Bộ Y tế gây hoang mang khi nói “sữa công thức = sữa bò + hóa chất”

15/10/2016 08:08
Hồng Minh
(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khẳng định, cách giải thích của Bộ Y tế về sữa công thức trong tờ trình sửa đổi Luật Quảng cáo là mập mờ, gây hoang mang với người dân.

Tranh cãi “sữa công thức = sữa bò + hóa chất”

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ phản hồi tờ trình 979 ngày 4/10 của Bộ Y tế về việc duy trì giới hạn cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng tuổi.

Về nội dung này, Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, tờ trình của Bộ Y tế đã nêu không đúng bản chất của sản phẩm, đi ngược lại với các tiêu chuẩn khoa học kỹ thuật có tính pháp lý do chính Bộ Y tế ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Văn bản của VDA trình Thủ tướng Chính phủ - nguồn TTXVN.
Văn bản của VDA trình Thủ tướng Chính phủ - nguồn TTXVN.

“Việc Bộ Y tế gọi các acid amin, vitamin và khoáng chất được bổ sung theo quy định của chính Bộ Y tế là các “hóa chất” sẽ dẫn đến những hiểu biết sai lệch về bản chất sản phẩm dinh dưỡng công thức, gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng đến việc sản xuất kinh doanh của các hộ chăn nuôi bò và các doanh nghiệp kinh doanh sữa tại Việt Nam”, Hiệp hội này cho biết.

Trước đó, sau khi có đề xuất sửa Luật Quảng cáo, giảm giới hạn cấm quảng cáo sữa cho trẻ em dưới 24 tháng xuống còn 12 tháng, Bộ Y tế đã có văn bản số 979 hôm 4/10, trình Thủ tướng có ý kiến về vấn đề này.

Trong đó, Bộ Y tế nêu ra 6 lý do chủ chốt để xin giữ nguyên quy định về cấm quảng cáo sữa như hiện nay. Nổi bật nhất là những lý do phân tích về tác hại của quảng cáo sữa và so sánh chất lượng sữa bột và sữa mẹ.

Bộ Y tế cho rằng: "Các doanh nghiệp này không ngừng quảng cáo quá mức về tính ưu việt của sản phẩm như giúp trẻ cao lớn hơn, thông minh hơn, gia tăng sức đề kháng... khiến không ít bà mẹ nghĩ rằng, để con mình thông minh và phát triển tốt thì phải cho con ăn sữa thay thế sữa mẹ".

Bộ Y tế gây hoang mang khi nói “sữa công thức = sữa bò + hóa chất”  ảnh 2

Hiệp hội Sữa phản ứng gay gắt "sữa công thức = sữa bò + hóa chất"

Bộ Y tế gây hoang mang khi nói “sữa công thức = sữa bò + hóa chất”  ảnh 3

Phải công khai 90% nước mắm cao đạm nhiễm thạch tín là của thương hiệu nào

"Vì thế, thay vì cho con bú sữa mẹ, họ lại lựa chọn cho con mình ăn các sản phẩm dinh dưỡng được chế xuất công nghiệp và kết quả là, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển toàn diện của trẻ cũng như làm giảm sức đề kháng, gia tăng bệnh tật ở trẻ", Bộ Y tế đánh giá.

Bộ Y tế còn nhấn mạnh: "Chúng ta không nên nhầm tưởng sữa thay thế sữa mẹ là tốt hơn sữa mẹ. Bởi bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với các hóa chất khác".

Liên quan đến phản ứng của Hiệp hội Sữa Việt Nam, trả lời báo chí, ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết, đến thời điểm này, phía Bộ Y tế chưa nhận được bất kỳ văn bản nào từ phía Hiệp hội Sữa Việt Nam.

Tuy nhiên, với tư cách là người của Bộ Y tế, từng tham gia soạn thảo Luật Quảng cáo, ông Quang cho rằng các thuật ngữ, khái niệm về sữa công thức không có gì phải bàn cãi. 

“Quy chuẩn của sữa bao gồm sữa bò, chất phụ gia và các hóa chất khác. Trong đó, chất phụ gia cũng là hóa chất, chất bảo quản cũng là hóa chất thì tạo thành sữa. Tất nhiên những hóa chất đó là loại được phép sử dụng chứ không phải hóa chất bị cấm.

