Ai phải chịu trách nhiệm chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước?

28/11/2015 09:04
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng yêu cầu xác định trách nhiệm của một số bộ, địa phương chậm cổ phần hóa doanh nghiệp.

Tính đến ngày 10/11/2015, cả nước đã sắp xếp được 175 doanh nghiệp, trong đó, cổ phần hóa 159 doanh nghiệp. Nếu tính từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hóa được 408 doanh nghiệp trong tổng số 514 doanh nghiệp, đạt gần 80% kế hoạch.

Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và bán tiếp phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc không cần giữ cổ phần bước đầu đạt yêu cầu, giá trị thu về bình quân bằng 1,5 lần giá trị đầu tư. Được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định, có lộ trình, hiệu quả.

Tuy nhiên, một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Một số cơ chế, chính sách về tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nướcđược ban hành chậm so với kế hoạch. Việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn chưa kịp thời.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quyết liệt hơn nữa trong chỉ đạo và triển khai các giải pháp thực hiện kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, trong đó tập trung vào các doanh nghiệp thuộc diện khó hoàn thành cổ phần hóa.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định trách nhiệm với các đơn vị, địa phương chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. ảnh minh họa, Báo Công thương.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xác định trách nhiệm với các đơn vị, địa phương chậm cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. ảnh minh họa, Báo Công thương.

Trong 2 tháng cuối năm 2015, quyết tâm hoàn thành cổ phần hóa khoảng 50 doanh nghiệp và công bố giá trị doanh nghiệp đối với các doanh nghiệp còn lại, phấn đấu đạt 90% kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2011 - 2015.

Đồng thời tiếp tục thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ theo lộ trình hợp lý, không thoái vốn bằng mọi giá. Đối với những trường hợp đầu tư ngoài ngành đang thua lỗ, càng để lâu càng mất vốn nhà nước thì lãnh đạo doanh nghiệp cần sớm báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để xử lý ngay.

Bên cạnh đó thực hiện chuyển giao các doanh nghiệp không thuộc diện bộ, địa phương cần giữ quyền quản lý về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quy định.

Tiếp tục rà soát, có lộ trình để chuyển về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước các doanh nghiệp đã cổ phần hóa nhưng được Thủ tướng Chính phủ cho phép bộ, địa phương được tiếp tục giữ quyền quản lý trong giai đoạn trước mắt.

Sau khi Chính phủ tuyên bố thoái vốn tại Vinamilk, doanh nghiệp này đã kiến nghị một loạt vấn đề như nới room cho nhà đầu tư nước ngoài, được cho họ lựa chọn đối tác... Quan điểm của Chính phủ thế nào?

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Nguyễn Văn Nên cho biết: “Vinamilk có công văn số 4890/CV-CTS.TGĐ/2015 ngày 21/10/2015 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc kiến nghị phương thức bán vốn nhà nước tại Vinamilk.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tài chính và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nghiên cứu, trả lời theo thẩm quyền và thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1787/TTg-ĐMDN ngày 08/10/2015.

Theo đó, giao SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm đạt lợi ích cao nhất cho nhà nước”.

Khẩn trương nộp tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước và Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo quy định.

Lập phương án xử lý đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tập đoàn, tổng công ty khi cổ phần hóa.

Trường hợp chuyển về bộ quản lý ngành thì không cấp bổ sung vốn, không cấp ngân sách, yêu cầu chuyển sang tự chủ theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Những đơn vị đủ điều kiện thì cổ phần hóa theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chuyển  đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

Các đơn vị thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa chậm như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; UBND các tỉnh, thành phố: TP. Hồ Chí Minh, Nam Định, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Ninh, Tây Ninh, Đồng Tháp, Yên Bái, An Giang, Tiền Giang cần có giải pháp quyết liệt hơn để hoàn thành kế hoạch, xác định nguyên nhân và trách nhiệm của tập thể, cá nhân không hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa.

Các địa phương: Tuyên Quang, Thừa Thiên - Huế, TP.Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp các công ty nông, lâm nghiệp, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định.

Các địa phương đã có phương án được thẩm định khẩn trương hoàn thiện phương án và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Những đơn vị đã được phê duyệt phương án cần khẩn trương triển khai thực hiện, báo cáo cấp có thẩm quyền trường hợp có khó khăn vướng mắc. 

Ngọc Quang