Xuân Hương: Oái oăm, tôi cười nhiều và cũng khóc nhiều nhất

28/09/2011 07:00
(GDVN) - "Tôi nghĩ: Trong cuộc đời, ai cười nhiều nhất cũng là người khóc nhiều nhất. Nghe có vẻ nghịch lý", Xuân Hương chia sẻ.
Trước mặt tôi là một người phụ nữ trầm lắng, rất đỗi chân thành và giản dị - giản dị đến không ngờ đối với một nghệ sĩ có tên tuổi như chị. Dường như là một con người khác so với một Xuân Hương mạnh mẽ, đấu tranh không khoan nhượng với những cái ác, cái nghịch lý trên sân khấu. Tôi định hỏi chị để làm một cuộc phỏng vấn, nhưng rồi không cần hỏi, những ưu tư trăn trở về nghề, về cuộc đời, về tình người của chị như được dịp tuôn chảy như dòng thác. Và thoảng đâu đó - cùng với sự sôi nổi khi bày tỏ suy nghĩ về những mặt tiêu cực trong đời sống xã hội - là những giọt nước mắt ngấn trong đôi mắt buồn của chị.
Nghệ sĩ Xuân Hương.
Nghệ sĩ Xuân Hương.
Tôi đã biết chấp nhận cô đơn Nhiều khán giả, đồng nghiệp hỏi tôi: “Giữa tiếng cười và nước mắt đâu là con người thật của chị?” Tôi nghĩ: Trong cuộc đời, ai cười nhiều nhất cũng là người khóc nhiều nhất. Nghe có vẻ nghịch lý. Suy nghĩ đó có thể không đúng với người khác, nhưng đồi với tôi đó là một sự thật oái oăm và đau lòng. Tôi không cho mình là người mạnh mẽ và cũng không muốn làm người mạnh mẽ, nhưng để tự bảo vệ mình trước sóng gió cuộc đời và những oan khuất mà người khác đem đến, lâu dần đã tạo thành trong con người tôi một phản ứng sinh tồn và “chất đề kháng”. Tôi như một người đơn độc lầm lũi đi giữa cuộc đời này. Sau mỗi lần vấp ngã tôi tự mình đứng lên, tự băng bó vết thương cho mình rồi bước đi tiếp. Tôi đã học làm người bằng những đòn roi mà cuộc đời dành cho tôi. Mãi rồi cũng thành quen . Đôi khi tôi tưởng rằng cuộc đời chỉ toàn là cay đắng và nước mắt. Nhưng tôi vẫn bắt gặp những ngọt ngào của ai đó mà không phải dành cho mình. Tôi bỗng dưng ước ao thứ tình cảm ấy nhưng hình như suốt đời nó vẫn là thứ “xa xí phẩm“ đối với tôi. Tôi càng đi tìm, càng chuốc lấy thương đau. Ngay cả như hạnh phúc gia đình là điều lớn lao nhất đối với tôi và tôi đã dày công tìm kiếm suốt cả đời nhưng... Hoàn cảnh và định mệnh đã vô tình biến tôi thành một con người đơn độc giữa cuộc đời. Tôi cảm giác rất rõ sự cô đơn của mình nên đôi lúc cũng cần một bàn tay, một hơi ấm, một lời an ủi để cảm giác cuộc đời mình bớt sóng gió. Nhưng  đó là những suy nghĩ và ước ao của một thời nông nổi. Cũng có lúc sau những đêm diễn, một mình chạy xe giữa con đường dài vắng lặng, tôi đã thấm thía cảm giác rùng mình trước nỗi cô đơn đang xâm chiếm trọn tâm hồn mình. Khán giả chỉ thấy tôi cười, khóc cùng nhân vật trên sân khấu, ít khi nghĩ tôi có thể khóc cho chính mình ngay sau khi cánh màn nhung vừa khép hay chỉ một mình đối diện với nỗi cô đơn trong căn nhà trống trải đầy kỷ niệm… Tận trong sâu thẳm của một con người tưởng chừng đầy nghị lực như tôi là một người yếu đuối và chắt chiu từng kỷ niệm, luôn khát khao những điều bình dị nhất. Bây giờ tôi đã yên tâm không đi tìm nữa vì đã ngộ ra rằng không nên đi tìm điều gì không có thật. Tôi đã biết chấp nhận cô đơn. Tôi nghĩ: Không nên đau đớn khi gặp hoàn cảnh không may mà mình phải biết “hóa giải” hoàn cảnh, phải tìm thấy điều hạnh phúc trong đau khổ.Tôi thấy yêu sự tự do mà mình đang có và ngộ ra rằng không phải sống cho người khác một cách vô điều kiện là điều hay và trong cuộc sống đôi khi cũng phải biết sống cho mình.Những người thích đùa - Tôi biết đụng chạm nhiều Điều quí nhất còn lại là tôi không bị ngã gục vì những điều thấp hèn và không phải bị lương tâm lên án khi thể hiện quan điểm của mình qua tác phẩm trước khán giả. Tôi học được giá trị con người không phải được đánh giá qua tiền bạc, qua bộ quần áo mà cái chính là bên trong bộ quần áo ấy là một con người như thế nào. Từ đó tôi biết xem thường những âm mưu, toan tính của cuộc đời. Tôi biết yêu, biết ghét một cách rạch ròi để biết sống, bảo vệ cho lẽ phải.         Cũng chính quan điểm yêu, ghét rạch ròi và những trải nghiệm trong cuộc đời đã cho tôi sự chọn lựa con đường hài kịch châm biếm khi bước vào nghệ thuật. Chính sự ủng hộ và đánh giá của khán giả là thước đo cho sự chọn lựa nầy và cũng là điều quí giá lớn nhất trong cuộc đời tôi. Tình cảm đó đã tiếp thêm sức mạnh cho tôi và cũng chỉ cần bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho tôi đứng vững để sống chết với nghiệp diễn. Có khán giả hỏi tôi: “Tại sao chị lại chọn con đường hài kịch châm biếm, một thể loại rất khó và nhạy cảm, dễ đụng chạm đối với những người làm nghệ thuật?”. Tôi cười: Hoàn cảnh đã tạo nên con người, nó buộc chúng ta đứng trước sự chọn lựa giữa cái đúng và cái sai để hành động. Cuộc đời đã dạy cho tôi không đầu hàng trước hoàn cảnh và số phận, không ngại đối diện trước những cái xấu cái ác, chỉ sợ mình làm những điều trái với lương tâm con người. Đó cũng là điều tâm niệm của tôi khi chương trình "Những người thích đùa" trở thành máu thịt và hơi thở của mình.
Tên tuổi nghệ sĩ Xuân Hương gắn với loạt chương trình Những người thích đùa.
Tên tuổi nghệ sĩ Xuân Hương gắn với loạt chương trình Những người thích đùa.
"Những người thích đùa" đã trở thành một thương hiệu và là một chương trình nói về những hiện tượng không tốt trong xã hội. Tôi biết sẽ “đụng chạm” nhiều.Trong các tiểu phẩm của mình, tôi phê phán những gì không văn hóa ở đô thị: chuyện xả rác, tiểu tiện ngoài đường… cho đến những điều “cấm kỵ” nhất: Chuyện những ông sếp dốt dùng tiền và uy lực để mua bằng cấp, bệnh thành tích, những vấn nạn trong giáo dục… Nỗi buồn lớn nhất của tôi khi làm chương trình này là tiếng kêu của tôi với tư cách người nghệ sĩ và một công dân chân chính nhiều khi như rơi vào một khoảng không. Cái ác, tệ nạn cứ vẫn diễn ra hàng ngày. Đôi lúc tôi thấy mình lạc lõng. Thậm chí, có một lúc chương trình "Những người thích đùa" đã bị quy chụp là có cái nhìn tiêu cực về đời sống xã hội. Đơn cử như tiết mục Đố em. Trong tiểu phẩm này tôi phản ánh những chuyện: Thành phố thiếu thốn nhà vệ sinh để rồi người dân dù ý thức đến đâu cũng đành “quay mặt vô tường”, chuyện gái mại dâm nhơn nhởn trên các tuyến đường... Chính một lãnh đạo bên ngành sân khấu đã nói thẳng là tôi đã “vạch” những điều xấu này cho người nước ngoài đi du lịch đến Việt Nam thấy. Tôi bị kết tội “vạch áo cho người xem thẹo”. Tiết mục Đố em đã bị cấm phát hành trong băng đĩa, phát sóng trên truyền hình một thời gian và chịu nhiều “búa rìu” nhận xét rất phiến diện. Tôi đã tranh đấu đến cùng, bảo vệ “đứa con” mà tôi “rứt ruột” đẻ ra. Và tôi chỉ thở phào nhẹ nhỏm khi tiết mục này đoạt giải “Kịch bản xuất sắc” trong Gala cười 2003. Bây giờ, cơ chế duyệt kịch bản đã thông thoáng hơn xưa rất nhiều, nhờ vậy mà tôi có thêm niềm tin vào những điều tốt đẹp. Tôi nghĩ: Sống ở đời phải biết nếm trải cay đắng, mới biết giá trị của sự ngọt ngào. Có bị trải qua sóng gió mới thấy sự bình yên cần thiết đến dường nào, và cần phải nếm hết những chua cay mặn đắng mới thật là con người.
Xuân Hương và Những người thích đùa

