Dương Thùy Linh: "Tính toán trong hôn nhân là cần thiết"

03/09/2011 07:00
Văn Trinh
(GDVN) - Hoa hậu thân thiện Hoàn vũ Việt Nam 2008 Dương Thùy Linh đang rất hạnh phúc, con trai đầu lòng Nguyễn Việt Anh của chị được gần 5 tháng tuổi.

(GDVN) - Hoa hậu thân thiện Hoàn vũ Việt Nam 2008 Dương Thùy Linh đang rất hạnh phúc, con trai đầu lòng Nguyễn Việt Anh của chị được gần 5 tháng tuổi.

Chị khoe, Việt Anh không quá nặng ký, nhưng trộm vía bé xinh xắn, bụ bẫm và phát triển tốt. Cháu đã biết lẫy, nói chuyện nhiều với bố mẹ. Tên thân mật của Việt Anh ở nhà là “Tót” do bố đặt, vì hy vọng cháu khỏe mạnh như… bò tót.

Nói về cảm giác lần đầu làm mẹ, Dương Thùy Linh bộc bạch: Vui vẻ, hạnh phúc và luôn thèm ngủ vì phải thức canh chừng “cu tí”. Mỗi ngày trôi qua, chị đều cảm nhận được sự lớn lên của con trai. Chị thấy mình dễ khóc, dễ cười và dễ xúc động hơn xưa.

Kết hôn cũng cần phải môn đăng hộ đối

- Dương Thùy Linh từng lên báo trả lời phỏng vấn rằng: chị sống ở gia đình chồng nhiều khi còn thấy thoải mái hơn nhà cha mẹ đẻ. Đó là do chị biết làm “dâu thảo” hay bố mẹ chồng hết lòng yêu chiều chị?


Điều này có lẽ trước hết là vì bố mẹ chồng rất chiều Linh. Và, thêm nữa vì trước đây ở nhà bố mẹ đẻ Linh rất nghiêm khắc nên Linh cảm thấy ở nhà chồng có phần "dễ thở" hơn (cười). Tuy nhiên Linh nghĩ một phần là bản thân cũng luôn cố gắng đối xử với bố mẹ chồng tốt nhất, chân thành nhất nên bố mẹ mới thương như vậy. Đôi khi Linh thành thật và chân thành quá nên bị mọi người trong nhà trêu là thiếu tinh tế đấy! Nhưng mà thôi, mất lòng trước, được lòng sau mà. Mẹ đẻ của Linh thường dạy là nên yêu thương nhà chồng như nhà đẻ thì mới hạnh phúc được.

alt
Trước khi lấy chồng, Thùy Linh rất kém nữ công gia chánh.
 

Linh là một người rất sợ sự tan vỡ, thế nên phải gần tới tuổi băm mới chịu kết hôn vì kén quá. Linh nghĩ khi đi lấy chồng, mình không chỉ lấy người chồng của mình, mà còn lấy luôn cả gia đình nhà anh ấy. Thế nên khi chọn chồng, Linh phải kén luôn cả gia đình người ta nữa. Rất may mắn, gia đình nhà anh Thắng (chồng Thùy Linh – PV) có một nền tảng rất tốt. May mắn hơn nữa, là mọi người cũng ưng Linh. Điều đó ảnh hưởng 1 phần khá lớn tới quyết định kết hôn của Linh.

- Như vậy, dù yêu 1 người đàn ông nhưng nếu xét thấy bố mẹ anh ta “không ổn”, chị sẽ không kết hôn?


Có thể là như vậy. Không ổn ở đây không hẳn là ở sự giàu sang vật chất mà là văn hóa sống của họ. Người đàn ông ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa gia đình. Chẳng hạn, trong gia đình bố mẹ đối xử với nhau như thế nào thì về sau con cái - dù muốn hay không muốn cũng sẽ lặp lại nhiều điều như vậy.

