Cần tầm nhìn chiến lược để giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất

23/01/2017 07:40
Mai Anh
(GDVN) - Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, việc Chính phủ quyết định nhanh phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất lúc này rất đúng, tuy nhiên cần tầm nhìn chiến lược.

Quyết tâm của Chính phủ

Tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các hãng hàng không. Cản trở sự phát triển của ngành hàng không nói chung.

Thiết kế sân bay Tân Sơn Nhất hiện chỉ đáp ứng được 25 triệu hành khách/năm tuy nhiên ngay trong năm 2016 sân bay này đã phải phục vụ khoảng 32 triệu hành khách/năm.

Theo dự báo năm 2017 lượng hành khách sẽ tiếp tục gia tăng gây áp lực lớn lên sân bay Tân Sơn Nhất.

Quá tải diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất đang cản trở sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam - ảnh nguồn VnEconomy.
Quá tải diễn ra tại sân bay Tân Sơn Nhất đang cản trở sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam  - ảnh nguồn VnEconomy.

Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành giao thông vận tải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặt ra vấn đề, phải khẩn trương có các giải pháp giải quyết ùn tắc “cả trên trời, dưới mặt đất” tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngày 20/1/2017 tại cuộc họp với các bộ, ngành để tìm giải pháp giải quyết tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất sau thời gian khảo sát, làm việc với các đơn vị chức năng đã đưa ra 3 phương án điều chỉnh quy hoạch toàn diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Sau khi lắng nghe các phương án Phó Thủ tướng Trình Đình Dũng thống nhất đề nghị chọn phương án 3 gồm xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R).

Cần tầm nhìn chiến lược để giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 2

Đã chốt phương án giải quyết ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất

Cần tầm nhìn chiến lược để giải quyết ùn tắc sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 3

Quá tải sân bay Tân Sơn Nhất do dự báo quy hoạch kém, ai chịu trách nhiệm?

Xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía nam sân bay hiện nay. 

Với phương án này, do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên sẽ chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng và thời gian xây dựng không quá 3 năm, trong khi vẫn bảo đảm được công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm hoàn thiện phương án 3 và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/2/2017.

Nhìn vào phương án giảm tải sân bay Tân Sơn Nhất, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Trưởng bộ môn hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM) nhận định: “Điều đó cho thấy Chính phủ đang rất quyết tâm tìm giải pháp nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành hàng không.

Trong ba phương án trên có thể thấy phương án 3 là phương án nhanh nhất, có mức đầu tư thấp nhất và có thể bắt tay làm ngay. Do đó việc lựa chọn phương án thứ ba là phù hợp với yêu cầu cấp bách hiện nay”.

Cần tầm nhìn chiến lược 

Phân tích vấn đề ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất, theo PGS. Nguyễn Thiện Tống sân bay Tân Sơn Nhất đang thiếu bãi đỗ tàu bay và đường lăn nối bãi đỗ ra đường cất hạ cánh.

Bên cạnh đó là thiếu các nhà ga để đáp ứng nhu cầu tiếp đón phục vụ hành khách, làm thủ tục bay cho hành khách.

“Phương án thứ 3 xây dựng đường lăn và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ, xây dựng thêm 2 nhà ga lưỡng dụng T3, T4, công suất mỗi nhà ga10 triệu khách/năm ở khu vực phía nam sân bay hiện nay là rất cần thiết và sẽ đáp ứng được nhu cầu hành khách tăng trong vài năm tới”, ông Tống nhận định.

Đồng ý với phương án lựa chọn của Chính phủ nhưng theo PGS. Nguyễn Thiện Tống Chính phủ cần xác định có nâng cấp cải tạo hết công suất Tân Sơn Nhất hay chỉ nâng cấp để đáp ứng nhu cầu trước mắt. 

