10 ngày tới, giá vàng vẫn sẽ biến động khó lường!

25/08/2011 10:01
(GDVN) – Theo đánh giá của các chuyên gia, trong ngắn hạn tình hình thị trường vàng sẽ vẫn sôi động như trong thời gian vừa qua.

“Giải mã cơn biến động giá vàng” là chủ đề buổi giao lưu trực tuyến lúc 10h sáng nay (25/8) tại Tòa soạn báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.

Bất chấp những rủi ro khi thị trường vàng biến động mạnh mẽ trong gần 1 tháng qua, các nhà đầu cơ trong nước và cả trên khắp thế giới, từ trẻ tới già, đều đang đổ tiền vào thị trường vàng.

Có một nghịch lý: giá vàng càng biến động theo chiều hướng tăng cao, sức mua càng mạnh. Mặc dù trong nhiều thời điểm nhạy cảm giá, việc quyết định mua hay bán sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của nhà đầu tư bởi thua lỗ và lời lãi chỉ cách nhau trong gang tấc.

Bất chấp trời mưa rất to nhưng ngay từ sáng sớm ngày 11/8 (giá vàng bất ngờ vọt mốc 46 triệu đồng/lượng), người dân đổ xô lên khu phố Trần Nhân Tông để chờ mua, bán vàng. Ảnh: Cao Nguyên.
Bất chấp trời mưa rất to nhưng ngay từ sáng sớm ngày 11/8 (giá vàng bất
ngờ vọt mốc 46 triệu đồng/lượng), người dân đổ xô lên khu phố Trần
Nhân Tông để chờ mua, bán vàng. Ảnh: Cao Nguyên.

Đã có người cười, người khóc từ những cơn điên loạn giá vàng nhưng khi tĩnh tâm lại, sẽ không ít người tự hỏi: Vì sao giá vàng lại biến động bất thường như thế? Có hay không có những thế lực đang thao túng thị trường vàng? Những nguồn lợi khổng lồ từ việc kinh doanh vàng trong bối cảnh biến động giá đang chảy vào túi ai? Bức tranh về thị trường vàng trong thời gian tới sẽ diễn biến thế nào? Nên hay không tiếp tục đầu tư vào thị trường vàng?.

Vào lúc 10h sáng nay (25/8), tại báo điện tử Giáo Dục Việt Nam,TS. Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội, Ông Vũ Minh Châu – Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu và ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam... sẽ cùng giải mã những vấn đề trên.

Vàng "loạn" giá, nên đầu tư vào đâu?

- Thưa TS Nguyễn Minh Phong, sáng nay, giá vàng trong nước rơi tự do, giảm hơn 2 triệu đồng/lượng so với chốt phiên hôm qua, xuống mốc 45 – 45,3 triệu đồng/lượng. Đây cũng là một trong những động thái biến động khá đột ngột về giá. Theo ông, trong vòng 10  ngày tới, ông có thể đưa ra nhận định về bức tranh thị trường vàng? Ông tư vấn gì cho những người đang băn khoăn trước câu hỏi: “Đầu tư  vào đâu?” - (Nguyễn Thị Mai Lan - Trung Hòa, Nhân Chính, Hà Nội)

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (trái).
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong (trái).

TS. Nguyễn Minh Phong: Hiện nay, đang là thời điểm rất nhạy cảm và đang đậm nét về yếu tố làm giá và tâm lý trên thị trường vàng cả trong nước cũng như trên thế giới và nhất là trên thế giới. Để xử lý các thông tin về triển vọng của thị trường vàng trong 10 ngày tới cần quan sát 3 dấu hiệu sau:

Thứ nhất,
giá có lên nhanh hay xuống nhanh nhiều lần trong ngày hay không?

Thứ hai, giãn cách giữa giá thị trường trong nước với thị trường quốc tế.

Thứ ba, giãn cách giữa giá niêm yết mua và bán trong cùng một đơn vị kinh doanh vàng.

Nếu có yếu tố thứ nhất, có yếu tố thứ hai (với mức chênh lệch vượt quá 400.000 đồng/lượng của giá trong nước so với giá thế giới) và nếu có yếu tố thứ ba với giãn cách lớn thì chắc chắn đó đang là dấu hiệu ‘nóng’ của hiện tượng làm giá.

Quan điểm của cá nhân tôi, trong 10 ngày tới: Giá có thể hạ ở mức độ chậm, còn nếu tăng thì cũng ở mức độ chậm hơn so với rất nhiều 3 tuần đầu của tháng 8.

Xác xuất cho xu hướng lên hoặc xuống của giá vàng thế giới, và do đó, của Việt Nam là 50 – 50. Trong đó, tôi nghiêng về khả năng sẽ chậm chững và giảm nhẹ.

Việc giá vàng sáng nay hạ đột ngột xuống mức 45 – 45,3 triệu đồng/lượng là một khẳng định cho xu hướng nói trên.

Vì vậy, nếu bạn không có kế hoạch đặc biệt nào khác mà chỉ có nhu cầu mua vàng tích trữ thì hãy bình tĩnh quan sát thêm một khoảng thời gian thích hợp nữa.

