Chạy theo quảng cáo hạt nêm, người tiêu dùng choáng váng

19/09/2011 15:15
P.T
(GDVN) - "Nếu hãng nào cũng thành phần ghi một đằng, quảng cáo một nẻo, người tiêu dùng choáng váng đầu óc chạy theo họ mất”, một khách hàng bức xúc.
Sau những thông tin quanh thành phần chính của hạt nêm là chất điều vị, tinh bột sắn mà không phải chiết xuất từ thịt, xương ống như nhiều quảng cáo thể hiện... được phơi bày trên các phương tiện truyền thông, nhiều người tiêu dùng tỏ ra hoang mang, lo lắng. Thậm chí không ít người bày tỏ sẽ tẩy chay gia vị này ra khỏi bữa ăn trong gia đình.
Choáng váng với những quảng cáo "bốc giời"
Chị Nguyễn Thị Diệu Linh (Bắc Linh Đàm, Hà Nội) vẫn còn chưa hết bàng hoàng trước thông tin thành phần chủ yếu của hạt nêm là chất điều vị, bột sắn... mà không phải là nước cốt từ xương hầm, thịt hầm. Gia đình chị Linh từ lâu đã khai trừ mì chính ra khỏi bữa ăn và thay thế bằng hạt nêm. Chị Linh nói: “Cứ nghĩ hạt nêm an toàn hơn mì chính, ai ngờ cũng giống nhau cả thôi. Nhiều lần ăn hạt nêm lỡ tay tra nhiều, thấy vị nồng nồng của hạt nêm nhưng tôi thường tự trấn an có thể vị nồng nồng đó là do cô đặc từ thịt hầm vì có hương thịt thật. Bây giờ, đọc kỹ lại thành phần của hạt nêm đúng là không như mình nghĩ. Nhà sản xuất ghi rõ rồi nhưng mình chẳng để ý, chỉ để ý xem loại nào quảng cáo nhiều, hấp dẫn thì mua. Biết là một phần lỗi từ mình nhưng vẫn thấy như bị lừa”. Còn chị Bùi Phương Thảo (Nguyễn Huy Thông, Ba Đình, Hà Nội) búc xúc: “Gần đây hàng loạt các mặt hàng thiết yếu trong sinh hoạt gia đình bị bóc mẽ là quảng cáo “siêu nói dối” nhưng người tiêu dùng vẫn nhắm mắt dùng vì đã tạo nên một thói quen rồi. Chỉ có điều khi biết là độc hại, mình hạn chế số lượng. Nếu hãng nào cũng thành phần một đằng, quảng cáo một nẻo thì người tiêu dùng choáng váng đầu óc chạy theo họ mất”.
Chạy theo quảng cáo hạt nêm, người tiêu dùng choáng váng ảnh 1
Nhiều bà nội trợ lựa chọn đường, muối để thay thế hạt nêm
trong bữa ăn của gia đình.

Trước đó, nhiều lần chị Thảo đã nghe bạn bè khuyến cáo không nên dùng hạt nêm cho trẻ nhỏ song "khuyến cáo thì khuyến cáo, không dựa vào cơ sở nào mà chủ yếu là truyền tai nhau nên tôi cũng không để tâm. Nhưng giờ, đọc kỹ thông tin, thấy có khi thành phần trong gói hạt nêm không bằng mì chính nữa là khác". Cũng theo chị Thảo, mỗi lần về quê chị lại chứng kiến cảnh những đứa trẻ ăn dặm được bố mẹ “vỗ béo” bằng hạt nêm thay cho các thành phần thức ăn dinh dưỡng khác. "Nói chuyện với những người mẹ này mình mới thấy, hầu hết họ đều tin tưởng hoàn toàn vào quảng cáo hạt nêm được chiết xuất từ thịt, xương ống nên yên tâm dùng hạt nêm thay thế một số loại thịt khách khi chế biến thức ăn cho con cái họ. Nếu tình trạng này kéo dài thì thật nguy hiểm khi nguy cơ những đứa trẻ này bị suy dinh dưỡng là rất cao", chị Thảo lo lắng. Vừa chọn mua hạt nêm, mì chính, đường trong siêu thị, chị Lê Hạnh (Vọng, Hà, Hoàn Kiếm, Hà Nội) than thở: “Nhiều sản phẩm như này biết chọn gì nào là nước mắm hương cá hồi, hạt nêm thịt thăn, xương hầm… Chọn rồi lại không biết sử dụng ra sao vì nhà sản xuất quảng cáo đi quá xa với thực tế. Không dùng gia vị thì không được còn dùng rồi thì không biết ai bồi thường nếu gặp vấn đề về sức khỏe?”.
Hạn chế tối đa dùng hạt nêm
Sau những thông tin hạt nêm cũng chứa thành phần giống mì chính, trên các diễn đàn mạng nhiều bà nội trợ thậm chí có cả những quý ông cùng nhau đăng đàn tranh luận về việc này. Người thì thừa nhận không biết thông tin mà dựa vào tin tưởng với nhà sản xuất, người cho rằng biết việc thịt thăn, xương ống chỉ là quảng cáo nhưng vẫn dùng và có hạn chế số lượng hơn. Trên diễn đàn một website khá nổi tiếng, đề tài về hạt nêm trở nên “hot” hơn bao giờ hết vì quá nhiều người quan tâm và nhiều người tò mò khi đang sử dụng sản phẩm này. Các thành viên của diễn đàn này  tỏ ra nghi ngờ: "Thực sự là thành phần trên bao bì giống với thành phần trong sản phẩm hay là viết một đằng, sản xuất một nẻo?". Thành viên thutr… chia sẻ: “Nhà mình trước dùng hạt nêm thấy ngọt và ngon hơn hẳn nhưng bây giờ dùng thấy lợ và mặn là chính. Nghi ngờ không phải là nước hầm xương thịt gì cả nên không dám dùng nhiều như trước mà chỉ tra thêm cho món ăn ngon hơn. Nhưng sau những thông tin này, mình cạch hẳn món hạt nêm vì thành phần lằng nhằng, khó hiểu”. “Nếu thành phần chủ yếu là bột sắn, tinh bột thì không đáng lo ngại, chỉ sợ bên trong còn chứa vài phụ gia cấm khác mà người tiêu dùng không biết đến lại rước thêm bệnh thì khổ. Tốt nhất nên nói không hạt nê, mì chính”, một thành viên khác chia sẻ. Rất nhiều thành viên không ngần ngại đặt câu hỏi với nhà sản xuất: Vì sao chỉ chưa đến 2% thịt và xương nhưng hạt nêm lại mang lại vị ngọt khủng khiếp như thế? Liệu chỉ dừng lại ở chất điều vị thông thường hay còn thêm nhiều phụ gia “lạ” để bát canh thêm ngon từ thịt, ngọt từ xương?.
P.T