Ngay chính Linh cũng vậy, trước đây, lúc chưa lấy chồng, Linh rất kém về mặt nữ công gia chánh bởi đơn giản không bao giờ phải làm việc nhà. Mẹ đẻ của Linh thường đặt nặng công tác xã hội hơn so với việc nhà. Quan niệm là con gái phải độc lập, có học này kia và năng nổ tham gia việc xã hội, việc nhà có thể giao cho người khác, thế nên ít nhiều Linh ảnh hưởng bởi quan điểm như thế.

Khi lấy anh Thắng, mẹ chồng Linh thì ngược lại, luôn đặt vấn đề chăm sóc chồng con, nhà cửa đầu tiên rồi mới là công việc xã hội. Dần dần, Linh cũng được “lây” ít nhiều tính cách mẹ chồng, nhưng điều mẹ đẻ dạy “ăn sâu” trong Linh tới mấy chục năm thực sự rất khó bỏ. Thế cho nên Linh nghĩ, đúng là các cụ chúng ta nói “lấy vợ xem tông, lấy chồng xem giống” là vì thế!

- Tức là quyết định lập gia đình chị cũng ảnh hưởng quan điểm từ mẹ đẻ khá nhiều?


Đúng là kén chồng thì… phải hỏi mẹ Linh. Mẹ Linh kỹ tính, dạy Linh cả một loạt "bài". Dù là người sống có bản năng đến đâu, Linh tin, trước mỗi việc đại sự như kết hôn chẳng hạn đều nên suy nghĩ chín chắn. Tất nhiên, đến với nhau, trước hết phải có tình yêu. Nhưng nếu thực sự cảm thấy chưa yên tâm, thoải mái có lẽ chưa nên tổ chức lễ cưới.

Linh là người lãng mạn, nhưng khi cần có thể rất lý trí và sẵn sàng chia tay khi vẫn còn yêu, nếu thấy hai người không thể đi đến kết hôn hạnh phúc. Theo Linh nghĩ hai gia đình cần có sự tương đồng nhất định, chứ khác nhau quá, cũng khó mà hòa hợp được. Hoàn cảnh của bố mẹ Linh cũng là một minh chứng là nếu hai người xuất thân quá khác nhau khi kết hôn sẽ dẫn đến những bất đồng rất khó chịu. Bố mẹ Linh đều là những người thẳng tính, nhưng không bao giờ để bụng điều gì nên mới bền chặt được tới ngày nay.

Nhưng nói gì thì nói, những lúc bố mẹ căng thẳng rất ảnh hưởng tới con cái, mà Linh thì không muốn con mình sẽ phải lớn lên chứng kiến bố mẹ cãi vã suốt ngày. Vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng tới tâm lí của trẻ, không tin vào tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình. Với Linh, kết hôn cũng cần phải môn đăng hộ đối, hai gia đình nên có sự tương đồng trong nền tảng văn hóa giáo dục thì sẽ dễ để nói chuyện với nhau hơn, tránh tình trạng, nhất bên trọng, nhất bên khinh.

Thùy Linh hạnh phúc vì gia đình có thêm bé
Thùy Linh hạnh phúc vì gia đình có thêm bé "Tót".
 

- Chị luôn kiếm tìm sự hoàn hảo trong cuộc sống gia đình?

Sự hoàn hảo rất tương đối, với Linh hoàn hảo có nghĩa là mọi việc được cân bằng. Còn hoàn hảo theo khuôn mẫu thì quá nhàm chán và căng thẳng. Linh nhớ có một câu thơ của nhà thơ Mỹ Sylvia Plath từng nói là ‘Perfection is death’, sự hoàn hảo là cái chết. Khi chúng ta hoàn hảo rồi thì chúng ta không còn gì để phấn đấu nữa, cuộc sống trở nên vô nghĩa. Mà điều đó là đi ngược với tự nhiên vì bản chất con người không hoàn hảo.

