Cư dân Ciputra, Hà Thành Plaza “kêu trời” phí dịch vụ đắt đỏ

26/04/2011 05:20
(GDVN) - Ít ai ngờ rằng, để được sống trong các căn hộ hiện đại ở chung cư cao cấp, các cư dân tại đây đã không ít phen “điên đầu” với giá phí dịch vụ đắt đỏ.

(GDVN) - Ngoài số tiền “khủng” ban đầu phải bỏ ra để sở hữu một căn hộ hiện đại nơi chung cư cao cấp, các cư dân sống tại đây đã không ít phen “điên đầu” với giá phí dịch vụ đắt đỏ.  

>> Người giàu vẫn phải "khóc" ở The Manor, Sky City...

>> Khách hàng “chết ngập” ở chung cư AZ Vân Canh

Phí dịch vụ không tương xứng với chất lượng cuộc sống?

Để được sống trong những ngôi nhà cao tầng tiện nghi được xem là bậc nhất ở Hà Nội, các cư dân tại chung cư cao cấp phải đóng một mức phí dịch vụ nhất định (gồm: tiền vệ sinh, đảm bảo an ninh, tiền điện khu công cộng, phí bảo trì thang máy,…). Tuy nhiên, mỗi khu chung cư lại ra một mức giá khác nhau nên có không ít việc “dở khóc, dở cười” xung quanh câu chuyện này.

Suốt 2 năm nay, Ban quản lý tòa nhà The Manor (Mỹ Đình, Mễ Trì) – nơi được coi là một trong những khu chung cư cao cấp nhất hiện nay tại Hà Nội, đã không thu được một đồng tiền phí dịch vụ nào từ phía người dân ở chung cư này. “Từ năm 2009 đến nay, mỗi ngày người dân ở đây đều tìm ra một lý do để từ chối đóng tiền và gần đây nhất là họ viện vào việc phân chia quyền sở hữu tầng hầm. Vấn đề ở đây là thiện chí của dân và nhà đầu tư trong việc thu phí dịch vụ này”, ông Phạm Cương - Giám đốc Ban quản lý tòa nhà The Manor & Villas Hà Nội cho biết.

Rất nhiều cư dân tại tòa nha The Manor bức xúc vì họ chi tiền không nhỏ để đóng phí dịch vụ nhưng suốt 2 năm qua, hồ bơi trong khuôn viên tòa nhà luôn trong tình trạng trơ đáy.
Rất nhiều cư dân tại tòa nha The Manor bức xúc vì họ chi tiền
không nhỏ để đóng phí dịch vụ nhưng suốt 2 năm qua, hồ bơi
trong khuôn viên tòa nhà luôn trong tình trạng trơ đáy.
Theo ông Cương, phía chủ đầu tư Bitexco thực hiện thu phí dịch vụ trên nguyên tắc phi lợi nhuận, “chi trả cho các dịch vụ bao nhiêu thì thu của người dân bấy nhiêu”. Tuy nhiên, vì chưa thỏa thuận được cách phân bổ, cách tính toán về phí dịch vụ nên 449 căn hộ sống tại tòa nhà The Manor và 500 hộ ở khu Villas đều nhất quyết không chịu đóng tiền phí.

Chị Phương, dân cư sống tại phòng C903 khu chung cư cao cấp The Manor bức xúc chia sẻ: Năm 2008, ban quản lý yêu cầu thu phí dịch vụ 6.000 đồng/m2, nhưng khi ban quản trị lâm thời (hay còn gọi là tổ dân phố) tính toán lại, mức phí chốt lại mà dân cư phải đóng chỉ là 4.000 đồng/m2. Sau đó, đến năm 2009, Ban quản lý “đòi” tạm thu phí dịch vụ ở mức cao hơn (The Manor: 7.690 đồng/m2, khu Villa: 8.713 đồng/m2) nhưng dân cư không đồng ý. “Nếu thu mức phí 6.000 đồng/m2 đã là quá cao rồi. Chúng tôi sẵn sàng nộp tiền khi tiện ích như mong muốn. Nhưng hiện tại, bể bơi không có nước, cây cối không được chăm sóc chu đáo, không có khu thể thao, phòng tập thể hình cho dân cư, không có khuôn viên vui chơi cho trẻ… Dân tình cũng bức xúc lắm và vẫn phản ánh thường xuyên nhưng không thấy giải quyết”, chị Phương nói.

