43.000 doanh nghiệp đang gặp khó khăn, có phải vì "giấy phép con"?

08/08/2017 08:49
Mai Anh
(GDVN) - Theo Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ, con số 43.000 doanh nghiệp đang gặp khó khăn cho thấy “cuộc chiến” giảm chi phí, tạo công bằng cho doanh nghiệp còn gian nan.

Con số đáng phải suy ngẫm

Thông tin đáng chú ý nhất được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng đầu tháng 8 vừa qua chính là việc trong 7 tháng đầu năm nay, có 43.000 doanh nghiệp đang rất khó khăn, nhất là về tiếp cận vốn, thủ tục chính thức, đất đai, tín dụng.

Trong 43.000 doanh nghiệp có 16.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh, trên 27.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể, lần lượt tăng 16,2% và 24,5% so với cùng kỳ năm trước.

Động lực để đảm bảo tăng trưởng ổn định chính là doanh nghiệp, tuy nhiên với con số doanh nghiệp đang gặp khó khăn nêu trên cho thấy còn nhiều rào cản gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó về vốn, thủ tục hành chính, đất đai... - ảnh nguồn Thời đại
Nhiều doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó về vốn, thủ tục hành chính, đất đai... - ảnh nguồn Thời đại

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Chuyên gia chính sách công - Phó Giáo sư – Tiến sĩ Phạm Quý Thọ nhận định: Chủ trương chung của Chính phủ là xóa bỏ "giấy phép con", cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.

“Chủ trương ấy xuyên suốt ngay từ đầu nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Cuối tháng 4/2016, tại Hội nghị đối thoại và gặp gỡ các doanh nghiệp diễn ra ở Hội trường Thống nhất – Dinh Độc lập, Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng đã khẳng định: Chính phủ tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển.

Tiếp đến trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp tháng 5/2017 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng tái khẳng định Chính phủ luôn đồng hành với doanh nghiệp, đồng thời chọn năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”, ông Thọ cho biết.

Trở lại câu chuyện 43.000 doanh nghiệp đang gặp khó khăn, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ cho rằng, đây là con số hoàn toàn dễ hiểu khi đối chiếu với số liệu 243 ngành kinh doanh có điều kiện với 5.719 điều kiện kinh doanh. Một phần dẫn đến doanh nghiệp khó khăn chính là quy định về điều kiện kinh doanh, chính là những “giấy phép con”.

Theo Phó Giáo sư Thọ, con số 43.000 doanh nghiệp gặp khó khăn là rất đáng phải suy ngẫm nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang nỗ lực mọi cách để giảm chi phí, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động. 

“Con số đó đặt ra câu hỏi phải chăng chỉ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là đồng hành, là kiến tạo để doanh nghiệp phát triển còn ở đâu đó vẫn còn nhiều rào cản”, Phó Giáo sư Thọ đặt vấn đề.

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, con số 43.000 doanh nghiệp gặp khó khăn là rất đáng suy ngẫm - ảnh Hoàng Lực.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, con số 43.000 doanh nghiệp gặp khó khăn là rất đáng suy ngẫm - ảnh Hoàng Lực.

Phó Giáo sư Thọ cho rằng, cần làm rõ từng nhóm nguyên nhân dẫn đến 43.000 doanh nghiệp gặp khó khăn. Mỗi nhóm nguyên nhân làm rõ khó khăn ở đâu. Ví dụ tiếp cận đất đai, tiếp cận vốn đang mắc ở khâu nào để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Mặt khác, cần làm rõ trong 43.000 doanh nghiệp gặp khó khăn là những doanh nghiệp mới thành lập hay hoạt động lâu, hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực gì.

“Doanh nghiệp khó khăn ngoài nguyên nhân do cơ chế chính sách cũng có nguyên nhân từ thị trường. Vì thế phải chia từng nguyên nhân để có giải pháp chi tiết”, ông Thọ cho hay.

Nguyên nhân từ tham nhũng vặt?

Cũng liên quan đến con số 43.000 doanh nghiệp gặp khó khăn trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Trinh cho rằng, đây là con số biết nói, cho thấy tinh thần kiến tạo của Chính phủ chưa thực sự đi vào cung cách làm việc của cán bộ cơ quan nhà nước khi giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

“Trong 43.000 doanh nghiệp gặp khó khăn trong đó có khó khăn về thủ tục hành chính cho thấy vấn đề ở đây là cách làm, cách thực hiện chứ không phải là chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.

43.000 doanh nghiệp đang gặp khó khăn, có phải vì "giấy phép con"? ảnh 3

Giấy phép con đang "bào mòn" sức khỏe doanh nghiệp

Theo Tiến sĩ Bùi Trinh, khó khăn nhất với doanh nghiệp mới thành lập là thủ tục hành chính nhất là với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

“Càng nhiều điều kiện kinh doanh doanh nghiệp càng phải đi lại nhiều. Gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp chính là giấy phép con, muốn nhanh doanh nghiệp phải bỏ tiền ra để đi đêm, để bôi trơn. Tình trạng tham nhũng vặt chính là một trong những nguyên nhân gây khó khăn cho doanh nghiệp”, Tiến sĩ Bùi Trinh cho biết.

Bên cạnh nạn tham nhũng vặt và nhũng nhiễu doanh nghiệp, theo Tiến sĩ Bùi Trinh vẫn còn tình trạng thiếu công bằng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, thiếu công bằng ngay chính doanh nghiệp tư nhân với nhau vì có thân quen với cán bộ, vì doanh nghiệp là người nhà của cán bộ.

“Có khi cũng một mảnh đất doanh nghiệp này xin được doanh nghiệp khác thì không vì doanh nghiệp đó là người nhà của ông cán bộ A, bà cán bộ B trên tỉnh, trên huyện”, ông Trinh cho biết.

Ông Bùi Trinh nêu dẫn chứng, trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai là ví dụ điển hình.

Trong thời gian giữ các cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh tham gia điều hành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Ở vị trí lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bà Thanh ký nhiều văn bản của Ủy ban Nhân dân tỉnh không thuộc lĩnh vực đồng chí phụ trách để cấp phép và gia hạn cho Công ty Cường Hưng kinh doanh bến thủy, mặt bằng, vật liệu xây dựng, vi phạm quy chế làm việc của Ủy ban Nhân dân tỉnh.

Ông Bùi Trinh cho rằng, ở địa phương mà có doanh nghiệp của người nhà lãnh đạo, thân lãnh đạo tỉnh, huyện thì tình trạng mất công bằng xảy ra khá nhiều.

Môi trường kinh doanh ở đó thiếu cạnh tranh, cuối cùng doanh nghiệp gặp khó khăn, ngừng hoạt động là chuyện dễ hiểu.

Mai Anh