Cuộc "lội ngược dòng" ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam

31/01/2017 06:53
Mai Anh
(GDVN) - Theo GS.Nguyễn Quang Thái sự điều hành của Chính phủ tạo nên cuộc ngược dòng giúp kinh tế Việt Nam phát triển ổn định năm 2016 tạo đà tăng trưởng kinh tế 2017.

Kinh tế Việt Nam chính thức bước sang năm mới 2017 với nhiều dự báo sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh đang tạo thêm động lực mới cho doanh nghiệp và tạo đà mới cho tăng trưởng.

Kinh tế Việt Nam năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ - ảnh minh họa/ Bốc xếp container tại chi nhánh cảng Tân Vũ, Cảng Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Kinh tế Việt Nam năm 2016 ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ - ảnh minh họa/ Bốc xếp container tại chi nhánh cảng Tân Vũ, Cảng Hải Phòng. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Ghi nhận nỗ lực của Chính phủ

Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2016, GS.TSKH Nguyễn Quang Thái – Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, kinh tế Việt Nam năm qua chịu những thách thức, tác động từ các yếu tố kinh tế chính trị ở khu vực và thế giới như:

Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm hơn so với dự báo; tăng trưởng thương mại đạt mức thấp; giá dầu thô và nông sản giảm mạnh; cùng với hạn hán, thiên tai do tác động của biến đổi khí hậu…

“Mặc dù vậy, chỉ trong thời gian ngắn, bộ máy Chính phủ mới với hàng loạt các động thái lắng nghe, cam kết thay đổi và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... đã đưa nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn đầu, tạo đà để vượt qua những khó khăn trong năm 2017”, GS.Thái nhận định.

GS.Nguyễn Quang Thái phân tích, sự điều hành quyết tâm của Chính phủ phần nào đã tạo nên cuộc ngược dòng giúp kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, các mục tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản đã đạt được.

GS.TSKH Nguyễn Quang Thái – Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam - Ảnh: Việt Dũng/ Tuổi trẻ.
 GS.TSKH Nguyễn Quang Thái – Tổng thư ký Hội Khoa học kinh tế Việt Nam - Ảnh: Việt Dũng/ Tuổi trẻ.

Theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP năm 2016 ước đạt 6,21%, kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát (4,74%).

Với mức tăng trưởng trên, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đứng thứ 3 về tốc độ tăng trưởng GDP trong nhóm các quốc gia châu Á đang phát triển, chỉ sau Ấn Độ và Trung Quốc.

Đặc biệt, trong năm 2016, thu ngân sách tăng, mặt bằng lãi suất giảm, thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 41 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay.

Cuộc "lội ngược dòng" ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam ảnh 3

"Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tập thể Chính phủ đã để lại những dấu ấn tốt"

Về thương mại, trong năm 2016, theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam vẫn giữ được đà xuất siêu khi xuất khẩu tăng khoảng 8,6%, xuất siêu đạt khoảng 2,68 tỷ USD.

Trong khi đó, huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33% GDP; vốn FDI thực hiện đạt hơn 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015.

Đặc biệt, trong năm 2016 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng về số lượng và tăng mạnh về số vốn đăng ký, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể, cả năm 2016 có 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với 891.094 tỷ đồng vốn đầu tư, tăng hơn 16,2%, về số doanh nghiệp và tăng 48,1% về số vốn đăng ký.

Năm 2016 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp mới được thành lập - ảnh Hùng Lê/ TBKTSG.
Năm 2016 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp mới được thành lập - ảnh Hùng Lê/ TBKTSG.

“Vượt qua thách thức của năm 2016, nước ta đạt thành tựu ấn tượng, một phần quan trọng là do sự chỉ đạo quyết đoán của Chính Phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ đã thực hiện có kết quả các Nghị quyết quan trong về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (NQ 19-CP); hỗ trợ doanh nghiệp (NQ 35-CP) và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Những cải cách trong lĩnh vực du lịch đã góp phần nâng số du khách quốc tế tăng 26% và đạt con số kur lục hơn 10 triệu. Tất cả điều đó đã được Ngân hàng thế giới nâng bậc cải thiện môi trường đầu tư năm nay thêm 9 bậc”, GS. Nguyễn Quang Thái cho biết.

Theo GS.Nguyễn Quang Thái cùng với những đánh giá tích cực của hầu hết cộng đồng doanh nghiệp về tình hình năm 2016 và triển vọng năm 2017, ngay trong tháng 12/2016 cuối năm, chỉ số PMI về triển vọng phát triển công nghiệp đã đạt 52,4 điểm, cao bậc nhất khu vực, mang lại hy vọng cho kinh tế và công nghiệp năm 2016.

