Mẹ Hổ dạy con theo cách của một người nhập cư

24/06/2011 00:56
(GDVN) - “Có vẻ như tôi đang hạ thấp Chua, nhưng chúng ta phải nhớ rằng thật khó để những người nhập cư và con cái của họ có thể khiêm tốn về vấn đề này”.

(GDVN) - “Có vẻ như tôi đang hạ thấp Chua, nhưng chúng ta phải nhớ rằng thật khó để những người nhập cư và con cái của họ có thể khiêm tốn về vấn đề này” - ngày 23/6, diễn giả - GS David Pickus, GS Lịch sử và Chính trị tại Trường ĐH Barret Honnors (Bang Arizona)  - trường đại học công lớn nhất Hoa Kỳ đã chia sẻ những quan điểm của mình trong hội thảo giới thiệu cuốn sách “Chiến ca mẹ Hổ” tại Hà Nội.

{iarelatednews articleid='5387,5084,392'}

Chua dạy con theo quan niệm” ai giàu ba họ, ai khó ba đời”

Tại Hội thảo, GS David Pickus cho rằng, câu hỏi làm thế nào để nuôi nấng và dạy bảo con cái luôn là một trong những trăn trở day dứt nhất của con người, và tôi nghĩ rằng rất ít người không có chút quan điểm nào trong vấn đề này.

Vì thế, Amy Chua xứng đáng nhận lời khen ngợi cho việc khơi dậy sự quan tâm với vấn đề muôn thuở này.

Tôi tin rằng, cuốn sách của Chua không chỉ hấp dẫn về cách nuôi dạy con cái (bà chỉ đơn giản khuyên chúng ta không nên nuông chiều chúng), mà còn về những điều mà cuốn sách hé lộ, có thể chỉ là tình cờ, về ba câu hỏi sau đây:

1. Nên dạy con cái của bạn về những giá trị châu Á trong thời đại toàn cầu hóa như thế nào?

2. Cuốn sách này đã hé lộ gì về con đường tìm tới thành công và địa vị ở xã hội Mỹ?

3. Chúng ta kì vọng gì về những đứa trẻ của “Cha mẹ Hổ”, khi mà sự xuất hiện của chúng ngày càng nhiều hơn ở Mỹ, ở Trung Quốc, Việt Nam và những nơi khác nữa.

Một câu hỏi đặt ra là Chua nghĩ bà đang làm gì với vai trò một người mẹ Trung Quốc?

Câu trả lời được gói gọn trong một câu thành ngữ của Việt Nam “ai giàu ba họ, ai khó ba đời”.

Bà đã viết rất cởi mở về những khó khăn mà cha mẹ mình đã phải trải qua khi di cư từ Đài Loan sang Mỹ, và cách dù phải đối mặt với tất cả những khó khăn vẫn trở nên thành đạt, và những đứa con của họ- sinh ra ở Mỹ- còn trở nên thành đạt hơn.

Và điều gì sẽ xảy ra với thế hệ thứ ba? Những đứa trẻ được sinh ra trong nhung lụa vốn là không tưởng với thế hệ thứ nhất? Thế hệ này cần một “Hổ mẹ” bởi như Chua nói “tất cả những yếu tố thuộc về thế hệ này đều có xu hướng đi xuống”.

Chua đã nỗ lực để khiến hai cô con gái tránh khỏi những hoạt động “mang màu sắc Mỹ” như thay vì chơi điện tử thì đó là chơi đàn piano và violon tới độ khiến chúng và cha mẹ nhận được sự công nhận của quốc tế.

 

… nhưng không thuần chất Á Đông

Những ví dụ về cách thức nuôi dạy con có thể tìm thấy ở khắp nơi trên thế giới, và nó đặc biệt phổ biến với những người di cư và con cái của họ.

Những bậc cha mẹ này thường là những người chuyển từ nông thôn lên những thành phố lớn, hay những người là thành viên đầu tiên trong gia đình có bằng đại học.

Chua đã gọi phương pháp dạy con này là của người Trung Quốc vì đó là cách mà bà đã trải nghiệm.