Đối với câu hỏi đầu tư vào đâu của bạn, điều này tùy thuộc vào khả năng tài chính, lĩnh vực quan tâm, sở trường và những cơ hội bạn có khả năng nắm bắt khai thác trong thực tế cuộc sống. Chúng rất khác nhau đối với mỗi người, mỗi địa phương, lĩnh vực và các thời điểm cụ thể. Tuy nhiên, giống như giá vàng, hiện đang là thời điểm cơ hội đầu tư có sự thu hẹp đáng kể do những khó khăn chung về kinh tế thế giới cũng như những e ngại về bất ổn khác. Về cơ bản, các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư nên kiềm chế bớt tham vọng của mình, giữ được ổn định và thu nhập hợp lý, khiêm tốn hơn so với bình thường, để chờ nắm bắt những cơ hội mới trong tương lai.

Song cũng không ngoại trừ, những nhà đầu tư nhanh nhạy biến khó khăn hiện nay thành cơ hội đầu tư cho mình.

-  Thưa ông Vũ Minh Châu, theo ông10  ngày tới, bức tranh thị trường vàng sẽ thế nào?

Ông Vũ Minh Châu: Khi những thông tin về tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, các nước tăng cường rút vàng và đầu tư vàng về nước thì tình hình thị trường vàng sẽ vẫn sôi động như trong thời gian vừa qua.

Ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu.

Ông Vũ Minh Châu - Tổng giám đốc Công ty vàng bạc đá quý Bảo Tín

Minh Châu.

Về dài hạn, vàng vẫn là đối tượng đầu tư hấp dẫn bởi vì thâm hụt tài chính tại nhiều quốc gia vẫn ngoài tầm kiểm soát, các nhà đầu tư vẫn lo ngại tiền giấy sẽ mất giá trị, mất niềm tin.

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Hiện nay giá vàng quốc tế đang xuống khoảng 150 USD/ounce, tương đương với ở trong nước xuống khoảng 3,3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng trong nước vẫn đang cao hơn giá thế giới. Lý do này có thế do lượng vàng nhập chưa về đến Việt Nam nên giá vàng vẫn chênh lệch. Khi vàng nhập khẩu về đến nước ta, giá vàng trong nước và thế giới sẽ sát lại nhau.

Như vậy hiện nay giá vàng đang xuống tiếp 50 USD, tương đương khoảng 1,2 triệu đồng/lượng . Theo tôi, giá vàng có thể quay ra mức 44 triệu đồng lượng vào đầu tuần sau, sau đó giá lại lên. Đây là cơ hội tốt để ai có nhu cầu mua vàng thì nên mua.

- Vậy theo TS Phong, giá trị của 1 cây vàng ở mức bao nhiêu là hợp lý? Vì không ít người cho rằng, vàng đang bị đội giá ảo? (Ngọc Hà - Lầm Đồng)

- TS. Nguyễn Minh Phong: Giá cả của vàng trên thị trường trong nước ngày càng tùy thuộc vào thị trường vàng thế giới. Tuy nhiên, nó có thể cao hoặc thấp hơn so với giá thế giới bởi 2 yếu tố:

Do khả năng cung ứng vàng của Việt Nam từ các nguồn tích trữ nhà nước, trong dân cũng như khai thác mới ở một số mỏ quặng hiện nay.

Hai là do sự can thiệp hành chính của Nhà nước; Đặc biệt, mỗi khi có quyết định chậm chễ về việc cho nhập khẩu vàng sẽ khiến nguồn cung bị hạn chế và là cơ hội cho giới đầu cơ tung tin nhiễu, triển khai các thủ thuật làm giá và làm bùng phát yếu tố tâm lý, đám đông trong hoạt động mua bán vàng?

Nếu loại trừ cả 2 yếu tố này và đặt giả định giá vàng trong nước tùy thuộc hoàn toàn vào giá vàng thế giới trong bối cảnh có sự liên thông trực tiếp, xuất nhập khẩu vàng tự do, thì giá vàng trong nước sẽ bằng mức giá vàng thế giới quy đổi ra đồng nội tệ và cộng thêm từ 350.000 – 400.000 đồng. Nói cách khác, giá vàng trong nước sẽ bằng mức giá vàng thế giới tính theo đô la trên cùng đơn vị lượng (cần chuyển đổi đơn vị ounce ra lượng) + 17 – 20 USD.

Và đây cũng chính là mục tiêu của quản lý Nhà nước về vàng qua lời tuyên bố mới đây nhất của Tân thống đốc Nguyễn Văn Bình. 

- Nhìn vào bức tranh giá vàng hiện nay, nhiều người có chung nhận định, giá càng biến động, DN kinh doanh vàng bạc càng có lãi lớn, mà điều dễ nhận thấy nhất là tiền chênh lệch giữa bán và mua? Theo ông nhận xét này có đúng không?(Phạm Minh Huệ - Đăk Lăk)

Ông Vũ Minh Châu: Đây là nhận xét chung của đa số những người chỉ nhìn vào mức chênh giá mua giá bán trong thời điểm giá vàng cao. Thực tế, chênh lệch giá mua -  giá bán xa nhau chỉ xuất hiện ở những thời điểm giá vàng lập đỉnh và giá vàng trong nước cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới (Biên độ từ 1-3%). Bởi vì, giá vàng cao ở thời điểm này là giá không an toàn, giá ảo, nên các doanh nghiệp kinh doanh vàng phải để khoảng cách giá mua - giá bán xa nhau để tránh bị thua lỗ .

Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam - Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (trái) chụp ảnh cùng phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Trúc, Chủ tịch
HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công
ty vàng Agribank Việt Nam - Phó
chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng
Việt Nam (trái) chụp ảnh cùng phóng viên
báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.

- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Thực tế, có lúc giá chênh lệch đến hơn 1 triệu đồng/lượng. Thời điểm nhập khẩu vừa rồi cũng còn hạn chế như AJC Việt Nam cũng chỉ nhập có 200 kg, chênh lệch nhiều như vậy cũng là một cơ hội lớn nhưng cũng là một rủi ro lớn.

Khi giá vàng khoảng 48 triệu đồng/lượng, ai mua nhiều thì hôm nay 1 lượng họ lại mất 2 - 3 triệu/lượng. Bên cạnh lợi nhuận lớn cũng là rủi ro lớn. Có nhiều người mua khá nhiều trong thời điểm giá 48 triệu. Vàng không dễ kiếm lời. Nhiều doanh nghiệp liều lĩnh đầu cơ có thể lỗ đến 50, 60 tỷ đồng trong vài tuần có thể xảy ra.

- Ông có thể “bật mí” doanh số của AJC trong những ngày giá vàng biến động mạnh tăng khoảng bao nhiêu % và trong đó khách mua hay bán chiếm đa số? (Đức Trung - Mỗ Lao, Hà Đông, Hà Nội).

- Ông Nguyễn Thanh Trúc: Doanh số của AJC ngày giao dịch cao điểm dao động khoảng trên 1.000 lượng. Khoảng 48 đến 50 tỷ. Con số đó không phải lớn. Chưa có ngày nào lên 2000 lượng. Khách mua và khách bán gần nhau, hiện nay tôi chưa có tổng hợp cụ thể về con số này.

- Khi giá vàng ở mốc khoảng 44 triệu đồng/lượng, vợ chồng tôi có mua 10 cây. Hôm nọ vàng lên đến gần 49 triệu đồng/lượng, tôi đã định bán, nhưng nghĩ biết đâu nó sẽ lên nữa. Không ngờ hôm 24/8 nó xuống còn hơn 47 một tí. Tiếc quá… Liệu vợ chồng tôi có nên bán ngay bây giờ để chốt lãi không? Hay là vàng còn tăng giá nữa? (Thúy Hằng, đường Giải Phóng, Hà Nội).

- TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết, bạn cần nói rõ là bạn mua 10 cây vàng để tích trữ lâu dài hay để thực hiện các hoạt động đầu tư "lướt sóng". 

Nếu với mục tiêu thứ nhất thì bạn hãy giữ trong két hoặc gửi trong ngân hàng một cách ổn định, tùy theo sự lựa chọn của bạn và không nên băn khoăn về giá vàng trong thời gian tới.

Còn nếu với mục tiêu lướt sóng, chốt lời trong kinh doanh vàng, thì quyết định của bạn sẽ tùy thuộc vào cảm nhận của bạn theo những nhân tố ảnh hưởng tới giá vàng mà chúng ta đã đề cập ở trên.

Về cơ bản, nếu bạn đã mua với giá 44 triệu đồng/lượng mà để chốt lời, bạn có thể bán trong thời điểm ngày hôm nay bởi khả năng giá vàng sẽ xuống dao động trong khoảng 40 triệu đồng/lượng, thậm chí, có những dự báo của Tổ chức kinh doanh vàng quốc tế cho rằng: Nếu các thông tin tốt đẹp xuất hiện liên quan tới giải quyết nợ công của EU, Mỹ và triển vọng kinh tế thế giới thì giá vàng sẽ hạ 1/3 so với hiện nay.

- Xin hỏi rất thật tới TS Nguyễn Minh Phong, các đợt sốt vàng vừa qua vợ ông mua hay bán vàng? Ông có khuyên gì vợ không ạ?

- TS. Nguyễn Minh Phong: Trong gia đình tôi, vợ là người giữ tay hòm chìa khóa và quyết định các vấn đề về chi tiêu tài chính. Tôi được biết thời gian vừa qua, vợ tôi không hề có quyết định mua trữ vàng nào cả, vì: Vợ tôi nói rằng: “Theo giá vàng thì điên hết cả đầu, tốt nhất là gửi tiết kiệm cho nhẹ đầu…” và tôi thì không phản đối các quyết định này của vợ.

Thực ra, nguyên nhân chính là ở  chỗ: Chúng tôi không có nhu cầu tích trữ vàng lâu dài, mà chỉ có một lượng tiền mặt vừa phải nuôi cháu út đang học ở ĐH Kinh tế Quốc dân, nếu theo giá vàng thì sẽ dễ bị thiệt hại do giá vàng lên xuống thất thường trong thời gian ngắn.

