Lê Hoàng châm biếm 'tinh thần điện ảnh'

25/03/2013 07:37
T.N
(GDVN) - 'Tinh thần điện ảnh' là một truyện ngắn mà Lê Hoàng viết dựa theo truyện ngắn 'Tinh thần thể dục' của Nguyễn Công Hoan. Tác phẩm được rút từ tập 'Phỏng vấn một anh hề'. Trong truyện ngắn, Lê Hoàng đã đề cập đến rất nhiều vấn đề của điện ảnh nước nhà.
Chuyện cũng xảy ra trước Cách mạng Tháng Tám 1945. Có lính lệ mang trát quan về làng:

Thông báo khẩn cấp.

Dân làng chú ý.

Hai ngày nữa, liên hoan phim sẽ diễn ra ở làng ta. Đây là liên hoan nhiều ý nghĩa, được tổ chức vài năm một lần. Phim hay, có nhiều nam nữ tài tử khả ái, mọi nhẽ.

Vậy lệnh cho dân làng, tùy trình độ, tùy lứa tuổi, đều phải tham gia làm khán giả trong các buổi chiếu phim. Và phải vỗ tay luôn luôn.

Thông báo này thay cho giấy mời. Ai xem phim sẽ được cấp giấy chứng nhận, miễn một số nghĩa vụ về sau. Ai cố tình trốn tránh sẽ bị nghiêm trị.

Khẩn cấp! Ký tên: quan.         

***                                                                                               

Bác Phô gái dịu dàng, đặt cành cau lên bàn, năn nỉ lý trưởng:

- Thưa ông, nhà cháu xin phép ông được vắng mặt trong đợt chiếu này, vì còn bận làm ăn.

Lý trưởng đập bàn:

- Không được. Việc điện ảnh là việc quan trọng. Đã là liên hoan thì phải có chiếu phim. Đã chiếu phim thì phải có khán giả, chứ không lẽ toàn ghế ngồi xem với nhau à?

Bác Phô giả lả:

- Dạ, nhà cháu cũng biết vậy. Nhưng phim khó hiểu quá. Nhiều khi xem đến quá nửa mà vẫn không biết ai yêu ai và yêu để làm gì.

Lý trưởng vung tay:

- Tại sao lại phải hiểu? Cứ tin chắc rằng tác phẩm ấy tốt là được. Có gì thắc mắc cứ tìm đạo diễn mà nghe thanh minh.

Bác Phô sợ hãi:

- Nhà cháu nào dám biết đạo diễn là ai?

Lý trưởng giảng giải:

- Cứ thấy ông nào uống rượu nhiều và vẻ mặt đầy quan trọng, mở mồm là nói tới tính cách với trường phái là đúng.

Bác Phô năn nỉ:

- Thôi, ông châm chước cho. Nhà cháu xưa nay không sai phạm gì. Đợt liên hoan sân khấu vừa qua cũng đi đầy đủ, nên đợt điện ảnh này xin ông tha.

Lý trưởng quát:

- Không nhiều lời. Cứ chạy theo vật chất tầm thường, không coi trọng văn hóa thì bao giờ mới văn minh lên được. A lê, đi.

Bác Phô buồn bã quay ra.

Bà cụ phó Bính, mắt kèm nhèm, vừa nói vừa cười rất vô duyên:

- Thì chỗ thân tình, ông Lý cứ lờ đi cho cháu.

Lý trưởng lại quát:

- Không được. Đợt sân khấu vừa qua, nhà bà đã trốn rồi, tới đợt xem phim này, chẳng lý do gì mà thoát mãi.

Bà phó nấc lên:

- Khổ lắm, ông ơi, có phải cháu ngại xem phim đâu. Vì dù sao ngồi trong rạp cũng không nặng nhọc bằng đi cày. Nhưng xin ông xét cho, xem đi xem lại bao nhiêu lần, cũng bấy nhiêu chuyện đó, cũng kiểu anh đó thì yêu kiểu cô đó, chúng cháu ốm cả người.

Lý trưởng dịu dàng:

- Phim nước nhà còn nhiều hạn chế, mình cần có ý thức ủng hộ. Và bây giờ người ta đổi mới rồi, ngoài yêu đương còn có cả kinh dị, cả hài, xem không sợ ngủ gật đâu. Mà rạp nhân dịp này cũng quét sạch sẽ, có bán cả nước giải khát thì lo gì.

