Chống tín dụng đen, nhưng không thể khống chế trần lãi suất cho ngân hàng

28/05/2015 06:13
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhiều Đại biểu Quốc hội nhận định, quy định lãi suất thỏa thuận không vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố đã quá lỗi thời.

NHNN từng đề nghị bỏ quy định trần lãi suất

Theo dự thảo Bộ luật dân sự (BLDS) sửa đổi, lãi suất vay do các bên thỏa thuận không được vượt quá 200% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố sẽ thay thế cho con số 150% theo BLDS hiện hành.

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hiện có 2 loại ý kiến:

Loại ý kiến thứ nhất, nhất trí với quy định như trong dự thảo BLDS sửa đổi với lập luận, khống chế trần lãi suất dựa trên lãi suất cơ bản bảo đảm được tính công khai, minh bạch, khả thi.

Áp dụng mức lãi suất trần theo cơ chế này vừa bảo đảm phù hợp với tình hình phát triển chưa bền vững của nền kinh tế ở nước ta, vừa góp phần ngăn ngừa việc cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.

Ý kiến thứ hai đề nghị quy định một mức lãi suất cụ thể trong BLDS để đảm bảo được tính rõ ràng, minh bạch, dễ áp dụng, các bên tham gia giao dịch dân sự có thể biết ngay hậu quả pháp lý khi xác lập hợp đồng vay.

Tuy nhiên, cả quan điểm sử dụng lãi suất cơ bản và lãi suất được ấn định ngay trong BLDS đều không nhận được sự đồng tình của nhiều Đại biểu Quốc hội.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Luật Ngân hành Nhà nước (NHNN) năm 2010 quy định: NHNN phải công bố lãi suất cơ bản để chống cho vay nặng lãi là do bị BLDS 2005 “cưỡng bức”.

Ông Giàu nói: “Điều hành chính sách tiền tệ chỉ có 3 loại lãi suất là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm chứ không hề tồn tại khái niệm lãi suất cơ bản. Thuật ngữ lãi suất cơ bản mà tài liệu, báo chí dịch từ nước ngoài thực ra không phải là lãi suất cơ bản.

Nếu cứ căn cứ vào khái niệm lãi suất cơ bản được dịch từ nước ngoài thì trong trường hợp lãi suất cơ bản 0% sẽ lấy căn cứ gì để xét xử tội cho vay nặng lãi theo Bộ luật hình sự hoặc xử lý hành chính, tuyên bố hợp đồng vay vốn vô hiệu vì vi phạm pháp luật”.

Ông Nguyễn Văn Giàu (phải) cho rằng không tồn tại thuật ngữ lãi suất cơ bản. ảnh: dantri.
Ông Nguyễn Văn Giàu (phải) cho rằng không tồn tại thuật ngữ lãi suất cơ bản. ảnh: dantri.

Qua các thời kỳ, NHNN đã nhiều lần đề nghị điều chỉnh lại quy định trên về lãi suất trong BLDS, do thực tế phát sinh phức tạp, gắn với các thời điểm lãi suất leo thang, căng thẳng trước đây. Xin dẫn ra một số thí dụ cụ thể sau:

Ngày 22/11/2006, Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy lúc đó đã thay mặt Chính phủ có tờ trình số 15 đề nghị Thường vụ Quốc hội khóa 11 ra nghị quyết cho phép các tổ chức tín dụng không bị điều chỉnh bởi điều 476 BLDS (quy định mức lãi suất cho vay tối đa không vượt quá 150% lãi suất cơ bản).

Đầu năm 2007, Thống đốc NHNN tiếp tục có tờ trình với nội dung tương tự.

Đến nhiệm kỳ Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, ngày 23/3/2008, đã có một tờ trình kiến nghị Thường vụ Quốc hội sửa luật, cụ thể cũng là điều 476 của BLDS.

Ngày 14/4/2008, Thống đốc NHNN lại tiếp tục có tờ trình kiến nghị sửa điều 476 theo hướng nâng trần lãi suất cho vay lên 250% lãi suất cơ bản…

Tuy nhiên, sau rất nhiều lần kiến nghị của NHNN, yêu cầu sửa đổi quy định trần lãi suất vẫn không được chấp nhận. Và phía sau đó là sự lận đận của lãi suất cơ bản, gắn với những thời điểm là một rào chắn sinh động trong hoạt động cho vay của các ngân hàng, theo giới hạn luật định; nhưng một thời gian dài đến nay lại không còn mối quan hệ giữa lãi suất cơ bản với giới hạn 150% nói trên nữa.

Luật cần theo hướng tôn trọng thỏa thuận

Lần này khi sửa đổi BLDS, liệu việc thay đổi con số trần lãi suất từ 150% lên 200% có đi vào cuộc sống được không?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, việc quy định lãi suất vay thỏa thuận không vượt quá 200% so với lãi suất cơ bản của NHNN không phù hợp.