TS. Nguyễn Minh Phong đang trả lời câu hỏi của ban đọc báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.
TS. Nguyễn Minh Phong đang trả lời câu hỏi của ban đọc báo điện tử Giáo Dục Việt  Nam.

- Qua những con số phân tích, có thể thấy, số lượng vàng người dân đang nắm giữ khá lớn. Theo ông, làm thế nào để huy động hiệu quả số lượng vàng này? (Nguyễn Quang Hùng, Yên Mô, Ninh Bình)

- TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết, cần khẳng định: Lượng vàng trong dân đang nắm giữ là tài sản riêng cần có của mỗi người để đảm bảo sự ổn định của  tương lai và chúng hợp thành  sức mạnh tài chính của quốc gia. Bảo tồn và gia tăng thêm lượng vàng đó là một tiêu chí và thước đo sự thành công của cả người dân cũng như Nhà nước.

Tuy nhiên, để vàng được khai thác hiệu quả như một nguồn vốn tiềm năng cho phát triển kinh tế, chứ không trở thành phương tiện lưu trữ thụ động “vốn chết”, thì Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh chính sách để cho phép một số ngân hàng thương mại đủ điều kiện tổ chức huy động dưới dạng gửi tiết kiệm bằng vàng với lãi suất hợp lý (không cần cao lắm), rồi thu gom chuyển lên NHNN đưa vào dự trữ quốc gia. Coi đó như một phần tài sản Nhà nước dùng để bảo đảm cho vay ngoại tệ của nước ngoài cũng như sử dụng việc can thiệp thị trường trong tình huống khẩn cấp.

Tuy nhiên, điểm cần lưu ý: Không nên khuyến khích các ngân hàng chuyển các khoản vàng huy động này thành Việt Nam đồng để thực hiện các hoạt động tín dụng của mình. Vì giá vàng đang thời điểm biến động mạnh: Trong cả năm 2010 tăng 30% và 8 tháng đầu năm 2011 đã tăng tới 30%, nghĩa là vượt qua bất kỳ lãi suất cho vay nào đó của Ngân hàng.

Điều này cũng đồng nghĩa những rủi ro lớn với các Ngân hàng nào thực hiện các hoạt động tín dụng thông qua vàng như nêu trên. Và điều này sẽ gây ra những bất ổn nguy hiểm trong hệ thống Ngân hàng.

- Người ta nói rằng, thị trường chứng khoáng không dành cho những người yếu tim. Còn kinh doanh vàng thì sao, thưa ông? (Thùy Mai, Vũng Tàu)

- TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết, cần cảnh báo rằng: Cả kinh doanh chứng khoán cũng như kinh doanh vàng đều có thể xuất hiện những tình huống “nhảy qua cửa sổ” trước hiện tượng giá cả thị trường tăng hoặc giảm đột ngột. Tôi đã được biết một trường hợp cụ thể có thật về một người đàn ông say mê kinh doanh vàng trên sàn ảo năm 2008 – 2009 đã bị lỗ tới 3.000 cây vàng, nghĩa là tiêu tán trong một thời gian ngắn toàn bộ dòng họ của mấy đời mà ông ta là con trưởng.

Năm 2009 cũng chứng kiến hiệu vàng Tấn Tài – nhà kinh doanh vàng lớn nhất của Sài Gòn cũng bị phá sản và gia đình phải bỏ chốn.

Nghĩa là: Kinh doanh vàng cũng không phải là dành cho người yếu tim. Tuy nhiên, cần nói thêm: tích trữ vàng như một đảm bảo cho tương lai lâu dài của mỗi cá nhân lại là cần thiết, nhất là đối với những người yếu tim!

- Ông có bình luận gì về việc kinh doanh vàng hiện nay so với trước kia?

Ông Nguyễn Minh Châu: Nhìn lại trước đây, khi vàng giá vàng khoảng 500.000 đồng/chỉ thì mức chênh lệch giữa mua vào, bán ra khoảng 5.000 – 10.000 đồng/chỉ, tức lãi suất bằng 1 – 2% doanh thu, nên doanh nghiệp vàng kinh doanh có phần dễ dàng hơn.

Còn hiện nay, cụ thể giá vàng lúc 16h41ngày 19/7/2011, mua vào 3.957.000 đồng/chỉ - bán ra 3.966.000 đồng/chỉ, thì mức chênh mua vào, bán ra cũng chỉ chênh nhau 9.000 đồng/chỉ, tức là chỉ lãi tương đương 0,2 % doanh thu, vậy mức lãi gộp đã giảm gần 10 lần so với trước đây.

Ông Nguyễn Thanh Trúc đang trả lời câu hỏi của bạn đọc báo điện tử Giáo Dục Việt Nam.
Ông Nguyễn Thanh Trúc đang trả lời câu hỏi của bạn đọc báo điện tử Giáo Dục Việt  Nam.

