Đã “gãi đúng chỗ” và sẽ tiếp tục xử lý cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp

17/05/2017 15:51
Mai Anh
(GDVN) - Chính phủ tiếp thu ý kiến doanh nghiệp, xây dựng một thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo môi trường đầu tư minh bạch

Sau gần 6 giờ đồng hồ làm việc liên tục Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” đã thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Quyết tâm ấy thể hiện rõ trong phát biểu tổng kết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong năm vừa qua. ảnh: H.Lực.
Cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong năm vừa qua. ảnh: H.Lực.

“Gãi đúng chỗ”

Với tinh thần chuyển lời nói thành hành động, sau khi lắng nghe ý kiến, chia sẻ, thậm chí cả những điều bức xúc của doanh nghiệp về việc bị nhũng nhiễu, bị thanh tra, kiểm tra quá nhiều, Thủ tướng mở đầu bài phát biểu tổng kết hội nghị với thông báo vừa ký Chỉ thị số 20 yêu cầu không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần trong 1 năm với doanh nghiệp, thanh tra đột xuất khi vi phạm thì không được mở rộng. 

“Tôi muốn nói tinh thần lớn với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ phải xây dựng và bảo đảm môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với kinh doanh, có năng lực cạnh tranh cao; không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn với người đầu tư, kinh doanh, tài sản, vốn đầu tư…”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng đánh giá, trong một năm qua, Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng so với hội nghị lần trước tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh cách đây một năm thì tính gay gắt đã giảm đi rất nhiều.

Lần này chủ yếu là các ý kiến góp ý, cách làm cụ thể, phương pháp tính toán cụ thể để giảm phiền hà cho doanh nghiệp. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tổng kết Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” - ảnh: H.Lực.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tổng kết Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” - ảnh: H.Lực.

Những giải pháp “gãi đúng chỗ” thể hiện qua việc ban hành 50 nghị định, nghị định đầu tư kinh doanh, cải thiện điều kiện đầu tư kinh doanh; cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; các bộ, các ngành tích cực rà soát cắt giảm nhiều thủ tục giấy phép, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Về cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện đầu tư kinh doanh được triển khai bằng Nghị quyết 19 và những cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mô hình hành chính công của nhiều địa phương, giảm thiểu thời gian đi lại, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Các tỉnh, địa phương trong cả nước cần tích cực triển khai, thực hiện kê khai nộp thuế điện tử, tiếp cận các dịch vụ công: Đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế, hải quan… những chi phí này đang có xu hướng giảm.

Cụ thể là năm 2015 là 28%, năm 2016 giảm còn 18,8%, năm 2017 và những năm tiếp theo tiếp tục giảm.

Trong hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư đạt được thành quả với điểm nhấn về mức tăng kỷ lục về xuất khẩu, khi các công ty tiếp tục giành được những đơn đặt hàng mới với thị trường quốc tế.

Các điều kiện kinh doanh được cải thiện tốt hơn, nhiều đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh, số lượng đơn đặt hàng từ nước ngoài đã tăng ở mức kỷ lục, hỗ trợ cho tăng trưởng phát triển…

Đặc biệt qua một năm với tinh thần Chính phủ kiến tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp đã thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, mục tiêu này đã tạo sức ép cho các địa phương và cả nước tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho người dân khi tiến hành thủ tục thành lập doanh nghiệp.

Những nỗ lực của Chính phủ mang lại kết quả tích cực như: xử lý và bãi bỏ ​4.500 thủ tục hành chính; trong 1.100 kiến nghị của doanh nghiệp, đã xử lý được 850 (77,5%).

Năm 2016, đã thành lập trên 110.000 doanh nghiệp; 4 tháng năm 2017, đã thành lập trên 40.000 doanh nghiệp. 

Theo JETRO, 66% số doanh nghiệp Nhật Bản có xu hướng mở rộng, 36% doanh nghiệp Mỹ dự định mở rộng kinh doanh, cao hơn ở Thái Lan (21%), Malaysia (19%).