Đại biểu Ngân phân tích: “Thứ nhất là gần đây NHNN không công bố lãi suất cơ bản nữa, mà chỉ công bố lãi suất tái chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn.

Thứ hai là lãi suất phải mang tính thị trường, mà ở Việt Nam thì chúng ta có thể chọn ra lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại lớn. Và việc xác định trần lãi suất là 200% thì nên dựa vào bình quân lãi suất của các ngân hàng thương mại lớn, chứ không nên dựa vào lãi suất cơ bản của NHNN nữa, vì lâu nay đã không công bố con số này rồi.

Chúng ta cũng có thể thấy là ngay cả lãi suất tái chiết khấu của NHNN công bố chỉ có 4,5%, và nếu nhân với mức trần 200% thì cũng chỉ mới đạt 9% thôi, trong khi mức cho vay của các ngân hàng chỉ với Tiêu dùng thì cũng đã trên 10% rồi, thì rõ ràng con số 200% này cũng không phù hợp”.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, lãi suất cơ bản nên lấy mức bình quân lãi suất của các ngân hàng thương mại lớn. ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, lãi suất cơ bản nên lấy mức bình quân lãi suất của các ngân hàng thương mại lớn. ảnh: Ngọc Quang.

Trước câu hỏi: Có nên đưa ra một biện pháp nào khác để quản lý vấn đề này thay vì đưa ra con số cụ thể (200%), bởi vì chỉ sau một thời gian nữa thì rất có thể phải điều chỉnh con số, cũng có nghĩa là sửa luật?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ: “Khi mà tòa xử thì phải có căn cứ, giả sử sự thỏa thuận của các bên vượt quá con số quy định nhưng không có tranh chấp thì đương nhiên là vẫn được chấp nhận. Tuy nhiên, trong trường hợp có tranh chấp đưa ra tòa để xử thì cũng cần phải có một con số làm căn cứ, và con số ấy thì nên lấy ở mức lãi suất bình quân của các ngân hàng lớn và không vượt trần 200%”.

Trên thực tế, việc áp dụng trần lãi suất tại BLDS đối với hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng là không cần thiết và không hợp lý.

Việc áp dụng trần lãi suất vay tại BLDS với hoạt động ngân hàng có thể hiểu là một sự can thiệp lãi suất trong hoạt động kinh doanh ngân hàng bằng biện pháp hành chính.

Sự can thiệp hành chính này trái với những nguyên tắc thị trường và không phù hợp với các chuẩn mực, thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam về cải cách hệ thống ngân hàng khi gia nhập WTO.

Đây có thể là một bất lợi để các nước khác viện cớ áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hoặc ảnh hưởng đến việc các nước công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.

Mặt khác, tại Điều 91 Luật các Tổ chức tín dụng cũng đã quy định rõ: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp hoạt động ngân hàng có diễn biến bất thường, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, NHNN có quyền quy định cơ chế xác định phí, lãi suất trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo bày tỏ: “Theo tôi không nên quy định con số cụ thể, bởi vì khi ấn định con số sẽ rất khó cho thỏa thuận dân sự. Rõ ràng trường hợp người cho vay và người vay đều đồng thuận về con số lãi suất nào đó, nhưng cao quá quy định thì họ vi phạm pháp luật.

Việc áp đặt con số cụ thể nào đó chẳng qua là một biện pháp trước mắt nhằm ngăn chặn tín dụng đen, nhưng biện pháp này không triệt để, và nếu có đặt ra bất kỳ con số nào thì rồi cũng phải sửa đổi theo đời sống thực tế, và như vậy cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế…”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng không nên chốt cứng con số trần lãi suất. Ảnh: Ngọc Quang.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng không nên chốt cứng con số trần lãi suất. Ảnh: Ngọc Quang.

Còn Đại biểu Quốc hội Đặng Thành Tâm chia sẻ: “Ở một số nước phát triển thì luật là một chuyện nhưng khi xử thì còn có áp dụng án lệ, mà cái này bây giờ Việt Nam đang bàn.

Thí dụ như ở Mỹ cũng xảy ra chuyện cho vay lãi suất cao, khi đưa ra tòa xử mà phát hiện ra người vay bị ép buộc, bị lợi dụng thì tòa sẽ xử người cho vay. Còn trong trường hợp nó là thỏa thuận bình thường của đôi bên không có ép buộc thì đương nhiên người vay phải có trách nhiệm trả khoản tiền ấy.

Tôi nghĩ trước sau gì thì luật pháp của mình cũng phải dùng án lệ, bởi vì những trường hợp như vậy khi áp dụng án lệ thì xử dễ dàng và rất chuẩn”.

Ngọc Quang