Củi lớn, củi bé vào lò, nhưng tài sản tham nhũng đi đâu?

22/06/2018 08:18
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Nhiều sai phạm của cán bộ gây thiệt hại lớn cho kinh tế, ít nhiều đã gây ảnh hưởng tới niềm tin của người dân.

LTS: Truy tìm nguyên nhân sâu xa khiến nền kinh tế chưa đạt được những kết quả đúng với tiềm năng của đất nước, Đại tá Nguyễn Huy Viện chia sẻ quan điểm, góc nhìn về công cuộc chống tham nhũng và niềm tin của nhân dân.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trước hiện tượng một bộ phận người dân phản ứng với Dự thảo Luật Đặc khu Kinh tế - Hành chính Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc (dưới đây viết tắt là Dự thảo Luật Đặc khu), Luật An ninh mạng, tác giả đã có bài viết đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam (ngày 16/6/2018), với tựa đề “Người yêu nước phải luôn tỉnh táo và hành động có trách nhiệm với Quốc gia”.

Bài viết đã phân tích hậu quả của tình trạng quá khích, lợi dụng biểu tình đốt phá tài sản công, gây ách tắc giao thông, chống người thi hành công vụ … và nêu một số giải pháp cần thiết để lập lại trật tự xã hội. 

Theo đánh giá của một số vị lãnh đạo, của các vị đại diện cho các tổ chức chính trị - xã hội cùng một số người dân được lựa chọn phát ngôn chính kiến cá nhân trên các phương tiện truyền thông về tình trạng người dân ở 11 tỉnh thành xuống đường biểu tình phản đối Luật Đặc khu và Luật An ninh mạng là do bị các thế lực thù địch, các phần tử xấu lôi kéo, kích động, lợi dụng. 

Nhiều người hiếu kỳ xem các thanh niên quá khích ném đá vào cổng trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận làm giao thông tắc nghẽn. Ảnh: Plo.vn
Nhiều người hiếu kỳ xem các thanh niên quá khích ném đá vào cổng trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Thuận làm giao thông tắc nghẽn. Ảnh: Plo.vn

Trước những đánh giá và những ý kiến thuộc quan điểm trên đây, người viết bài thống nhất là có tình trạng người dân bị lôi kéo, kích động nhưng cũng rất trăn trở với những câu hỏi dưới đây: 

1. Vì sao một số kẻ vô danh tiểu tốt, một số kẻ cộm cán trong xã hội (theo dẫn chứng của một số báo chính thống) kích động, lôi kéo được một bộ phận người dân? (1).

2. Theo nhận định, đánh giá của đại diện một số cơ quan chức năng, có những kẻ dùng tiền mua chuộc, dụ dỗ người dân xuống đường biểu tình.

Ngoại trừ những người vô công rồi nghề và sống vất vưởng, thì còn có những người khác nữa, vậy nguyên nhân phía sau là gì?

Củi lớn, củi bé vào lò, nhưng tài sản tham nhũng đi đâu? ảnh 2Phá hoại không phải là yêu nước

Ông Phạm Văn Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng: “Chúng ta không mong muốn những vấn đề nóng, phức tạp, tuy nhiên, chúng ta cũng phải thích nghi dần với những hiện tượng của một xã hội đang phát triển” (2).

Từ trăn trở với những câu hỏi trên đây, người viết bài thiết nghĩ cán bộ các cấp, các ngành và nhất là cán bộ thuộc các tổ chức, cơ quan chức năng hãy đặt mình vào vị trí của người dân để có cái nhìn và cảm nhận thấu đáo, đầy đủ nguyên nhân của vấn đề.

Tất nhiên người dân có quyền biểu hiện thái độ, bởi điều đó cũng giúp cho cán bộ tự nhìn nhận lại việc làm của mình, nhưng nếu có hành động quá khích đập phá, gây mất trật tự... thì là điều rất đáng trách, bởi đó không phải hành động yêu nước. Không một ai chấp nhận được hành vi phá hoại dù với bất cứ lý do gì.  

