Tự truyện Thanh Thảo: Nghề ca, candal và sự thật (P7)

Những ngày tháng kinh khủng trong đời ca hát của Thanh Thảo

21/02/2013 06:28
V.T
(GDVN) - Khi album “Có quên được đâu” của tôi đang thực hiện đến công đoạn cuối thì nhạc sĩ Đức Trí sang Mỹ du học. Hợp đồng ca sĩ độc quyền với Rạng Đông cũng kết thúc. Tôi rơi vào hụt hẫng vì tất cả mọi việc trong nghề lâu nay vốn có người giúp đỡ, giờ mọi thứ như buông tay và làm tôi mất phương hướng.>>Đọc lại P6
Những ngày tháng sau đó với tôi thật kinh khủng, tôi suy sụp và bắt đầu thả trôi mọi thứ, sống một cuộc sống không biết đến ngày mai. Tôi đến vũ trường hằng đêm để tìm quên trong ánh đèn và những cuộc vui giả tạo.
Tương lai hay bóng tối, thiên đường hay địa ngục chỉ là trong gang tấc, chỉ cần trượt chân, tôi sẽ không thể tìm lại chính mình. Nỗi buồn xâm chiếm tôi một thời gian dài, trên sân khấu tôi hát những ca khúc nói lên tâm trạng thật sự. Tôi “có quên được đâu” hay là “không thể quên được”.
“Biết xa nhau là em sẽ đau buồn, thế sao không chờ nhau cuối con đường. Đường dài mãi sao bóng anh không quay lại, tan nát tim em bao buồn đau.

Hứa thật nhiều, quên thật nhiều, đôi khi trách nhau, có được đâu...

Đến một lần, xa một đời, nhưng ta vẫn luôn nhớ về nhau...”.
Cứ mỗi lần tôi cất tiếng hát, dù không muốn khóc mà nước mắt cứ tự trào ra trên khóe mi. Tôi thốt ra ngoài những lời ca “Có quên được đâu” song dường như những lời ca ấy lại cứ nén vào trong tim tôi và làm “tan nát tim em bao buồn đau”.
Bằng một cách nào đó, tôi cứ tập nén dần những tiếng khóc lại, không còn dễ rơi nước mắt, và gương mặt nhiều lúc thất thần, chỉ nhìn vào hư vô. Tôi bắt đầu cứng cỏi hơn, bởi tôi hiểu rằng cuộc sống của mình phải do mình tự tạo nên, không thể cứ mãi trông mong vào người khác. Tôi phải là chính tôi và dù khó khăn, cô độc đến mức nào đi chăng nữa, tôi vẫn phải tự mình bước trên con đường ca hát - con đường không trải thảm hoa hồng như ngày xưa tôi từng nghĩ mỗi khi nhìn thấy hình ảnh lộng lẫy của cô chủ nhà hàng Nhật. Thế giới nghệ sĩ, mãi mãi không chỉ là màu hồng. Một lần, tình cờ tại sân khấu 126, tôi nghe từ miệng một đồng nghiệp nói: “Con nhỏ này chết ngắt từ sau khi Đức Trí đi Mỹ”. Tôi tự ái, buồn và tủi thân vô cùng khi nghe lời đó, nhưng cũng chính câu nói đấy đã thức tỉnh tôi. Tôi quyết tâm chứng minh khả năng của riêng mình cho mọi người thấy, tôi không muốn bị xem thường là “kẻ chỉ biết ỷ lại và dựa hơi”.  Tôi gom hết khoản tiền dành dụm để tự thực hiện một album mới. Đầu tiên, tôi tìm gặp nhạc sĩ Trần Minh Phi, Nguyễn Nhất Huy nhờ giúp đỡ khâu biên tập và sáng tác cho tôi một vài ca khúc phù hợp. Phòng thu Viết Tân đã chấp thuận cho tôi nợ tiền thu âm đến khi nào phát hành album xong có tiền bán đĩa thì trả sau.
Các nhạc sĩ Bảo Lư, Anh Khoa, Quang Phúc, Hoài Sa thì cho tôi “trả góp” khoản hoà âm phối khí. Nhà thiết kế trẻ Công Trí cũng tự ứng tiền túi in bìa CD giùm tôi trước. Nhớ nhất là những ngày ấy, Công Trí ở tạm trong một căn gác trọ, mỗi tối đi diễn về, tôi lại mua bánh mì và sinh tố sang nhà Trí, hai anh em thức đến sáng để thiết kế bìa album cho tôi. Bìa album là những hình chụp rất độc đáo của Tô Thanh Nghiệp, với ý tưởng rủ tôi đến khu than đá, phết đầy sình bùn lên mặt cho...ấn tượng. Việc thực hiện album chiếm hết gần cả năm 2002. Tôi đặt chủ đề album là “Em vẫn chờ”. Đĩa nhạc bao gồm nhiều bài nhạc Thái lời Việt sôi động, trong lúc thị trường âm nhạc khi ấy nhạc trữ tình của Việt Nam đang chiếm thượng phong. Khi album hoàn tất, tôi mang master (ấn bản gốc hoàn chỉnh để in sang) đi chào và xin phát hành ở những trung tâm băng nhạc quen biết đều nhận cái lắc đầu từ chối với lý do các ca khúc của tôi “lạ quá” và tên ca sĩ trẻ quá khó bán đĩa lắm! Có người nói tôi đã “quá liều lĩnh đi ngược lại với thị trường”. Tuy nhiên bằng cách này, tôi lại tìm được lời giải cho “ẩn số Thanh Thảo”. (Còn tiếp - đón đọc vào thứ 7)
V.T