Cấm nhận hoa hồng sẽ ngăn chặn rủi ro, đổ vỡ cho ngân hàng

18/03/2018 06:00
Vũ Phương
(GDVN) - Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thời điểm này mới cấm cán bộ, nhiên viên ngân hàng nhận môi giới hoa hồng là muộn, lẽ ra phải làm rất lâu rồi.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 16/2018/TT-BTC hướng dẫn một số điều về chế độ tài chính đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng Nhà nước. Thông tư này chính thức có hiệu lực từ ngày 26/3 tới đây.

Đáng chú ý, Thông tư này ra đời đồng nghĩa với việc sẽ cấm cán bộ, nhân viên ngân hàng nhận môi giới hoa hồng từ khách hàng cả người cho vay và người đi vay.

Vấn đề này đã được nhiều chuyên gia về tài chính, ngân hàng lo ngại và cảnh báo về sự “giúp đỡ” của cán bộ, nhân viên ngân hàng để những thương vụ cho vay cả trăm tỷ đồng diễn ra chóng vánh, thẩm định qua loa dẫn đến những khoản nợ xấu “khủng” khó thu hồi.

Trước đó, đáng chú ý vào ngày 20/11/2017, Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo sẽ có hiệu lực từ 15/1/2018; các sếp ngân hàng không còn được làm chủ công ty sân sau.

Với quy định trên, hàng loạt sếp ngân hàng sẽ phải quyết định vị trí của mình ở một trong hai đơn vị, hoặc ngân hàng hoặc doanh nghiệp nơi mình làm chủ.

Với quy định mới cả "sếp" và nhân viên ngân hàng sẽ không còn được nhận "cảm ơn" từ người cho vay và đi vay ngân hàng nữa. Ảnh: TTXVN
Với quy định mới cả "sếp" và nhân viên ngân hàng sẽ không còn được nhận "cảm ơn" từ người cho vay và đi vay ngân hàng nữa. Ảnh: TTXVN

Đề hiểu hơn về Thông tư này cũng như quy định cấm sếp, nhân viên ngân hàng nhận môi giới hoa hồng có ý nghĩa, tác động tích cực trong lĩnh vực ngân hàng ra sao, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với chuyên gia tài chính – ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.

Tiến sĩ Hiếu nhận định: “Thông tư của Bộ Tài chính ra đời thời điểm này là muộn, nhưng còn hơn không. Nếu cứ để tình trạng cán bộ, nhân viên ngân hàng nhận tiền môi giới hoa hồng sẽ tạo ra những tác động tiêu cực cho ngành tài chính ngân hàng và các thành phần kinh tế”.

Cấm nhận hoa hồng sẽ ngăn chặn rủi ro, đổ vỡ cho ngân hàng ảnh 2

Khách hàng Eximbank bị "bốc hơi" 245 tỷ đồng, Phó Thống đốc nói gì?

Tiến sĩ Hiếu chỉ ra: “Thực tế, thời gian qua ở nước ta có hiện tượng cán bộ, nhân viên ngân hàng dưới chỉ tiêu, áp lực kinh doanh đã làm hồ sơ giả, khâu thẩm định còn lỏng lẻo, qua loa, gian dối.

Ví dụ tài sản của khách hàng được cán bộ, nhân viên ngân hàng tiến hành thẩm định đã định giá quá cao so với giá trị thực tế nhằm mục đích để khách hàng có thể vay được nhiều tiền từ ngân hàng.

Và tất nhiên, khi khách hàng vay được tiền từ ngân hàng chắc chắn sẽ chi một khoản cho cán bộ, nhân viên ngân hàng đó xem như một khoản để bồi dưỡng, cảm ơn.

Rõ ràng điều đó tạo ra sự xung đột về quyền lợi, hậu quả là trong những năm vừa qua ngành ngân hàng gánh chịu không biết bao nhiêu là thiệt hại, tình hình nợ xấu tăng cao.

Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước phải mua một số ngân hàng với giá 0 đồng thì đâu đó có bóng dáng của vấn đề xung đột về quyền lợi trên”.

Phân tích sâu hơn về sự xung đột quyền lợi, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho hay: “Cán bộ, nhân viên của ngân hàng nhận được thù lao, tiền môi giới từ khách hàng là điều rất bất hợp lý.

Tiền thù lao, tiền môi giới chỉ áp dụng đối với cộng tác viên hay công ty tư vấn bên ngoài, họ là những người mang lại cơ hội kinh doanh cho ngân hàng như tìm người vay, khách hàng huy động vốn vào ngân hàng. Nhưng với điều kiện cộng tác viên không phải là cán bộ, nhân viên của ngân hàng.

Khoản tiền hoa hồng chi cho môi giới (bên trung gian thứ ba) là chế độ theo thông lệ quốc tế. Như bên Mỹ chẳng hạn, ngân hàng nước họ cũng trả cho bên trung gian một khoản hoa hồng nếu họ đem về cho ngân hàng nguồn vốn huy động nào đó. Điều này là hoàn toàn được luật pháp cho phép. Nhưng không một ngân hàng nào được phép trả tiền hoa hồng cho nhân viên, cán bộ ngân hàng của mình.

Những người này sẽ không bị xung đột về quyền lợi, bởi họ chỉ có chức năng là môi giới, còn hai bên làm ăn như thế nào họ sẽ không chịu trách nhiệm nếu xảy ra khoản vay trở thành nợ xấu. Hay như sự cố khách hàng gửi 245 tỷ đồng tại Eximbank vừa qua thì người môi giới cũng không phải chịu trách nhiệm”.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cán bộ, nhân viên ngân hàng nhận thù lao của khách hàng là vi phạm nguyên tắc tài chính. Ảnh: TTXVN
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cán bộ, nhân viên ngân hàng nhận thù lao của khách hàng là vi phạm nguyên tắc tài chính. Ảnh: TTXVN

Tiến sĩ Hiếu nhấn mạnh: “Dù đã trả lương nhưng thời gian qua tại Việt Nam, các ngân hàng vẫn để nhân viên, cán bộ của mình vô tư nhận hoa hồng, cảm ơn từ khách hàng là rất vô lý , điều này sẽ gây ra rủi ro, nợ xấu cho chính ngân hàng. Ở các nước có hệ thống tài chính minh bạch thì điều này bị cấm tuyệt đối.

Cán bộ, nhân viên ngân hàng phục vụ cả đối tượng đi vay và cho vay và cùng lúc nhận thù lao từ cả hai bên như thế là vi phạm nguyên tắc tài chính, xung đột về quyền lợi.

Ngân hàng mà trả thù lao cho cán bộ, nhân viên của mình khi họ đem được tiền huy động, hay cho vay cũng là điều bất hợp lý.

Ngân hàng có thể thưởng cho nhân viên, cán bộ của mình bằng một khoản nào đó vì đã mang khách hàng về cho ngân hàng, nhưng chính sách phải rõ ràng”.

Vũ Phương