- Qua 1 số điều chia sẻ, dễ thấy chị đề cập ít nhiều tới vấn đề mà nhiều người gọi là "tính toán" trong tình yêu, hôn nhân. Liệu điều đó sẽ làm mất đi hình ảnh trong sáng, đẹp đẽ của tình yêu, của cuộc sống gia đình?


Sự trong sáng và đẹp đẽ của tình yêu và cuộc sống gia đình vẫn giữ được nếu như sự tính toán đấy không mang tính cá nhân, không mang tính vụ lợi mà chủ ý là để đem lại hạnh phúc cho đôi bên. Nếu tình yêu thiếu đi sự trong sáng, thì người ta chỉ nghĩ sao có lợi cho bản thân mình thôi. Linh nghĩ tính toán trong tình yêu và kết hôn là cần thiết. Đó là sự khôn ngoan để có gia đình ổn định chứ không phải là quá đáng! Nó thể hiện người phụ nữ không chỉ sống cho bản thân, mà sống cho gia đình và những đứa con về sau.

Linh từng chứng kiến rất nhiều bạn học của mình, yêu và cưới khi còn rất trẻ lúc chưa có chút kinh nghiệm sống nào, hoàn toàn quyết định theo bản năng. Lúc đó, họ vẫn nhìn đời qua lăng kính màu hồng, đến khi va chạm cuộc sống rồi mới lại thất vọng với sự lựa chọn của mình. Và, như thế những đứa con luôn là nạn nhân đáng thương nhất.

“Cao to đẹp trai rất ít người có duyên”

- Người đời vẫn nói “gái ham tài, tram ham sắc”, chẳng hạn người đàn ông chị yêu thương và muốn lấy làm chồng thấp hơn hẳn một cái đầu (vấn đề chiều cao), chị có chấp nhận?

Chấp nhận, nếu cái tài và cái đức của anh ta “đo” lên còn cao hơn cái đầu của Linh tới cả tấc. Linh dễ bị hấp dẫn bởi người đàn ông trí tuệ, thông minh và hiểu biết về cuộc sống, xã hội và đặc biệt là phải có duyên… Linh cũng thích người có vẻ ngoài đẹp trai, nhưng chỉ để ngắm thôi, cái lạ là mấy người cao to đẹp trai rất ít người có duyên, có lẽ vì họ nghĩ họ đẹp là đủ rồi, nên có thể lười trau dồi phần nội dung thì phải.

Hương Giang không phải người mặc đẹp nhất VN.
Hương Giang không phải người mặc đẹp nhất VN.
 

- Theo chị, để có một “tổ ấm” bền lâu, người phụ nữ cần làm gì?

Trước hết là người phụ nữ đó cần phải hiểu là họ muốn gì và cần gì. Sau đó là phải tôn trọng người bạn đời của mình và tôn trọng sự cam kết của hôn nhân. Ngoài ra, người phụ nữ cũng nên học cách tự hài lòng với những gì mình đang có, thay vì đứng núi này trông núi nọ.

Phụ nữ cũng nên chăm sóc bản thân, không nên vì quá lo lắng cho gia đình mà mình thì ngày càng xuống dốc, tạo cớ cho đàn ông chán cơm thèm phở. Nói vậy thôi chứ không ai nói mạnh được, không có công thức nào hết. Tóm lại là do số hết. Cái câu ‘nhân định thắng thiên’ trong nhiều trường hợp cũng không đúng lắm! 

- Ngày thực sự ý nghĩa nhất đời chị: Ngày kết hôn, ngày gặp nhau hay sinh em bé đầu lòng…?

Từ ngày Linh có con đến giờ, thấy ngày nào cũng ý nghĩa cả. Chả biết ngày nào là ý nghĩa nhất nữa, vì mỗi ngày đều là một cột mốc đáng nhớ của cuộc đời. Linh không thể chọn được ngày nào là ngày ý nghĩa nhất cả.

- Cám ơn Thùy Linh và chúc gia đình chị luôn đầy ắp tiếng cười!

Văn Trinh