Bị phanh phui hàng loạt sai phạm, HUD "chết đứng" trên sàn chứng khoán

30/05/2015 08:37
Mai Anh
(GDVN) - Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết quả thanh tra tại HUD với nhiều sai phạm, cổ phiếu nhiều công ty con của HUD “chết đứng” do không có giao dịch.

Chậm tiến độ

Ngày 25/5, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh ký văn bản số1312/TB-TTCP công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD).

Trong kết luận thanh tra Thanh tra Chính phủ nêu rõ, HUD đã quyết định các dự án đầu tư vượt xa năng lực tài chính quản trị, dẫn đến chậm và trì trệ triển khai các dự án, sản phẩm dở dang quá nhiều, hàng tồn kho lớn, đẩy HUD và các đơn vị thành viên đến tình trạng khó khăn hiện nay.

Trước đó, trên phương tiện truyền thông báo chí liên tục đưa tin các dự án bất động sản của HUD bị cơ quan quản lý nhà nước nhắc nhở vì chậm tiến độ.

Hàng nghìn tỷ đồng của Tổng công ty đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD) phơi sương tại KĐT Vân Canh (ảnh theo Bizlive)
Hàng nghìn tỷ đồng của Tổng công ty đầu tư phát triển Nhà và đô thị (HUD) phơi sương tại KĐT Vân Canh (ảnh theo Bizlive)

Điển hình như dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm do Công ty CP Phát triển nhà xã hội HUD.VN (đơn vị thành viên được Tổng công ty HUD giao thực hiện dự án) và Công ty TNHH BIC Việt Nam (BIC) làm chủ đầu tư.  Dự án thuộc quỹ đất 20% của TP. Hà Nội có diện tích 2,2ha trong tổng số 49ha của Dự án Khu đô thị Tây Nam Linh Đàm.

Năm 2013 sau khi động thổ rầm rộ dự án suốt thời gian dài là bãi đất trống, cỏ mọc xanh um. Nguyên nhân được xác định do HUD.VN không chịu giao đất cho BIC thực hiện dự án.

Sự việc đẩy lên khi Tổng Giám đốc BIC – bà Lục Thị Mai Trang đã có báo cáo gửi một loạt các cơ quan, gồm Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội, Sở TN&MT, UBND quận Hoàng Mai, Công an quận Hoàng Mai… và cả HUD, nhằm “tố” việc BIC không thể triển khai dự án nhà ở xã hội Tây Nam Linh Đàm là do HUD “cản trở”.

Những lùm xùm dự án kéo dài vì vậy dù khởi công từ ngày 28/5/2013, nhưng phải đến quý 1/2014, tòa đầu tiên của dự án mới được thi công làm móng.

Hiện tại dự án vẫn đang được triển khai, theo cam kết của HUD đến quý 3/2015 sẽ bàn giao.

Tuy nhiên đến nay cả 3 tòa CT1 (Khối A1 & A2); CT2- TP; CT4- A1 đều khá ngổn ngang.

Tương tự dự án trên, năm 2011 Dự án nhà ở đô thị Bắc TP Hà Tĩnh được cấp Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 9/2011. Số tiền sử dụng đất phải nộp là 213,274 tỉ đồng với thời hạn nộp tiền chậm nhất ngày 25/11/2011. 

Nhưng từ tháng 11/2011, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã nhiều lần có công văn, kể cả làm việc trực tiếp, yêu cầu HUD nộp tiền vào ngân sách nhưng HUD vẫn chưa thực hiện. Sau đó, Hà Tĩnh đã một lần gia hạn nộp tiền vào ngân sách trước ngày 20/12/2012 nhưng HUD không thanh toán.

Gần 20 tháng sau khi khởi công, dự án nhà ở của HUD ở Hà Tĩnh chỉ là bãi đất hoang trong khi Tổng công ty này vẫn còn nợ tiền sử dụng đất hơn 93 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 1/2013, lãnh đạo của Hà Tĩnh đã làm việc với lãnh đạo HUD, trong cuộc gặp Hà Tĩnh đồng ý kéo dài thời gian nộp tiền theo 2 đợt. Đợt 1 trước ngày 30/3/2013 nộp 50%, đợt 2 nộp số tiền còn lại trước ngày 30/5/2013. Tuy nhiên phải đến cuối năm 2014 Hà Tĩnh với đòi được nợ.

Ngoài ra năm 2014, một dự án khác do HUD làm chủ đầu tư cũng bị TP Hà Nội nhắc nhở về tiến độ. Cụ thể  UBND TP.Hà Nội đề nghị kiểm tra xử lý dự án Khu đô thị mới Định Công (quận Hoàng Mai) do chậm triển khai đầu tư.

Bán dự án "chui"

Một trong những sai phạm của HUD được dư luận và báo chí phanh phui thời gian qua là việc doanh nghiệp này sử dụng lô đất NT1 tại dự án Khu đô thị mới Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) chuyển nhượng cho Trường mầm non tư thục Bình Minh.

Theo quy hoạch được cấp phép đây là khu đất phục vụ xây dựng công trình công cộng.

Trước sai phạm này, Hà Nội đã yêu cầu HUD phải nộp lại số tiền có được do chuyển nhượng hạ tầng kỹ thuật từ Trường Mầm non tư thục Bình Minh vào ngân sách thành phố. Sở Tài chính, Cục thuế thành phố cũng phải làm rõ các khoản nghĩa vụ tài chính và truy thu tiền sử dụng đất tạm tính đối với dự án này.

Ngoài ra, UBND Hà Nội cho rằng, HUD còn xây dựng công trình trái phép trên lô đất ký hiệu CC3A, B, C trong quy hoạch khu đô thị mới Mỹ Đình 2. Hà Nội yêu cầu HUD phải khôi phục và hoàn trả mặt bằng để triển khai dự án khác theo đúng quy hoạch. 

Ngoài các sai phạm kể trên, hiện nhiều dự án do HUD là chủ đầu tư đang bị bỏ hoang. Hình ảnh hoang tàn của những biệt thự tiền tỷ tại các dự án Linh Đàm, Việt Hưng là minh chứng rõ yếu kém trong quản lý phát triển kiểu “xôi đỗ”.

Được biết sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết quả thanh tra tại HUD với nhiều vấn đề nổi cộm trong hoạt động đầu tư, cổ phiếu nhiều công ty con của HUD “chết đứng” do không có giao dịch.

Theo đó các cổ phiếu HU1 của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng HUD1, HU3 của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng HUD3 và HLD của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản (Hudland) trong phiên giao dịch ngày 27/5, cả HU1 và HU3 đều không có giao dịch. 

Nhìn vào cán cân cung - cầu trên thị trường, số nhà đầu tư muốn xả hàng khá nhiều, nhưng điều đặc biệt là, bên bán không muốn bán ra với giá thấp, dẫn đến cung - cầu không gặp được nhau.

Riêng cổ phiếu HLD vẫn có giao dịch, nhưng thanh khoản khá thấp và giá giảm từ mức 19.300 đồng/cổ phiếu xuống còn 18.900 đồng/cổ phiếu. 

Mai Anh