Bán hàng - trái tim quyết định sự sống của DN

04/02/2013 16:22
Học làm giàu (hoclamgiau)
(GDVN) -Theo các ông chủ doanh nghiệp(DN), dù nền kinh tế phát triển hay rơi vào khủng hoảng thì bán hàng  là trái tim quyết  định sự sống của mỗi doanh nghiệp(DN).
Nhằm  tìm kiếm  những  nhân viên bán hàng giỏi,  Công ty IDT vừa phối hợp với Dự án Học Làm Giàu tổ chức cuộc thi “Chiến binh bán hàng số 1”.  Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với anh  Phan Ích Chiến - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Ngọc Linh xung quanh nội dung cuộc thi này.
 
Các học viên đang chia sẻ nghệ thuật bán hàng bằng cảm xúc tại khóa đào tạo do Dự án Học Làm Giàu phối hợp Cty IDT tổ chức
Các học viên đang chia sẻ nghệ thuật bán hàng bằng cảm xúc tại khóa đào tạo do Dự án Học Làm Giàu phối hợp Cty IDT tổ chức

Thưa anh, cuộc thi “Chiến binh bán hàng số 1” xuất phát từ ý tưởng gì?Vì sao anh  lại phối hợp với Dự án Học Làm Giàu tổ chức cuộc thi này?

Ý tưởng cuộc thi  này xuất phát khi tôi triển khai dự án Trải nghiệm kinh doanh thực  tế cùng Dự án Học Làm Giàu. Là người gắn bó với Dự án nhiều năm qua, điều mong muốn nhất của tôi tạo sân chơi thiết thực cho học viên của dự án nói riêng và cho những bạn trẻ yêu thích kinh doanh trên cả nước nói chung. Đây là cơ hội để các bạn trẻ đam mê kinh doanh khẳng định tài năng của mình. Và cũng là cơ hội để các DN tìm kiếm và lựa chọn cho mình những “chiến binh” bán hàng thực thụ.
Cuộc thi sẽ nhắm tới những đối tượng nào?doanh nhân, doanh nghiệp hay các bạn trẻ mới kinh doanh tham gia khởi nghiệp, thưa anh…?

Nội dung  cuộc thi gồm 4 phần. Phần thứ nhất, các thí sinh thể hiện kỹ năng bán hàng thông qua trải nghiệm thực tế. Nghĩa là thí sinh sẽ phải là một nhân viên bán hàng thực sự ngoài thị trường trong vòng 1 tháng. Phần thứ hai, các thí sinh phải thể hiện khả năng thuyết trình, thể hiện được sức hút của giọng nói, ngôn ngữ cơ thể và trí tuệ cảm xúc nơi đông người thông qua kỹ năng giới thiệu về sản phẩm, trước ban giám khảo và khán giả.
  
Phần thứ ba, là thí sinh phải thể hiện được kiến thức, khả năng nhận biết thị trường thông qua phần thi nhận diện thương hiệu của các công ty VN và trên thế giới. Phần cuối thí sinh phải thể hiện tư duy nhạy bén và khả năng xử lý tình huống trong kinh doanh qua phần thi xử lý tình huống. Nghĩa là các thí sinh được xem clip và phải nhập vai thực tế để thể hiện tài năng xử lý tình huống của mình.

Đối tượng tham gia mà cuộc thi  mà chúng tôi nhắm tới là các sinh viên, đặc biệt là các bạn vừa ra trường, những bạn trẻ yêu thích kinh doanh và đang làm việc tự do, những nhân viên bán hàng, kinh doanh đang làm việc tại các công ty . Đây cũng là cơ hội để các cty kiểm tra khả năng bán hàng, kinh doanh của nhân viên cũng như kết quả đào tạo của chính công ty mình .

 Anh có thể nói rõ hơn những trải nghiệm  thực tế trong lĩnh vực kinh doanh  mà cuộc thi định chia sẻ với học viên?

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của các DN, đó là cần tuyển đội ngũ bán hàng, kinh doanh có kinh nghiệm. Nhưng khi tuyển được những người đã có kinh nghiệm về bán hàng, kinh doanh, điều đó cũng chưa đảm bảo được tính hiệu quả của công việc. Theo tôi, người có kinh nghiệm ở lĩnh vực A nhưng lại phải làm lĩnh vực mà họ không yêu thích. Chính điều này, làm giảm đi động lực phát triển của họ. Cho nên,dù công ty có thuê các chuyên gia hoặc gửi họ tới các công ty đào tạo thì hiệu quả cũng rất hạn chế.

