1846 - Mốc đánh dấu sự cạn kiệt của một nguồn năng lượng

18/09/2012 11:07
Nguồn: Genk
Đây không phải lần đầu tiên con người phải đối diện với sự cạn kiệt của các nguồn nhiên liệu trong lịch sử. Trong thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, con người từng có thời kỳ sử dụng dầu cá nhà táng làm chất đốt cho đèn
Khoa học – Công nghệ hiện đại đang cố gắng nghiên cứu, phát triển các loại năng lượng sạch từ phong điện, thủy điện, năng lượng mặt trời đến các loại năng lượng tạo ra từ vi sinh vật và thậm chí là giảm thiểu sử dụng năng lượng bằng việc chế tạo các loại máy móc, thiết bị tiết kiệm nhiên liệu. Sự nỗ lực của các nhà khoa học một phần hướng tới việc giảm thiểu tác hại của hoạt động của con người đối với thiên nhiên nhưng chủ yếu là để dự phòng cho sự cạn kiệt nguồn nhiên liệu hóa thạch đang được dự báo.
 
Từng có thời kỳ những chiếc đèn này là phương tiện thăp sáng duy nhất trong nhà.
Từng có thời kỳ những chiếc đèn này là phương tiện thăp sáng duy nhất trong nhà.

Đây không phải lần đầu tiên con người phải đối diện với sự cạn kiệt của các nguồn nhiên liệu trong lịch sử. Trong thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, con người từng có thời kỳ sử dụng dầu cá nhà táng làm chất đốt cho đèn.

Tuy nhiên, việc đánh bắt cá nhà táng đã đẩy loài cá này đến gần mức tuyệt chủng cũng như sự khó khăn, vất vả khi đánh bắt loài cá khổng lồ này đã khiến giá dầu cá voi tăng vọt và theo thời gian, thứ dầu đắt đỏ này cũng không phải cứ bỏ tiền ra là đã có thể mua được.

Sự khan hiếm của dầu cá voi vào thời điểm ấy đã giúp cho ngành khai thác dầu mỏ bắt đầu phát triển và đến nay, chúng ta lại đang bước vào một cuộc khủng hoảng năng lượng khác.
 
Mặc dù chúng ta có vẫn có đủ xăng dầu để chạy xe, hoạt động máy móc nhưng ngày mà những giọt dầu cuối cùng bị con người vắt kiệt có lẽ không còn xa nữa. Nghiên cứu quá khứ cũng là một cách để dự đoán tương lai.

Trong khi chờ đợi sự phát triển của khoa học, chờ đợi sự xuất hiện của những nguồn năng lượng mới, hãy dành chút thời gian tìm hiểu về quá khứ của loài người.
 
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu đôi chút về khoảng những năm 1846, mốc thời gian đánh dấu cuộc khủng hoảng năng lượng dầu cá voi.
 
Giá trị của dầu cá nhà táng
 
Dầu cá voi trong quá khứ có rất nhiều tác dụng: làm chất đốt, bôi trơn, chế xà phòng, tạo sáp nến và cũng được sử dụng trong việc dệt vải, bện dây thừng. Tuy nhiên, công dụng chủ yếu của dầu cá voi lúc bấy giờ là làm dầu đốt đèn.

Dầu cá voi có thể được sử dụng trong đèn dầu, cung cấp ngọn lửa không khói. Chất lượng của dầu cá voi cao hơn rất nhiều so với sáp ong hay mỡ động vật (Là những nguồn chất đốt lúc bấy giờ) và đây cũng chính là lý do đẩy nhu cầu săn bắt cá voi để lấy dầu tăng cao.
 

Và để đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cuộc săn cá voi được tiến hành rầm rộ vào giữa những năm 1700 và đầu những năm 1800.

Một con cá nhà táng có thể cung cấp đên 3 tấn dầu, chúng từng được coi là loài động vật hay những mỏ dầu sống tốt nhất trong ngành chất đốt.
 
Vào thời kỳ đỉnh cao của việc săn bắt cá voi, không chỉ một ngọn đèn hay một căn phòng mà là toàn bộ những ngôi nhà, đèn đường, tòa nhà công cộng được thắp sáng bằng đèn dầu cá nhà táng.

Những người giàu có thay vì sử dụng các loại nến sản xuất từ mỡ động vật thì lại chỉ ưa chuộng nến sản xuất từ mỡ cá voi.

Thứ sản phẩm này trở thành mốt thời thượng, xu thế chủ đạo lúc bấy giờ. Rõ ràng chất lượng cực cao của dầu cá voi khi sử dụng làm chất đốt sáng đã mang lại sự ưa chuộng cho thứ sản vật này, vào thời kỳ này, chính ánh sáng từ dầu cá voi đã khởi nguồn cho chuẩn ánh sáng mới: chuẩn ánh sáng Lumen.
 
Ngành công nghiệp dầu cá nhà táng từng phát triển cực thịnh tại Mỹ và bắt đầu phổ biến rộng rãi vào những năm 1760-1770.

Vào những năm 1770-1775, từ Massachussets,New York, Connecticut và Đảo Rhode, người Mỹ đã sản xuất được đến 45.000 thùng dầu cá voi mỗi năm.

Và Mỹ cũng không phải nước duy nhất trên thế giới có ngành công nghiệp này phát triển, hàng loạt nước ở châu Âu cũng tham gia vào ngành công nghiệp béo bở này.
 
Tuy nhiên…
 
Việc đánh bắt cá voi dần dần trở nên khó khăn hơn. Sự nguy hiểm vốn đã luôn tồn tại trong lòng đại dương, hơn nữa, bản năng phòng vệ của những con cá khổng lồ cũng khiến không ít người đi săn cá voi phải bỏ mạng giữa biển khơi.


Một lý do khác chính là sự đánh bắt thái quá đã đẩy loài cá khổng lồ này đến mức gần như tuyệt chủng. Khoảng hơn 236.000 con cá voi đã bị giết hại chỉ để phục vụ lấy dầu chỉ trong nửa đầu thế kỷ 19.

Sau khi sục sạo toàn bộ Đại Tây Dương, Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, đã đẩy những người đi săn cá voi phải đến những vùng nước lạnh hơn, nguy hiểm hơn và cũng khiến những cuộc săn cá voi trở thành những cuộc tự sát.

Ngày càng ít càng thuyền cá trở về từ đại dương, điều này khiến cho giá dầu cá nhà táng tăng vọt lên gấp đôi chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
 
Tuy nhiên, sự thoái trào của ngành công nghiệp từng được coi là béo bở này bắt đầu vào năm 1846 với một nguyên nhân khác.
 
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụp đổ của sản phẩm dầu cá nhà táng
 
Dầu lửa. Sự phát triển của ngành dầu mỏ là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy thoái của ngành dầu cá voi. Vào năm 1849, chỉ 3 năm sau khi ngành công nghiệp dầu cá đạt đỉnh cao của sự phát triển, một nhà địa chất người Canada tên là Abraham Gesner đã nghiên cứu ra phương pháp chưng cất dầu lửa ra khỏi dầu mỏ. Rõ ràng dầu lửa đã trở thành thứ nguyên liệu rẻ hơn, dễ kiếm hơn để thay thế dầu cá voi.

Một đặc điểm nữa của dầu lửa chính là nó có thể được bảo quản trong thời gian dài hơn và không có mùi khó chịu khi đốt như dầu cá voi.
 
Phát minh của Gesner bắt đầu thời kỳ phát triển của ngành công nghiệp dầu mỏ vào những năm 1850. Cho đến năm 1860, John D.Rockefeller nhờ có sự giúp đỡ kỹ thuật của quân đội đã phát triển việc chưng cất, thu giữ dầu mỏ lên một trình độ cao hơn.

Vào thời điểm này, họ bắt đầu liên kết các nhà máy chưng cất dầu mỏ lại với nhau, sau này, những nhà máy nhỏ này đã trở thành công ty dầu mỏ nổi tiếng Standard Oil.
 

Cùng với sự khó khăn khi trong đánh bắt cá voi lấy dầu, sự phát triển của dầu mỏ đã đánh sập hoàn toàn và đẩy lùi ngành công nghiệp dầu cá nhà táng vào quá khứ. Vào năm 1856, giá của 1 gallon dầu cá voi là 1,77 dollar trong khi ấy giá dầu vào thời điểm này chỉ là 40 cent/gallon.

Nhưng cho đến năm 1865, khi không mấy ai sử dụng dầu cá voi nữa thì giá xăng, dầu đã nhích dần lên 59 cent/gallon và đến năm 1895 là gần 70 cent/gallon.

Thông tin gần nhất nhận được cho đến ngày 13/9 vừa qua là giá dầu thô đã vượt quá 100 dollar/thùng, tức là vào khoảng hơn 3 dollar/gallon. Còn giá dầu cá voi hiện nay là bao nhiêu? Có lẽ bạn sẽ noi cá voi vô cùng hiếm nên giá dầu cá voi ngày nay sẽ rất đắt, nhưng giá trị sử dụng của dầu cá voi ngày nay gần như bằng 0, ngày nay, trừ việc thắp đèn khi bị mất điện, có lẽ sẽ chẳng có cơ hội nào để dầu cá nhà táng quay lại thị trường.
 
Lịch sử lặp lại
 
Cá nhà táng từng giống như những mỏ dầu sống, việc khai thác của con người sẽ dần đến việc thoái trào của ngành công nghiệp này trong một tương lai không xa.

Ngày nay, những ngành công nghiệp khai thác nguyên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ cũng đang bước trên cùng đường với ngành công nghiệp dầu cá nhà táng trước đây. Có lẽ chúng ta đang sống trong mốc thời điểm của một cuộc thoái trào mới.
 
Và cũng sẽ như thời điểm khi dầu cá nhà táng không còn là nguồn nhiên liệu được ưa chuộng, con người cần sự đổi mới, chúng ta đang cần gấp một nguồn năng lượng thay thế. Dầu mỏ từng xuất hiện để cứu loài cá voi thoát khỏi sự tuyệt chủng, tuy nhiên, nó lại khiến môi trường trở nên ô nhiễm hơn bao giờ hết.

Ngày nay, chúng ta không chỉ phải đối diện với việc khan hiếm năng lượng mà còn phải phòng vệ trước biến đổi khí hậu. Do đó, những nguồn năng lượng hóa thạch không còn là sự lựa chọn đúng đắn nữa.
 
Liệu thế kỷ 21 có được đánh dấu là mốc thoái trào cuối cùng của nguồn nhiên liệu hóa thạch? Hi vọng rằng, trong một tương lai gần, chúng ta sẽ có được một nguồn năng lượng đủ bền vững để thay thế cho những nguồn nhiên liệu hóa thạch mà có thể đảm bảo cho sự trong lành của môi trường.

Nguồn: Genk