Che giấu thông tin vụ VJA, Cục Hàng không VN trốn tránh trách nhiệm?

30/06/2014 07:27
Cao Nguyên
(GDVN) - Sự việc nghiêm trọng máy bay nhầm sân bay, Cục HKVN muốn che giấu bằng cách đổ lỗi bằng một khái niệm chung chung “lỗi hệ thống do điều hành của VJA".

Hơn 10 ngày sau vụ hạ cánh "nhầm" sân bay của Hãng hàng không Vietjet Air (VJA), diễn biến tại Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), Cảng vụ và Công ty Quản lý bay cũng như các hãng bay vẫn "căng như dây đàn" khi những lo lắng của người dân về tình trạng mất an toàn hàng không có thể xảy ra bất cứ lúc nào nếu không có sự giám sát chặt chẽ cho loại hình vận tải đặc biệt này.            

Trong văn bản số 648/TB-BGTVTC chỉ đạo việc giải quyết vụ việc của VJA, Bộ GTVT kết luận, để xảy ra sự cố này có phần trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước của lĩnh vực hàng không.

Đáng chú ý, Bộ GTVT yêu cầu Cục HKVN khẩn trương thực hiện và báo cáo; kiểm điểm, rút kinh nghiệm về trách nhiệm, vai trò cơ quan quản lý nhà nước của Cục Hàng không trong việc để xảy ra sự cố, hiện tượng che giấu thông tin sau khi sự cố xảy ra.

Sự cố hãng hàng không chở khách đến nhầm sân bay lần đầu xảy ra tại Việt Nam.
Sự cố hãng hàng không chở khách đến nhầm sân bay lần đầu xảy ra tại Việt Nam.

Tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của các hàng hàng không theo đúng các điều kiện, tiêu chuẩn quy định; thực hiện ngay về việc giám sát đặc biệt tại sân bay đối với VJA cho đến khi hãng khắc phục các hạn chế tồn tại theo khuyến cáo của các cuộc thanh tra, kiểm tra.

Văn bản này cho thấy sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT nhưng mặt khác đã hé lộ những động thái bất thường của Cục HKVN và Cục trưởng Cục HKVN trong quá trình xử lý sự cố của VJA.

Che giấu thông tin, Cục HKVN trốn tránh trách nhiệm?

Nếu theo dõi vụ việc ngay từ đầu, ai cũng dễ dàng nhận ra những "bất thường" từ Cục HKVN. Đầu tiên đó là bản kết luận ban đầu do nhóm điều tra của Cục Hàng không đưa ra khi cho rằng nguyên nhân trực tiếp dẫn đến xảy ra sự cố khai thác bay nêu trên là do nhân viên điều phái bay, tổ bay và tổ tiếp viên của VJA không thực hiện đúng quy trình khai thác..

Như vậy, bản kết luận của nhóm điều tra Cục Hàng không quy kết mọi lỗi thuộc về Hãng bay VJA. Liệu kết luận như vậy có chính xác? Trách nhiệm của Cục Hàng không, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam trong sự cố này là như thế nào?

Giải thích điều này, trao đổi với phóng viên báo Giáo Dục Việt Nam, ông Trần Đình Bá - người đã từng thực tế tại Đại học Bách khoa Riga và Đại học Hàng không Riga (Liên Xô cũ) nhận định: Sự việc nghiêm trọng máy bay nhầm sân bay, Cục HKVN muốn che giấu bằng cách đổ lỗi bằng một khái niệm chung chung “lỗi hệ thống do điều hành của VJA". Những người bình thường cũng hết sức ngạc nhiên về cách điều hành không lưu sao lại đến mức thế. Còn cục HKVN lại coi thường tư duy của công luận đến thế.

Theo ông Trần Đình Bá, trong vụ việc này, trách nhiệm của Cục HKVN, của Cục Trưởng là rất lớn vì thuộc về nhiệm vụ chính trị của mình quản lý ngành hàng không an toàn và phát triển.
Theo ông Trần Đình Bá, trong vụ việc này, trách nhiệm của Cục HKVN, của Cục Trưởng là rất lớn vì thuộc về nhiệm vụ chính trị của mình quản lý ngành hàng không an toàn và phát triển.

