Sinh viên tại Anh nộp phạt hơn 550.000 bảng vì phạm quy

22/02/2013 12:57
Châu Long, Theo Guardian
(GDVN) - Uống rượu, hút thuốc lá, tổ chức tiệc tùng bừa bãi là những lỗi vi phạm phổ biến khiến sinh viên phải bỏ tiền túi ra nộp phạt. Số tiền này sau đó được dùng để tổ chức các chuyến đi chơi hàng năm cho nhân viên trong trường.
Trên khắp nước Anh, nhiều trường đại học đã ban hành các quy định về nộp phạt hành chính áp dụng cho sinh viên vi phạm nội quy nhà trường. Trang Guardian vừa qua đã công bố tổng số tiền nộp phạt của sinh viên đại học trên cả nước này lên tới 551.237,30 bảng. Uống rượu, hút thuốc lá, tổ chức tiệc tùng bừa bãi là những lỗi vi phạm phổ biến khiến sinh viên phải bỏ tiền túi ra nộp phạt. Số tiền này sau đó được dùng để tổ chức các chuyến đi chơi hàng năm cho nhân viên trong trường.
Sinh viên ở Anh vi phạm nội quy đã phải nộp phạt với số tiền không nhỏ. Ảnh: Internet
Sinh viên ở Anh vi phạm nội quy đã phải nộp phạt với số tiền không nhỏ. Ảnh: Internet
Cũng theo trang Guardian, mỗi trường đại học tại Anh quy định mức tiền phạt cụ thể riêng cho từng trường hợp vi phạm. Tại Đại học Brunel, sinh viên nhận làm các loại bài kiểm tra trực tuyến thay người khác, kèm theo mục đích kiếm lợi nhuận, nếu bị phát hiện sẽ phải nộp phạt 250 bảng. Sinh viên có hành động tấn công giảng viên và nhân viên trong trường sẽ phải nộp 50 bảng.

Tại Đại học Kent, sinh viên có hành động bạo lực hay lăng mạ người khác liên quan đến phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, hoặc đe dọa và gây áp lực để cưỡng bức người khác khi bị tố giác sẽ bị phạt 50 bảng. Việc hút thuốc lá trong trường này cũng có mức phạt nặng tương đương.
Hút thuốc lá là một trong những lỗi bị phạt nặng. Ảnh: Internet
Hút thuốc lá là một trong những lỗi bị phạt nặng. Ảnh: Internet
Trường Đại học Warwick trong năm qua cũng thu 350 bảng tiền phạt từ các sinh viên vì những lỗi như nuôi gà trong ký túc, ném đồ ăn thừa qua cửa sổ, lấy trộm bánh mỳ, say sỉn và làm “phao thi” cho bạn bè.
Trong khi đó, Đại học Middlesex phạt nặng sinh viên vì nộp học phí muộn và chậm trễ trong việc cung cấp thông tin về người bảo trợ. Năm 2012, trường này đã thu tổng cộng 61.400 bảng đối với vi phạm trên. Tuy nhiên những sinh viên phải nộp số tiền phạt không nhỏ này chủ yếu lại là các du học sinh. Một phát ngôn viên của trường này cho biết: “Vì sinh viên nộp học phí muộn nên nhà trường phải chi thêm ngân sách để trả lương cho các giảng viên và nhân viên. Cho nên chúng tôi coi khoản phí phạt bổ sung này như một hình phạt trực tiếp đối với học sinh nộp học phí muộn và những người bảo trợ có trách nhiệm đảm bảo về mặt tài chính cho học sinh”.

Đại học Middlesex cũng được xem là ngôi trường áp dụng quy định nộp phạt nặng nhất cả nước Anh. Cũng với lỗi chậm nộp học phí, sinh viên tại Đại học Bangor phải nộp phạt 42.479 bảng, sau 14 ngày nếu sinh viên tiếp tục không đóng học phí, nhà trường sẽ kỷ luật và yêu cầu nộp phạt lần hai.

Trong số 128 trường được trang Guardian khảo sát, có 34 trường cho biết không áp dụng việc phạt tiền đối với sinh viên vì cho rằng sinh viên đa phần đều gặp khó khăn về tài chính. Thay vào đó, nhà trường sẽ chọn hình thức kỷ luật hợp lý hơn. Trong khi nhiều trường coi tiền phạt thu từ sinh viên là một nguồn thu nhập phụ cho nhân viên, thì tại Đại học Wales Trinity St David, Đại học Hertfordshire và Đại học Cambrridge, giảng viên và các giáo vụ không được nhận thêm bất kỳ khoản trích nào từ quỹ nộp phạt này. Thay vì dùng tiền phạt của sinh viên vào các chuyến du lịch thường niên của nhân viên trường, hai ngôi trường đại học nổi tiếng nhất nước Anh là Đại học Oxford và Đại học Cambridge đóng góp toàn bộ số tiền thu được vào quỹ hỗ trợ cho sinh viên gặp khó khăn.
Sinh viên và nỗi lo về học phí. Ảnh: Internet
Sinh viên và nỗi lo về học phí. Ảnh: Internet
Liam Burns, Chủ tịch Hội sinh viên toàn nước Anh, cho rằng: “Nhiều sinh viên phải sống tự lập và độc lập về tài chính với khoản chi phí sinh hoạt cả một năm chỉ eo hẹp ở mức 8.500 bảng. Phạt tiền sinh viên mà không cân nhắc tới điều kiện tài chính của họ là việc cần phải xem xét lại. Sinh viên cũng giống bất kỳ tầng lớp nào, họ có trách nhiệm cho bản thân và những người xung quanh. Và nếu quyết định phạt tiền sinh viên, thì chỉ nên áp dụng khi đã cảnh cáo nhưng sinh viên vẫn tái phạm. Các khoản tiền phạt nhà trường thu được không nên được dùng vào việc tổ chức các chuyến du lịch cho giảng viên hay giáo vụ mà cần được dùng để hỗ trợ chính sinh viên thông qua các quỹ khuyến học hay quỹ đầu tư thiết bị học tập, mở rộng thư viện nhà trường”.
Châu Long, Theo Guardian