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Trưởng bộ môn hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng cần có phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất với tầm nhìn chiến lược - ảnh H.Lực
PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – nguyên Trưởng bộ môn hàng không (Đại học Bách khoa TP.HCM) cho rằng cần có phương án nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất với tầm nhìn chiến lược  - ảnh H.Lực

Theo PGS. Tống với diện tích 1.500ha hoàn toàn có thể nâng công suất Tân Sơn Nhất đáp ứng 80 triệu hành khách/năm.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nêu quan điểm: Chính phủ cần phải xác định tiếp tục cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất, trước hết chọn phương án 3 xây thêm đường đường lăn song song, đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh…

Tuy nhiên, những nâng cấp này chỉ đáp ứng nhu cầu hành khách 2-3 năm tới.

“Câu hỏi lúc này là vài năm tới sau khi nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng đến 45 triệu hành khách/năm nhưng vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu hành khách thì sẽ giải quyết thế nào?

Theo tôi vẫn phải tiếp tục nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đến khi không thể mở rộng nâng cấp được thì mới tính phương án khác”, PGS. Tống nói.

Ông Tống cho rằng nếu quyết định nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất thì ngay bây giờ phải có các dự án nâng cấp tạo Tân Sơn Nhất theo từng bước.  

Cụ thể, 3 năm tới phải cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất để nâng công suất phục vụ lên 45 triệu hành khách/năm nhưng 10 năm tới cũng cần phải xác định nâng công suất sân bay lên đảm bảo có thể phục vụ 60 – 80 triệu hành khách/năm.

“Muốn nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất không khó chỉ cần trả lại phần diện tích rất lớn đang sử dụng làm sân golf trong sân bay để ngành hàng không xây dựng bố trí thêm đường băng, bãi đậu máy bay, đường lăn từ bãi đỗ ra đường cất/hạ cánh”, PGS. Tống nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, ông Mai Trọng Tuấn - tác giả đường bay vàng cho rằng, hoàn toàn có thể nâng cấp công suất sân bay Tân Sơn Nhất bằng cách đưa đơn vị quân đội trong sân bay Tân Sơn Nhất di chuyển về sân bay Biên Hòa lấy phần diện tích đó xây thêm nhà ga, điểm đỗ máy bay.

3 phương án điều chỉnh quy hoạch toàn diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất:

Theo phương án 1, sẽ xây dựng mới toàn bộ hệ thống đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ, nhà ga và các công trình phụ trợ trên diện tích khu vực sân golf phía bắc Cảng hàng không và giải phóng thêm các khu vực dân cư xung quanh để bảo đảm khai thác.

Với phương án này, có thể nâng tổng công suất lên khoảng 60 triệu khách năm, nhưng mất từ 10 đến 15 năm xây dựng, giải toả hơn 140.000 hộ dân, chi phí dự kiến khoảng 201.350 tỷ đồng.

Phương án 2, sẽ xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh hiện nay và sân đỗ.

Xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh, cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R).

Cùng với đó, sẽ xây dựng đường lăn song song và sân đỗ máy bay phía bắc, xây dựng nhà ga lưỡng dụng (quân sự - dân sự) T3 công suất 10 triệu hành khách, xây dựng nhà ga hành khách T4 công suất 10 triệu hành khách.

Theo phương án này, sẽ mất khoảng 61.000 tỷ đồng, thời gian xây dựng từ 8-10 năm, nâng công suất sân bay lên khoảng 43-45 triệu hành khách/năm.

Phương án 3 là xây dựng đường lăn song song và các đường lăn nối giữa đường cất hạ cánh và sân đỗ; xây dựng đường lăn thoát nhanh và đường lăn song song giữa 2 đường cất hạ cánh; cải tạo đường cất hạ cánh phía bắc hiện nay (đường 25L/07R).

Xây dựng nhà ga lưỡng dụng T3, công suất 10 triệu hành khách/năm, xây dựng nhà ga hành khách T4, công suất 10 triệu khách/năm ở khu vực phía nam sân bay hiện nay. 

Với phương án này, do sử dụng quỹ đất sẵn có của quân đội nên sẽ chỉ mất khoảng 19.700 tỷ đồng và thời gian xây dựng không quá 3 năm, trong khi vẫn bảo đảm được công suất từ 43-45 triệu hành khách/năm.

Mai Anh