6kg vàng chuyển trái phép ra khỏi sân bay Nội Bài: Ai chịu trách nhiệm?

17/04/2015 07:49
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Trần Hoài Phương – Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc, việc kiểm tra người đi qua cổng từ là trách nhiệm của lực lượng an ninh hàng không.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Liên quan đến việc phi công và tiếp viên của Hãng Hàng không Vietnam Airlines vận chuyển 6kg vàng trái phép khỏi sân bay Nội Bài và bị bắt giữ tại Hàn Quốc, theo báo cáo của Vietnam Airlines gửi Cục Hàng không, hai nhân viên trên là cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng (sinh ngày 20/11/1980, số bằng lái 29836, ngày cấp 31/03/2010) và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong.

Cơ trưởng Dũng và tiếp viên Tuấn Phong đã mang theo vàng không khai báo, sau đó bị hải quan tại sân bay Gimhae, Pusan, Hàn Quốc bắt giữ ngay sau khi hoàn thành chuyến bay VN426 khởi hành từ Hà Nội đi Pusan ngày 10/3/2015.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Điều đáng nói là vì sao trên trên, cơ trưởng Dũng và tiếp viên Phong cất giấu vàng trái phép không bị phát hiện tại hệ thống an ninh tại sân bay Nội Bài. Từ đây đặt ra vấn đề có sự ưu tiên trong khâu kiểm tra an ninh với phi hành đoàn? Hay hệ thống kiểm tra an ninh sân bay của chúng ta không đủ hiện đại để phát hiện việc giấu vàng?

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề trên, ông Trần Hoài Phương – Giám đốc Cảng vụ Hàng không miền Bắc cho biết, theo quy trình kiểm tra an ninh thì tổ bay trước mỗi chuyến bay cũng sẽ được kiểm tra an ninh bình thường như hành khách. Theo đó phi hành đoàn cũng sẽ phải kiểm hành lý là vali, túi xách mang theo, kiểm tra người qua hệ thông cửa từ.

Về vụ việc phi công, tiếp viên Vietnam Airlines vận chuyển vàng trái phép ông Phương cho biết: “Chúng tôi mới nhận được thông tin  như vậy và đang phối hợp với cơ quan chức năng khác để làm rõ. Vận chuyển vàng trái phép sẽ có các cơ quan chức năng như công an, hải quan xử lý”.

Ông Phương cũng cho biết, tại các điểm kiểm tra soi chiếu ở Cảng Hàng không quốc tế, lực lượng hải quan và an ninh ngồi chung một máy soi, máy soi đó kiểm tra hành lý xách tay của khách hành, hành lý xách tay do hải quan, an ninh kiểm duyệt. Còn việc kiểm tra người đi qua cổng từ là trách nhiệm của lực lượng an ninh hàng không.

Theo thông tin từ các tờ báo Hàn Quốc phi công và tiếp viên của Vietnam Airlines giấu 6kg (mỗi thỏi vàng là 1kg) dưới đế giày nhằm qua mặt hệ thống máy dò kim loại của sân bay. Từ thông tin này cho thấy trách nhiệm của lực lượng an ninh hàng không tại sân bay Nội Bài khi không phát hiện việc cất giấu vàng trái phép của phi công tiếp viên Vietnam Airlines.

Về vấn đề trách nhiệm của an ninh hàng không sân bay Nội Bài, ông Trần Hoài Phương cho biết, Cảng vụ Hàng không miền Bắc đang rà soát các vị trí kiểm soát an ninh, hải quan đã làm thủ tục để nhân viên tổ bay VN426 mang trót lọt 6 kg vàng lên máy bay hôm 10/3. 

Báo chí Hàn Quốc cho biết, vàng được phát hiện trong giày của tiếp viên và phi công Vietnam Airlines. Ảnh: Yonhap news.
Báo chí Hàn Quốc cho biết, vàng được phát hiện trong giày của tiếp viên và phi công Vietnam Airlines. Ảnh: Yonhap news.

Vụ việc nhân viên Vietnam Airlines mang vàng trái phép vào Hàn Quốc được xem là bất ngờ bởi thông thường các đối tượng buôn lậu vận chuyển vàng sẽ đưa vàng từ nước ngoài vào bán trong nước để ăn chênh lệch do giá vàng trong nước cao hơn nước ngoài. Từ đây đặt ra vấn đề tại sao phi công, tiếp viên Vietnam Airlines lại mang vàng trong nước sang Hàn Quốc, việc vận chuyển vàng trái phép này phi công được lợi gì?

Trao đổi với phóng viên về nghi vấn này, một chuyên gia tài chính (xin giấu tên) cho rằng, có thể việc mua bán thông qua trả bằng vàng tại Hàn Quốc sẽ thuận tiện hơn và mang lại giá thành sản phẩm rẻ hơn. Nêu ví dụ cụ thể vị này cho biết, nếu việc mua bán hàng hóa bằng tiền mặt, giá mua vào sẽ khác với mua bằng vàng. Từ việc chênh lệch giá mua sẽ tác động đến giá bán và người thực hiện có lợi.

“Vì vậy việc vận chuyển vàng có thể nhằm mục đích trao đổi hàng hóa thuận tiện, hưởng chênh lệch đặc biệt khi hàng hóa trao đổi được mang ngược về Việt Nam tiêu thụ”, vị này nêu ví dụ.

