Bác sĩ Lê Thị Hải: “Phát ngôn gây sốc về mẹ Việt, Trang Hạ nói đúng nhưng…”

21/11/2015 07:49
BS Lê Thị Hải
(GDVN) - Từ phát ngôn của nhà văn Trang Hạ về vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhiều bà mẹ “giật mình” vì dường như lâu nay mình đã vô tình bỏ qua thông tin này.

Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam xin chia sẻ bài viết của Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hải – Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia xoay quanh vấn đề trên:

Ý nghĩa của truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Là một bác sĩ, từ góc độ chuyên môn, tôi nghĩ mình nên lên tiếng, không chỉ để “rộng đường dư luận” mà quan trọng, tôi mong các bà mẹ thực sự có ý thức hơn khi chọn lựa sản phẩm dinh dưỡng cho con mình.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hải – nguyên Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Có lẽ với nhiều người, đặc biệt là nhiều bà mẹ Việt, truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một khái niệm khá mới mẻ. Thực tế, đây chỉ là vấn đề “cũ người mới ta”.

Những bà mẹ ở các nước phát triển trên thế giới đã có cơ hội “làm bạn” cùng khái niệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ lâu, đặc biệt là sản phẩm trong ngành thực phẩm và ngành sữa. 

Bác sĩ Lê Thị Hải: “Phát ngôn gây sốc về mẹ Việt, Trang Hạ nói đúng nhưng…” ảnh 2

Trang Hạ lý giải phát ngôn “lên án” các mẹ Việt

Truy xuất nguồn gốc là một quá trình thu thập thông tin về một mặt hàng thực phẩm nhằm tái hiện lịch sử hình thành sản phẩm. Truy xuất giúp nhận được thông tin xác thực về sản phẩm tại tất cả các khâu trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ.

Đối với nhà sản xuất, tuy phải bỏ ra một khoản chi phí lớn ban đầu, tuy nhiên truy xuất nguồn gốc xứng đáng được coi là một khoản đầu tư đáng giá của một doanh nhiệp. Về lâu về dài, điều này góp phần xây dựng thương hiệu, gia tăng lợi nhuận, và đặc biệt là tuân thủ các quy định pháp lý về hàng hóa xuất – nhập khẩu tại một số quốc gia.

Về phía người tiêu dùng, đây là một giải pháp rất hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi của họ. Người dùng sẽ biết được sản phẩm mình lựa chọn đã được trải qua những công đoạn nào, từ khâu chọn nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất, phân phối; từ đó yên tâm với chất lượng sản phẩm mình tin dùng.

Lấy ví dụ khi lựa chọn rau củ quả, việc truy xuất nguồn gốc cho phép người tiêu dùng kiểm chứng chất lượng sản phẩm ngay từ khâu gieo trồng, quy trình trồng trọt đến điều kiện thu hoạch, bảo quản…

Hay một đơn cử khác ở sản phẩm sữa bột – một trong những thực phẩm có tác động toàn diện nhất đến sự phát triển trong những năm tháng đầu đời của trẻ, thông tin về truy xuất nguồn gốc sẽ giúp các bà mẹ biết rõ về nguồn sữa tươi nguyên liệu, quy trình chăn nuôi bò sữa, việc thu hoạch sữa tươi và sản xuất sữa bột cũng như rất nhiều yếu tố khác tạo nên thành phẩm cuối cùng, từ đó mới đảm bảo chất lượng sữa và bảo chứng cho niềm tin của các mẹ về lựa chọn dinh dưỡng cho con.

Sữa bột là một trong những sản phẩm cần truy xuất nguồn gốc
Sữa bột là một trong những sản phẩm cần truy xuất nguồn gốc

Truy xuất nguồn gốc, dễ hay khó?

Tôi thấy Trang Hạ đã dũng cảm nêu lên vấn đề ít người biết hoặc biết nhưng chưa ai nói. Tuy nhiên, là một người có nhiều năm liền nghiên cứu trong lĩnh vực dinh dưỡng, chất lượng thực phẩm… tôi có chút băn khoăn về điều kiện truy xuất sản phẩm thực tế ở Việt Nam. Kể cả khi các bà mẹ có ý thức về vấn đề trên, các mẹ cũng khó lòng tìm hiểu được ngọn ngành theo đúng mong muốn của mình.

Khái niệm truy xuất nguồn gốc sản phẩm gọi là mới mẻ ở Việt Nam nhưng thực chất chỉ mới với người tiêu dùng còn đối với nhà sản xuất, đây là bí mật kinh doanh mà hầu như chỉ một bộ phận rất nhỏ người có thẩm quyền được biết.

Công khai thông tin nguồn gốc đồng nghĩa với việc nhà sản xuất khẳng định tính trung thực 100% về chất lượng sản phẩm. Nhưng điều này, tôi và nhiều đồng nghiệp chỉ biết lắc đầu vì tính khả thi. Liệu có doanh nghiệp nào dám công bố minh bạch và rõ ràng nguồn gốc chất lượng sản phẩm hay không?

BS Lê Thị Hải