 Theo một số doanh nghiệp kinh doanh vàng, trong bối cảnh nền kinh tế làm phát thì mức lãi suất chỉ trên dưới 10.000đ/chỉ như hiện nay không mua nổi 1 que kem hay một mớ rau muống. Trong khi đó chi phí sản xuất, kinh doanh lại cao hơn trước kia gấp nhiều lần. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp thua lỗ.

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Kinh doanh vàng giai đoạn này rất khó khăn và khốc liệt, kinh doanh vàng rất khó, vàng biến động chóng mặt, chỉ có buổi chiều qua đến nay đã xuống 150 USD/ounce, khoảng 3 triệu/lượng. Bên cạnh lợi nhuận thì rủi ra rất nhiều.

Kinh doanh không dễ như người ta nghĩ, kinh doanh vàng khó nhất so với chứng khoán và bất động sản.

- Trong ngày vàng tăng giá phi mã như 23/8 vừa qua, có lúc vàng tăng đến 49,5 triệu đồng/lượng… nếu đối thoại với người dân đổ xô đi mua vàng tại doanh nghiệp ông ngay thời điểm đấy, ông khuyên họ điều gì? (Mai Ngọc Bảo, Lai Châu)

Ông Vũ Minh Châu: Với người dân: Hiện nay giá vàng lên cao, xuống thấp bất thường nên nếu người dân chỉ mua vàng để tích trữ thì hãy mua - bán một cách tự nhiên. Khi có tiền thì mua, khi cần dùng tiền thì bán. Người dân không nên chạy theo giá vàng vì để giá lên dến gần 49 triệu lại đổ xô đi mua để rồi chỉ sau vài ngày lỗ khoảng gần 3 triệu  /lượng đó là điểm vô cùng đáng tiếc.

Với các nhà đầu tư: Nhà đầu tư nên bám sát vào thị trường thế giới để đầu tư vàng, đặc biệt đầu tư trong thời gian này rất nhạy cảm, rất dễ bị lỗ nhưng cũng có cơ hội chốt lời. Các nhà đầu tư nên lựa chọn thời điểm đầu cơ có lợi cho mình, trành tâm lý mua, bán theo nhau. Các nhà đầu tư cần theo sát giá thị trường để quyết mua quyết bán đúng lúc (mua đáy, bán đỉnh).

b. Với các nhà đầu tư: Nhà đầu tư nên bám sát vào thị trường thế giới để đầu tư vàng, đặc biệt đầu tư trong thời gian này rất nhạy cảm, rất dễ bị lỗ nhưng cũng có cơ hội chốt lời. Các nhà đầu tư nên lựa chọn thời điểm đầu cơ có lợi cho mình, trành tâm lý mua, bán theo nhau. Các nhà đầu tư cần theo sát giá thị trường để quyết mua quyết bán đúng lúc (mua đáy, bán đỉnh).

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Từ trước đến nay tôi đã khuyên khách hàng của mình rất nhiều lần nhưng khi giá vàng lên cao đỉnh điểm thì chỉ có 3 người nghe tôi.

Tôi nói vàng lên đỉnh thì sẽ xuống. Tôi nói thẳng với họ không nên mua. Khi đó vàng xuống 45 triệu/lượng là cơ hội mua tốt thì nên mua. Khi vàng lên cao cứ đổ xô đi mua là việc làm dại dột. Nhưng chỉ khuyên được vài người. Nhiều người đã quyết tâm mua, mình cũng không khuyên họ được.

Nên lời khuyên của tôi ngay bây giờ và cũng chỉ có một là khi nhà đầu tư đang nắm tài sản, vận mệnh của mình trong tay thì hãy tìm hiểu kỹ trước bất cứ quyết định nào. Nếu mua vàng, kênh thông tin tốt và đầy đủ nhất có thể qua truyền hình, báo chí, Bản tin tài chính kinh doanh buổi sáng đưa tin tương đối sát. Họ có những hìn nhận nhất định để thấy xu thế như thế nào...

- Vợ chồng tôi đang có trong tay khoảng 30 cây vàng (khoảng 1,5 tỷ đồng). Vừa rồi, một người bạn thân rủ chúng tôi đầu tư vào một mảnh đất tại quận 2 TP.HCM. Nghe bạn phân tích, tôi cũng thấy hào hứng vì đúng là thị trường bất động sản tại TP.HCM đang rất dễ chịu. Theo ông, tôi có nên  mạo hiểm? (Ngô Văn Quang  - Bình Tân – TP.HCM)

TS. Nguyễn Minh Phong: BĐS vẫn là 1 trong những kênh đầu tư dài hạn tốt nhất… Trong trường hợp của ông, nếu đầu tư vào một mảnh đất thì e rằng sẽ không có lợi bởi thị trường về đất đang trầm lắng, hơn nữa, trong khi mua đất thì sẽ không có thu nhập nào khác.

Vì vậy, tốt nhất nếu có thể, ông bà hãy tìm một căn nhà nhỏ được ngay để cho thuê. Như vậy, ông bà sẽ có được thu nhập thường xuyên ổn định từ tiền cho thuê ngôi nhà đó và về lâu dài vẫn nhận được lợi ích từ việc tăng giá ngôi nhà, cũng như tính thanh khoản của thị trường nhà ở giá trung bình là cao hơn thị trường đất và thị trường nhà cao cấp.

