Bộ Quốc phòng chính thức bàn giao 21 ha mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

21/02/2017 14:06
Mai Anh
(GDVN) - Sáng nay (21/2), Bộ Quốc phòng chính thức ký bàn giao 21ha đất tại sân bay Tân Sơn Nhất cho Bộ Giao thông vận tải để nâng cấp, mở rông sân bay này.

Theo đó, Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông vận tải đã ký kết biên bản bàn giao 21ha sân đỗ quân sự tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất) cho Bộ Giao thông vận tải để triển khai xây dựng đường lăn, sân đỗ tàu bay theo phương án đã được đề ra.

Được biết khu vực 21ha thuộc đất của Bộ Quốc phòng hiện đang làm sân đỗ cho các tàu bay quân sự. Tuy nhiên trước sự tăng trưởng nóng của ngành hàng không dân dụng nên việcbàn giao đất quân sự để mở rộng sân bay dân dụng là cần thiết. 

Hiện, Tân Sơn Nhất chỉ có 50 vị trí đỗ cho tàu bay, trong khi nhu cầu dân dụng cần đến khoảng 80 vị trí.

Bộ Quốc Phòng đã chính thức bàn giao 21ha đất tại sân bay Tân Sơn Nhất để Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm tình trạng quá tải tại sân bay này - ảnh: Thời báo Kinh tế.
Bộ Quốc Phòng đã chính thức bàn giao 21ha đất tại sân bay Tân Sơn Nhất để Bộ Giao thông vận tải triển khai dự án nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất nhằm giảm tình trạng quá tải tại sân bay này - ảnh: Thời báo Kinh tế.

Trước đó tại buổi làm việc với với các bộ, ngành để tìm giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị lựa chọn phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đạt công suất 43 – 45 triệu hành khách/ năm.

Theo phương án này, sân bay Tân Sơn Nhất sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R).

Chi phí xây dựng theo phương án nâng cấp này sẽ mất khoảng 19.700 tỷ đồng, thời giant hi công khoảng 3 năm.

Bộ Quốc phòng chính thức bàn giao 21 ha mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 2

PGS.Nguyễn Thiện Tống: Trước mắt cần mở rộng hết công suất sân bay Tân Sơn Nhất

Bộ Quốc phòng chính thức bàn giao 21 ha mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 3

Ông Trần Đình Bá: "Lãnh đạo Cục Hàng không phải thay đổi tư duy..."

Trước việc Bộ Quốc phòng chính thức bàn giao đất cho Bộ Giao thông vận nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, TS.Nguyễn Bách Phúc – Chủ tịch Hội tư vấn Hascon (TP.HCM) đề nghị: Phương án xây dựng và quỹ đất đã có Bộ Giao thông vận tỉa phải đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để giảm tải sân bay Tân Sơn Nhất.

Ngoài ra, vị chuyên gia này cũng nêu quan điểm cho rằng, cần giải tỏa và bàn giao diện tích đất cả sân golf  để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tránh việc phải nâng cấp cải tạo nhiều lần.

“Lượng khách sân bay Tân Sơn Nhất sẽ tiếp tục tăng do đó quy hoạch xây dựng nâng cấp Tân Sơn Nhất cần có cái nhìn dài hơi, đáp ứng nhu cầu của 5 – 10 năm nữa chứ không phải chỉ cho trước mắt”, TS.Phúc cho biết.

Chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Trưởng bộ môn hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng, phương án cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất cần cái nhìn toàn diện.

Không nên có tâm lý nâng cấp cầm chừng để chờ sân bay Long Thành xây dựng xong như nhiều quan điểm trước đó.

“Dù sân bay Long Thành có hoàn thành thì Tân Sơn Nhất vẫn phải duy trì hoạt động. Việc lựa chọn đến Tân Sơn Nhất là do nhu cầu của hành khách, hơn nữa Tân Sơn Nhất là trung tâm hành chính, kinh tế lớn lượng hành khách đi và đến từ Tân Sơn Nhất sẽ tăng do đó nâng cấp Tân Sơn Nhất cần có cái chiến lược để tránh việc phải quy hoạch, nâng cấp nhiều lần”, PGS.Tống cho biết.

PGS.Nguyễn Thiện Tống phân tích, kể cả khi sân bay Long Thành hoàn thành cũng không thể thay thế Tân Sơn Nhất do vị trí địa chính trị của sân bay này.

Nếu hành khách muốn xuống Tân Sơn Nhất không thể bay đến sân bay khác rồi đi đường bộ về TP.HCM bởi vừa mất thêm chi phí, vừa không thuận lợi.

“Nếu vài năm tới sau khi nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng đến 45 triệu hành khách/năm nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu hành khách thì sẽ giải quyết thế nào?

Theo tôi vẫn phải tiếp tục nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đến khi không thể mở rộng nâng cấp được thì mới tính phương án khác”, PGS.Tống bày tỏ quan điểm.

Hiện tượng quá tải sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, hành khách mà còn gây thiệt hại lớn đến các hãng hàng không.

Gần đây nhất ngày 14/2/2017 chuyến bay BL 519 đi từ sân bay Cát Bi – Tân Sơn Nhất của Hãng hàng không Jetstar Pacific đã bị chậm 14 giờ đồng hồ nguyên nhân được cho do sân bay Tân Sơn Nhất quá tải.

Cụ thể, theo Jetstar chiếc máy bay thực hiện chuyến bay từ Hải Phòng – TP.HCM đã không thực hiện được kế hoạch thời gian bay dự tính do các chuyến bay trước đó từ TP.Hồ Chí Minh đi Phú Quốc và ngược lại bị kẹt tại sân bay Tân Sơn Nhất do quá tải.

Chuyến bay BL519 bị chậm đến 14 giờ so với lịch bay ban đầu không chỉ ảnh hưởng đến lịch trình của hành khách mà còn tăng thêm chi phí cho hãng hàng không.

Do việc chậm chuyến nên Jetstar phải đền bù cho mỗi hành khách 400.000 đồng, bên cạnh đó là tai tiếng về việc chậm chuyến.

Mai Anh