Cổ phần hóa Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam

26/06/2015 07:34
Ngọc Quang
(GDVN) - Từ năm 2015 đến hết năm 2016 sẽ thực hiện cổ phần hóa Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPOWER).

Nội dung trên nêu trong Quyết định điều chỉnh, bổ sung Đề án “Tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2012 - 2015” vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Chuyển Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn thành Công ty TNHH 2 thành viên

Cũng theo Quyết định này, từ năm 2015 đến hết năm 2017, thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp của PVN và chuyển đổi Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn thành Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên, PVN nắm giữ 51% vốn điều lệ hoặc cổ phần hóa Công ty, PVN nắm giữ tối thiểu 65% vốn điều lệ.

Cũng trong thời gian này, sẽ tiến hành thoái vốn của PVN tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) xuống còn 36% vốn điều lệ của PVC.

Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh tỷ lệ vốn của PVN nắm giữ tại Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí lên 51% và điều chỉnh nâng tỷ lệ vốn của PVN tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Hóa dầu Long Sơn (LSP) lên 29%.

PVN tiếp tục nắm giữ 25,34% vốn điều lệ của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp dầu khí.

Hết năm 2016 phải thực hiện cổ phần hóa xong Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.
Hết năm 2016 phải thực hiện cổ phần hóa xong Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam.

Tổ chức lại đơn vị đóng mới, sửa chữa phương tiện nổi

Trong Quyết định, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu PVN nghiên cứu việc tổ chức lại tất cả các đơn vị đóng mới, sửa chữa phương tiện nổi trong Tập đoàn để đề xuất mô hình tổ chức phù hợp, tối ưu hóa sử dụng các nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động và tránh cạnh tranh nội bộ.

Đồng thời, PVN báo cáo Thủ tướng Chính phủ cụ thể về doanh nghiệp cấp IV cần tạm thời duy trì, ngành nghề kinh doanh, tình hình hoạt động, và lý do cần tạm thời duy trì là doanh nghiệp cấp IV của Tập đoàn.

228 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp diễn ra sáng 25/6, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp nhấn mạnh cần nêu đích danh, xử lý các hiện tượng sai phạm về đất đai trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và yêu cầu các Bộ nhanh chóng ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

Đối với công tác cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước trong 6 tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng các cơ chế, chính sách ban hành đang phát huy tác dụng, đi đúng hướng, bảo toàn và phát huy giá trị đồng vốn của Nhà nước.

“Tuy nhiên, nhìn chung cổ phần hóa vẫn bị chậm” (mới đạt 21,1% kế hoạch), Phó Thủ tướng nói và nêu rõ việc chậm trễ là do khi bổ sung cơ chế thì liên quan tới quy trình xây dựng văn bản. Hơn nữa, số lượng DNNN cần cổ phần hóa trong 6 tháng tới còn nhiều (228 DN).

Phó Thủ tướng chỉ rõ, nguyên nhân của tình trạng này, về khách quan là thực tiễn ở mỗi DNNN rất phong phú, cần phải xử lý rất cụ thể. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là trách nhiệm của người đứng đầu khi chưa thực sự quan tâm, “xắn tay” vào tháo gỡ khó khăn.

“Trong cái khó chung, nhiều nơi vẫn làm tốt nhưng có nơi làm chưa tốt, chưa nghiêm. Tôi chưa nghe bộ nào kỷ luật, xử lý ai không thực hiện nhiệm vụ trên giao về cổ phần hóa. Sắp tới phải báo cáo việc này vì thực tiễn là có”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các DNNN định kỳ hằng tháng phải báo cáo tiến độ thực hiện về Ban Chỉ đạo, trong đó nêu cụ thể tình hình, nguyên nhân của việc làm tốt, chưa tốt và chỉ rõ trách nhiệm thuộc về ai.

Ngọc Quang