75% các doanh nghiệp được khảo sát nói rằng kết quả  cải cách đã tích cực, 25% nói chưa đạt yêu cầu...

Trăn trở với vấn đề thuế phí của doanh nghiệp

Tuy đạt được những thành công bước đầu nhưng Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cũng thấy rõ còn nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp doanh nghiệp. Chính phủ đã nhận diện được vấn đề này, những điểm cơ bản các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu ra tại hội nghị này”.

Về thể chế chính sách, chưa giải quyết được các vấn đề còn mâu thuẫn trong các văn bản dưới luật, chính sách ban hành chưa  đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.

Ví dụ tiêu chuẩn điều kiện yêu cầu trong một số lĩnhvực phòng cháy chữa cháy, đo không khí, chất thải, bảo vệ môi trường, vấn đề hợp chuẩn… thiếu minh bạch, tốn kém chi phí, sở hữu trí tuệ còn nhiều vấn đề.

Để sản phẩm hàng hoá ra thị trường còn rất nhiều vướng, mất thời gian của doanh nghiệp.

Đã “gãi đúng chỗ” và sẽ tiếp tục xử lý cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp ảnh 3

Thủ tướng mong nhận được góp ý thẳng thắn của doanh nghiệp

Đã “gãi đúng chỗ” và sẽ tiếp tục xử lý cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp ảnh 4

Không kiểm toán, thanh tra trùng lắp gây khó khăn cho doanh nghiệp

Các quy định về công nhận doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có nhiều nhưng chưa đi vào cuộc sống.

“Nhân đây tôi nói luôn, tinh thần các vị nêu, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp thu. Đó là phải xây dựng một thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thể chế và chính sách về kinh tế cần tháo gỡ liên tục, tạo môi trường đầu tư minh bạch dễ dàng áp dụng”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Việc thứ hai còn tồn tại chính là thuế, phí còn cao, không chỉ những chi phí liên quan đến thủ tục hành chính mà còn liên quan đến phí sử dụng công trình BOT, bến bãi, cảng biển, cầu đường...

Đặc biệt chi phí không chính thức, phí bôi trơn, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng, vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản đã thỏa thuận rất nhiều nhưng chưa xử lý triệt để được. 

“Thuế phí cao cho doanh nghiệp là vấn đề chúng tôi rất trăn trở và sẽ có một chương trình hành động cụ thể sau”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá, thủ tục hành chính, các thủ tục cấp phép, điều kiện kinh doanh trong một số chuẩn mực còn gây khó khăn cho doanh nghiệp, vì vậy có hiện tượng "cò" làm dịch vụ cấp thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, thủ tục giải phóng mặt bằng, giấy phép xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giá thuê đất còn cao, giấy phép con vẫn còn và chưa được loại bỏ, chưa minh bạch hoàn toàn.

Vẫn tồn tại tình trạng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ công chức, viên chức... gây chậm trễ, khó khăn ở các cơ quan công quyền, chưa sát sao và nắm bắt chính xác các vấn đề doanh nghiệp cần hỗ trợ. 

Một tồn tại khác được Thủ tướng chỉ ra là việc tiếp cận tín dụng thực thi chính thức, giao dịch đảm bảo chưa tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp phát huy tài sản đảm bảo để thế chấp, tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. 

“Bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, sở hữu ngầm khiến cho dòng tín dụng bị phân bổ một cách chênh lệch, xa rời tín hiệu thị trường.

Tồn tại về vấn đề thị trường, việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường của các cơ quan chức năng còn hạn chế, rất ít doanh nghiệp có thể tham gia được vào các chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng nói. 

Theo thống kê, Việt Nam chỉ có trên 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trong khi đó Thái Lan trên 30% và Malaysia trên 45%. 

