NSND Lê Khanh: 'Hầu hết nhà mặt tiền không phải người Hà Nội gốc'

10/07/2012 07:12
Quốc Khánh
(GDVN) - "Với tôi văn hóa Hà Nội gốc là cái gì đó vừa hư vừa thực. Bé quá thì tôi không biết, đến khi biết thì Hà Nội đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, thành phố thì tan thương, đói ăn, thiếu mặc… Rồi đến giai đoạn hậu chiến tranh – vẫn một thời gian dài thiếu thốn đủ thứ", NSND Lê Khanh chia sẻ.
Và trong cuộc trò chuyện với Giaoduc.net.vn, NSND Lê Khanh đưa ra một nhận định, hoàn toàn không hề có tính kỳ thị nhưng khá thú vị cho các nhà nghiên cứu xã hội học, rằng hầu hết nhà mặt tiền trên các đường phố hiện nay không phải người Hà Nội gốc.

- NSND Lê Khanh nhìn nhận như thế nào về điều được gọi là văn hóa của người Hà Nội?

Với tôi văn hóa Hà Nội gốc là cái gì đó vừa hư vừa thực. Bé quá thì tôi không biết, đến khi biết thì Hà Nội đang trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, thành phố thì tan thương, đói ăn, thiếu mặc… Rồi đến giai đoạn hậu chiến tranh – vẫn một thời gian dài thiếu thốn đủ thứ.

Người Hà Nội ai cũng gầy và xanh như cua bấy nên thực chất tôi cũng chưa tận mắt thấy Hà Nội hào hoa phong nhã đến thế nào. Mọi người đều vật lộn với cuộc mưu sinh, với những vất vả, lo toan trong cuộc sống nên họ cũng không để ý nhiều đến phong thái của mình. Nhưng, đâu đó trong đám đông, mọi người vẫn nhận dạng, vẫn cảm nhận được vẻ đẹp riêng có của người Hà Nội. Họ sống một cách thư thái và tự bản thân họ “bảo thủ” với phong cách sống chậm rãi, thư thái của mình. Chất Hà Nội đó nó ngấm vào máu, với tôi thì nó giống như gen di truyền.

Nếu để ý kĩ sẽ thấy hầu hết những nhà mặt tiền hiện nay không phải là người Hà Nội gốc. Người Hà Nội gốc thường rút vào bên trong, không ồn ào mà rất bình lặng, tinh tươm và nề nếp. Từ đó có thể thấy, cái mà mọi người dễ nhìn thấy ngày nay không phải là cốt cách, là chất của người Hà Nội. Mà chất Hà Nội nó bình dị hơn, thầm lặng và kín đáo hơn.


NSND Lê Khanh > Ảnh lạ lẫm về NSND Lê Khanh: Làm người mẫu!
NSND Lê Khanh

> Ảnh lạ lẫm về NSND Lê Khanh: Làm người mẫu!

- Thế còn hiện tượng "bún mắng cháo chửi" ở Hà Nội mà dư luận đang quan tâm, chị nghĩ sao?

Phần lớn những người tìm về thủ đô như tìm đến một nơi an toàn và đảm bảo những nhu cầu sống cần thiết của mình. Là trung tâm văn hóa có hàng triệu người với nhu cầu quá lớn, sống chật trội, bon chen kế mưu sinh nên mới có những thái độ và hành vi phi văn hóa, thậm chí có những món ăn “man rợ” như bún mắng, cháo chửi.

Nhưng điều nguy hiểm là, người ta vẫn cứ đến những nơi đó để ăn uống và không bình luận gì. Bởi họ nghe mãi thành quen, quen đến nỗi chấp nhận cả cái “không sạch” của nó. Người ta đành phải chấp nhận vì không có cách nào để loại bỏ nó ra khỏi đời sống và cũng không ai muốn mình là người đầu tiên thay đổi nó hay cảm hóa nó. Nhìn chung, văn hóa phục vụ ngày nay của Hà Nội nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung còn rất kém.

- Chị đã bao giờ đến những chỗ ăn uống kiểu “bún mắng cháo chửi” đó chưa?

Vì tò mò, tôi đã từng đến. Tuy nhiên, tôi tránh những chỗ đó lâu rồi. Ăn mà phải khổ thế thì không bao giờ. Hiên nay, gia đình tôi cũng nhiều gia đình khác đang chọn cách là tổ chức những bữa ăn trong gia đình. Duy trì văn hóa ẩm thực trong gia đình có một giá trị rất lớn, vừa đẹp vừa ấm cúng lại vừa an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đặc biệt, đỡ phải nghe những thứ rác rưởi khủng khiếp. Ăn cho đủ món lạ vào não của mình.

