Chậm nhất 2025 sẽ khai thác sân bay Long Thành

09/03/2016 14:43
Mai Anh
(GDVN) - Theo ACV, giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác, đáp ứng công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm.

Tập trung nguồn lực vào 'siêu dự án' sân bay Long Thành

Ngày 16/3/2016 tới, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất tại TP.HCM. Trong nội dung tờ trình dự kiến đưa ra tại Đại hội cổ đông, có nội dung đáng chú ý về sân bay Long Thành

Cụ thể nội dung tờ trình Đại hội đồng cổ đông ACV cho biết, tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án xây Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 336.630 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng. 

Theo ACV, giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác, đáp ứng công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục đầu tư các công trình để nâng công suất thiết kế đạt 100 triệu khách/năm.

ACV được giao làm chủ đầu tư “siêu dự án” sân bay Long Thành. Ảnh:Nhã Chi
ACV được giao làm chủ đầu tư “siêu dự án” sân bay Long Thành. Ảnh:Nhã Chi

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ACV làm chủ đầu tư siêu dự án này và chịu trách nhiệm sử dụng kinh phí từ nguồn vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty để tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án.

ACV đang thực hiện các thủ tục sơ tuyển nhà tư vấn để xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi trình Thủ tướng trước khi báo cáo Hội đồng thẩm định Nhà nước và Quốc hội thông qua, dự kiến vào quý III/2017.

ACV sẽ bán 7,4% cổ phần cho Tập đoàn Pháp

Ngoài nội dung liên quan đến sân bay Long Thành, tờ trình ACV cũng gây chú ý khi dự kiến bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là Tập đoàn Aéroport de Paris (AdP), một tập đoàn quản lý sân bay đến từ Pháp. 

Chậm nhất 2025 sẽ khai thác sân bay Long Thành  ảnh 2

Nguy cơ chậm tiến độ triển khai sân bay Long Thành

(GDVN) - Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu chậm nhất cuối năm 2018 dự án sân bay Long Thành phải được khởi công.

Cụ thể, ACV sẽ chào bán 166.155.494 cổ phần (tương đương 7,4%) theo hình thức phát hành riêng lẻ cho Tập đoàn Aéroport de Paris với giá khởi điểm là giá đấu thành công thấp nhất trong đợt IPO của Tổng công ty này hồi tháng 12/2015 là 13.100 đồng/cổ phần.

Nếu thành công, ACV thu về ít nhất 2.200 tỷ đồng từ thương vụ này.

Tuy nhiên giá 13.100 đồng/cổ phần mới là dự kiến, Hội đồng quản trị sẽ quyết định giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược. Thời gian chuyển nhượng đối với cổ đông này là tối thiểu 10 năm.

Theo ACV, tại thời điểm đang diễn ra Đại hội cổ đông lần đầu, quá trình lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa kết thúc và dự kiến sẽ kéo dài sau thời điểm ACV chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (từ ngày 1/4/2016).

Vốn điều lệ sau cổ phần hóa của ACV là 22.430,9 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ; cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược chiếm khoảng 20%...

Lãnh đạo ACV nhận lương hơn trăm triệu/tháng

Ngoài các nội dung trên, tờ trình của ACV đã tiết lộ con số tiền lương, thù lao của lãnh đạo, nhân viên tại đơn vị này.  

Theo đó, tiền lương, thù lao của 5 thành viên HĐQT và BKS từ tháng 4-12/2016 dự kiến là hơn 4,4 tỷ đồng (bình quân 110,7 triệu đồng/tháng). Trong đó, 2 thành viên chuyên trách tại Hội đồng Quản trị sẽ được nhận lương bình quân mỗi người là 119,5 triệu đồng/tháng, 3 người thuộc Ban Kiểm soát sẽ nhận 84,3 triệu đồng/người/tháng.

Hai thành viên không chuyên trách HĐQT sẽ nhận thù lao bình quân 23,5 triệu đồng/người/tháng.

ACV cho biết, nguyên tắc xác định mức lương, thù lao được dựa trên nhiệm vụ của HĐQT và BKS, tương xứng với mức độ đóng góp công sức của các thành viên này đối với hoạt động của ACV và phù hợp với kết quả hoạt động của ACV.

ACV cho hay mức đề xuất này đã được tham khảo theo Dự thảo Nghị định của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội. Theo đó, ACV là công ty cổ phần, Nhà nước nắm phần lớn vốn nên cơ chế thù lao sẽ chấp hành theo đúng quy định. Ngoài ra, tiền lương của các chức danh quản lý, lãnh đạo cấp cao khác sẽ được trả theo chế độ phân phối lương thưởng của công ty.

Trong năm 2016, ACV đặt kế hoạch phục vụ 73,4 triệu lượt khách, doanh thu 12.095 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.056 tỷ đồng. 

Năm 2015, ACV ước đạt doanh thu 11.875 tỉ đồng, tăng 12,37% so với năm 2014. Lợi nhuận trước thuế 2.155 tỉ đồng, vượt 65% kế hoạch. Tuy nhiên, kế hoạch 2016 với doanh thu 12.095 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.056 tỉ đồng, giảm 4,6% so 2015 (chưa tính ảnh hưởng chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện của các khoản mục có gốc ngoại tệ)...

ACV trước đó là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải, có quy mô khai thác vận chuyển, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không lớn nhất cả nước. 

Doanh nghiệp trực tiếp khai thác 22 cảng hàng không, trong đó có 7 cảng quốc tế và 15 cảng quốc nội. Tháng 12/2015, trong lần đầu bán cổ phần ra công chúng, ACV đã bán hết 77,8 triệu cổ phần (3,47% vốn điều lệ), thu về 1.116 tỷ đồng.

Mai Anh