Trẻ mồ côi và hoa hậu

29/04/2013 07:49
T.N (ghi)
(GDVN) - Một thông lệ là sau mỗi cuộc thi hoa hậu, bao giờ cũng có 1 chuyến thăm viếng của tân hoa hậu tới 1 trại trẻ mồ côi nào đó. Lê Hoàng đã phát biểu ý kiến của mình xung quanh thông lệ này. Bài viết được rút từ tập Phỏng vấn một con bò.

Đã thành “thông lệ”, cứ sau mỗi đợt thi hoa hậu thì những người đoạt vương miện lại được ban tổ chức thu xếp đi thăm trại trẻ mồ côi. Trẻ mồ côi, ai mà không biết, cần biết nhiều thứ lắm. Thức ăn cũng cần, đồ chơi cũng cần, quần áo cũng cần, văn hóa cũng cần và tình thương càng cần. Cái mà chúng cần nhất, khéo chính là…vương miện.

Hoa hậu Diễm Hương đến thăng một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại TP HCM, tự tay chuẩn bị bữa ăn và chăm sóc cho các em bé tháng 0/202. Cô là hoa hậu thường xuyên có những hoạt động từ thiện hữu ích.
Hoa hậu Diễm Hương đến thăng một trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại TP HCM, tự tay chuẩn bị bữa ăn và chăm sóc cho các em bé tháng 0/202. Cô là hoa hậu thường xuyên có những hoạt động từ thiện hữu ích.

Đơn giản, gần như chắc chắn chúng chưa biết hoa hậu là gì, trở thành hoa hậu khó như thế nào và cách tuyển chọn ra sao.

Do tiềm thức sâu thẳm là cô đơn và thiếu thốn, trẻ mồ côi nhận lấy tấm lòng của bất cứ ai với vẻ biết ơn như nhau. Hay nói cách khác, với trẻ em mồ côi, tình thương không có…danh hiệu.

Không có, nhưng nếu có cũng chẳng hại gì. Bởi rất nhiều cuộc thăm viếng trẻ mồ côi là nhắm hướng tới những ai…không mồ côi. Nghĩa là cho mọi người hiểu tình thương và lòng nhân ái không biên giới, không khoảng cách, thậm chí càng khoảng cách càng quý dù là khoảng cách học thức, khoảng cách địa vị hay khoảng cách…nhan săc.

Cho nên, những cuộc viếng thăm trẻ mồ cô đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra với người thường hay với vĩ nhân. Chả có gì sai, chả có gì phải phiền hay suy nghĩ quá về chuyện ấy, mọi tình ở đây đều quý.

Nhưng rõ ràng là quý hơn nếu tính ấy thật lòng. Mà cái gì thật lòng, đôi khi…không trình diễn.

Lòng nhân ái có trong mỗi con người. Một phần là do bẩm sinh, khi tất cả các sinh vật trên trái đất này đều có tình thương yêu đồng loại. Một phần là do cá nhân nhận thức ra trong quá trình được giáo dục và tự giáo dục bản thân.

Mà giáo dục là một quá trình dài lâu, nếu không nói là lâu cho tới…chết. Giáo dục, không phải như cứu hỏa, cũng không phải như thi đấu thể thao, không thể thành các “đợt” kéo dài chỉ chục ngày. Trừ những lớp giáo dục chuyên sâu mà lòng nhân ái, rõ ràng không nằm trong phạm trù này.

Vậy thì có nên chăng, sau chục ngày đêm chạy trên bãi biển, đi dưới ánh đèn màu và xúng xính trong lễ phục thời trang dạ hội, mấy hoa hậu phải “cấp tốc” thăm trẻ mồ côi như mấy lần trước đây vẫn thế?

Khi người ta thành danh, người ta nên nhớ về gia đình, bạn bè, cha mẹ… đấy là lẽ tự nhiên. Chả thế mà trong lễ phát Oscar, ai bước lên cũng nói những lời cảm ơn là chính. Đấy không phải là thủ tục, đấy là đạo lý và lẽ tự nhiên.

Nhưng vì là tự nhiên, nên người thì cảm ơn vợ trước, người thì cảm ơn cha mẹ trước. Người thì cảm ơn đồng nghiệp, cảm ơn nhà sản xuất, cảm ơn bạn bè…

Toàn thế giới lắng nghe những lời cảm ơn đó và toàn thế giới không khó chịu, không so sánh xem ai đáng cảm ơn nhiều hơn ai.

Thế thì tại sao chúng ta cứ phải “hướng dẫn” các cô hoa hậu việc đầu tiên là thăm trẻ mồ côi? Sao không để các cô ấy tự chọn, muốn làm gì cho lòng nhân ái của cá nhân mình thì làm?

Các cô có thể đi thăm thầy giáo. Các cô có thể đi thăm cha, các cô cũng có tể đi thăm bà bán xôi thuở bé, hay bác xe ôm ngày xưa chở cô đi học… Tóm lại, tại sao các cô không có những lòng nhân ái “riêng” mà chính trong cái riêng đó “cái chung” mới trở nên sâu sắc và đọng lại.

Chủ nghĩa hình thức là điều mà chúng ta đã hiểu về tác hại của nó. Chủ nghĩa hình thức làm giảm lòng tin, làm tốn kém thì giờ, tiền bạc, làm những người có lương tri thật sự buồn bã quay đi. Đã có hình thức trong hội họp, hình thức trong giáo dục, trong lễ nghi, trong xây trụ sở… và chả lẽ cần phải trong thi hoa hậu nữa sao?

Mà các cuộc thi hoa hậu do bản chất của nó, luôn luôn bị mọi người nghi là hình thức. Và các vị trrong ban tổ chức, ban giám khảo, luôn luôn muốn chứng minh ngược lại. Họ ra sức tuyên bố sắc đẹp chỉ vẹn toàn khi là sự kết hợp lý tưởng từ trong ra ngoài và điểm ứng xử cũng không kém quan trọng khi so với điểm áo tắm.

Tôi không nghi ngờ chút xíu nào lòng chân thành của họ, nhưng tôi cũng biết rằng con đường thăm viếng trẻ bất hạnh, trẻ mồ côi không phải lúc nào cũng là con đường đầu tiên hoa hậu cần đi, khi cô là người có tình thương. Nó càng không phải là con đường duy nhất.

Đã thế, sau những cuộc viếng thăm này, nhiều hoa hậu “mất hút”, tất nhiên chả phải họ tan vào không khí. Họ vẫn còn đó, làm đủ mọi điều “mưu sinh” như một dân thường, nghĩa là gây ra đủ các dư luận vui, buồn, thương, giận cho xã hội.

Nghĩa là sau đêm chung kết “rình rang”, sau vài buổi đi thăm theo chương trình không có gì sáng tạo thì “ai về nhà nấy”. Chả có “hợp đồng” gì cho hoạt động về sau.

Bao nhiêu tiền của, bao nhiêu quan tâm rồi cũng không vượt qua mức độ “ngắm nhìn”. Phải chăng đó là 1 “hành trình văn hóa”?

Một đất nước muốn phát triển cần hai loại người: Người tài và người đẹp. Người tài cần được tôn trọng, được giao những công việc, những địa vị thích hợp với tài. Người đẹp cũng cần được tôn trọng, được giao những việc thích hợp với vẻ đẹp hồn nhiên, trong sáng.

T.N (ghi)