Giải mã hiện tượng "loạn giá"

- Bắt đầu từ tháng 8/2011, cơn sốt vàng bùng phát mạnh. Lý do vì sao thưa ông? (Hoàng Hữu Định, Cầu Giấy - Hà Nội)

-    TS. Nguyễn Minh Phong:
Cơn sốt vàng bùng phát mạnh mẽ trong những tuần đầu tháng 8/2011 có liên quan trực tiếp tới sự căng thẳng gia tăng trong vấn đề xử lý nợ công của khối EU cũng như trong việc nâng trần nợ công của Mỹ, đặc biệt, có liên quan tới hạ mức tín nhiệm trái phiếu chính phủ Mỹ.

Điều này còn gắn liền với quyết định duy trì đồng đô la yếu, cụ thể, Fed – Cục dự trữ liên bang Mỹ tuyên bố sẽ giữ lãi suất đồng đô la ở mức cực thấp 0 – 0,25%/năm đến tận giữa năm 2013.

Ngoài ra, những tin đồn về khả năng sẽ hạ mức tín nhiệm tài chính của Pháp, Ý đã góp thêm “lửa” làm “nóng” hơn thị trường vàng…

Còn ở  trong nước, ngoài việc giá vàng trong nước tăng theo giá  thế giới, thị trường còn bị đội giá bởi những hoạt động mang tính đầu cơ, yếu tố tâm lý… dựa trên những can thiệp hành chính của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường. Cụ thể, việc chậm cho phép nhập khẩu vàng khiến giá vàng trong nước lệch với giá vàng thế giới tới 2 triệu đồng, làm bùng phát tâm lý hoảng loạn cũng như tình trạng đầu cơ và buôn lậu vàng.
 
- Nghị định quản lý vàng sắp tới theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình tiết lộ sẽ trao rất nhiều quyền cho NHNN. Như vậy thị trường vàng càng kém linh hoạt hơn? TS.Phong hình dung ra kịch bản thị trường lúc đó như thế nào nếu thế giới có biến động lớn? (Hùng Phong, Yên Mô, Ninh Bình).

TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết, cần khẳng định rằng: Mục tiêu của Nghị định quản lý vàng sắp trình cơ quan chức năng xem xét, quyết định là đúng đắn, vì nó đảm bảo mục tiêu, yêu cầu quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng theo hướng có tổ chức và lành mạnh hơn, cũng như đảm bảo sự liên thông giữa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng nước ngoài, ngăn chặn các hoạt động đầu cơ, buôn lậu và những nhiễu loạn tâm lý trên thị trường vàng.

TS Nguyễn Minh Phong phân tích những biến động của thị trường vàng.
TS Nguyễn Minh Phong phân tích những biến động của thị trường vàng.

Còn sự e ngại của bạn về khả năng thị trường vàng trong nước sẽ trở nên kém linh hoạt hơn nếu Nghị định được thông qua cũng là điều mà các cơ quan chức năng cần cân nhắc để xử lý trong thực tiễn.

Về nguyên tắc, sự linh hoạt của thị trường không chỉ tùy thuộc vào mức độ tập trung trong quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng, mà còn tùy thuộc vào cơ chế vận hành cụ thể trong phân cấp, phân quyền và các phản ứng chính sách, phản ứng thị trường của các cơ quan chức năng. Ngoài ra, nó còn tùy thuộc vào kinh nghiệm và năng lực thị trường của các đơn vị được phép kinh doanh vàng và cả phản ứng của người dân.

Việc một đám đông hành động một cách cảm tính, kéo dài có thể làm vô hiệu quá bất kỳ một quyết định quản lý Nhà nước nào. Vì vậy, việc bảo đảm cung cấp thông tin minh bạch, chính xác, kịp thời để củng cố lòng tin của nhân dân và thị trường vào các quyết định quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế nói chung, với thị trường vàng nói riêng là rất cần thiết, giúp cho thị trường vàng trong nước không chỉ lành mạnh hơn mà còn linh hoạt hơn.

Cần khẳng định rằng: Trong bất kỳ tình huống nào thì việc Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cơ chế cho phép nhập khẩu vàng tự do, đảm bảo cân đối cung cấp về thị trường vàng trong nước với giá cả phù hợp, như khẳng định của Tân thống đốc Nguyễn Văn Bình là Giá trong nước = Giá thế giới + 400.000 đồng/lượng sẽ là yếu tố quyết định giúp cho thị trường vàng Việt Nam ổn định và phản ứng linh hoạt với thị trường thế giới, cũng như giữ được tính linh hoạt như yêu cầu của bản thân thị trường này và của người dân.

- Nếu cho ông 1 câu “nói thẳng, nói thật” về hiện tượng đầu cơ, làm giá, ông nói gì? (Hòa Bình - Quận 3 - TP.HCM)

Ông Vũ Minh Châu: Nguyên nhân chính khiến thị trường vàng rơi vào khủng hoảng trầm trọng đó là sự thao túng của một số TĐTC và doanh nghiệp vàng.