Là một nghệ sĩ đa năng, Xuân Hương - vợ cũ của MC Thanh Bạch - đã đi vào lòng khán giả bằng nhưng nét riêng của mình, mà ấn tượng nhất là loạt chương trình "Những người thích đùa" mang tính hài thời sự thâm thúy của chị.

Năm 1997, Xuân Hương cùng chồng Thanh Bạch cho ra đời chương trình hài kịch mang tên Những người thích đùa, gồm một loạt các tiểu phẩm hài do chị, Thanh Bạch và Thành Lộc làm diễn viên chính. Với những vở diễn ngắn như: Họa mi hót trong lồng, Phút thư giãn, Giao lưu diễn viên điện ảnh, Cái chết con thiên nga, Thẩm mỹ viện lưu động, Thời trang thế kỷ 21, Ngày khai trường, Phiên toà không tội nhân... Những người thích đùa đã đề cập đến nhiều vấn đề không mới nhưng gai góc còn tồn tại của cuộc sống thường ngày nơi đô thị. Khi thực hiện 30 suất diễn tại Nhà hát lớn Thành phố và Nhà Văn hóa Thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình ngay lập tức thu hút được sự chú ý của khán giả. Ít lâu sau, chương trình Những người thích đùa đã đoạt giải Nhất trong Liên hoan sân khấu hài toàn quốc được tổ chức vào năm 1997.

Sau thành công vang dội, Xuân Hương và các cộng sự tiếp tục thực hiện Những người thích đùa 2 (năm 2002), Những người thích đùa 3 (2005), Những người thích đùa 4 (2007), tất cả đều gây tiếng vang và để lại nhiều vở diễn, tiểu phẩm chất lượng đi vào lòng khán giả. (Theo Wikipedia)
Lê Ngọc Dương Cầm(ghi)