Quan trọng hơn, lí do mà Chua viết cuốn sách này đã gây tranh cãi ở Mỹ rằng rất nhiều trường học của Mỹ nơi có một số lượng nhỏ, nhưng cũng đáng kể những học sinh gốc Á.

Những học sinh này thường đạt kết quả cao trong học tập, và không thể nói đó là sự tình cờ khi họ đều là con của những người nhập cư, những người phải phấn đấu rất vất vả để có được một vị trí ổn định trong xã hội mới.

Amy Chua đã lên được rất cao trên nấc thang danh vọng của Mỹ, cao hơn rất nhiều so với nhiều người Mỹ có thể với tới.

Bà không chỉ là một tác giả nổi tiếng mà còn là một giáo sư ở một trong những những đại học luật danh tiếng nhất của nước Mỹ, và cuộc sống riêng tư của bà cũng đạt những thành quả rất rực rỡ: những cô con gái của bà là những học sinh xuất sắc, và một trong số họ đang trên đường trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng.

Chồng bà cũng là một giáo sư môn luật lỗi lạc. Gia đình họ khỏe mạnh, vui vẻ và mạnh mẽ. Tóm lại, vẻ ngoài của họ đều đẹp, giống như những ngôi sao điện ảnh hơn là những người bình thường.

Làm sao mà tôi biết được tất cả những điều này nhỉ? Ừm, chính Chua đã gợi nhắc cho độc giả về điều ấy, một cách liên tục.

Khi nói về công việc của mình, bà không chỉ nói là “trường luật”, mà là “trường luật Yale”. Và tất cả độc giả Mỹ đều biết rằng Đại học Yale nằm trong danh sách những trường danh giá hàng đầu.

Chua liên tục nhắc tới sự liên quan của bản thân với những trường đại học, trường trung học, giáo viên dạy nhạc và cả những người bạn của gia đình khác nhau.

Một ai đó từ một đất nước khác sẽ cảm thấy lúng túng với những cái tên ấy, nhưng nó sẽ dễ hiểu và hợp lý một khi bạn nhận ra rằng bất kể Chua đang nhắc tới điều gì rất tốt và đáng khen thì phần lớn đó là những điều mà người Mỹ cũng rất khó đạt được, ngay cả khi họ rất cố gắng.

Về phần mình, tôi không thể gọi sự thiếu khiêm tốn này là “thuần Á Đông”. Dù những cha mẹ châu Á dạy con họ làm việc chăm chỉ thế nào, tôi tin rằng một “Hổ mẹ” châu Á thực sự sẽ rất hoảng hốt với ý nghĩ khi lớn lên con bà ta sẽ quảng cáo những điều mà mình đạt được với quần chúng.

Theo lẽ tự nhiên, mọi quốc gia đều có những người thiếu khiêm tốn, nhưng điều gây ấn tượng mạnh cho tôi trong suốt khoảng thời gian ở châu Á là cách sự không khiêm tốn bị ghét bỏ và những người có thể kiểm soát cái tôi rất được coi trọng. Chua lại hoàn toàn thiếu sự khiêm tốn “thuần chất Á Đông” này.

GS. David Pickus sinh ra ở Chicago. Ông nhận bằng cử nhân về lịch sử của trường đại học Lawrence và bằng tiến sĩ về lịch sử tri thức Đức tại đại học Chicago năm 1995. Lĩnh vực nghiên cứu của ông bao gồm khu vực Trung Âu, Balkans, khu vực Trung Đông và Trung Quốc.

Ông đã nhân bằng học giả Fulbright ở Belgrade, Serbia khóa 2007-2008. Hiện ông là GS Lịch sử và Chính trị tại Trường Đại học Barret Honnors (Bang Arizona) trường Đại học công lớn nhất Hoa Kỳ.

David Pickus đã từng hai lần sang Việt Nam để nói chuyện về chủ đề Toàn cầu hóa, Tương lai của giáo dục trong bối cảnh toàn cầu

PV