy vẫn tồn tại và giúp ích cho sự phát triển và tạo ra cái mới.

Nụ cười mãn nguyện và ánh mắt khó hiểu của nghệ sĩ Đào Anh Khánh khi xem Đoàn Thị Minh Hoàn biểu diễn.
Nụ cười mãn nguyện và ánh mắt khó hiểu của nghệ sĩ Đào Anh Khánh khi xem Đoàn Thị Minh Hoàn biểu diễn.

- Phần nhận xét của Ban giám khảo có thỏa đáng không?

Tôi đồng ý với nhận xét của BGK.

- Bên cạnh một số ý kiến khen Đoàn Thị Minh Hoàn, vẫn có quan điểm nói phần biểu diễn này khó hiểu? 

Tôi không nhất trí với ý kiến cho rằng phần trình diễn của Đoàn Minh Hoàn là khó hiểu cũng như nói nghệ thuật đương đại hầu như đều khó hiểu. Ý kiến trên đúng 1 phần bởi vì phần lớn công chúng ở Việt Nam đều chưa có cơ hội tiếp cận với ngôn ngữ của nghệ thuật đương đại, thường quen tiếp cận nghệ thuật theo cách nhìn giải nghĩa nội dung tác phẩm theo lời minh họa trực diện mà không quan sát, không cảm từ góc độ tự duy mới, ngôn ngữ mới, dẫn dắt mới… vì vậy trở nên lung túng và khó hiểu.

Tất nhiên nghệ thuật đương đại đang đi tìm và đi trên 1 con đường mới. Ai muốn biết cần phải tiếp cận và tìm hiểu, cảm nhận về nó. Khi người xem đã có được nhận thức tốt về nền tảng thẩm mĩ và cả sự phát triển của nó thì nghệ thuật đương đại cũng trở nên rất gần gũi, sâu sắc và hấp dẫn.

Một điều nữa, trên thực tế, rất nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc không phải tạo ra để biểu lộ nội dung gì. Không nên hoặc không thể nói đến nội dung ý nghĩa mà chỉ để cảm nhận và đem lại giá trị giải trí, nâng cao cảm thụ cái đẹp của con người mà thôi. Cái đẹp mà chỉ luôn chạy theo thể hiện nội dung ý nghĩa thì đôi khi nó trở nên cứng đơ, không thể gặm nổi.

- Nhắc đến nghệ thuật đương đại thì người ta nghĩ ngay đến từ “quái” và đây chính là 1 đặc trưng khó tách rời của nghệ thuật đương đại?

Từ “quái” gắn với nghệ thuật đương đại vừa đúng vừa không đúng. Nếu hiểu “quái” là sự khôn ngoan, tìm tòi để tạo nên cái cá biệt, bất bình thường, gây ấn tượng cho người thưởng thức thì điều đó là đúng. Nghệ thuật đương đại là bước phát triển mới về tư duy nghệ thuật của con người.

Nó mở rộng hơn rất nhiều về quan niệm nghệ thuật, không phải chỉ là sự thay đổi về chất liệu, phương pháp thể hiện, môi trường và không gian nghệ thuật, cách tiếp cận giữa con người và nghệ thuật nói chung mà còn là sự thay đổi của 1 con đường mới, loại hình nghệ thuật mới mà trước đây chưa từng có.

Người nghệ sĩ có rất nhiều sự lựa chọn mới mà trước đây chưa hề quan niệm đó là nghệ thuật, hoặc có thể sử dụng để làm nghệ thuật. Và vì vậy, hầu như nó là mới lạ, mà người ta có thể gắn cho nó với khái niệm “quái”.

Khái niệm “quái” còn dành cho những người nghệ sĩ biết chắt lọc từ những chất liệu bình thường, những đối tượng và vấn đề bình thường mà tác phẩm của họ vẫn trở nên độc đáo, tinh tế, mạnh mẽ, sâu sắc và phong phú.

Tất nhiên từ “quái” sẽ không thích hợp khi những biểu hiện của nó chỉ mang tính hình thức, kỳ quặc bề ngoài mà không chuyển tải thông tin gì, cũng như không đem lại những giá trị gì về thẩm mĩ. Để phân biệt được sự khác nhau giữa hai cái “quái” này, đôi khi không dễ dàng gì, ngay cả với các nghệ sĩ. Theo tôi, thái độ của người xem nên là tôn trọng. Còn với thời gian, cái “quái” nếu nó phù hợp với quy luật phát triển, thực sự đem lại giá trị thưởng thức về thẩm mĩ thì nó sẽ tồn tại, còn không nó sẽ tự bị đào thải.

Nếu hiểu từ “quái” trong nghệ thuật theo đúng nghĩa của nó thì đặc điểm này không dành riêng cho nghệ thuật đương đại mà nó là sự cần thiết trong hoạt động của các nghệ sĩ trên tất cả các loại hình khác. Bở nó là một trong những đặc điểm tạo nên dấu ấn cá nhân, cá tính khác nhau giữa các tác phẩm, giữa các nghệ sĩ và vì thế nghệ thuật cũng trở nên phong phú, sâu sắc hơn.
Nghệ thuật nào ở đỉnh cao cũng “kén” khản giả. Bởi ở đó người xem phải được tôi luyện, học hỏi để có thể cảm hết những giá trị thẩm mĩ tinh tế, tư duy sâu sắc, trí tuệ. Nghệ thuật đương đại ở giai đoạn đầu kén khán giả bởi nó còn mới mẻ, và bởi nó là phần tiếp theo của một chặng đường dài phát triển tư duy của con người theo đồ thị đi lên, cùng với sự tiến bộ khác của khoa học và văn minh. Rồi một ngày, nó sẽ lại trở nên phổ biến và sẽ phải nhường chỗ cho một loại hình nghệ thuật nào đó mới xuất hiện, lúc đó nó sẽ “kén” khán giả như nghệ thuật đương đại mà thôi.

- Xin cảm ơn anh!
Thảo Nguyên