Chưa thông qua chủ trương đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành

28/11/2014 17:36
Ngọc Quang
(GDVN) - Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích, nghiên cứu các ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.

Bà Phan Thị Toàn – Vụ trưởng Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội cho biết thông tin này cách đây ít phút.

Theo bà Toàn, tại các phiên thảo luận, nhiều ý kiến của Đại biểu Quốc hội tán thành chủ trương đầu tư và cho rằng, nước ta cần có một Cảng hàng không quốc tế hiện đại đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quốc tế và khu vực cũng như tình hình kinh tế của đất nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nợ công tăng nhanh và khả năng thanh toán còn bấp bênh, chất lượng tăng trưởng chưa cao, hiệu quả đầu tư chưa được làm rõ… nên nếu triển khai dự án sẽ tạo ra sức ép lớn cho nền kinh tế.

Mô hình Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Mô hình Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Nhiều Đại biểu Quốc hội băn khoăn về thời điểm đầu tư dự án, tính hợp lý, hiệu quả, khả thi về nguồn vốn đầu tư của toàn bộ dự án, phương thức huy động vốn và phân kỳ đầu tư; xác định rõ phần vốn đầu tư của Nhà nước trong dự án trên cơ sở cân đối tổng vốn đầu tư của Nhà nước cho đầu tư phát triển nói chung, cho ngành giao thông vận tải nói riêng; khả năng tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài; đánh giá toàn diện các mặt tác động của dự án đối với vấn đề nợ công; tác động của Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển của ngành hàng không Việt Nam nói riêng; đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù trình Quốc hội xem xét, quyết định khi thông qua chủ trương đầu tư dự án.

“Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục phân tích, nghiên cứu các ý kiến của đại biểu, hoàn thiện dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau”, bà Toàn nhấn mạnh.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đăng tải ý kiến của các Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương, Huỳnh Minh Thiện, Đỗ Mạnh Hùng, Ngô Văn Minh... đề nghị phân tích, xem xét kỹ tính khả thi của dự án.

Đặc biệt, Đại biểu Đặng Thành Tâm đặt ra hai câu hỏi ngắn gọn: Thứ nhất là đầu ra, tức là tốc độ tăng lượng khách qua các năm tại sân bay Long Thành thế nào? Thứ hai là nguồn vốn ở đâu để đầu tư?

Theo ông Tâm, tính toán số liệu gia tăng số lượng khách tới sân bay Long Thành qua các giai đoạn chưa có cơ sở khoa học, do ba sân bay ở Bangkok, Hong Kong, Singapore là các sân bay quốc tế lớn và là sân bay trung chuyển rất tốt, nằm bao xung quanh sân bay Long Thành. Các hãng hàng không đã ký hợp đồng lâu dài với các sân bay này nên không dễ dàng chuyển đi về sân bay Long Thành; Năm 2013 khách du lịch quốc tế vào Bangkok một năm là 26,7 triệu lượt; HongKong là 55 triệu lượt; Singapore là 17 triệu… giúp 3 sân bay này thành các sân bay nhộn nhịp và trung chuyển rất hoàn hảo.

"Hiện nay, chúng ta chưa có kế hoạch nào thật sự tốt để thu hút được khách du lịch quốc tế, có Đại biểu Quốc hội đã nói ở nghị trường là chỉ có 7% du khách muốn trở lại Việt Nam. Giữ được sự ổn định đã khó, muốn tăng trưởng còn khó hơn, trong khi các quốc gia xung quanh thì đang làm rất tốt", ông Tâm chỉ rõ.

Vấn đề thứ hai là nguồn vốn: Đến nay dự án tính sơ bộ là gần 19 tỷ USD nhưng dường như chỉ mới đưa ra được phần đầu tư vốn Nhà nước, coi như phần này là có và dự kiến đền bù lên đến hơn 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, phần còn lại ngoài ngân sách khoảng 13 tỷ USD chưa chứng minh được nguồn vốn.

Tính toán một cách khoa học cho dự án và đặt ra những câu hỏi cần phải trả lời về vốn và đầu ra như tôi vừa phân tích rất cần có thời gian, và ngay cả khi dự án triển khai thì cũng phải mất nhiều năm mới hoàn thành được, vì yêu cầu kỹ thuật của một sân bay quốc tế hiện đại là rất cao. Vì vậy, trong lúc chưa đủ nguồn lực để làm một dự án như vậy thì buộc phải mở rộng và có giải pháp tối ưu để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Tâm nghị chuyển dự án sân bay Long Thành với quy mô tương tự sang sân bay Cần Giờ (thuộc TP.HCM), vì nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, mà đầu tiên là tiết kiệm được hơn 20 nghìn tỷ đồng tiền đền bù, vì đất ở Cần Giờ là đất chủ yếu do Nhà nước quản lý.

"Chính phủ chỉ cần sử dụng ngay số tiền hơn 20.000 tỷ đồng tiết kiệm này cũng đã xây dựng được khá nhiều công trình mặt đất của sân bay, tạo đòn bẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào Cần Giờ.

Diện tích khu vực Cần Giờ rộng hơn 70 nghìn héc-ta và có thể chọn lựa khu vực nào thuận tiện nhất để quy hoạch lên tới 20 nghìn héc-ta, ngoài việc phát triển sân bay quốc tế quy mô lớn còn phát triển đô thị đi kèm và tiến tới phát triển Cần Giờ trở thành đặc khu kinh tế của Việt Nam để thu hút đầu tư quốc tế và trong nước", ông Tâm cho hay.

Ngọc Quang