Có những chủ đầu tư BOT giao thông gian dối, muốn thu phí cao

12/02/2019 06:19
Vũ Phương
(GDVN) - Ông Bùi Danh Liên cho rằng, Bộ Giao thông phải giải quyết dứt điểm, không thể đầu tư một nơi lại đặt trạm thu phí một nẻo, mức phí cũng quá sức chịu đựng.

Trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao) đầu tư vào hạ tầng giao thông là cần thiết.

Không thể phủ nhận hiệu quả mang lại từ các dự án BOT giao thông là giảm đáng kể thời gian đi lại cho người dân, giảm ô nhiễm môi trường, giảm tai nạn giao thông… góp phần đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, những vấn đề tồn tại, hạn chế của hình thức BOT giao thông khiến người dân bức xúc như thu phí cao, khoảng cách đặt các trạm BOT quá gần, làm đường một đằng nhưng đặt trạm thu phí một nẻo, nhiều tuyến đường độc đạo chủ đầu tư chỉ trải một lớp nhựa là tiến hành thu phí như đầu tư đường làm mới.

Đỉnh điểm của sự bức xúc, nhiều chủ phương tiện đã dùng tiền lẻ, mệnh giá thấp khi đi qua trạm thu phí gây ra tình trạng ùn tắc giao thông buộc chủ đầu tư phải xả trạm.

Trước những bất cập, hạn chế của nhiều dự án BOT, không ít chuyên gia giao thông khi được phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phỏng vấn đã thốt lên “người dân ra đường là phải phí BOT”. Đáng nói, nhiều dự án BOT từ khâu đấu thầu đến đi vào vận hành, thu phí rất mập mờ.

Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, điển hình của cách làm ăn gian dối khi chủ đầu tư chỉ một lớp nhựa rồi lập trạm thu phí như đầu tư tuyến đường mới. Ảnh: Vũ Phương.
Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, điển hình của cách làm ăn gian dối khi chủ đầu tư chỉ một lớp nhựa rồi lập trạm thu phí như đầu tư tuyến đường mới. Ảnh: Vũ Phương. 

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia nghiên cứu giao thông Bùi Danh Liên thẳng thắn cho rằng: “Vấn đề bất cập, hạn chế còn tồn tại của BOT giao thông đã nói quá nhiều mấy năm nay, người dân nghe nhiều, các cơ quan chức năng, Chính phủ, Quốc hội cũng nghe nhiều, nhưng chuyển biến rất chậm.

Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tiếp thu và chính Bộ trưởng hứa năm 2019 sẽ giải quyết dứt điểm những vấn đề BOT. Chúng ta phải chờ xem Bộ trưởng hứa và thực hiện thế nào.

Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng, các bộ, ngành tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại lùm xùm xung quanh vấn đề BOT, không thể để kéo dài mãi như thế”.

Có những chủ đầu tư BOT giao thông gian dối, muốn thu phí cao ảnh 2

Hiến kế ngăn chặn tham nhũng BOT giao thông

Ông Liên chỉ rõ những tồn tại: “So với mức thu nhập bình quân thì mức thu phí BOT hiện nay vẫn đang vượt quá sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp.

Bởi vậy vấn đề đầu tư BOT nói chung, các công trình giao thông nói riêng phải công khai minh bạch để người dân giám sát.

Những tồn tại của BOT giao thông xuất phát từ việc thiếu những văn bản pháp luật quy định chi tiết, khoa học dẫn đến triển khai nhiều tuyến đường BOT giao thông một cách ồ ạt, không nhìn thấy trước những hệ lụy.

Vấn đề thứ nhất, cần phải giải quyết tồn đọng về vị trí đặt trạm thu phí. Chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc, làm ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó. Như thế mới yên lòng dân. Không thể như một số trạm BOT đã xảy ra thời gian vừa qua, đầu tư một nơi, đặt trạm thu phí một nẻo là không chấp nhận được. 

Vấn đề thứ hai, những tồn tại của những dự án BOT, Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đều nhận ra, nhưng sửa lại rất chậm. 

Nếu tiếp tục làm BOT giao thông phải thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước, công khai, minh bạch từ khâu đấu thầu đến vận hành, không thể làm ăn gian dối và tùy tiện như vừa qua”.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, Bộ Giao thông không thể mãi hứa suông mà phải giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của BOT giao thông. Ảnh: Vũ Phương.

Ông Bùi Danh Liên cho rằng, Bộ Giao thông không thể mãi hứa suông mà phải giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế của BOT giao thông. Ảnh: Vũ Phương. 