Ở đây, chúng tôi đang so sánh giữa sữa mẹ với sữa công thức để thấy sữa mẹ có nhiều ưu điểm nổi bật. Và khuyến khích đứa trẻ trong sáu tháng đầu đời phải được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ”, ông Quang lý giải.

Lý giải của Bộ Y tế mập mờ

Trước phản ứng của Hiệp hội Sữa Việt Nam và lý giải của Bộ Y tế, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội, khẳng định: “Phản ứng của Hiệp hội Sữa Việt Nam là đúng, việc Bộ Y tế đưa ra khái niệm sữa công thức = sữa bò + hóa chất là không đúng, gây hiểu nhầm, gây hoang mang và ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, gây hại cho doanh nghiệp sữa”.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, hiện nay trong quan niệm của người dân hóa chất đồng nghĩa với độc hại.

“Vì thế khi nghe thấy thực phẩm này có hóa chất, thực phẩm kia có hóa chất là người dân sợ. Về cơ bản đường, muối, gia vị bổ sung… đều là hóa chất, trong hóa chất có hóa chất tốt, hóa chất xấu. Tuy nhiên người dân không thể biết hết tất cả vấn đề chuyên môn đó nên cứ nghe có hóa chất là nghĩ ngay đến độc hại, đến ung thư bệnh tật”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói.

Chính cách hiểu và quan niệm đó của người dân nên khi Bộ Y tế đưa ra nhận định “bản chất của sữa thay thế sữa mẹ là sản phẩm công nghiệp được chế tạo từ sữa của con bò cùng với hóa chất khác” đồng nghĩa việc sữa công thức = sữa bò + hóa chất, trong suy nghĩ của nhiều người là sữa bò cộng với chất gây hại.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội/ ảnh nguồn Báo Lao Động.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội/ ảnh nguồn Báo Lao Động.

“Bộ Y tế đưa ra cách hiểu không rạch ròi, mập mờ, gây ảnh hưởng doanh nghiệp nên Hiệp hội Sữa Việt Nam nói lên tiếng nói bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp sữa là hoàn toàn hợp lý. Góc nhìn chuyên môn, tôi không đồng ý cách gọi này của Bộ Y tế”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.

Theo ông Thịnh, Bộ Y tế phải nói rõ sữa bò cộng với hoạt chất sinh học có giá trị dinh dưỡng hoặc dễ hiểu nhất là chất dinh dưỡng bổ sung như vi lượng, khoáng, Vitamin… không được phép nói theo kiểu mập mờ.

“Hóa chất là danh từ chung cho tất cả các chất nhưng khi chỉ vào vấn đề cụ thể thì phải nói cụ thể, không thể cho muối vào thức ăn sau đó nói đổ hóa chất vào, nói như vậy với cách hiểu như hiện nay ai dám sử dụng. Nguyên tắc không được ngôn từ phổ quát nhất để chỉ khái niệm cụ thể bởi khoa học phải chính xác rõ ràng”, ông Thịnh nói.

Đánh giá về sản phẩm sữa công thức PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, trong tất cả các loại sữa thì sữa mẹ là tốt nhất. Vì thế khoa học đã phân tích tìm hiểu thành phần, tính chất có trong sữa mẹ để từ đó sản xuất sữa công thức theo công thức sữa mẹ, gần giống với sữa mẹ nhất.

Để sản xuất sản phẩm sữa giống với sữa mẹ, nếu chỉ dựa vào thành tố có sẵn trong sữa bò thì không đủ vì vậy phải bổ sung các chất vi lượng, khoáng, Vitamin. Loại bỏ yếu tố gian lận thương mại, sản xuất hàng giả hàng kém chất lượng thì hầu hết doanh nghiệp sữa đều đưa vào sản phẩm sữa công thức các hoạt chất quý như DHA, Vitamin, khoáng chất… đây là những hoạt chất sinh học có giá trị dinh dưỡng tốt cho trẻ em. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng khẳng định, sữa công thức dù không thay thế được sữa mẹ nhưng cũng giúp trẻ bổ sung dinh dưỡng. Ngoài sữa mẹ, trẻ từ trên 6 tháng cho sử dụng thêm sữa công thức phù hợp với hấp thụ của trẻ là cách bổ sung dinh dưỡng tốt.

Hồng Minh