Chỉ kẻ cướp mới không đi câu mà vẫn muốn có cá to

31/05/2018 06:19
Vũ Phương
(GDVN) - Theo Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Nga, cần ngăn chặn nhóm lợi ích lợi dụng chính sách để kiếm lợi bất chính khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước.

Chưa bao giờ vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước "nóng" và nhận được sự quan tâm, thu hút dư luận như thời gian vừa qua.

Đặc biệt, vừa qua Quốc hội thảo luận ở hội trường về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2011-2016 đã có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội khá gay gắt về việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã gây thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Nhiều đại biểu đã chỉ ra, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước có tình trạng định giá thấp, sai lệch nhằm chiếm dụng vốn, "đục khoét" làm thất thoát tài sản của Nhà nước nhiều tỷ đồng.

Chỉ kẻ cướp mới không đi câu mà vẫn muốn có cá to ảnh 1Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng không đồng ý với báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng dẫn chứng doanh nghiệp của Bộ Giao thông Vận tải là Tổng công ty vận tải thủy Việt Nam chỉ được định giá 327 tỷ đồng.

Trong khi đó Tổng công ty này có 10 doanh nghiệp nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của nhà nước mà chỉ được định giá 327 tỷ, tức là chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội.

Đáng chú ý, đằng sau không ít thương vụ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là nhằm chiếm đất có vị trí đắc địa, vị trí vàng. Nhưng cổ phần hóa đất thuê lại của nhà nước lại không được tính vào giá trị của doanh nghiệp. Trong khi đó, không phải doanh nghiệp nào cũng thuê được đất vàng của Nhà nước.

Bên cạnh đó, pháp luật điều chỉnh về cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, lỗ hỏng nhất định.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga - Trưởng bộ môn Kinh tế học (Trường đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho hay: “Trong thời gian vừa qua việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước đã bộc lộ những hạn chế, bất cập và lỗ hổng gây ra thất thoát tài sản lớn cho ngân sách Nhà nước.

Có thể chỉ ra một số nguyên nhân chính như sau: Một là, chúng ta vẫn còn hời hợt, nửa vời trong quá trình cổ phần hóa.

Tại sao lại chia ra cổ phần hóa 100% và cổ phần hóa nhà nước giữ chi phối, sở hữu doanh nghiệp? Nên dứt điểm cổ phần hóa 100% hoặc 100% sở hữu nhà nước, không có chuyện sở hữu song phương giữa nhà nước và tư nhân.

Hai là, lỗ hổng thể chế vẫn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa. Rất nhiều văn bản pháp lý, nghị định của Chính phủ ra đời nhằm đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, những văn bản này được viết bởi đội ngũ các bộ ngành khác nhau, gây ra chồng chéo, nhiêu khê và cản trở quá trình cổ phần hóa.

Ba là, những bất cập trong việc đưa giá sử dụng đất vào giá bán doanh nghiệp Nhà nước. Việc định giá đất đai là hết sức khó khăn bởi đất là sở hữu của nhà nước, chúng ta chỉ cho các doanh nghiệp quyền sử dụng đất, chứ không cho quyền sở hữu và sang nhượng.

Trong khi ở ngoài thị trường đất đai giao dịch theo giá cạnh tranh trên quan hệ cung cầu".

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm rõ việc cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy Việt Nam (VIVASO) giá chỉ bằng một căn nhà phố cổ. Ảnh: Báo Đầu tư
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể làm rõ việc cổ phần hóa Tổng công ty vận tải thủy Việt Nam (VIVASO) giá chỉ bằng một căn nhà phố cổ. Ảnh: Báo Đầu tư 

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra một số nguyên nhân cốt lõi đã dẫn đến những hạn chế và bất cập khiến cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước không được như kỳ vọng, thậm chí gây thất thoát lớn cho ngân sách Nhà nước, bức xúc dư luận.

Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Nga phân tích: "Thứ nhất, chúng ta hơi vội vàng và làm nhanh quá trình cổ phần hóa. Ví dụ theo nghị định 126/2017/NĐ-CP điều 38 quy định: Trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, doanh nghiệp phải hoàn thành việc bán cổ phần (kể cả bán cổ phần theo phương thức bảo lãnh phát hành và bán thỏa thuận trực tiếp).

Thời gian này là quá ngắn để tiến hành các thủ tục và qui trình để định giá, tìm nhà đầu tư, đấu giá… Tất nhiên chậm quá cũng ảnh hưởng tới việc thất thoát tài sản Nhà nước.

Thứ hai, chính phủ chưa quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa thông qua “củ cà rốt và cây gậy”.

Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước và bộ ngành cố tình chây ì và làm chậm quá trình cổ phần hóa, nhưng gần như không bị kỷ luật. Có kỷ luật thì cũng rất nhẹ như khiển trách, rút kinh nghiệm và chuyển công tác, nhưng có khi lại chuyển sang vị trí tương đương hoặc cao hơn.

Thứ ba, việc cổ phần hóa chưa được công khai minh bạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Việc công khai minh bạch và đấu giá công khai trên phạm vi quốc tế (trừ một số trường hợp đặc biệt do Thủ tướng quyết định) sẽ làm số nhà đầu tư tăng lên và sàng lọc những nhà đầu tư yếu kém.