Khi giá vàng tăng, một số TĐTC và doanh nghiệp vàng này tham gia vào thị trường vàng, họ tung tiền ra thu gom vàng khiến vàng vật chất trở nên khan hiếm, vì thế giá vàng tăng đột biến, tức là vừa bán xong lại phải mua vào cao hơn mức giá mình vừa bán. Điều này gây lãi giả, lỗ thực cho doanh nghiệp vàng và người dân phải mua vàng với giá quá cao gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Khi giá vàng giảm, họ vội vã xả vàng ra bán phá giá nhằm chốt lời khiến các doanh nghiệp vàng phải bán hạ giá theo nên lỗ rất nhiều. Việc này gây thua lỗ rất nhiều cho nhiều doanh nghiệp vàng và người dân khi cần tiền phải bán vàng với giá thấp.

Khi giá vàng bình ổn, lại bị hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng việc thu hẹp khoảng cách giữa giá mua và giá bán (thu hẹp biên độ giá mua – giá bán) của một số TĐTC và doanh nghiệp vàng trong việc bán buôn và bán lẻ, gây thiệt hại lớn tới thu nhập của các doanh nghiệp.

Có thể nói đây là thời kỳ khủng hoảng của ngành vàng kể từ khi mở cửa. Nhiều doanh nghiệp vàng đang thua lỗ nặng nề vì thu không đủ chi, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đóng cửa, người lao động mất việc làm, ảnh hưởng xấu đến chính sách kinh tế vĩ mô của nhà nước (khuyến khích sản xuất và sử dụng hàng trong nước, hạn chế nhập siêu...).

- Nhiều ý kiến cho rằng: Ngân hàng Nhà nước đã có động thái cho nhập khẩu vàng. Đây là một phản ứng đã quen thuộc khi xử lý các cơn sốt vàng. Tuy nhiên, đây được xem là giải pháp ngắn hạn.  Theo ông, ngoài nhập vàng có giải pháp nào khác để “cắt cơn” tận gốc cơn sốt vàng, giải mã được sốt vàng trong dài hạn? (Mai Hồng Thanh – SV đại học Kinh Tế TP.HCM)

TS. Nguyễn Minh Phong: Trước hết, cần khẳng định: Không có sự ổn định giá cả kéo dài trong kinh tế thị trường. Nhất là đối với giá vàng trong bối cảnh các đồng tiền giấy chủ chốt trên thế giới đang có xu hướng giảm giá trong khuôn khổ chính sách quốc gia của nhiều nước trên thế giới.

Để thị trường vàng ổn định, cần một loạt các yếu tố:

-    Đảm bảo sự liên thông, xuất nhập khẩu tự do giữa vàng trong nước và vàng thế giới. Nền kinh tế phát triển ổn định, trạng thái tài chính quốc gia lành mạnh, lạm phát thấp và khu vực kinh tế tư nhân năng động.

 - Một Chính phủ mạnh, không tham nhũng, có năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước tốt, một nền giáo dục phát triển, cả dân trí, quan trí lẫn “doanh nghiệp trí” đều phát triển cao, phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển của giáo dục và nhận thức trên thế giới.

-    Cần khẳng định rằng, cho phép nhập khẩu vàng không phải là giải pháp ngắn hạn mà cần coi đó như một giải pháp thường xuyên, tức không nên sử dụng hạn ngạch và các can thiệp hành chính trong nhập khẩu vàng. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong động thái tâm lý liên quan tới giá vàng ở Việt Nam. Việc mỗi khi có quyết định nhập khẩu vàng ngay lập tức làm sụt giá vàng trong nước là một minh chứng cho điều đó.

- Trong công văn một số doanh nghiệp kinh doanh vàng và một số hội viên Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị với Hiệp hội kinh doanh vàng và một số Hiệp hội liên quan can thiệp để bình ổn thị trường vàng có đề cập đến việc nên đưa ra những quy định về biên độ giá mua - giá bán vàng tương tự như những quy định về biên độ lãi suất tiền vay, tiền gửi của ngân hàng và mức tăng giá cổ phiếu ở thị trường chứng khoán. Ông có thể nói rõ hơn về biên độ này?

Ông Nguyễn Thanh Trúc: Khoảng cách giá mua, bán của vàng hiện nay đã được nhiều DN kiến nghị lên chúng tôi, chúng tôi cũng đồng tình với họ. Năm 2004 - 2005 biên độ giá mua bán lẻ cỡ khoảng 0.7 đến 1% là phù hợp. Nhưng hiện nay, chênh lệch giá bán lẻ vàng khoảng 25 đến 40 nghìn đồng/chỉ vì với lãi xuất ngân hàng tăng nhanh thì điều đó phù hợp với DN kinh doanh vàng.