"Đúng ra phải đình chỉ cả nhóm điều khiển không lưu cùng tổ bay để điều tra mới đảm bảo chính xác và công bằng xã hội. Đến nay họ vẫn nhất mực kết tội cho VJA mà không tự kiểm điểm lại mình là cách làm thiếu văn hóa của cục HKVN", ông Trần Đình Bá nhấn mạnh.

Theo ông Trần Đình Bá, trong vụ việc này, trách nhiệm của Cục HKVN, của Cục Trưởng là rất lớn vì thuộc về nhiệm vụ chính trị của mình quản lý ngành hàng không an toàn và phát triển.

An toàn hàng không hết sức nghiêm ngặt, có thế mới thành lập cục HKVN, tức hàng không dân dụng để thay mặt Nhà nước quản lý an toàn loại hình đặc biệt này. Luật Hàng không dân dụng 2006 quy định rất rõ chức năng: Hệ thống Kiểm soát không lưu được chia thành ba khu vực kiểm soát chính: Đài Kiểm soát không lưu (ATC tower - TWR), Cơ quan Kiểm soát tiếp cận (Approach control office - APP) và Trung tâm Kiểm soát đường dài (Area control centre - ACC). Tổ chức Hàng không quốc tế ICAO cũng đã quy định rõ trách nhiệm của hệ thống điều hành không lưu, phân vùng bầu trời để quản lý dẫn đường (FIA). Trách nhiệm của Cục HKVN là điều hành được cơ quan này mà không để họ qua mặt.

"Việc để một máy bay nội địa bay lệch đường bay, hạ nhầm sân bay là yếu kém vô cùng, “thua ngay trên sân nhà", không hoàn thành nhiệm vụ và tổn thương đến vai trò quốc gia trong cả quan hệ quốc tế trong hiệp hội hàng không ASEAN và cả ICAO, IATA.   

Đạo lý Việt Nam khuyên “tiên trách kỷ hậu trách nhân", trước mắt anh phải nghiêm túc với chính mình đi đã. Vội vàng tranh công đổ lỗi là trái đạo lý, vừa thiếu nghiêm túc. Việc vội vàng đình chỉ tổ bay để điều tra thì cũng phải dựa vào quy trình, dựa vào luật thì mới “tâm phục khẩu phục", sai thì phải xử theo luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 (HKĐVN) để mang tính giáo dục răn đe", ông Trần Đình Bá nêu quan điểm.    

Bộ trưởng Thăng xin lỗi, vì sao Cục trưởng Thanh "im lặng"?

Điều bất thường tiếp theo là động thái "im lặng" của Cục trưởng Cục Hàng không Lại Xuân Thanh trong khi đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT phải xin lỗi người dân và hành khách về sự cố xảy ra. Việc không xin lỗi có phải là thái độ chối bỏ trách nhiệm của Cục trưởng Cục HKVN?

- Văn bản số 648/TB-BGTVTC của Bộ GTVT có nội dung, Vietjet Air sẽ bị giám sát an toàn bay đặc biệt, TS nhận định gì về việc giám sát này?

Ông Trần Đình Bá:  Luật HKDDVN 2006 không có hình thức nào như thế này. Nếu sai phải xử lý theo luật hẳn hoi, không phải tùy tiện dùng các hình thức không có trong luật để làm hại uy tín danh dự doanh nghiệp khác làm ảnh hưởng đến thương hiệu và quá trình hoạt động kinh doanh, lại càng không nên phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp nhà nước hay doanh nghiệp hàng không giá rẻ tư nhân.

Cách làm này thể hiện sự bất lực của Cục HKVN trong việc tuyên truyền giáo dục luật HKDDVN và quản lý nhà nước về an toàn hàng không!

