CEO Vietjet: "Đừng tiết kiệm giấc mơ"!

14/09/2018 06:09
Ngọc Quang
(GDVN) - Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: "Bằng những nỗ lực, ước mơ, chúng tôi là một trong những doanh nghiệp mang đến những thay đổi tích cực trong ngành hàng không".
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Tổng giám đốc Citibank là hai nữ diễn giả được yêu thích tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam. ảnh: TN.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo cùng Tổng giám đốc Citibank là hai nữ diễn giả được yêu thích tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam. ảnh: TN.

Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam (Vietnam Business Summit - CEOs Submit) là hoạt động bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) 2018 diễn ra chiều ngày 13/9 tại Hà Nội thu hút sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế.

Trong phiên đối thoại Việt Nam - Kết nối và sáng tạo: Những cơ hội mới trong kinh doanh, tỷ phú đô la Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc Vietjet, đại diện cho doanh nghiệp Việt Nam thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm kinh doanh thành công tại Việt Nam cùng Tổng giám đốc Citibank - bà Natasha Ansell.

CEO VietJet chia sẻ với những doanh nhân khởi nghiệp đừng tiết kiệm giấc mơ, mà hãy mơ những giấc mơ to lớn và biến hoài bão thành hiện thực bằng hành động mỗi ngày, mang tinh thần số hoá và tự động hoá của cuộc cách mạng 4.0 vào đời sống, vào mỗi quy trình vận hành doanh nghiệp.

"Đừng tiết kiệm giấc mơ. Hãy mơ những giấc mơ to lớn và biến hoài bão thành hiện thực bằng hành động mỗi ngày, mang tinh thần số hoá và tự động hoá của cuộc cách mạng 4.0 vào đời sống, vào mỗi quy trình vận hành doanh nghiệp", bà Thảo truyền cảm hứng cho các doanh nghiệp trẻ; đồng thời thẳng định: "Bằng những nỗ lực, ước mơ, chúng tôi là một trong những doanh nghiệp mang đến những thay đổi tích cực trong ngành hàng không".

CEO Vietjet: "Đừng tiết kiệm giấc mơ"! ảnh 2

Forbes lần thứ hai vinh danh nữ tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam

Điều đó đã được khẳng định khi Vietjet ra đời đã mang đến cơ hội được đi máy bay cho cả những người có thu nhập thấp - một hãng hàng không thế hệ mới với phong cách phục vụ chuyên nghiệp, được hàng triệu người yêu thích.

Mặc dù tình hình hạ tầng hàng không còn đang gặp nhiều khó khăn, nhưng VietJet luôn nỗ lực tốt nhất để phục vụ hành khách và là hãng hàng không có tỷ lệ chuyến bay chậm hoặc hủy chuyến ít nhất tại Việt Nam.

Theo số liệu tổng hợp tình hình khai thác chuyến bay đúng giờ của 4 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và Vasco trong tháng 8: Các hãng hàng không đã khai thác 24.794 chuyến bay, tăng 7,7% so với cùng kỳ 2017. Trong đó, số chuyến bay cất cánh đúng giờ là 21.269 chuyến bay, chiếm tỷ lệ 85,4%. Con số này đạt mức cao nhất trong 3 tháng gần đây nhưng giảm 2,5 điểm % so với cùng kỳ.

Trong đó, đáng chú ý, Vietjet có tỷ lệ số chuyến bay cất cánh đúng giờ tăng so với cùng kỳ, đạt 8.453 chuyến, tương ứng tỷ lệ 86,6%, tạm vượt qua hãng hàng không quốc gia và tăng 1% so với cùng kỳ. Đây cũng là tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 2 của hãng hàng không thế hệ mới này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, diễn giả tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018. ảnh: Phạm Thanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Borge Brende chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu, diễn giả tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam 2018. ảnh: Phạm Thanh.

Với rất nhiều nỗ lực, VietJet đã lọt vào top 50 hãng hàng không thế giới (đứng vị trí 22) theo đánh giá của Tạp chí tài chính hàng không Airfinance.

CEO VietJet cũng đã hai lần liên tiếp được Forbes vinh danh là tỷ phú đô la thế giới và đáng chú ý là trong lần xếp hạng thứ hai vào đầu năm 2018, tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã vượt 3 tỷ USD (tăng hơn 2 tỷ USD so với lần xếp hạng 2017). 

Trả lời các hãng thông tấn quốc tế, bà Nguyễn Thị Phương Thảo không giấu tham vọng VietJet Air đang vươn mình trở thành "một Emirates của châu Á".

Nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam nhấn mạnh rằng, bay thời 4.0 có thể không cần con người phục vụ nhưng phải biết "dạy máy móc biết cười" và thế giới không thay đổi bởi công nghệ mà là giấc mơ của con người.

Trong sự kiện Women's Summit 2017, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đã có chia sẻ vô cùng thú vị: "30 năm làm doanh nhân, tôi chưa bao giờ nghĩ mục tiêu chính mình có bao nhiêu tiền vì cuộc sống không thiếu thốn.

Thế nhưng, khi làm doanh nhân, tôi luôn nghĩ làm sao cho doanh nghiệp, nhân viên mình phát triển tốt nhất".

Thành lập năm 2007 và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2011, VietJet hiện khai thác 60 tàu bay A320 và A321, thực hiện hơn 385 chuyến bay mỗi ngày và đã vận chuyển hơn 60 triệu lượt hành khách.

Doanh nghiệp phát triển 94 đường bay phủ khắp các điểm đến tại Việt Nam và các đường bay quốc tế đến Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Campuchia...

Năm 2017, Vietjet vận chuyển hơn 17,11 triệu hành khách. Doanh thu vận chuyển hàng không đạt 22.577 tỷ đồng (tăng 41,8% so với năm 2016), vượt 4,6% kế hoạch năm.

Vietjet cũng đã nỗ lực mở thêm 22 đường bay mới (có 21 đường bay quốc tế), nâng tổng số đường bay khai thác lên 82 đường (gồm 38 đường bay quốc nội và 44 đường bay quốc tế); đồng thời đầu tư cho hệ thống tàu bay mới hiện đại hơn - minh chứng rõ nhất là Vietjet đã nhận chiếc Airbus A321 NEO đầu tiên trong lô hàng 42 chiếc, dòng máy bay thế hệ mới tiết kiệm 15% nhiên liệu.

Theo báo cáo tài chính năm 2017, doanh thu thuần của Vietjet Air đạt gần 42.258 tỷ đồng (tăng 53,7% so với năm 2016) và vượt 0,6% kế hoạch năm.

Lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.755 tỷ đồng (tăng 75,9% so với năm 2016), vượt 26% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là 4.527 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 10.065 đồng.

Sáu tháng đầu năm 2018, công ty có tổng doanh thu thuần 21.222 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.999 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 29% và 11% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phát biểu tại sự kiện này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam không đặt tham vọng trở thành người giỏi nhất trong toàn cầu hóa nhưng Việt Nam muốn là bạn của những người giỏi nhất. Việt Nam có đủ tự tin để làm điều đó. Đồng thời Việt Nam có khát vọng trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng, đó là khát vọng mãnh liệt, không thua kém với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới...

Sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam như VinGroup, VNPT, Vietcombank, BRG, T&T, VietJet, Thaco... cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn có khả năng cạnh tranh và hợp tác quốc tế.

Ngọc Quang