Nhiều thách thức trước cuộc cách mạng kỹ thuật 4.0

Mặc dù kinh tế năm 2016 tăng trưởng đạt 6,21% với sự vươn lên của các ngành và địa phương, nhưng GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng nhiều tiềm năng còn chưa được khai thác. Nhiều yếu tố phát triển chiều sâu chưa được khai thác. 

“Chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chưa thực hiện đạt mục tiêu đề ra, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp kém”, GS.Thái đánh giá. 

Cuộc "lội ngược dòng" ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam ảnh 5

Dù khó khăn đến đâu cũng phải quan tâm tới học hành

Cuộc "lội ngược dòng" ấn tượng của nền kinh tế Việt Nam ảnh 6

8 sự kiện kinh tế mang đậm dấu ấn điều hành Chính phủ năm 2016

Năm 2017, GS. Nguyễn Quang Thái cho rằng kinh tế thế giới và cả trong nước sẽ còn có nhiều khó khăn và rủi ro mới, chủ nghĩa bảo hộ tăng lên, biến đổi khí hậu toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tất cả bối cảnh mới đó sẽ gây tác động tiêu cực đến tiến trình phát triển kinh tế. Những nhân tố mới bừng lên năm 2016 còn cần làm mạnh mẽ hơn. 

Vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô tiếp tục cần được chỉ đạo chắc tay, từ kiềm chế lạm phát, cân đối lành mạnh ngân sách, xử lý nợ xấu, tạo thêm việc làm có năng suất cao và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp nhờ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như đã làm trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Bên cạnh đó, cần tạo nên sự khởi sắc ở tầm rộng lớn hơn như đã làm năm 2016 với rau và hoa quả sạch trong cung ứng thị trường nội địa và xuất khẩu...

“Trong năm 2017, Chính phủ không chỉ thực hiện tốt việc điều hành, phục vụ doanh nghiệp và người dân, mà còn phải làm tốt vai trò của Chính phủ kiến tạo, với tư duy mới gắn với chuyển đổi sang thị trường hội nhập như vấn đề tích tụ ruộng đất, bỏ hạn điền để khai thác sử dụng có hiệu quả cao nhất tài nguyên của đất nước….”, GS.Thái đánh giá.

Nhấn mạnh vai trò của Chính phủ, đồng thời GS.Nguyễn Quang Thái cảnh báo: “Nếu các ngành, các địa phương trông chờ, ỷ lại vào Chính phủ, thiếu năng động thì kết quả năm 2017 sẽ kém hơn năm 2016 dù cho điều kiện tiền đề là rất tốt”. 

Để đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra, GS.Nguyễn Quang Thái cho biết, Chính phủ cần kiên quyết hướng theo thị trường hội nhập. Đón đầu cuộc cách mạnh kỹ thuật 4.0 sẽ đưa Việt nam phải đối mặt với nhiều thách đố như dư thừa lao động năng suất thấp và đối phó với chủ nghĩa bảo hộ của nhiều nước lớn. 

Trong bối cảnh mới theo GS.Thái cần đổi mới tư duy mạnh mẽ để khuyến khích mọi nguồn lực, phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường, nhưng nói một cách sòng phẳng, nội lực theo ý nghĩa chung nhất là quan trọng nhất khi 80% GDP là do kinh tế trong nước làm ra nhưng chưa được tạo điều kiện thích đáng để phát triển. 

“Doanh nghiệp nhà nước đang được cải cách nhưng còn nhiều phần hình thức, vì hơn 90% số vốn Nhà nước vẫn nắm trong các doanh nghiệp cổ phần hóa.

Chính phủ cần làm đúng chức năng của mình là tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, mà không phải trực tiếp kinh doanh. 

Kinh tế tư nhân, nhất là tư nhân trong nước đang tạo việc làm cho phần lớn người lao động, nhưng còn trong điều kiện khó khăn về tiếp cận vốn, đất đai, thủ tục phiền hà...”, GS.Thái nêu quan điểm. 

Vấn đề cuối cùng GS.Nguyễn Quang Thái lưu ý là năm 2017 cần tiếp tục cải cách khu vực công, chống tham nhũng, lãnh phí và nhũng nhiễu, tạo điều kiện khu vực kinh tế tư nhân và doanh nhân trong nước được tạo điều kiện tốt nhất, trở thành động lực chính trong tăng trưởng của nền kinh tế.

Mai Anh