Tiếp xúc với PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, bác Lê T.T (sống ở khu G3 tại Ciputra - Khu đô thị Nam Thăng Long) cũng không giấu nổi sự bức xúc bày tỏ: “Hàng tháng chúng tôi vẫn phải đóng 6.3000 đồng/m2 phí dịch vụ, tuy nhiên, tháng vừa rồi, ban quản lý Ciputra thông báo: Có thể tháng tới sẽ tăng 20% tiền phí dịch vụ”. Với diện tích nhà 143m2, trong 3 tháng vừa rồi, bác T. đã phải bỏ ra hơn 2,5 triệu đồng chỉ tính riêng tiền phí dịch vụ, chưa kể tiền điện, tiền nước, tiền phí trông xe và vô số phụ phí sinh hoạt khác.

Không gian riêng của khu chung cư Hà Thành Plaza biến thành bãi gửi xe của trung tâm thương mại Hapro.

Không gian riêng của khu chung cư Hà Thành Plaza
biến thành bãi gửi xe của trung tâm thương mại Hapro.

 Mặc dù vậy, theo ông Michael Schmitt - Trưởng ban Quản lý Công sản của Ciputra: Mức phí dịch vụ phải tăng 20% là do dịch vụ đầu vào, các chi phí lạm phát đều tăng lên so với thị trường, theo xu hướng chung của nền kinh tế Việt Nam. “Nhà nước có một số lần điều chỉnh lương, dẫn tới các hợp đồng của các nhà thầu xây dựng tăng, các chi phí khác để vận hành, thiết bị máy móc cũng tăng so với thời giá”, ông Michael Schmitt nói.

Hiện tại, theo tính toán của Ban quản lý Ciputra, trong số tiền mà người dân phải đóng góp để trả cho việc vệ sinh công cộng, từ tưới cây, đổ đường, bảo trì, lắp biển, bảo trì cầu thang máy,… chủ đầu tư vẫn đang phải bù lỗ 30%. “Nói thẳng, cư dân chỉ đang phải trả khoảng 75% thay vì phải trả 100%”, ông Michael Schmitt cho biết.

Theo khảo sát của phóng viên Giáo dục Việt Nam, tại một số khu chung cư được coi là cao cấp khác như chung cư Bắc Hà (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), Hà Thành Plaza (102 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội) lại có mức phí dịch vụ khá chênh lệch. Tại khu chung cư  Hà ThànhPlaza, nhiều hộ dân cũng phản ánh về tình hình giá cả leo thang chóng mặt trong thời buổi kinh tế thị trường bão giá.

Đầu thuốc lá, vỏ hướng dương vương vãi cạnh thang máy khu chung cư Hà Thành Plaza.

Đầu thuốc lá, vỏ hướng dương vương vãi cạnh thang máy
khu chung cư Hà Thành Plaza.

 Ông Việt, tổ phó tổ dân phố, phòng 702A cho biết: Tại đây, mỗi hộ gia đình phải đóng phí dịch vụ là 3.000 đồng/m2 (rẻ hơn so với mức phí dịch vụ 8.000 đồng/m2 ở Sky City Towers (88 Láng Hạ) và 6.300 đồng/m2 ở Ciputra). Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều người sống tại chung cư 102 Thái Thịnh, đây là mức cao so với nhiều gia đình có thu nhập thấp hoặc trung bình. Mặc dù người dân phản ánh rất nhiều nhưng lãnh đạo chung cư vẫn tự ý tăng giá các loại dịch vụ. Ông Việt cho biết thêm, giá các loại dịch vụ ở đây dường như tăng không có hạn định. Tình trạng này đang gây mất lòng các hộ dân và họ đã phản đối nhiều nhưng chưa thấy lãnh đạo cấp trên giải quyết.

Thế nào là hợp lý?

Trong khi hầu hết các dân cư sống trong những tòa nhà cao cấp vào bậc nhất Hà Nội đều than thở về mức giá cao thì hiện tại, Nhà nước vẫn chưa có một quy chuẩn chung về cách tính cũng như mức giá trần cho mức phí dịch vụ này. Bởi mỗi nơi áp dụng một phương thức tính khác nhau và tùy từng chính sách hỗ trợ, bù lỗ, đóng góp của chủ đầu tư đối với các hộ dân cũng như thành phần các dịch vụ bao gồm trong đó.

