Báo Xây dựng đang xem xét chấm dứt hợp tác truyền thông với FLC

11/10/2018 12:57
Diệu Linh
(GDVN) - Nhà báo Nguyễn Anh Dũng – Tổng Biên tập Báo Xây dựng cho biết: Báo Xây dựng đang xem xét có nên tiếp tục hợp tác truyền thông cho Tập đoàn FLC nữa hay không?

Sau một loạt những thông tin lùm xùm về Tập đoàn FLC, bất ngờ có thêm thông tin Báo Xây dựng đang xem xét chấm dứt hợp tác với FLC. Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng.

Có thông tin về việc Báo Xây dựng đang xem xét chấm dứt hợp tác với Tập đoàn FLC, vì sao vậy thưa ông?

Nhà báo Nguyễn Anh Dũng: Báo Xây dựng thực hiện một hợp đồng truyền thông với Tập đoàn FLC. Gói hợp đồng này có giá trị không lớn đối với một Tập đoàn kinh tế lớn đang đầu tư khắp các miền đất nước như  FLC.

Tuy nhiên, để nhận được các khoản tiền nho nhỏ của FLC chuyển trả theo cam kết trong hợp đồng thì rất khó khăn; thường là chậm trễ. Cán bộ của báo phải tốn rất nhiều các cuộc điện thoại để đôn đốc. Biểu hiện này cho thấy, có thể do cán bộ tài chính của họ tắc trách; cũng có thể do Tập đoàn có khó khăn về tài chính?

Vấn đề nữa là thời gian gần đây, chúng tôi nhận được nhiều nguồn thông tin từ dư luận xã hội về doanh nghiệp này không thanh khoản dứt điểm với các nhà thầu khi công việc đã hoàn tất.

Lãnh đạo một công ty tầm cỡ quốc gia đã từng thi công hàng trăm công trình lớn trong nước như Công ty Hòa Bình ở Thành phố Hồ Chí Minh đã ký đơn chịu trách nhiệm trước pháp luật gửi Báo Xây dựng phản ánh FLC nợ họ hàng trăm tỷ đồng trong mấy năm qua mà chưa thanh toán trong khi công trình đã đưa vào khai thác.

Tuần trước, tôi có vào Thanh Hóa, được tận mắt chứng kiến cảnh tượng Khu công nghiệp FLC Hoàng Long rộng mênh mông hàng trăm héc-ta đất đai “bờ xôi, ruộng mật” cỏ đang mọc um tùm.

Tập đoàn FLC rầm rộ khởi công vài năm rồi nhưng để hoang hóa. Rất nhiều người dân thuộc diện giải tỏa giao đất cho chủ đầu tư vẫn vác đơn đi khiếu kiện đòi tiền đền bù…

Theo tôi, tình trạng để hàng trăm héc-ta đất kề cận Thành phố Thanh Hóa hoang hóa thì cả chủ đầu tư và những người thẩm định dự án tại địa phương đều có lỗi lớn với nhân dân, cần sớm được các cơ quan thanh tra của Chính phủ vào cuộc làm rõ, quy trách nhiệm.

Từ những hiện tượng mắt thấy, tai nghe nêu trên tôi suy nghĩ rất nhiều về một tờ báo chuyên ngành Xây dựng có nên cổ súy cho các dự án của FLC nữa hay không?

Nhà báo Nguyễn Anh dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng. ảnh: Báo Xây dựng.
Nhà báo Nguyễn Anh dũng - Tổng Biên tập Báo Xây dựng. ảnh: Báo Xây dựng.

Vậy Báo Xây dựng có sẵn sàng vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của người dân không nếu FLC tiếp tục không trả tiền cho dân?

Nhà báo Nguyễn Anh Dũng: Đền bù đất đai là một câu chuyện cần phải được xem xét hết sức nghiêm túc từ phía chủ đầu tư và người dân. Đền bù có áp dụng đúng chính sách không? Người dân khiếu kiện có đúng luật không?

Theo kinh nghiệm của tôi, đã làm dự án, lấy đất của dân thì hầu hết dự án ở đâu cũng diễn ra khiếu kiện về giá trị đất đai, nhất là khi hệ thống pháp luật chưa thống nhất.

Phàm những chủ đầu tư lớn, đứng đắn, có năng lực thực sự thì họ giải quyết vấn đề đền bù đất đai cho dân rất nhanh gọn. Nơi mà họ đầu tư kinh tế sẽ phát triển nhanh; dân được hưởng lợi từ chính dự án đó.

Báo Xây dựng đang xem xét chấm dứt hợp tác truyền thông với FLC ảnh 2

Cả chính quyền và dân đều "khóc" vì FLC

Việc bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân; làm nhịp cầu truyền tải tiếng nói của dân đến với Đảng và Chính phủ không phải là trách nhiệm riêng của Báo Xây dựng mà là trách nhiệm của cả hệ thống báo chí.

Báo Xây dựng sẽ không đứng ngoài cuộc trong vụ việc; nhất là đối với những dự án đầu tư xây dựng trách nhiệm chúng tôi phải phản ánh theo đúng tôn chỉ của mình.

Ở góc nhìn của một nhà báo, ông có nghĩ rằng việc dự án FLC Hoàng Long chậm triển khai, nợ tiền đền bù của nông dân nhiều năm qua liệu có phải là bài học cho các địa phương khác khi xem xét cho một doanh nghiệp nào đó đầu tư triển khai dự án?

Nhà báo Nguyễn Anh Dũng: Quan điểm của tôi là không riêng gì FLC mà tất cả các chủ đầu tư khác vào các địa phương xin lập dự án lớn thì tỉnh phải xem xét rất kỹ, quan trọng nhất vẫn là việc thẩm định họ có tiền thực sự hay không?

Tiền của doanh nghiệp từ nguồn nào? Dự án mang lại lợi ích gì cho địa phương và đóng góp gì cho nền kinh tế đất nước?

Tôi biết là có những doanh nghiệp khi đầu tư vào địa phương thì sẵn sàng bỏ tiền ra đặt cọc để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, đền bù cho dân. Liệu rằng FLC rồi đây có làm như vậy không? Đây là vấn đề các địa phương phải hết sức lưu ý.

Chúng ta hãy cẩn trọng đừng bị choáng ngợp bởi các dự án hoành tráng của một doanh nghiệp nào đó đang rầm rộ quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng mà vội tin tưởng.

Hãy bình tĩnh suy xét bề dày hoạt động của doanh nghiệp; chủ doanh nghiệp xuất thân từ đâu? Họ hoạt động được bao nhiêu năm? Huy động vốn từ bao nhiêu ngân hàng, từ thị trường chứng khoán?

Trân trọng cảm ơn ông!

(Liên quan đến sự việc này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mong muốn nhận được thông tin chính thức từ Tập đoàn FLC)

Diệu Linh