Chủ tịch nước: Doanh nhân phải là người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế

04/10/2016 06:30
Phương Linh
(GDVN) - "Doanh nhân là người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế, thực hiện tốt trách nhiệm môi trường, trách nhiệm xã hội, khắc phục tình trạng vi phạm đạo đức..."

Uỷ viên Bộ Chính trị - Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã nhấn mạnh như trên, tại buổi tiếp xúc với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp của TP.Hồ Chí Minh vào chiều ngày 3/10.

Cùng dự còn có Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong và bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP.Hồ Chí Minh.

Những tâm tư của doanh nghiệp gửi Chủ tịch nước

Phát biểu tại buổi tiếp xúc này, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn của thành phố đã chia sẻ, góp ý, kiến nghị đến Chủ tịch nước nhiều vấn đề liên quan đến những tồn tại, bất cập hiện nay, về các chính sách, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, luật Đầu tư.

Đến từ Tổng Công ty TNHH Duy Khánh, ông Đỗ Phước Tống phản ánh, ngành cơ khí đã từ lâu được các cấp lãnh đạo coi là trái tim của ngành công nghiệp, nhưng các chính sách dành cho ngành này thì chưa được tương xứng.

Ví dụ: Các chính sách về thuế khi nhập khẩu các thiết bị, máy móc, thiết bị nguyên chiếc thì thuế suất là 0%, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn nhập các bộ phận riêng lẻ thì bị đánh thuế từ 5 – 7% là một mức rất cao.

Một dẫn chứng được ông Tống đưa ra, là tại Triển lãm về ngành nhựa, máy móc thiết bị cách đây 2 ngày tại Phú Mỹ Hưng, quận 7, trong tổng số 700 gian hàng của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, thì chỉ có duy nhất một gian hàng của Việt Nam.

Ông Tống ngậm ngùi cho rằng, nếu điều kiện để ngành cơ khí chế tạo máy chưa được thông thoáng, thì thị trường trong nước không sớm thị muộn cũng sẽ mất.

Quang cảnh buổi tiếp xúc với cộng đồng doanh nhân, doan nghiệp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ảnh: P.L)
Quang cảnh buổi tiếp xúc với cộng đồng doanh nhân, doan nghiệp của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (ảnh: P.L)

Cuối cùng, ông Tống đề nghị các chính sách nhập hàng thép như hiện nay phải xin phép Bộ Công thương, rồi lại phải kiểm tra, thông quan, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, cần thiết phải bỏ đi các quy định rườm rà.

Ngoài ra, về thuế nhập khẩu thì tại Quốc hội khóa 13 đã thông qua điều luật về thuế nhập khẩu là giảm dần, từ thành phẩm đến nguyên liệu từ 1/9, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thay đổi.

Chính vì vậy, cần phải nhanh chóng đưa các chủ trương trên vào thực tiễn, thông qua luật.

Song song đó, theo ông Tống, cần phải có một luận riêng chế tài được các cơ quan thực thi, vì luật có rồi, nhưng các văn bản dưới luật, thông tư thì lại làm ngược lại, thậm chí làm sai đi bản chất của luật, khiến doanh nghiệp ở dưới rất khó thực thi.

Chủ tịch Công ty TNHH hàng tiêu dùng Bình Tân (Bitas) – ông Đỗ Long thì đề nghị, mỗi tháng, các doanh nghiệp cần được gặp lãnh đạo, để giải quyết triệt để hơn nữa các vấn đề còn bất cập về cơ chế, chính sách, hoặc luật hiện hành, thủ tuc hành chính.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM – Ông Huỳnh Văn Minh kiến nghị, Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ khi ban hành những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, thì nên tham khảo các đối tượng chịu tác động từ dưới lên, để tạo được sự đồng thuận cao.

Trung ương và TP.Hồ Chí Minh nghiêm túc tiếp thu

Nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp, Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nhấn mạnh, những vấn đề nào thuộc quyền hạn của thành phố, sẽ được tiếp thu, giải quyết triệt để.

“Nhiều việc, vấn đề cần phải có thời gian, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để khắc phục triệt để, nên rất mong các doanh nghiệp, doanh nhân chia sẻ, thông cảm với lãnh đạo thành phố.

Chúng tôi mong các doanh nhân, doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ, tích cực với thành phố, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố” – Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng nói tiếp.

Phát biểu kết luận buổi tiếp xúc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ: Đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước khi coi doanh nghiệp, doanh nhân là một bộ phận chủ yếu, có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế đất nước, cũng như trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân TP.Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân TP.Hồ Chí Minh (ảnh: P.L)

Theo Chủ tịch nước, Đảng và Nhà nước sẽ tiếp tục quan tâm đến việc chăm lo, xây dựng phát triển, đề cao, phát huy vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong thời gian tới, tập trung chỉ đạo, sớm hoàn thiện thể chế về phát triển doanh nhân, doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy doanh nhân làm đối tượng phục vụ, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp phát triển.

Chủ tịch Trần Đại Quang đề nghị TP.Hồ Chí Minh cần nghiên cứu mô hình, giải pháp cụ thể để nâng cao vai trò của các tổ chức Hiệp hội, tổ chức tập hợp hội viên là doanh nghiệp, doanh nhân.

Đặc biệt, cần chú ý đến tham vấn ý kiến của các Hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

“Những năm tới, tình hình trong nước, quốc tế đang đặt ra những cơ hội, nhưng không ít khó khăn, thách thức mà chúng ta phải vượt qua…

Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phải thực sự là những người lính tiên phong trên mặt trận kinh tế, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, trách nhiệm môi trường, khắc phục tình trạng một số doanh nghiệp vi phạm về đạo đức doanh nghiệp, lợi dụng kẽ hở của luật pháp để mưu cầu lợi ích riêng…” – Chủ tịch Trần Đại Quang kết luận.

Phương Linh