Bài toán 1kg vải = 3 cốc trà đá, giải bằng cách nào?

22/06/2014 08:23
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Thời điểm hiện tại, vải VietGAP (trồng theo hướng nông nghiệp tốt) cũng bị rớt giá ngay tại vườn với chỉ từ 6, 7.000 đồng/kg.

Năm 2014, diện tích vải thiều toàn tỉnh Bắc Giang khoảng 33.400 ha (tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Yên, Lục Nam, Yên Thế, Lạng Giang và Lục Ngạn), với sản lượng ước đạt hơn 140.000 tấn quả tươi (tăng 5.000 tấn so với năm 2013). 

Trong đó, vải chính vụ chiếm 88% sản lượng, với dự báo thời gian thu hoạch vải chính vụ từ 20/6 đến 20/7. Vào thời điểm này, vựa vải thiều huyện Thanh Hà (Hải Dương) cũng bước vào mùa thu hoạch chính.

UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) cho biết, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu vải thiều truyền thống. Năm nay sản lượng vải xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 50%, ngoài ra còn có thêm các đơn đặt hàng từ thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Đài Loan, Campuchia.

Vải được mùa nhưng liên tục rớt giá

Tại thị trường trong nước, để tiêu thụ vải, người nông dân và thương lái nhỏ thường chở vải bằng xe thồ từ các vùng Lục Ngạn và lân cận ở Bắc Giang lên Hà Nội bán lẻ.

Chia sẻ với PV Báo Giáo dục Việt Nam, anh Nguyễn Duy Tiến, thồ 2 thùng vải bằng xe máy nặng hơn 100kg từ Lục Ngạn (Bắc Giang) lên khu vực Giáp Bát (Hà Nội) bán cho biết, với thời tiết như hiện tại, vào buổi sáng, giá vải sẽ nhỉnh hơn khoảng 2.000-3.000 đồng/kg vì vải tươi, đẹp mắt. Tuy nhiên, đến khi chiều tối thì vải lại hạ giá đến không tưởng khi chỉ còn 6.000-7.000 đồng/kg.

Do không được bảo quản, giữ lạnh nên chỉ sau một ngày là có dấu hiệu héo. Nhiều người đã chọn phương án bán buôn cả xe cho người bán lẻ tại các chợ chỉ với giá 5000-6000/kg để không bị lỗ vốn.

Vải được mùa nhưng không được giá.
Vải được mùa nhưng không được giá.

Chỉ cách đây vài ngày, giá bán vải ở các xe hàng ven đường còn dao động ở mức khoảng 11.000 – 13.000 đồng/kg. Tuy nhiên, 2 ngày gần đây, thời tiết oi bức, nắng nóng thì giá vải hạ thấp xuống còn 6.000- 7.000 đồng/kg. Nếu tính ra thì 1 kg vải chỉ bằng 2,3 cốc trà đá.

Tại các chợ đầu mối ở Hà Nội, giá vải chỉ còn 5.000 - 6.000 đồng/kg, thậm chí 4.000 - 5.000 đồng vào các buổi chiều tối. Tại các chợ lẻ, hàng rong vỉa hè cao nhất cũng chỉ 8.000-10.000/kg.

Vải được bày bán nhiều hoặc đẩy xe qua lại trên các tuyến đường như Láng, Giải Phóng, Tân Mai, Trương Định, khu vực Phạm Hùng, Hồ Tùng Mậu, Phạm Văn Đồng…

Tại khu vực chợ Cầu Diễn, chị Tâm bán hàng vải cho biết, giá vải sau khi nhập về từ chợ đầu mối Long Biên được bán với giá từ 8.000- 10.000 đồng.

“Vì giá rẻ hơn mọi năm nên khách mua khá đông. Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, một số người dân từ tận Bắc Giang đem vải về tận chợ bán khiến giá vải càng xuống thấp. Nếu khách lấy từ 3kg trở lên, chị lấy 7.000/kg thôi” – chị Tâm chia sẻ với PV.