Và vấn đề quan trọng nữa, là để chúng ta có cơ sở và giải pháp giải quyết tình trạng biểu tình của người dân một cách căn bản. 

Trong chữa bệnh cứu người, đặt trường hợp bệnh nhân sốt do nhiễm khuẩn huyết nhưng người thầy thuốc lại chẩn đoán nhầm sốt do viêm họng và điều trị theo phác đồ viêm họng thì người bệnh không những không khỏi mà tính mạng còn bị đe doạ nghiêm trọng.

Trong đời sống chính trị - xã hội cũng vậy, khi có tình thế rối ren cần phải tìm hiểu ngọn nguồn, đâu là nguyên nhân chủ yếu, đâu là giọt nước làm tràn ly thì mới giải quyết thấu đáo mâu thuẫn, hoá giải xung đột, mang lại bình yên cho xã hội.

Còn khi chưa tìm ra nguyên nhân chủ yếu hoặc nhầm lẫn nguyên nhân chủ yếu với nguyên nhân thứ yếu thì khó hoá giải được xung đột, thậm chí làm cho xã hội càng ngày càng rối hơn.

Nhìn lại nhiều sự kiện diễn ra trong những năm vừa qua, đặc biệt là những sai phạm trong công tác cán bộ và rất nhiều sai phạm trong hoạt động đầu tư, phát triển kinh tế, phải chăng ở đâu đó một bộ phận nhân dân đang bị khủng hoảng niềm tin? 

Nếu tìm hiểu kỹ tình hình kinh tế, xã hội của đất nước; thấu hiểu tâm tư của người dân thì câu hỏi này không phải là không có cơ sở thực tiễn, xin đơn cử một số vấn đề nóng mà không chỉ những người tham gia biểu tình mà đa số nhân dân đang rất quan tâm, băn khoăn, lo lắng, thậm chí bức xúc.

Củi lớn, củi bé vào lò, nhưng tài sản tham nhũng đi đâu? Ảnh: khoahocdoisong.vn
Củi lớn, củi bé vào lò, nhưng tài sản tham nhũng đi đâu? Ảnh: khoahocdoisong.vn

Thứ nhất: Những vấn nạn tiêu cực trong xã hội đã được Trung ương Đảng nhiều lần đề cập và xử lý, Quốc hội cũng nhiều lần bàn nhưng vẫn chưa thật hiệu quả. Đó là: Phòng, chống tham nhũng.

Cho dù “lò chống tham nhũng” đã nóng nhưng do tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” nên “củi” cho vào “lò” chẳng đáng là bao.

Mặt khác, cho dù một số “củi lớn”, “củi bé” đã bị cho vào “lò” nhưng khối tài sản khổng lồ của nhà nước bị thất thoát do tham nhũng thu lại không thấm vào đâu so với con số thất thoát.

Tham nhũng không chỉ gây ra nguy hại lâu dài, sâu rộng cho nèn kinh tế mà còn gây ra bất công triền miên trong xã hội:

- Càng chống chạy chức chạy quyền thì chạy chức chạy quyền càng tràn lan, tình trạng cả nhà làm quan đã xảy ra ở nhiều địa phương. Thậm chí nhiều cán bộ được bổ nhiệm "nợ tiêu chuẩn", sử dụng bằng cấp không đúng quy định, khai man trình độ, bằng cấp... đang tiếp tục được Chính phủ chỉ đạo kiểm tra, báo cáo.

Củi lớn, củi bé vào lò, nhưng tài sản tham nhũng đi đâu? ảnh 4Đại biểu đề nghị mở rộng thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản

Trong khi đó với người dân thường sau khi tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp nghề để kiếm được một việc làm ổn định trong các cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước là điều vô cùng nan giải.