Trước thắc mắc của người dân về việc: “Tại sao, hàng tháng họ phải đóng 6.300 đồng/m2 phí dịch vụ nhưng lại không được sử dụng hồ bơi và phòng tập thể hình”, ông Michael Schmitt, Trưởng ban Quản lý Công sản của Ciputra cho rằng: “Ban đầu, chúng tôi cũng định tính gộp tất cả vào phí dịch vụ nhưng nhiều người dân nói rằng: Chúng tôi không dùng, tại sao chúng tôi phải trả cho những tiện ích ấy. Cả tòa nhà có 5.000 dân sinh sống nhưng chỉ khoảng 100 người đăng kí dịch vụ bơi và tập thể hình. Như vậy, sẽ thật không công bằng nếu bắt tất cả người dân phải chịu chung chi phí đó”.

Việc kinh doanh trước các khu chung cư cao cấp ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của người dân.

Việc kinh doanh trước các khu chung cư cao cấp ảnh hưởng
không nhỏ đến việc đi lại của người dân.

 “Nếu cư dân kỳ vọng một mức giá rất rẻ thì chất lượng đương nhiên sẽ đi xuống, không có người quét vườn, không có kẻ chăm sóc, tưới tiêu cho hoa, lau bụi bặm, không có xe nước đi rửa đường, cầu cống tắc và sẽ rất bẩn. Lúc đó, có lẽ cũng chẳng cần đến Ban quản lý nữa”, ông Michael Schmitt lý giải cho mức giá mà Ban quản lý Ciputra đang áp dụng vào hoạt động vận hành tòa nhà. Mặc dù vậy, về phía người dân, nỗi bức xúc về phí dịch vụ vẫn mãi là một bài toán chưa có lời đáp.

Cô Kim, sống ở tầng 7 CT1, chung cư Bắc Hà (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân), cho biết: Tiền dịch vụ tính theo diện tích căn hộ của từng gia đình, mỗi tháng, ban quản lý thu 2.000 đồng/m2. Tuy nhiên, cô than thở: Những ngày cuối tháng, nhằm mục đích thu tiền thì cầu thang và vệ sinh luôn sạch sẽ nhưng đến đầu và giữa tháng thì nhiều hôm rất tệ, trong thang máy còn có rác và tóp thuốc lá…

“Theo tôi, cách tính 2.000 đồng/m2 là chưa hợp lý, có lẽ nên tính mức dịch vụ theo từng hộ gia đình hoặc đầu người thì hợp lý hơn. Nếu căn hộ của một gia đình có diện tích lớn nhưng lượng người ít, mà giá dịch vụ lại cao, trong khi đó, một căn hộ có diện tích mức trung bình nhưng số lượng người ở nhiều hơn mà tiền dịch vụ của họ lại rất thấp. Theo cách tính này thì diện tích căn hộ của họ đang bị tính phí”, cô Kim nêu lên quan điểm của mình.

Cây cối queo quắt vì không được chăm sóc tại chung cư cao cấp số 1 Hà Nội - The Manor.

Cây cối queo quắt vì không được chăm sóc tại chung cư cao
cấp số 1 Hà Nội - The Manor.

 Mặt khác, theo cô Kim, các mức phí sinh hoạt khác khi sinh sống trong khu chung cư như tiền nước, tiền điện cũng tăng theo theo giá thị trường chứ không ở một mức cố định và không thông qua các hộ dân cư. Ví dụ: tiền gửi xe máy tăng từ 50.000 đồng lên 60.000 đồng/tháng, tiền nước từ 4.000 đồng/m3 với 16 khối đầu đã tăng lên 5.000 đồng/m3…

“Chúng tôi sẵn sàng đóng tiền nhưng đóng thế nào cho công bằng, hợp lý và mọi thứ phải minh bạch. Thiết nghĩ Nhà nước cần cử những đoàn kiểm tra, khảo sát các khu chung cư cao cấp, định giá dịch vụ để từ đó người dân có khung giá chuẩn để đóng góp” – Đó không chỉ là mong muốn của bà Nguyễn Nhung Hạnh, tổ trưởng tổ dân phố tòa nhà The Manor & Villas Hà Nội mà còn là quyền lợi chính đáng của những người bỏ tiền tỷ ra mua nhà ở tại các căn hộ cao cấp vào bậc nhất giữa thủ đô.

Tiểu Phương – Trần Nguyên

>> Người giàu vẫn phải "khóc" ở The Manor, Sky City...

>> Khách hàng “chết ngập” ở chung cư AZ Vân Canh


Bạn biết thêm những bất cập nào khác về chất lượng cuộc sống tại các khu chung cư cao cấp hiện nay? Hãy chia sẻ đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam bằng cách gõ tiếng Việt có dấu vào ô Phản hồi dưới đây hoặc gửi về địa chỉ email toasoan@giaoduc.net.vn. Trân trọng!