Trong khi đó theo bản tin của Bloomberg nhận định, mua vàng đưa vào Hàn Quốc là một công việc đem lại thu nhập cao ở Hàn Quốc, nơi có tình trạng mua bán không khai thuế diễn ra đạt doanh số đến ¼ tổng sản phẩm quốc dân.

Tháng 3 vừa qua, ANZ dự báo rằng với đà tăng trưởng của thu nhập ở châu Á, bao gồm các nước có Hàn Quốc, nhu cầu người dân mua sắm vàng trang sức tăng cao cùng với thói quen tích trữ vàng ở nhà như là văn hóa ở vùng này.

Thương hiệu quốc gia bị ảnh hưởng

Trong khi đó, theo báo Hàn Quốc đưa tin, Sau khi bị bắt ông Nguyễn Văn Dũng 6 - cơ trưởng chuyến bay VN426 của Vietnam Airlines đã khai ông được trả 250 USD nếu mang trót lọt 1 thỏi vàng (nặng 1kg) vào Hàn Quốc. Tuy nhiên phi công Dũng cũng cho rằng ông không hề biết là mình đang thực thi một hành động mang tính chất buôn lậu. 

Như vậy theo lời ông Dũng, việc vận chuyển 6 kg vàng trót lọt vào Hàn Quốc, ông sẽ nhận được khoảng 1.500 USD, tương đương khoảng 30 triệu đồng. Theo đơn vị tính thì 1 kg vàng bằng gần 27 cây vàng (theo cách tính khối tượng vàng của Việt Nam).

Đây không phải lần đầu tiên phi công và tiếp viên Vietnam Airlines bị bắt ở nước ngoài. Trước đó tháng 3/2014, nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của Vietnam Airlines đã bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ để điều tra việc tiêu thụ hàng có nguồn gốc trộm cắp trị giá 125.000 Yên (khoảng 25,7 triệu đồng). Ngoài Nguyễn Bích Ngọc, một phi công và 4 tiếp viên khác của Vietnam Airlines cũng bị thẩm vấn vì nghi ngờ liên quan.

Tháng 8/2014, Cảng vụ Hàng không miền Bắc tạm giữ tiếp viên trưởng Nguyễn Thị Thu Hoài của Vietnam Airlines vì mang 38 cây thuốc lá từ Hàn Quốc về Việt Nam không khai báo. Nhân viên này bị đình chỉ bay sau đó.

Đứng ở góc nhìn thương hiệu, chuyên gia Võ Văn Quang cho rằng, việc phi công và tiếp viên Vietnam Airlines liên tục bị phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt hành vi đó lại bị phát hiện tại nước ngoài bị báo chí nước ngoài mổ xẻ… ảnh hưởng rất lớn không chỉ thương hiệu Vietnam Airlines, đến hình ảnh của ngành hàng không Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến thương hiệu một quốc gia.

Theo đó, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, doanh nghiệp nhà nước đại diện cho ngành hàng không Việt Nam. Với biểu tượng bông sen vàng đi bốn phương, các nước biết đến Việt Nam một phần nhờ Vietnam Airlines nhưng rõ ràng những vụ việc phi công vận chuyển vàng trái phép, tiếp viên tiêu thụ đồ ăn cắp… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh con người Việt Nam, ngành hàng không Việt Nam trong mắt người dân, dư luận các nước.

Để xảy ra vấn đề này, theo ông Quang nguyên nhân chính là việc quản trị, kiểm soát an ninh nội bộ của Vietnam Airlines có vấn đề. Nếu Vietnam Airlines không chấn chỉnh để sự việc xảy ra lặp đi lặp lại thì Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải, cụ thể Bộ trưởng Đinh La Thăng cần vào cuộc để chấm dứt vấn nạn này. 

Lý giải việc phi công, tiếp viên Vietnam Airlines buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép theo ông Quang đây là vấn đề đạo đức con người, là lòng tham. “Lương phi công, tiếp viên Vietnam Airlines so với thu nhập của người dân, mức thu nhập của xã hội là rất cao vì vậy không có chuyện họ vì túng thiếu làm liều mà vấn đề đạo đức con người, chu quy lại là vấn đề đạo đức”, ông Quang khẳng định. 

Cục hàng không chỉ đạo khẩn trương rà soát an ninh hàng không 

Liên quan đến vụ việc phi công và tiếp viên của Vietnam Airlines bị giữ ở Hàn Quốc, ngày 16/4, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam chỉ đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam khẩn trương kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp hiệu quả để tránh tái diễn hành vi lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép tài sản, hàng hóa, báo cáo Cục Hàng không Việt Nam trước ngày 21/04/2015.    

Cục hàng không cũng chỉ đạo Cảng vụ Hàng không Miền Bắc rà soát quy trình kiểm tra, đảm bảo An ninh Hàng không đối với người ra vào khu vực hạn chế nhằm phát hiện những kẽ hở mà các đối tượng có thể lợi dụng để buôn lậu và vận chuyển trái phép tài sản, hàng hóa vào khu vực sân bay và lên tàu bay.

Hiện Cục Hàng không Việt Nam đã liên hệ với cơ quan chức năng của Hàn Quốc nhưng chưa có thêm thông tin chính thức về vụ việc.   

Mai Anh