Gần 2.500 học sinh thi chung kết Giải toán qua Internet - ViOlympic

24/04/2013 07:00
XT
(GDVN) - Ngày 23/4, gần 2.500 học sinh xuất sắc đến từ 51 tỉnh thành trên cả nước đã đồng loạt tham gia vào vòng chung kết toàn quốc cuộc thi ViOlympic Giải toán qua Internet do Bộ Giáo dục - Đào tạo cùng Trường Đại học FPT phối hợp tổ chức.
Để có mặt trong vòng chung kết, các em đã phải vượt qua rất nhiều đối thủ với 18 vòng thi đầy thử thách được triển khai từ tháng 9/2012.
Cuộc thi đã diễn ra nghiêm túc và khá căng thẳng với các đề bài mang tính phân loại cao. Theo thống kê kết quả ban đầu từ Ban tổ chức, khối lớp 5 có 29 em đạt điểm giỏi (Từ 270 - 300 điểm), trong đó có 1 học sinh tại Thái Bình đạt điểm tuyệt đối 300/300. Khối lớp 9 có 22 em đạt điểm giỏi, trong đó 2 em thuộc tỉnh Vĩnh Phúc đạt điểm 300/300. Khối lớp 11 có 17 em đạt điểm giỏi. 
Căn cứ vào kết quả thu được về điểm của bài thi, thời gian làm bài và số lần thi, Ban tổ chức sẽ trao các giải vàng, bạc, đồng và khuyến khích cho các cá nhân xuất sắc trong vòng chung kết vào tháng 5.

Các thí sinh nhí tỏ ra rất thoải mái nhưng không kém phần nghiêm túc trong lần đầu tham gia kỳ thi quốc gia.
Các thí sinh nhí tỏ ra rất thoải mái nhưng không kém phần nghiêm túc trong lần đầu tham gia kỳ thi quốc gia.

Đề thi được thiết kế đặc biệt với nhiều dạng bài phong phú, bao quát được kiến thức mà học sinh đã được học, đồng thời có những câu hỏi đòi hỏi khả năng tư duy cao. Trong thời gian 60 phút, các thí sinh phải hoàn thành 3 bài thi lớn với việc trả lời khoảng 30 câu hỏi và điểm tối đa đạt được là 300 điểm. Sau khi giám thị công bố mã đề thi cho các khối lớp, các thí sinh bắt đầu làm bài thi. Những thí sinh tham gia vòng chung kết cấp toàn quốc gồm 3 khối lớp: 5, 9 và 11. 

Đây là năm thứ 5 cuộc thi giải toán qua Internet – ViOlympic được Bộ GD&ĐT và Trường ĐH FPT phát động rộng rãi tới các trường TH, THCS và THPT trong cả nước nhằm tích cực hưởng ứng việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học, từng bước tạo điều kiện cho các em học sinh được làm quen và biết cách khai thác những kiến thức trên mạng internet để phục vụ cho việc học tập.

Đại diện nhí của Trường tiểu học Trưng Vương, Hà Nội tự tin bước vào kỳ thi.
Đại diện nhí của Trường tiểu học Trưng Vương, Hà Nội tự tin bước vào kỳ thi.

Đồng thời, ViOlympic tạo sân chơi trí tuệ để học sinh giao lưu học tập, tiếp cận, cọ xát với những kiến thức của môn Toán và bồi dưỡng những học sinh có khả năng về Toán, nhằm giáo dục toàn diện cho học sinh phổ thông và tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các trường học
Đóng vai trò đơn vị phối hợp tổ chức cùng Bộ Giáo dục - Đào tạo, Trường Đại học FPT cho biết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng kỹ thuật cũng như phát huy các thế mạnh của một trường đại học về CNTT để đảm bảo tốt nhất về nội dung cũng như công nghệ cho ViOlympic, phủ rộng cuộc thi tới toàn bộ các trường học khắp các tỉnh thảnh trên cả nước, biến ViOlympic thành một sân chơi lành mạnh, bổ ích, góp phần phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng Toán học cho đất nước.
Lần thứ 5 tổ chức, Cuộc thi ViOlympic đã vượt mốc 10 triệu thành viên và phổ biến tới hơn 1.000 huyện thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước. Cuộc thi ViOlympic có tất cả 19 vòng thi.
XT