Cũng theo ông Bùi Danh Liên, phải tính toán, xem xét lại thời gian thu phí của tất cả các trạm BOT, nhất là những trạm đã được báo chí và dư luận nhắc đến. Thời gian thu phí quá dài, thu quá cao, các đoàn thanh tra của các bộ ngành, đoàn kiểm tra của Quốc hội đã phát hiện ra cần phải xử lý dứt điểm, công khai.

Bộ Giao thông Vận tải phải hứa với người dân bao giờ khắc phục được, chứ không vòng vo, hứa rồi để đấy. Hậu quả, BOT giao thông đang kéo theo những vấn đề về xã hội, kinh tế và người dân bức xúc.

Theo ông Bùi Danh Liên, phải ghi nhận những kết quả, đóng góp từ mô hình đầu tư BOT, tuy nhiên mặt trái ở nhiều dự án BOT là thiếu tính khoa học, phát sinh những vấn đề gây ra phản ứng của xã hội, làm giảm lòng tin của người dân vào chủ trương, chính sách đúng đắn cũng phải được giải quyết rốt ráo.

“Đầu tư hạ tầng giao thông rất quan trọng, nhưng không thể tuyến đường nào cũng huy động BOT. Đặc biệt, đường độc đạo không thể cho làm BOT.

Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động phát triển hệ thống đường giao thông để phát triển kinh tế địa phương.

Làm BOT một cách minh bạch, đừng để người dân phải nghi ngờ về các dự án này, nghe đến dự án BOT giao thông người dân không còn ác cảm. Thời gian qua, đầu tư BOT phần nào khiến người dân mất niềm tin, các nhà đầu tư có ý định đầu tư vào Việt Nam cũng lắc đầu chán nản.

Bộ Giao thông Vận tải cần phải có kế hoạch bài bản, khoa học, chi tiết để giải quyết vấn đề tồn đọng cơ bản liên quan những vấn đề còn tồn tại của BOT một cách minh bạch. Có thể chưa giải quyết được tất cả những vấn đề của BOT, nhưng ít nhất cũng làm được những vấn đề người dân còn bức xúc”, ông Liên nói.

Có những chủ đầu tư BOT giao thông gian dối, muốn thu phí cao ảnh 4Ông Ngô Trí Long: Gian lận thu phí cần phải xử phạt thật nặng

Thực tế thời gian qua có nhiều trạm BOT báo cáo một ngày chỉ thu được số tiền rất nhỏ so với thực tế tính toán. Bởi vậy, tính minh bạch trong thu phí BOT giao thông thời gian qua cũng là vấn đề được đặt ra.

Về việc này, ông Bùi Danh Liên cho biết: “Về thu phí BOT giao thông, tổng số nguồn thu đã có trong hợp đồng 2 bên ký kết, điều quan trọng là chủ đầu tư có thực hiện nghiêm túc hay không. Trong đó, cũng có yêu cầu thu phí tự động không dừng (ETC) trên tất cả các tuyến đường BOT.

Nếu áp dụng thu phí không dừng sẽ đảm bảo minh bạch. Làm một cách công khai, minh bạch, bất cứ phương tiện nào đi qua tuyến đường BOT sẽ bị trừ tiền trong thẻ, giao dịch đó sẽ tự động thông báo đến ngân hàng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính biết…

Làm như vậy, một ngày bao nhiêu phương tiện đi qua tuyến đường BOT, chủ đầu tư thu bao nhiêu tiền cả người dân và cơ quan quản lý nhà nước đều biết.  

Tuy nhiên, nhiều năm nay việc áp dụng, triển khai hình thức thu phí này vẫn rất chậm chạp. Có hiện tượng chủ đầu tư tìm đủ lý do để trì hoãn việc áp dụng thu phí tự động không dừng, suy cho cùng là vì họ muốn che đậy những việc làm sai.

Bởi vậy, Bộ Giao thông Vận tải phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp yêu cầu chủ đầu tư dự án BOT thực hiện nghiêm túc. Người dân, chủ phương tiện cũng cần tích cực ủng hộ triển khai thu phí không dừng, vì chỉ có như vậy mới minh bạch được các khoản thu, những doanh nghiệp nào làm ăn gian dối không còn”.

Tại buổi làm việc chiều 17/1/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá yêu cầu: Hết năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải phải hoàn thành thu phí không dừng trên phạm vi toàn quốc để nâng cao tính minh bạch trong thu, sử dụng khoản phí này.
Vũ Phương