Không những vậy, tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế làm cho bộ máy hưởng lương càng ngày càng phình to, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên nên người dân đóng thuế bao nhiêu cũng không xuể cho để nuôi bộ máy đó.

Tình trạng đó vừa tàn phá tài nguyên Quốc gia; tài sản, vật nuôi cây trồng của người dân vừa huỷ hoại môi trường sống, làm cho nhân dân lo lắng, bất an.

Thứ hai: Những xung đột về lợi ích của người dân với các nhà đầu tư BOT giao thông chưa được giải quyết thấu đáo.

Sau khi thực hiện giải pháp tình thế, người dân cảm giác bị áp đặt, cho nên tuy hiện tượng tập trung đông người phản đối ở các trạm thu phí BOT có phần lắng xuống, nhưng sự bức xúc, bất bình của nhân dân về vấn đề này không lắng xuống mà vẫn rất căng thẳng. Rất may là ở kỳ họp thứ 5 vừa qua, Quốc hội đã ra nghị quyết yêu cầu nhanh chóng giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Thứ ba: Luật Đặc khu liên quan đến an ninh, chủ quyền Quốc gia, liên quan đến những vấn đề thuộc về quyền lợi của công dân. Người dân thì rất quan tâm, nhưng lại chưa được bàn thảo, góp ý trước khi dự thảo trình ra Quốc hội.

Củi lớn, củi bé vào lò, nhưng tài sản tham nhũng đi đâu? ảnh 5Tài sản bất minh, tịch thu được không?

 Vì vậy khi Chính phủ trình dự thảo hai luật này để Quốc hội thảo luận, thông qua hoặc là do góc nhìn hoặc là do nhận thức mà người dân cho rằng nhiều điều luật chưa hợp lý.

Quốc hội cũng đã yêu cầu đưa dự thảo luật về các địa phương thảo luận, tuyên truyền để người dân hiểu rõ được lợi ích cho kinh tế đất nước khi triển khai luật đặc khu; đồng thời cũng làm rõ việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Người viết bài tin rằng, thế hệ người dân hôm nay có nhiều người đã cống hiến xương máu, tuổi thanh xuân cho nền độc lập của dân tộc; và phần còn lại của thế hệ nhân dân hôm nay cho dù không trải qua hoàn cảnh lịch sử đó thì phần đông bố mẹ, ông bà của họ cũng đã cống hiến như vậy cho đất nước.

Ngoại trừ những phần tử cực đoan, quá khích còn người dân ở bất cứ quốc gia nào cũng vậy, không ai muốn đất nước rơi vào cảnh hỗn loạn, nồi da sáo thịt mà ngược lại, tuyệt đại đa số nhân dân luôn luôn mong cho đất nước yên bình, phát triển hướng tới xã hội phồn vinh, văn minh để họ và con cháu họ được hưởng cuộc sống hạnh phúc và được kiêu hãnh, tự hào về quốc gia của mình.

Lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại cũng đã chỉ ra, rằng phải lấy dân làm gốc và gốc có vững thì cây mới trường tồn.

Bởi vậy, điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại vững bền của một thể chế thì bộ máy Nhà nước cùng hệ thống chính trị phải thường xuyên cải cách, hoàn thiện theo hướng xây dựng nhà nước pháp quyền đúng nghĩa, để thực sự trở thành nhà nước của dân, do dân, vì dân như Hiến pháp đã quy định.

Chỉ có như vậy thì chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới đồng thuận với tâm nguyện của nhân dân. 

Tài liệu tham khảo:

(1).https://nld.com.vn/thoi-su/thong-nhat-lui-thoi-gian-thong-qua-luat-dac-khu-20180609054754929.htm

(2).http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/pho-thu-tuong-bao-chi-chiu-ap-luc-rat-lon-ca-ve-thong-tin-va-kinh-te-457831.html

NGUYỄN HUY VIỆN