- Phải chăng chính những người ngoại tỉnh đã "làm bẩn" văn hóa người Hà Nội, như một bài viết gần đây nêu ra?

Tôi muốn nói thế này: giá như những ai đã từng ngưỡng mộ nét hào hoa thanh lịch trốn Đô thành thì hãy cố vận dụng nó trong đời sống của mình thì Hà Nội đâu còn của riêng ai.

Hà Nội đã từng có một phông văn hóa đã được xác định, được nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng Hà Nội không chỉ có thế. Cùng với thời gian, cùng sự phát triển không ngừng của những làn sóng nhập cư đã làm cho văn hóa Hà Nội trở nên phong phú, nhiều màu sắc. Đó là tất yếu của sự phát triển. Vậy Hà Nội không còn là của riêng người Hà Nội xưa nữa mà đã trở thành là của chung cho tất cả những ai sống ở Hà Nội rồi.

Sống có văn hóa là tiêu chí sơ đẳng nhất của cuộc sống đô thị. Có gì phải bàn. Hãy là người bắt đầu, bạn sẽ thấy niềm vui bất tận vì có khả năng thanh lọc tâm hồn cho chính mình.

- Chị có sợ 10, 20 năm nữa hoặc sớm hơn văn hóa "Hà Nội gốc" sẽ biến mất, sẽ có một nền văn hóa hoàn toàn mới của Hà Nội?

Nó đã mất nhiều và mất đã từ lâu. Nó đã mất đi những gì mà người ta không muốn giữ.

Gia đình hạnh phúc của NSND Lê Khanh > Ảnh lạ lẫm về NSND Lê Khanh: Làm người mẫu!
Gia đình hạnh phúc của NSND Lê Khanh

> Ảnh lạ lẫm về NSND Lê Khanh: Làm người mẫu!

- Nói đến văn hóa của người Hà Nội, bạn đọc còn đang quan tâm đến văn hóa giao thông. Đặc biệt là sau chuyện một ông Tây đứng ra điều khiển giao thông ở Hà Nội, nhiều người cho rằng người Hà Nội phải thấy xấu hổ mới đúng?

Đó là cách nói châm biếm nhằm che đậy sự xấu hổ mà thôi. Những người nước ngoài đã đến Việt Nam và quay trở lại là họ đã tìm thấy một nét đẹp của người Việt Nam, của đất nước Việt Nam mà ở nơi họ không có. Và vì họ yêu nên họ muốn góp sức để loại bỏ những cái chưa được văn minh của Hà Nội, của Việt Nam. Cách thể hiện tình yêu ấy hàm chứa cả thái độ “phẫn nộ” về sự ấu trĩ của văn hóa con người.

- Dường như các thiếu nữ Hà Nội hiện nay có vẻ rất “cởi mở” - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, chị có thấy điều đó có đáng lo ngại?

Tôi không lo mà chỉ thấy tiếc. Tiếc lắm… Bản thân thế hệ trẻ chưa định vị được cái đẹp là thế nào thì nó đã bị lai căng một phần. Chúng ta phải đối diện với những thứ lai căng đó để uốn nắn và điều chỉnh một cách hợp lý bằng những cuộc đối thoại cởi mở để tìm ra điểm chung giữa các quan điểm về cái đẹp thế hệ. Vẻ đẹp phụ nữ Á đông hấp dẫn ở chỗ e ấp, kín đáo.

Khác với phụ nữ phương Tây là vẻ đẹp bốc lửa bởi các chỉ số ba vòng và tỉ lệ chiều cao vô cùng cân đối, cộng thêm sự linh hoạt, tự tin bởi vốn văn hóa của họ. Phụ nữ Á đông hạn chế hơn bởi các chỉ số và mất cân đối hơn ở tỉ lệ chiều cao nên vẻ đẹp của họ là cái đẹp của sự e ấp, dịu dàng tiềm ẩn, thôi thúc người đối diện khám phám kiếm tìm. Giáo dục về các giá trị văn hóa không thể thực hiện ngày một ngày hai mà nó là một quá trình nhận thức lâu dài và không ít những khó khăn.

- Xin cảm ơn NSND Lê Khanh!

Quốc Khánh