Bà phó vẫn cù nèo:


- Biết vậy. Nhưng thưa ông, nhà cháu ba người, mà lần này lại phân công xem những năm phim sợ đi không nổi.

Lý trưởng thét:

- Không nói lôi thôi. Cố gắng chia nhau ra. Nhà bà còn được may mắn là xem toàn phim truyện đấy. Những gia đình khác, bị phân công xem phim hoạt hình, họ có dám nói gì đâu.

Bà phó sợ hãi lui ra.

Chị Cả Lò tất bật xông vào:

- Thưa ông Lý, được đi xem phim miễn phí, lại được giao lưu với các tài tử xi-la-ma, em mừng quá. Nhưng hôm ấy nhà em có giỗ thì làm sao?

Ông Lý nghiêm giọng:

- Giỗ chạp năm nào chả có, còn liên hoan phim ba năm mới thực hiện một lần. Giỗ chạp cùng lắm chỉ có thịt gà với canh su hào, còn điện ảnh bây giờ bao nhiêu thể loại, bì thế nào được.

Chị Lò rên rỉ:

- Thưa ông, em tin ông, nhưng tiệc đã đặt, giấy mời ăn giỗ cũng đã phát rồi. Hay là thế này: nhà em sẽ thuê người đi thay.

Lý trưởng nghĩ ngợi:

- Thật rắc rối quá.

Chị Lò nhanh nhảu:

- Ông cứ ngơ đi là được. Ban tổ chức chỉ nhìn xem ghế có kín không, chứ đâu nhìn ngồi trên ghế là ai? Cháu đã thấy có buổi chiếu phim người lớn lại toàn trẻ con và có buổi chiếu phim trẻ con toàn các cụ già. Ông cứ ngơ đi cho cháu là xong.

Lý trưởng càu nhàu:

- Thôi được. Nể nhà chị xưa nay vẫn chấp hành tốt, tôi xét cho lần này. Nhưng phải dặn những ai đi thay phải có mặt từ năm giờ sáng.

Chị Lò hốt hoảng:

- Thưa ông, phim bảy giờ tối mới chiếu cơ mà.

Lý trưởng gắt:

- Phim bảy giờ nhưng phải ra rạp lúc năm giờ để vẫy chào các nghệ sĩ ra mắt. Rồi phải tập trung lúc ba giờ để phát phiếu bình chọn, rồi phải xếp hàng từ mười giờ sáng để nhận vé, rồi đi từ chín giờ để kiểm tra trang phục và phát tiền cơm trưa. Vậy có mặt lúc năm giờ sáng còn quá muộn.

Chị Lò run run:

- Vậy em xin chấp hành. Em cứ tưởng nếu đến tối thì còn mượn mấy đứa cuốc mảnh vườn, nhưng ông đã dạy thế thì thôi vậy. Em hứa bảo chúng nó nghiêm túc coi xi-la-ma.

***

Ngày khai mạc.

Mới năm giờ sáng đã thấy ông Lý quát ầm ĩ ở sân đình:

- Sao lại lưa thưa thế này? Còn gì là tính văn hóa, tính nghệ thuật và muôn ngàn tính khác? Tuần đâu, đi kiểm tra, ai không đi kiên quyết không cấp các giấy xác nhận từ nay về sau.

Tuần tỏa đi các ngả. Nhưng rất khó gom đủ khán giả. Có anh thì trốn lên thành phố, có chị đi nằm bệnh viện, lại có bác trèo lên ngọn cây ngồi. Họ làm như trốn giặc.

Ban tổ chức ra sức lùng sục. Bắt được người nào là đeo vào cổ một chiếc vé mời và phát ngay một tờ tóm tắt nội dung phim để khai với báo chí khi bị hỏi.

Đến chín giờ sáng mới có hơn nửa rạp. Ông Lý nổi cáu:

- Xem phim chứ có phải đi tù đâu mà sợ ghê thế! Cứ như thế này, ai còn dám làm phim cho chúng nó thưởng thức nữa!

T.N