Có một thực trạng sinh viên ra trường hiện nay rất yếu về các kỹ năng làm việc, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm. Do vậy, họ rất vất vả khi đi xin việc, thậm chí mất nhiều năm để có được kinh nghiệm trong bán hàng,kinh doanh và đặc biệt là tìm được công việc theo ý thích và mong muốn của mình. Chính vì những lý do trên nên chúng tôi đặt yếu tố sở thích, niềm đam mê của học viên lên hàng đầu. Học viên sẽ được lựa chọn những sản phẩm, lĩnh vực mình yêu thích trước khi  được đào tạo.

Được biết chương trình đào tạo của cuộc thi ngoài kiến thức,kỹ năng, thái độ thì yếu tố trí tuệ cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể, cũng được chú trọng. Vậy theo anh phương pháp đào tạo này có mang lại hiệu quả như mong muốn?

Trong Dự án đào tạo trải nghiệm kinh doanh, chúng tôi đã nghiên cứu các mô hình đào tạo trước đó như : Mô hình Benjamin Bloom và mô hình PNI. Dựa trên các mô hình này chúng tôi đưa ra mô hình đào tạo có tên là PIC. 

Mô hình PIC là sự điều chỉnh thông minh trong quan hệ với khách hàng thông qua thể hiện các kỹ năng, kiến thức và thái độ dựa trên biểu thị qua giọng nói, ngôn ngữ cơ thể và cảm xúc của người bán hàng. Dựa trên mô hình này chúng tôi đào tạo chuyên sâu vào 3 yếu tố đó là Giọng nói – Ngôn ngữ cơ thể - Trí tuệ cảm xúc. Với một phương pháp đào tạo khoa học và mang tính đột phá. Chúng tôi tin  rằng, mô hình này sẽ  đạt hiệu quả như mong muốn.

Để trở thành những “Chiến binh bán hàng số 1” trong thời kỳ khủng hoảng thì người bán hàng  phải đáp ứng  được những tiêu chí như thế nào? Theo anh đâu là kỹ năng quan trọng của người bán hàng giỏi.

Để trở thành một Chiến binh bán hàng giỏi thì điều đầu tiên là họ phải có tố chất bán hàng, điều thứ 2 là họ phải lựa chọn được lĩnh vực họ đam mê, điều thứ 3 là họ phải rèn luyện thông qua một phương pháp khoa học.Như chúng tôi đã đưa ra mô hình đào tạo ở trên. Có 3 yếu tố hạt nhân mà người bán hàng cần phải sử dụng tốt, đó là: Giọng nói – Ngôn ngữ cơ thể - Trí tuệ cảm xúc.

Kiến thức về sản phẩm, về công ty về xã hội của người bán hàng sẽ được biểu thị thông qua giọng nói. Kỹ năng thuyết trình và các kỹ năng khác để dẫn dắt câu chuyện thu hút người nghe được biểu thị của cách sử dụng âm thanh trong giọng nói và ngôn ngữ cơ thể. Thái độ của người bán hàng sẽ được biểu thị thông qua giọng nói, nét mặt, ánh mắt và cảm xúc.

 Hạt nhân quan trọng trong mô hình đào tạo PIC là trí tuệ cảm xúc. Nghĩa là người bán hàng phải kiểm soát được cảm xúc của mình rồi mới kiểm soát được giọng nói và ngôn ngữ cơ thể. Ngoài ra, người bán hàng phải sử dụng trí tuệ cảm xúc để thấu hiểu suy nghĩ và hành động của khách hàng, từ đó điều chỉnh cách ứng xử cho phù hợp để đạt hiệu quả cao nhất trong quá trình giao tiếp.

Cho đến nay cuộc thi đã được sự hưởng ứng của cộng đồng mạng xã hội hoclamgiau.vn, anh đánh giá như thế nào về sức hút của cuộc thi tới cộng đồng? Vì sao cuộc thi có sức lan tỏa và ảnh hưởng tới cộng đồng như vậy?

Theo tôi đây là cuộc thi hướng tới lĩnh vực bán hàng-Bán hàng là trái tim quyết định sự sống còn của mỗi DN. Với kịch bản được xây dựng từ những tình huống thực tế trong kinh doanh, theo tôi  ngoài sức hấp dẫn với các bạn trẻ thì  cuộc thi  còn có sức hút với cả những  ông chủ của doanh nghiệp. 

 Tôi đã có thời gian gắn bó với dự án  Học Làm Giàu, chính vì vậy khi phát động cuộc thi này tôi tin rằng  có sức lan tỏa  mạnh tới cộng đồng DN, các bạn trẻ những người đam mê khao khát Học+Làm=Giàu.

Xin cảm ơn anh.

Để tìm hiểu thêm cuộc thi, mời các bạn BẤM vào đây
Học làm giàu (hoclamgiau)