"Cuộc hôn nhân" PG Bank và VietinBank: Hai bên cùng có lợi

16/04/2015 07:16
Mai Anh
(GDVN) - Đó là nhận định của TS Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính ngân hàng trước việc Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) sáp nhập vào VietinBank.

Ngày 14/4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) tổ chức Đại hội đồng cổ đông 2015 đồng thời thông qua chủ trương cho PG Bank sáp nhập vào VietinBank.

Được biết trong định hướng phát triển VietinBank sẽ trở thành Tập đoàn tài chính - ngân hàng hiện đại, giữ vị trí trụ cột trong Ngành ngân hàng Việt Nam, có quy mô và năng lực xứng tầm khu vực, từng bước chinh phục các thị trường quốc tế. Với định hướng đó việc PG Bank sáp nhập vào VietinBank được xem là bước đầu tiên trong tiến trình xây dựng một tập đoàn tài chính của VietinBank.

Đại hội đồng cổ đông VietinBank 2015 thông qua sáp nhập PG Bank vào VietinBank.
Đại hội đồng cổ đông VietinBank 2015 thông qua sáp nhập PG Bank vào VietinBank.

Đứng góc độ chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cuộc “hôn nhân” giữa PG Bank và VietinBank có lợi cho cả hai ngân hàng, cho khách hàng cũng như cổ đông. Theo TS Hiếu, có hai lý do để Ngân hàng Nhà nước đồng ý chủ trương các ngân hàng tiến hành thương vụ sáp nhập, đó là “kèm cặp” các ngân hàng yếu kém, hoặc để tăng quy mô của ngân hàng trong hệ thống.

“Trong thương vụ sáp nhập PG Bank vào VietinBank là nhằm tăng quy mô của ngân hàng, hướng đến Tập đoàn tài chính - ngân hàng hiện đại, đây là chủ trương đúng phù hợp với xu thế đặc biệt trước thềm Việt Nam hội nhập”, TS Hiếu đánh giá.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, Việt Nam có quá nhiều ngân hàng với vốn điều lệ nhỏ, hoạt động tín dụng không hiệu quả. Nguyên nhân nợ xấu cao chính vì ngân hàng nhỏ hoạt động yếu kém không hiệu quả. Chính vì vậy việc thực hiệp sáp nhập ngân hàng nhỏ vào ngân hàng lớn là cần thiết và có lợi cho hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam.

Phân tích cụ thương vụ PG Bank sáp nhập vào VietinBank, TS Hiếu cho biết, PG Bank có cổ đông chiến lược là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), sở hữu 40% vốn điều lệ, PG Bank có cơ sở khách hàng bền vững của hệ thống Petrolimex và các đơn vị thành viên, đối tác; dịch vụ tài chính cung cấp tại hệ thống cây xăng của Petrolimex và đại lý trải dài trên toàn quốc, vươn tới tận tuyến xã thôn. PG Bank còn có thế mạnh về dịch vụ ngoại hối và phái sinh… 

Được biết đến 31/12/2014, PG Bank có vốn điều lệ 3.000 tỷ, tổng tài sản khoảng 25.779 tỷ, tín dụng 14.507 tỷ và lợi nhuận trước thuế 168 tỷ đồng,  với mạng lưới 16 chi nhánh, 63 phòng giao dịch và quỹ tiết kiệm. Đây chính là điểm mạnh PG Bank và là cơ sở để VietinBank sẽ phát huy lợi thế sau sáp nhập

“Việc sáp nhập PG Bank sẽ mở rộng quy mô vốn và nâng cao năng lực tài chính của VietinBank trên phương diện tổng tài sản, vốn chủ sở hữu, giúp mở rộng mạng lưới chi nhánh của VietinBank nhằm tiếp tục chiếm lĩnh thị phần trong nước, cung cấp đa dạng dịch vụ tài chính - ngân hàng, bán chéo sản phẩm”, ông Hiếu đánh giá.

Bên cạnh đó với thương vụ sáp nhập PG Bank, VietinBank sẽ mở ra mối quan hệ hợp tác chiến lược, lâu dài giữa VietinBank và Tập đoàn xăng dầu Việt Nam Petrolimex.

Đến hết năm 2014, VietinBank có tổng tài sản 661.000 tỷ đồng, tăng trưởng 14,7%, đạt 103,3% kế hoạch ĐHĐCĐ; Hoạt động cấp tín dụng 543.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18%, đạt 104,5% kế hoạch. Nguồn vốn huy động trong năm đạt 595.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16,3%. Vốn chủ sở hữu của VietinBank 55.013 tỷ đồng, vốn điều lệ 37.234 tỷ đồng, tiếp tục duy trì vị thế là ngân hàng TMCP có vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ cao nhất Ngành ngân hàng Việt Nam.

Được biết trong năm 2015 VietinBank phấn đấu tăng tổng tài sản lên 746.000 tỷ đồng, tăng 13%; dư nợ tín dụng tăng 13%; nguồn vốn huy động tăng 14% so với 2014; vốn chủ sở hữu tăng 7%; vốn điều lệ tăng 32%; lợi nhuận trước thuế 7.300 tỷ đồng; ROAA từ 1,0 - 1,2%; ROAE từ 10% - 11%; tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng dưới 3%; tỷ lệ chia cổ tức 7% - 9%; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) > 9%.

Mai Anh