Chúng ta không quá lo lắng khi doanh nghiệp Nhà nước rơi vào tay của các nhà đầu tư nước ngoài. Chắc chắn khi nhà đầu tư nước ngoài sở hữu doanh nghiệp Nhà nước thì giá bán ra sẽ được sát với giá thị trường hơn.

Nhà đầu tư nước ngoài sẽ mang theo thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, tri thức, kinh nghiệm quản lý, thương mại hiện đại và các yếu tố kỹ thuật, tác phong công nghiệp với ý thức tổ chức và kỷ luật cao… và chúng ta có lợi khi tiếp cận với  những gì tốt đẹp nhất của thế giới.

Thứ tư, có một nhóm lợi ích luôn ở đằng sau quá trình cổ phần hóa, họ “lobby” chính sách, bộ ngành và quan chức liên quan để có thể sở hữu doanh nghiệp Nhà nước một cách dễ dàng với giá rẻ nhất có thể và dĩ nhiên sẽ có đi có lại trong những thương vụ kiểu này.

Thứ năm, chúng ta chưa rút ra được kinh nghiệm cổ phần hóa nhiều năm qua để tránh thất thoát cho ngân sách Nhà nước khi tiến hành cổ phần hóa.

Tư duy nhiệm kỳ vẫn còn tồn tại nên sự kế thừa của những người trực tiếp và gián tiếp thực hiện quá trình cổ phần hóa còn rất lỏng lẻo, thậm trí còn đổ lỗi cho nhau”.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga. Ảnh: NVCC
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nga. Ảnh: NVCC

Câu chuyện một số bộ ngành không muốn hoặc kéo dài thời gian cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhằm mục đích “đục khoét” đã được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ.  

Về việc này, Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Nga thẳng thắn cho biết: "Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước nhanh thì họ sẽ mất quyền quản lý, cũng có nghĩa là mất luôn lợi ích.

Chậm trễ, cố ý kéo dài thời gian, thậm trí không muốn cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để vẫn giữ được “nhiều cá” mà không cần đi câu. Hoặc đi câu thì chắc chắn được cá to khi chưa cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, bởi nếu cổ phần hóa thì các doanh nghiệp sân sau của người có chức có quyền sẽ mất khoản lợi ích vô cùng lớn".

Một câu hỏi mà dư luận đặt ra là làm sao để việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước mang lại lợi ích lớn nhất cho ngân sách Nhà nước và nền kinh tế.

Chỉ kẻ cướp mới không đi câu mà vẫn muốn có cá to ảnh 4Ông Bùi Kiến Thành nói về "quân xanh, quân đỏ" đục khoét tài sản nhà nước

Phó Giáo sư Nga đề xuất một số giải pháp: “Nhà nước cần quyết liệt hơn trong việc chỉ đạo quá trình cổ phần hóa bằng cách thuê các tổ chức độc lập trong và ngoài nước (tốt nhất là nước ngoài) định giá, tổ chức bán đấu giá.

Chỉ để duy nhất một phương thức bán cổ phần là đấu giá công khai, không nên có 4 hình thức như trong Nghị định 126/2017/NĐ-CP. Như thế chúng ta mới có thể bán theo đúng hoặc ít ra gần đúng với giá thị trường.

Cần quy định giá đất được tuân thủ theo giá thị trường ở thời điểm đấu giá. Nếu tổ chức thực hiện bán đấu giá cổ phần thực hiện sai thì phải đền bù theo giá thị trường về đất đai.

Để nhiều đối tác có thể tham gia đấu giá doanh nghiệp Nhà nước và sẽ có mức giá cạnh tranh, Nhà nước có thể cho một cá nhân hay một nhóm tư nhân mua trả góp.

Ví dụ nếu giá doanh nghiệp Nhà nước là 100 tỷ đồng, người mua trả ngay 25 tỷ đồng (25%) và cam kết 75 tỷ đồng sẽ trả trong 5 năm, chia đều cho mỗi năm cùng với lãi suất hàng năm.

Ngay sau khi giao dịch (ký hợp đồng và trả 25 tỷ đồng) tài sản được chuyển ngay cho chủ sở hữu mới, nhưng toàn bộ tài sản được dùng như tài sản thế chấp cho phần nợ chưa trả.

Tuy nhiên, việc thế chấp này cần làm một cách nghiêm ngặt để chủ sở hữu mới trả nợ đúng hạn, bằng không tài sản sẽ quay về cơ quan cấp tín dụng”.

Phó Giáo sư Nguyễn Hồng Nga cũng cho rằng: “Có thể thay đổi điều 38 của Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định: Trong thời hạn từ 4 tháng đến 18 tháng (thay vì trong thời hạn 4 tháng), kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, doanh nghiệp phải hoàn thành việc bán cổ phần (kể cả bán cổ phần theo phương thức bảo lãnh phát hành và bán thỏa thuận trực tiếp).

Cần thay đổi để doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức liên quan có đủ thời gian tiến hành các bước, nhất là kêu gọi nhà đầu tư và định giá sàn cùng với tổ chức đấu giá công khai cho nhiều đối tượng, kể cả nước ngoài.

Cần có hình thức xử phạt thật nghiêm khắc có tính răn đe cao với các đơn vị tham gia đấu giá khi họ câu kết với nhau để mua doanh nghiệp Nhà nước với giá thỏa thuận ngầm”.

Vũ Phương