Tìm tới chợ đầu mối Long Biên, thị trường vải tại đây khá nhộn nhịp. Có nhiều loại vải từ chất lượng cao, trung bình và thấp. Giá bán buôn vải chất lượng cao được lấy về từ Bắc Giang dao động từ 10.000-12.000/kg. Vải chất lượng thấp hơn, mẫu mã không được đẹp thì chỉ từ 5.000-6000/kg. Trao đổi với PV, chủ một sạp vải ở đây lý giải, giá vải năm nay thấp hơn mọi năm, một phần do hàng tồn không đi Trung Quốc được. Bên cạnh đó, còn do vải đang vào chính vụ nên người trồng vải phải bán nhanh để tránh tình trạng vải chín quá, rụng xuống rồi bỏ không.

Bạn Mai Linh, vừa mua xong 2kg vải vui vẻ nói với PV: “Là sinh viên học xa nhà nên việc được ăn hoa quả là khá xa xỉ đối với chúng em. Tuy nhiên, với việc giá vẻ rẻ như hiện nay thì việc mua 1, 2kg vải ăn cũng không có khó khăn gì. Có hôm, đi học về muộn, cũng là lúc các hàng vải dọn chuổn bị về nghỉ thì em mua được 1kg vải với giả chỉ 5.000-6.000 đồng/kg”.

Bác Nguyễn Thu Lệ (Hàng Bạc, Hà Nội) cho biết, vải từ đầu mùa đến nay đều không đắt: “Hiện tại, vải rất rẻ. Ăn quả vải ngon, ngọt nên tôi thường mua vài kg một lần. Buổi sáng, xe đi bán qua đây chỉ 8.000 đồng/kg, quả rất tươi ngon. Đến chiều, tối thì còn rẻ hơn nữa.

Giải bằng cách nào?

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lâu nay, quả vải thiều vẫn bị phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, sản lượng tiêu thụ vải thiều ở thị trường này chiếm khoảng 30% tổng sản lượng vải của nước ta, trong đó lượng vải xuất khẩu tập trung nhiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương). Bởi vậy, khi có diễn biến căng thẳng ở Biển Đông, không ít người nông dân trồng vải lo lắng về đầu ra của vải thiều năm nay. 

Cần nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho quả vải.
Cần nâng cao chất lượng, tìm đầu ra cho quả vải.

Theo Bộ Công thương, đơn vị này đã giao Vụ  Thị trường trong nước liên hệ với các chợ đầu mối ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ... cùng các thương nhân để hỗ trợ tiêu thụ tốt vải thiều. 

Ông Trần Quang Tấn, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, ngoài các đơn hàng thu mua quả vải tươi từ các thị trường truyền thống, năm nay vải thiều Lục Ngạn sẽ có các hợp đồng tiêu thụ lớn hơn từ thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Campuchia... Ngoài ra, huyện cũng đã có kế hoạch sấy và tìm thị trường cho vải sấy khô.

Ông Tấn cũng khẳng định, chính quyền địa phương cũng chuẩn bị ngay kế hoạch tổng thể, kế hoạch này cũng xác định rõ, một là chuẩn bị các cái điều kiện về cơ sở vật chất, gắn với đó là cũng chuẩn bị các cuộc xúc tiến đối với các cái tỉnh lớn trong toàn quốc như Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh, đồng thời cũng phối hợp với ban kinh tế cửa khẩu, các chi cục Hải quan ở các cửa khẩu Móng Cái, Lạng Sơn, Hà Giang để tiến hành cho quá trình xúc tiến đầu tư.

Viện Nghiên cứu và phát triển vùng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đang phối hợp với một doanh nghiệp của Nhật Bản thu mua hơn 10 tấn vải thiều chất lượng cao tại xã Hồng Giang. Để được lựa chọn, quả vải phải đáp ứng được yêu cầu về mẫu mã, chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, thời gian thu hái... 

Lãnh đạo xã Hồng Giang cũng cho biết, dù phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn nhưng đây là cơ hội tốt để vải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường Nhật Bản, một trong những thị trường khó tính. Do đó, xã đã khuyến cáo tới các hộ được chọn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy chuẩn để bảo đảm chất lượng quả vải.

NHẤT NGÔN