“Nếu quên thị trường của mình chúng ta sẽ thất bại”

Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung kiến tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; thực thi công vụ nghiêm túc, không được nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp. Suy đến cùng Bí thư, Chủ tịch địa phương, Bộ trưởng phải thực hiện những nhiệm vụ này.

Theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm một cách xiên suốt trên tinh thần nhất quán trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế sản xuất kinh doanh, mọi thành phần kinh tế được đóng góp và hưởng quyền lợi bình đẳng. Mọi thành phần kinh tế phải bình đẳng, không phân biệt công hay tư. 

Các thành viên Chính phủ điều hành Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 (Từ trái qua phải: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam) - ảnh: H.Lực
Các thành viên Chính phủ điều hành Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2017 (Từ trái qua phải: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam) - ảnh: H.Lực

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ hoàn thiện trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 các dự án luật trong đó có dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy nhanh việc rà soát sửa đổi quy định các loại thuế hải quan theo hướng liên thông các bộ, cơ quan liên quan để giảm thủ tục, giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

“Xóa bỏ việc ưu ái, thu hồi nguồn lực và các tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả, lãng phí để tái phân bổ lại cho mọi chủ thể, đối tượng để tăng hiệu quả cạnh tranh và tăng năng suất chứ không chỉ ưu tiên doanh nghiệp nhà nước”, Thủ tướng nói.

Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát quy định để giảm chi phí doanh nghiệp như chí phí thủ tục hành chính về thuế, hải quan, giấy phép, phí BOT, chi phí kiểm định, thẩm định, giám định…

"Phí là vấn đề đang đè nặng lên doanh nghiệp mà chúng ta phải nghiên cứu để giảm phí doanh nghiệp, hướng đến năm nay là năm giảm phí cho doanh nghiệp”, Thủ tướng nêu yêu cầu.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tối ưu hóa thành tựu khoa học công nghệ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4.

Xây dựng kiến tạo các yếu tố để tạo lợi thế cạnh tranh cho nền kinh tế như cơ sở hạ tầng thông minh, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục, nâng cao trình độ nghề nghiệp…

Chính phủ sẽ kết hợp nguồn lực một cách tối ưu cùng với cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân giảm chi phí, tăng năng xuất, tăng năng lực cạnh tranh để hội nhập.

“Chúng ta nên tự tin chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam phải chiếm lĩnh chính thị trường lớn thứ 13 trên thế giới lại là đồng bào của mình. Từ đó tiến lên từng bước chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Chúng ta phải chuyển sang tâm thế hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam, nâng cao chất lượng, mẫu mã, bao bì, giá thành là quan trọng với một thị trường 100 triệu dân như Việt Nam. Quên thị trường này chúng ta thất bại”, Thủ tướng nhắn nhủ với doanh nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế ngày nay, Thủ tướng cho rằng phải nâng cao tương thích giữa nhà nước và doanh nghiệp. Xu hướng tương lai không cho phép sự yếu kém quản trị kìm hãm phát triển kinh tế.

Muốn có được điều đó phải có sự đồng hành của các doanh nghiệp, doanh nhân cùng quyết tâm của cả hệ thông chính trị trong đó yếu tố con người đóng vai trò quyết định.

“Từng công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước phải hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, nghiêm túc thực hiện và luôn sẵn sàng đồng hành, bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ tài sản quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Bình minh đang đến với đất nước ta, tôi tin tưởng các bạn - những doanh nghiệp sẽ đóng góp cho bình minh rực sáng trên đất nước Việt Nam thân yêu. 

Với tinh thần đó tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ xây dựng hệ sinh thái lành mạnh mà ở đó các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng , hỗ trợ nhau đem đến sự thịnh vượng đó là tinh thần “đồng hành” mà tôi muốn nói đến”, Thủ tướng nhấn mạnh trước khi kết thúc bài phát biểu.

Có thể nói phát biểu của Thủ tướng trước khi kết thúc Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp đã thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thực sự là động lực phát triển của đất nước.

Mai Anh