Cốm Vòng tẩm hóa chất: Tự sống nên... tự chết?

25/09/2011 07:12
Phương Thúy
(GDVN) - "Khi mình đã không đầu tư, phát triển, quy hoạch, người dân tự phát làm ra thì mình không thể quản lý được họ làm như thế nào...".

Mấy chục năm ăn cốm, dân làng Vòng có ai bị bệnh đâu?

Sau những thông tin, hình ảnh về cốm làng Vòng bị nhuộm màu, hàng loạt những băn khoăn về chất lượng của thương hiệu cốm làng Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, Hà Nội) đang hiện hữu trong lòng của những người “nghiện” cốm. Chị Văn Thị Nhu (Nguyễn Khánh Toàn, Cầu Giấy) không khỏi buồn khi biết món cốm thơm ngon phải có chất phụ gia để làm dẻo và tạo màu cho cốm.
Cốm Vòng tẩm hóa chất: Tự sống nên... tự chết? ảnh 1
Chị D. khẳng định phẩm màu trong cốm chỉ có ít và an toàn cho người ăn
Chị Nhu kể, mỗi khi đến tháng 8 gia đình chị thường mua vài cân cốm làng Vòng để biếu, làm quà cho người thân ở xa. Đặc biệt, một vài khách từ miền Nam, Đà Nẵng ra Hà Nội chơi đúng dịp mùa thu Hà Nội, rất thích ăn cốm vì hương vị cũng như cảm nhận tính an toàn của sản phẩm. Nhưng từ khi biết cốm có nhuộm phẩm, chị rất thất vọng và băn khoăn không biết có nên mua sản phẩm này nữa hay không. Trong khi đó, chị D. (Dịch Vọng Hậu,. Cầu Giấy) - người có thâm niên làm cốm hơn 20 năm khẳng định, phẩm màu nhuộm cuốm... rất an toàn. “Mình làm ra mình ăn trước, người nhà mình ăn trước chứ đâu phải khách. Nếu không an toàn thì ai dám ăn. Không dùng phẩm thì màu không tươi ngon nên đành mua thêm phẩm cho vào. Phẩm màu làm cốm đã có từ lâu, người làng Vòng chưa ai mắc bệnh gì do ăn phải cốm cả”. Vừa nói chị D. vừa để lên lòng bàn tay những hạt cốm tươi ngon. Giá của mỗi kg cốm hiện khoảng 200 nghìn đồng. Một kg cốm làm từ 3 kg thóc nếp, thóc phải xanh, vừa đủ độ dẻo nên làm rất hao. Mỗi ngày 3 người trong nhà cũng chỉ làm được khoảng chục kg cốm, phải dậy từ 4h sáng làm mới kịp. "Nếu tính ra lãi thì chẳng được là bao, chỉ có cái tiếc nghề thì làm vậy thôi", chị D nói. Khi chúng tôi đặt vấn đề mua cốm không có phẩm màu, chị D. cho biết: “Em thích cốm đó thì phải đặt trước chị mới làm vì cốm đó cứng hơn, ít người hỏi mua lắm. Khi chúng tôi hỏi “sao cốm không nhuộm phẩm lại cứng hơn cốm đã nhuộm?", người bán hàng chỉ "loanh quanh" cho rằng vì nó là cốm mộc, chưa qua chế biến nên cứng hơn.
Người dân làng Vòng khẳng định: Cốm có nhuộm màu vẫn an toàn hơn vô số bánh kẹo bây giờ.
Người dân làng Vòng khẳng định: Cốm có nhuộm màu vẫn an toàn hơn vô số bánh kẹo bây giờ.
Ngồi bán cốm trên đường Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội), cô Bùi Thị L. quảng cáo: “Cốm nhà cô làm từ gạo nếp cái hoa vàng 100%, cốm có nhuộm thêm chút phẩm nhưng đảm bảo ăn vào không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, an toàn hơn các loại bánh kẹo khác nhiều". "Việc dùng phẩm màu có từ lâu, là người trong nghề truyền cho nhau, chẳng có ai cấm cả, chẳng có ai đến hướng dẫn nên cứ nhuộm vừa đủ. Cái phẩm này cũng chẳng nhuộm nhiều được vì nhuộm nhiều là hỏng cốm, mất màu cốm", cô L thừa nhận.Chính quyền không quản lý? Trong khi với người dân cho rằng, việc làm cốm là kinh nghiệm lâu năm, nhà nhà làm nghề theo kiểu tự phát... thì một cán bộ phường Dịch Vọng Hậu cho rằng, chính quyền không quản lý việc làm cốm của các gia đình. Dường như theo lời nói của người cán bộ này thì từ lâu, trong chính sách phát triển của địa phương, chính quyền đã lãng quên nghề làm cốm?. Còn theo bà Tuyên, cán bộ Hội Nông dân Phường Dịch Vọng Hậu: “Nghề làm cốm đã mất rồi, không được đăng ký thương hiệu nên không có chính sách quản lý. Mình không quản lý họ thì làm sao cấm họ không được dùng phẩm màu. Nhưng những phẩm màu đó đều là an toàn tuyệt đối, được Bộ Y tế cho phép sử dụng. Người dân làng Vòng vẫn ăn cốm, hàng trăm năm nay không có gì độc hại, vậy nên cốm vẫn an toàn nhất".
Cốm Vòng tẩm hóa chất: Tự sống nên... tự chết? ảnh 3
Người dân làm cốm tự phát, chính quyền không quản lý
Bà Tuyên cho biết thêm, hiện trong làng Vòng chỉ còn vài hộ làm cốm vì họ yêu nghề, tiếc nghề. Họ làm tự phát nên không ai quản lý hướng dẫn. Họ tự làm đến hết lúa lại thôi. Thực tế, bà Tuyên đã nhiều lần đề xuất phát triển thương hiệu cốm làng Vòng nhưng đầu vào không có nên đành chịu. Việc quy hoạch trồng lúa làm cốm hầu như không được ai để ý cả. Năm nào họp cũng đề xuất nhưng đều bị bỏ qua. Khi mình đã không đầu tư, phát triển, quy hoạch, người dân tự phát làm ra thì mình không thể quản lý được họ làm như thế nào. Nếu xuống kiểm tra các cơ sở làm cốm này có khi người ta cũng chẳng hợp tác vì mình không hỗ trợ người ta. “Có ai quan tâm đến làm cốm nữa đâu mà quản lý”, bà Tuyên than thở: "Từ ngày xưa, phẩm đã được nhuộm vào cốm nhưng hàm lượng không đáng bao nhiêu. Chính quyền không quản lý, không ai quan tâm quy hoạch đề xuất trồng lúa nên ai có quyền quản lý với họ". “Chúng tôi rất tiếc nghề, vì mua cả thùng bánh kẹo chưa quý bằng mua một gói cốm nhỏ làm quà, nhưng lên trên không ai để ý đến nên làm người đã sống gần nghề cốm bao nhiêu năm chúng tôi rất tiếc. Những lò cốm còn là những lò thực sự tâm huyết với nghề, thực tế có nhiều bậc cao niên muốn làm cốm lắm nhưng con cái họ cũng chẳng cho họ làm vì mua lúa rất xa”, bà Tuyên nói trong tiếc nuối.
Phương Thúy