Cách chức TGĐ Vinatex nếu để lỗ 2 năm liên tiếp

12/06/2013 09:57
Vũ Vũ
(GDVN) - Tổng giám đốc của Vinatex sẽ bị miễn nhiệm trước thời hạn nếu: Để Vinatex lỗ hai năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do chủ sở hữu giao trong hai năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được…
Bộ Công Thương vừa công bố dự thảo Nghị định Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), trong đó đáng chú ý có các điều khoản, quy định về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Vinatex.
Cụ thể, trường hợp để Vinatex lâm vào tình trạng phá sản thì tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc bị hạ lương hoặc bị cách chức, đồng thời phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Tổng giám đốc của Vinatex sẽ bị miễn nhiệm trước thời hạn nếu: Để Vinatex lỗ hai năm liên tiếp (Ảnh minh họa)
Tổng giám đốc của Vinatex sẽ bị miễn nhiệm trước thời hạn nếu: Để Vinatex lỗ hai năm liên tiếp (Ảnh minh họa)
Thêm vào đó, Tổng giám đốc của Vinatex sẽ bị miễn nhiệm trước thời hạn trong các trường hợp sau: Thứ nhất, để Vinatex lỗ hai năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do chủ sở hữu giao trong hai năm liên tiếp hoặc ở trong tình trạng lỗ, lãi đan xen nhau nhưng không khắc phục được. Trừ các trường hợp như lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; lỗ theo kế hoạch do đầu tư mở rộng sản xuất, đối mới công nghệ theo nghị quyết hoặc quyết định của Hội đồng thành viên; lỗ hoặc giảm tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư có lý do khách quan được giải trình và đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Tổng GĐ Vinatex cũng bị cách chức nếu Vinatex lâm vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Ngoài ra, CEO của Vinatex cũng sẽ bị miễn nhiệm nếu không hoàn thành các nhiệm vụ hoặc chỉ tiêu do Hội đồng thành viên giao; Không trung thực trong thực thi các quyền hạn hoặc lạm dụng địa vị, quyền hạn để thu lợi cho bản thân hoặc cho người khác; báo cáo không trung thực tình hình tài chính của Vinatex; Bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; Bị Tòa án kết án bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật…
Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ, hoạt động theo quy định của pháp luật. Vốn điều lệ của Vinatex là 3.400 tỷ đồng.

Theo dự thảo, ngành, nghề kinh doanh chính của Vinatex là sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu sản phẩm dệt may thời trang.

Bên cạnh đó, Vinatex cũng kinh doanh các ngành, nghề có liên quan đến ngành, nghề kinh doanh chính như: Sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư: nguyên liệu, phụ liệu, vật tư, thiết bị, phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm, thiết bị phụ tùng ngành dệt may thời trang; đào tạo nghề, quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; giám định, kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng sản phẩm và nguyên phụ liệu dệt may, giống bông, giống cây trồng; đầu tư và kinh doanh: cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, đô thị, xử lý môi trường, chợ, siêu thị; tư vấn, thiết kế, lập các dự án đầu tư trong lĩnh vực dệt may, môi trường; đầu tư ra nước ngoài; làm đại diện cho các công ty nước ngoài tại Việt Nam…

Theo dự thảo, tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh, Vinatex có thể bổ sung các ngành, nghề khác mà pháp luật không cấm sau khi được chủ sở hữu Nhà nước chấp thuận.
Vũ Vũ