Bộ trưởng Bộ Xây dựng giải trình về việc “rã băng” thị trường BĐS

24/01/2013 10:04
Nhóm PV
(GDVN) - Sáng nay (24/1), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải trình trước Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội về thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng, từ đầu năm 2012 đến nay, thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn, giá cả bất động sản nhà ở sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, hai địa bàn nắm giữ gần 50% thị trường bất động sản cả nước, cũng là nơi tình hình thị trường ảm đạm nhất.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng


Thị trường bất động sản trầm lắng dẫn đến tồn kho bất động sản và các loại vật liệu xây dựng tăng nhanh. Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của 50 địa phương, nhà ở tồn kho 42.230 căn nhà, tồn kho 92.800 m2 sàn văn phòng cho thuê, 98.407 m2 sàn trung tâm thương mại, 7,9 triệu m2 đất nền nhà ở, 1,9 triệu m2 đất thương mại khác.

Ước tính giá trị tổng lượng vốn tồn kho khoảng 111.963 tỷ đồng, trong đó giá trị tồn kho BĐS ở Thành phố Hồ Chí Minh là 30,2 nghìn tỷ đồng còn Hà Nội là hơn 14 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng tái khẳng định, số liệu tồn kho chưa phản ánh được tình hình thực tế khi còn nhiều dự án có tồn kho nhưng chưa báo cáo và do đặc điểm của tồn kho bất động sản khác với tồn kho của các sản phẩm công nghiệp khác (nhiều nhà chung cư đang xây dựng dở dang, đã huy động vốn một phần, nhiều dự án đã giải phóng mặt bằng, đã đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nhưng phải dừng do không có thị trường, các nhà đầu tư thứ phát đã mua nhưng không bán được cho người tiêu dùng).

ảnh minh họa (nguồn Internet)
ảnh minh họa (nguồn Internet)


Trước đó, khi xoay quanh vấn đề “giải cứu” thị trường bất động sản, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội cho rằng: Trách nhiệm của Nhà nước là cần phải rã băng từ từ, bởi dù ở quy mô nào thị trường BĐS luôn là tín hiệu lạc quan hay bi quan của bức tranh kinh tế vĩ mô. Thực tế, hệ quả của sự yếu kém về quản lý dẫn đến tình trạng đầu cơ thái quá trong giai đoạn 2006-2007, mà hệ lụy của nó vô cùng to lớn kéo dài cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục có hiệu quả.

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước đồng tình, các giải pháp về hàng tồn kho cũng như giải cứu thị trường địa ốc nói chung mới chỉ là “phần ngọn”. Theo ông Kiêm, khi chưa giải quyết tận gốc vấn đề thì “cục máu chưa kịp tan đã đọng lại”.

Người đứng đầu ngành xây dựng giải đáp, một trong nguyên nhân dẫn đến thị trường đóng băng như hiện nay là do công tác quản lý từ trung ương địa phương còn yếu, luật có nhiều chồng chéo, thiếu quy hoạch đồng bộ dẫn đến lệch pha cung cầu, thị trường ách tắc. Trong tổng số trên 3.000 dự án phân cấp cho các địa phương phê duyệt, chỉ có 34 dự án thuộc quyền chấp thuận của Chính phủ. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ đã xây dựng xong nghị định về quản lý phát triển đô thị, theo hướng tăng cường kiểm soát thống nhất từ trung ương đến địa phương.

Thị trường bất động sản liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành như xây dựng, vật liệu xây dựng, điện, nội thất, thi trường tài chính tiền tệ và công tác quản lý Nhà nước. “Do vậy, các giải pháp sẽ dần dần từng bước tháo gỡ khó khăn nhưng không thể dứt điểm ngay”, Bộ trưởng Dũng thẳng thắn.

Mối quan hệ giữa thị trường chứng khoán, BĐS với hệ thống NHTM như “môi với răng”, nên cần sớm có giải pháp “làm ấm” 2 thị trường. Đặc điểm lớn nhất của thị trường BĐS là do đầu cơ thái quá nên làm méo mó toàn bộ cung cầu.

Do vậy, để sửa chữa sai lầm, Chính phủ cần có ngay một chính sách tín dụng hướng vào chỗ nào đang có thị trường để cứu. Một khi BĐS phục hồi, các khoản nợ xấu tại ngân hàng cũng được thanh toán, như thế thanh khoản được cải thiện, việc giảm lãi suất cho vay là chuyện đương nhiên. Cũng tại hội nghị sáng nay, Phó thống đốc Đặng Thanh Bình cam kết, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương khuyến khích ngân hàng thương mại cho vay vốn những dự án đang dang dở. Tuy nhiên, việc đánh giá cụ thể về vốn đầu tư, dự án khả thi hay không thì phụ thuộc vào từng chính sách của ngân hàng thương mại.

Giải pháp tháo gỡ tồn kho BĐS chỉ như liều thuốc đông y?

Tại Hội nghị, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - Đại biểu Đỗ Văn Đương đánh giá, giải pháp tháo gỡ tồn kho cũng như của thị trường bất động sản hiện mới chỉ là liều thuốc đông y. “Thuốc ngấm từ từ, chầm chậm, kéo dài, trong khi đó cơ thể lại đang ốm yếu thì hiệu quả không cao”, ông nói.

Một số giải pháp được ông Đương đánh giá là liều thuốc tây y như chia nhỏ căn hộ, phát triển nhà ở xã hội… nhưng mới chỉ đáp ứng được một phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp, không đủ sức để giải cứu thị trường bất động sản.

“Trong khi đó, chung cư cao tầng chất chồng như núi. Bộ Xây dựng đánh giá tác động của các giải pháp cứu chung cư, biệt thự đất nền có đạt hiệu quả 70-80% hay không? Tôi cho là nếu chỉ có 10-20% thì không đạt hiệu quả”, ông Đương chất vấn.

Bị chất vấn liên tục về hiệu quả của giải pháp, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản có tính chất dài hạn chứ không phải ngắn hạn. Theo ông Dũng, để giải quyết một cách nhanh triệt để cứu thị trường cần nguồn lực tài chính rất lớn. Các nước trên thế giới phải bỏ tiền từ quỹ dữ trữ quốc gia để mua lại tồn kho bất động sản sau đó bán lại, còn Việt Nam chưa đủ điều kiện thì phải tháo gỡ từng bước.

“Giải pháp chúng tôi đưa ra đủ mạnh chưa? Tôi xin trả lời, chúng tôi mốn mạnh hơn nữa và tất nhiên, phải hoàn toàn phù hợp với nền kinh tế Việt Nam. Phân khúc nhà ở sẽ ấm lên, thị trường bất động sản sẽ bớt kho khăn chứ chưa vượt qua được khó khăn ngay”, Bộ trưởng Dũng trả lời.

                                                                                           (Theo Vnexpress)

* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Nhóm PV