Ông Vũ Minh Châu: Về vấn đề Biên độ giá mua – giá bán, để hiểu đúng cần phải có 01 bản phân tích so sánh như thế này:

Mốc thời gian

Loại vàng

Mua vào

Bán ra

Chênh lệch

Mức lại suất(% doanh thu)

18/6/2000

999.9

479

489

10

2,04

26/7/2011

999.9

3.976

3.986

10

0,

So sánh giá mua vào – Bán ra các loại vàng miếng 999.9 trên thị trường vàng

trong các thời điểm. (Đơn vị tính: nghìn đồng/chỉ)                                                          

Như vậy, vào thời điểm 18/6/2000 giá vàng mua vào 479.000 đồng/chỉ - bán ra 489.000 đồng/chỉ, mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán là 10.000 đồng/chỉ, tức lãi gộp bằng 2,04% doanh thu.

Hiện tại, ngày 26/7/2011, mua vào 3.976.000 đồng/chỉ - bán ra 3.986.000 đồng/chỉ như vậy mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán là 10.000đ/ chỉ, tức lãi gộp bằng 0,25% doanh thu, vậy mức lãi gộp đã giảm gần 8,16 lần so với trước đây. Trong khi đó chi phí sản xuất, kinh doanh lại cao hơn trước kia rất nhiều lần, điều này khiến nhiều DN kinh doanh vàng bạc thua lỗ.

Vì vậy, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã phải kiến nghị lên Hiệp hội kinh doanh vàng và các hiệp hội khác can thiệp mức chênh lệch như sau để lành mạnh hóa thị trường vàng trong nước, tránh hiện tượng đầu cơ, nhân dân mua bán được giá tốt:

Mức chênh lệch giữa giá mua và giá bán vàng (biên độ giá mua- giá bán), đối với các doanh nghiệp mua bán buôn và mua bán lẻ là:

a.      Đối với Doanh nghiệp mua bán buôn: Biên độ giao động giá mua– giá bán là 0,3 – 1% doanh thu (tức là: mức sàn 0,3%, mức trần 1%).

b.     Đối với các doanh nghiệp mua bán lẻ: Biên độ giao động giá mua– giá bán là 0,5- 2% doanh thu (tức là: mức sàn 0,5%, mức trần 2%).

- Thưa TS.Phong, tôi cũng là một người kinh doanh trong lĩnh vực vàng, gia đình tôi cũng có một tiệm vàng tư nhân. Tôi muốn hỏi về vấn đề đầu tư vàng qua tài khoản. Nhà nước cấm nhưng rõ ràng nhu cầu đầu tư của người dân là rất lớn. Vậy nên chăng mình sẽ mở sàn do nhà nước quản lý và làm chặt chẽ hơn? (Nguyễn Lan Phương, Ba Đình, Hà Nội)

TS. Nguyễn Minh Phong:
Vàng là hàng hóa đặc biệt vì có yếu tố tiền tệ với tư cách là thước đo giá trị và phương tiện tích trữ. Vì vậy, kinh doanh vàng cũng là một thị trường như bao thị trường khác. Tuy nhiên, đó là thị trường đặc biệt cần sự quản lý đặc biệt của Nhà nước.

Kinh doanh vàng trên sàn vàng tập trung là sự cần thiết để đảm bảo việc quản lý Nhà nước hữu hiệu cho hoạt động lành mạnh của thị trường vàng. Còn việc kinh doanh vàng trên sàn ảo cũng là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Và về lâu dài có thể áp dụng về Việt Nam, nhưng trước mắt chưa phải là thời điểm thích hợp để khuyến khích và thành lập loại hình kinh doanh này. Do những yếu tố sau:

-    Việt Nam đang là nước nghèo, không có nhiều nhà đầu tư có năng lực tài chính để kinh doanh sàn vàng ảo.

-    Tâm lý truyền thống của Việt Nam trong việc gắn kết thị trường vàng với thị trường khác rất mạnh. Một sự biến động trên thị trường vàng kể cả vàng ảo đều có thể dẫn tới những hệ quả mạnh trong đời sống kinh tế, xã hội.

-     Tính chất đầu cơ, đánh bạc trong kinh doanh vàng hiện nay rất cao. Các sàn vàng ảo ở Việt Nam còn thiếu những cơ chế để bảo vệ nhà đầu tư, cũng như bảo vệ chính mình trong kinh doanh sàn vàng ảo, đặc biệt, trong bối cảnh có sử dụng quá mức các công cụ đòn bẩy tài chính. Việc các sàn vàng cho phép nhà đầu tư vay từ 90 – 95% vốn ảo trong kinh doanh dễ gây ảo tưởng và kích thích tính đầu cơ trong kinh doanh vàng.

-    Trên thực tế hoạt động sàn vàng ảo thời gian qua, các nhà đầu tư đều bị lỗ và gây tác động tiêu cực tới giá vàng và sự ổn định của thị trường vàng trong nước.

-     Vì thế, trong tương lai, nếu cho phép thành lập sàn vàng ảo thì cần phát triển tốt hơn các công cụ bảo vệ nhà đầu tư, trong đó, cũng cần kiểm soát chặt chẽ tỷ lệ đòn bẩy tài chính theo hướng giảm thiểu việc kinh doanh ảo, buộc các nhà đầu tư kinh doanh bằng vốn vàng vật chất thực tế của mình.

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam