NASA sắp phóng 2 tàu thăm dò để nghiêm cứu vành đai bức xạ Van Allen

13/08/2012 13:59
Theo tinhte
Bức xạ là một mối nguy hiểm rất phổ biến trong công tác khám phá không gian và vì vậy, các cơ quan hàng không vũ trụ như NASA luôn tìm cách phòng tránh bức xạ vì nhiều lý do hiển nhiên
Bức xạ là một mối nguy hiểm rất phổ biến trong công tác khám phá không gian và vì vậy, các cơ quan hàng không vũ trụ như NASA luôn tìm cách phòng tránh bức xạ vì nhiều lý do hiển nhiên. Bức xạ có thể gây nguy hiểm đến phi hành gia và phá hỏng các vi mạch của vệ tinh.

Vậy tại sao NASA lại chuẩn bị đưa các tàu vũ trụ không người lái vào khu vực bức xạ nguy hiểm nhất trong vùng lân cận Trái Đất? Thật ra, vào ngày 23 tháng 8 tới, 2 tàu thăm dò vành đai bão phóng xạ (Radiation Belt Storm Probe - RBSP) sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa Atlas V từ trung tâm không quân Cape Canaveral, Florida và mục tiêu của chúng là nghiên cứu về bức xạ của vành đai Van Allen. 

Vành đai Van Allen được phát hiện vào năm 1958 bởi vệ tinh đầu tiên được Mỹ phóng thành công - Explorer I và nó được đặt theo tên của người phát hiện - James Van Allen. Chúng gồm 2 vành đai bức xạ tạo ra bởi sự tương tác của Mặt Trời và từ trường Trái Đất.

Kết quả từ sự tương tác là các hạt proton và electron mang điện bị mắc lại trong từ trường giống như mạt sắt bị hút hởi một thỏi nam châm. Các từ trường này mang tầm quan trọng nhất định bởi một mặt chúng bảo vệ Trái Đất khỏi các bức xạ nguy hiểm đến từ không gian nhưng mặt khác, chúng cũng là những khu vực giới hạn đối các phi hành gia và tàu vũ trụ không người lái. 

Sứ mạng RBSP sẽ khám phá cả 2 vành đai Van Allen. 2 tàu thăm dò với lớp vỏ chống bức xạ sẽ bay xuyên qua khu vực bức xạ chứa các hạt mang điện tích cao để tìm hiểu thêm về cách thức chúng được tích điện bởi các tác động từ Mặt Trời chẳng hạn như các vết lóa Mặt Trời (solar flare) và sự phóng điện vành nhật hoa (coronal discharge).

Không phải ngẫu nhiên mà NASA muốn tìm hiểu sâu về các tính chất của vành đai Van Allen. Thời tiết trong không gian tác động đến các tàu vũ trụ, mạng truyền thông, lưới điện trên Trái Đất và cả con người.

Trong trường hợp thời tiết xấu, chẳng hạn như một cơn bão Mặt Trời lớn nhắm trực diện vào Trái Đất, nó có thể đánh sập toàn bộ mạng lưới điện trên một nửa địa cầu và phá hủy toàn bộ máy tính.

Còn với con người, đây sẽ là một tai họa đối với những hành khách đang đi trên một chuyến bay bởi nó sẽ vô hiệu hóa những hệ thống sống còn trên máy bay. 

"Rất khó để đoán trước tác động của các vành đai bức xạ lên Trái Đất do thời tiết không gian gây ra," Barry Mauk, nhà khoa học thuộc dự án RBSP đến từ phòng thí nghiệm vật lý ứng dụng thuộc đại học John Hopkins, Maryland cho biết.

"Một trong những mục tiêu chủ yếu của sứ mạng RBSP là sử dụng từ quyển của Trái Đất như một môi trường thí nghiệm tự nhiên nhằm rút ra những kiến thức tổng quát về cách bức xạ hình thành và phát triển trong vũ trụ. Vũ trụ vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn cần được giải đáp." 

Là một phần thuộc chương trình Livin With a Star của NASA, sứ mạng RBSP được lên lịch trình kéo dài 2 năm và được điều khiển từ trung tâm hàng không vũ trụ Goddard tại Greenbelt, Maryland.
Theo tinhte