Có dấu hiệu sai phạm, BIDV Quảng Trị nguy cơ mất trắng tiền tỷ

12/03/2014 07:20
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Hợp đồng thế chấp tài sản giữa BIDV với khách hàng là doanh nghiệp có dấu hiệu mờ ám, thể hiện việc NH đã ký hợp đồng tín dụng từ lúc chưa có tài sản thế chấp.

Việc này đã dẫn đến tài sản thế chấp hiện nay rơi vào trạng thái tranh chấp, qua đó khiến Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quảng Trị đang có khoản nợ có thể mất trắng hàng tỷ đồng. Không chỉ thế, sự việc trên cũng khiến doanh nghiệp khác có nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng.

Trụ sở Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Trị, số 24 Hùng Vương, TP Đông Hà, Quảng Trị.
Trụ sở Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Trị, số 24 Hùng Vương, TP Đông Hà, Quảng Trị.

Theo Quyết định số 10/2011/QĐST – KDTM ngày 01/6/2011 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị về “Công nhận sự thỏa thuận của các đương sự” giữa nguyên đơn là Ngân hàng BIDV Việt Nam mà đại diện là ông Hoàng Lâm Tuấn - Trưởng phòng quản lý rủi ro chi nhánh BIDV Quảng Trị và bên bị đơn là Công ty TNHH xây dựng Thanh Bình (Công ty Thanh Bình) có địa chỉ tại đường Hùng Vương (Thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị).

Theo quyết định này, đại diện phía bị đơn là ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Thanh Bình đã công nhận đang còn thiếu nợ phía BIDV Quảng Trị đến ngày 23/5/2011 số tiền 1.010.678.167 đồng (Một tỷ không trăm mười triệu, sáu trăm bảy mươi tám nghìn - làm tròn số). Hạn đến hết ngày 25/6/2011, Công ty Thanh Bình phải thanh toán số tiền gốc và tiền lãi quá hạn là 465.678.167 đồng (bốn trăm sáu mươi năm triệu, sáu trăm bảy mươi tám nghìn đồng – làm tròn số). Và hạn trả tiền cuối cùng là ngày 14/5/2014 nhưng phía Công ty Thanh Bình đã không có khả năng trả nợ dẫn đến bị BIDV Quảng Trị kiện ra Tòa.

Quyết định này cũng nêu rõ, trong trường hợp bị đơn vi phạm một trong các kỳ hạn đã thỏa thuận về trả nợ thì phía BIDV Quảng Trị có quyền yêu cầu phát mãi tài sản thế chấp là xe ô tô 08 chỗ ngồi, hiệu Toyota Landcruise Prado GX màu trắng ngà, số khung 60510170, số máy 0595579, biển kiểm soát 74K – 8321 mang tên Công ty TNHH Thanh Bình để thu hồi nợ theo hợp đồng thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay số 01/2009/HĐ giữa Công ty Thanh Bình và BIDV Quảng Trị ngày 14/5/2009.

Đến đây, đã xuất hiện dấu hiệu “làm trái quy trình” cho vay của BIDV Quảng Trị về nghiệp vụ ngân hàng khi chiếc xe ô tô được Công ty Thanh Bình mang thế chấp tại BIDV Quảng Trị lại được đăng ký vào ngày 24/7/2009. 

Xin nhấn mạnh, Công ty Thanh Bình đem chiếc xe đi thế chấp cho BIDV Quảng Trị để lấy tiền từ 14/5/2009. Nhưng điều lạ là đến ngày 24/7/2009, Công ty Thanh Bình mới đem chiếc ô tô đó đi đăng ký.

Như vậy, tức BIDV Quảng Trị đã “hào phóng” cho khách hàng làm hợp đồng và nhận tiền trước hơn... 2 tháng, phải chăng là trái “quy trình” thẩm định, cho vay đối với nghiệp vụ ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước quy định?

Một điều nữa là chiếc xe ô tô 08 chỗ ngồi, hiệu Toyota Landcruise Prado mà Công ty Thanh Bình mang thế chấp tại ngân hàng BIDV Quảng Trị là chiếc xe không có giấy tờ gốc. Lí do vì Công ty Thanh Bình khi mua xe đang còn nợ phía Công ty TNHH thương mại Đăng Quang ở Hà Nội với số tiền mua xe còn lại cả gốc lẫn lãi là 40.000 USD tại Biên bản đối chiếu chiếu công nợ giữa hai Công ty này lập ngày 13/01/2012.

Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe mà Công ty Thanh Bình đã mang thế chấp cho BIDV Quảng Trị trước đó
Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe mà Công ty Thanh Bình đã mang thế chấp cho BIDV Quảng Trị trước đó

Theo Giám đốc chi nhánh của một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội cho biết: Quy trình để ngân hàng tài trợ cho vay mua xe thì ngay từ ban đầu, phía Ngân hàng sẽ tham gia cùng làm thủ tục với chủ xe và ngân hàng sẽ theo đến khi có đăng ký xe. Lúc này, ngân hàng giữ bản chính đăng ký và phô tô công chứng cho chủ xe một bản, kèm theo một Biên bản thể hiện việc ngân hàng đang giữ giấy tờ gốc để chiếc xe lưu hành bình thường.

Như trong trường hợp này, ngân hàng sẽ tài trợ tiền bằng 70% giá trị chiếc xe, còn 30% là phía khách hàng phải tự có. Nếu ngân hàng có tài trợ thì khi khách hàng trả 30% xong thì ngân hàng sẽ giải ngân luôn số tiền còn lại và khách hàng cùng ngân hàng đi đăng ký xe.

Như vậy, đây rõ ràng có dấu hiệu làm sai quy trình nghiệp vụ ngân hàng của BIDV Quảng Trị, dẫn đến khoản nợ hơn 1 tỷ đồng mà Công ty Thanh Bình đang nợ khó thu hồi được, bởi vì giấy tờ gốc chiếc xe này hiện tại vẫn đang nằm trong tay Công ty TNHH thương mại Đăng Quang ở ngoài Hà Nội.

Thêm nữa, về khoản nợ này có thể “mất trắng” là do BIDV Quảng Trị đang chỉ giữ bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô số: 0005967, nhưng đến ngày 18/6/2012, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Quảng Trị đã ra Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số với chiếc xe. Như vậy, BIDV Quảng Trị chỉ còn cầm tờ giấy không có giá trị, trong khi số tiền hơn một tỷ kia thì là tiền thật của ngân hàng. Số tiền này chỉ có ông Giám đốc chi nhánh BIDV Quảng Trị mới biết (?)

* Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục làm rõ "Liên minh" cố ý làm trái rút tiền từ ngân hàng như thế nào? ở bài viết sau.

VIẾT CƯỜNG