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Trần Đình Bá cho rằng: Dường như Cục Hàng không đã lao theo vết xe của ngành đường sắt suốt gần 3 thập niên nay. "Họ cậy mình là một cơ quan ngang Bộ và luôn cho mình thế độc quyền trong lúc luôn đề cao “văn hóa hàng không" và gần đây nhất là học tập ngành đường sắt “Bốn xin – bốn luôn" trong ngành (xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi và xin phép và luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu và luôn giúp đỡ) nhưng lại không thực hành.

"Đúng là “con dại – cái mang", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận lỗi trước nhân dân là động thái cầu thị đồng thời kiên quyết tuyên chiến với những tiêu cực trong ngành hàng không.

Có thể nói sau sự cố bị tố giác hối lộ làm rung chuyển ngành đường sắt thì sự cố này là "cơn địa chấn" đánh động tất cả những gì ung nhọt che giấu bấy lâu nay ở ngành HKVN", ông Bá nói.     

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý sự cố nhầm sân bay của VJA chưa thấy rõ vai trò của Cục Hàng không, việc đánh giá Cục trưởng HKVN che giấu thông tin cho thấy một cách làm thiếu chuyên nghiệp, sợ trách nhiệm của người đứng đầu ngành này. 

Đồng tình với ý kiến trên, ông Trần Đình Bá phân tích: Chỉ cần động thái lấp liếm, báo cáo sai lệch thông tin là làm cho sự việc đã nghiêm trọng càng nghiêm trọng hơn. Tục ngữ có câu “đường đi hay tối, nói dối hay cùng", theo tôi sự việc này là quá tồi tệ, còn sau đó là cả 3 kịch bản tồi “lỗi do gió, do lỗi điều hành VJA và lỗi của điều hành không lưu".

“Hình thức phản ảnh nội dung “nhưng không để “hình thức đánh lừa nội dung". Điều cần nhất lúc này là phải trả sự thật trở lại đúng bản chất vấn đề. Lẽ ra cục HKVN phải nhận lỗi để điều tra nghiêm túc thì sự việc khác đi. Cục trưởng HKVN không phải bị khiển trách, doanh nghiệp hàng không giá rẻ VJA không phải “đóng kịch” hy sinh để cứu Cục HK. Tục ngữ có câu “con hư tại mẹ" là thế!", ông Trần Đình Bá nói.

Phải nhìn thẳng vào sự thật “lỗi hệ thống” đang tích tụ ngay trong cục HKVN. Những vụ việc như nhân viên sửa chữaa máy bay chui vào ngủ quên trong động cơ phản lực máy bay ở sân bay Buôn Ma Thuột, các vụ quản lý an ninh để lọt heroin…, các hãng hàng không thi nhau trễ chuyến, hủy chuyến trở thành nổi kinh hoàng của hàng khách... những vụ việc như thế mà Cục HKVN vẫn cho là bình thường thì thiết nghĩ sự nghiệp Hàng không nước nhà sẽ về đâu khi hiện nay hàng không nước ta đang xếp gần cuối bảng trong hiệp hội hàng không 10 nước ASEAN 

Nền hàng không nước nhà đang chịu cú sốc lớn không kém vụ nhận hối lộ của ngành đường sắt, Vinashin, Vinalines... của ngành hàng hải.
    
Một nhận định trên VTV cho rằng, sự cố bay nhầm sân bay của Vietjet Air tuy chỉ mới xảy ra lần đầu ở Việt Nam, nhưng chắc chắn đã làm xấu đi hình ảnh của ngành hàng không trong mắt người dân không chỉ trong nước mà cả bạn bè quốc tế. Chừng nào công tác an toàn bay chưa được đảm bảo thì những con số ấn tượng về sự tăng trưởng của ngành cũng trở nên vô nghĩa.

Vì vậy qua sự cố này, Bộ GTVT nên có một cuộc đại phẫu để cứu lấy sự nghiệp hàng không nước nhà! Đặc biệt là khắc phục Lỗi hệ thống ngay trong Cục HKVN. Muộn còn hơn không!

Cao Nguyên