Đại biểu Quốc hội chỉ ra sự bất thường ở dự án gắn mác tâm linh của Xuân Trường

04/03/2019 06:09
Vũ Phương
(GDVN) - Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc cho phép xây dựng ồ ạt nhiều khu du lịch tâm linh khiến người dân mất thời gian, tiền bạc và chỉ doanh nghiệp hưởng lợi.

Ma trận dịch vụ thu phí đi vào ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á - chùa Bái Đính khiến nhiều người dân từ khắp các tỉnh thành về đây lễ phật đều phải lắc đầu ngao ngán.

Một giọt nước lọc miễn phí không có, nhưng hòm công đức, bát, âu, đĩa bằng đồng... rải khắp từ trong đến ngoài, từ hành lang đến bên trong điện để du khách, phật tử phát tâm. 

Chỉ chừng đó thôi đã hé lộ phần nào những nguồn lợi khổng lồ đằng sau những siêu dự án du lịch tâm linh thời gian qua được triển khai rầm rộ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. 

Mỗi siêu dự án du lịch (tại nơi có chùa chiền, có yếu tố tâm linh) của Xuân Trường lại được giao hàng ngàn héc-ta đất, cùng với đó là sự mập mờ giữa vốn công - tư.

Đại biểu Quốc hội chỉ ra sự bất thường ở dự án gắn mác tâm linh của Xuân Trường ảnh 1Đại gia Xuân Trường xây chùa, núp bóng tâm linh sẽ hưởng lợi vô thời hạn?

Những dự án Xuân Trường được giao đất triển đều ở các khu vực đã có danh lam thắng cảnh, có di sản quốc gia. Đó là lợi thế quá lớn bởi những khu vực ấy cảnh sắc thiên nhiên khá đẹp, doanh nghiệp chỉ cần bỏ tiền xây những công trình gắn với đủ loại kỷ lục, rồi quảng cáo theo kiểu "lập lờ đánh lận con đen" gắn với di sản, kỳ quan đã được công nhận để làm dịch vụ, thu phí, bán vé. 

Đáng chú ý như Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao (Hà Nam) lấy tới 5.100 héc-ta; Khu du lịch Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) lấy 18.940 héc-ta (trong đó một phần nhỏ để xây tháp Phật giáo, còn đa phần dành cho sân golf và các dịch vụ); Khu du lịch tổng hợp đảo Cái Tráp (Hải Phòng) 450 héc-ta ((trong đó khu có yếu tố tâm linh 88,7 héc-ta), dự án Tràng An – Bái Đính (Ninh Bình) 700 héc-ta...

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ sự lo ngại trước “bàn tay” của doanh nghiệp thực hiện các dự án khu du lịch (đặt tại nơi có di sản quốc gia, có chùa chiền và mang yếu tố tâm linh).

Đáng nói là sự mập mờ đan xen giữa vốn nhà nước và vốn doanh nghiệp cũng như giao nhiều ngàn héc-ta đất cho doanh nghiệp làm khu du lịch (gắn với nơi có chùa chiền, có yếu tố tâm linh) rồi vận hành, thu tiền của người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, phải siết lại việc giao đất cho doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện các dự án khu du lịch tại nơi có di sản quốc gia, nơi có chùa chiền, yếu tố tâm linh. Ảnh: Dương Thu.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, phải siết lại việc giao đất cho doanh nghiệp Xuân Trường thực hiện các dự án khu du lịch tại nơi có di sản quốc gia, nơi có chùa chiền, yếu tố tâm linh. Ảnh: Dương Thu. 

Đại biểu Hòa cho rằng: “Nhu cầu của người dân tìm đến các địa điểm tâm linh để lễ phật mong cuộc sống bình an hạnh phúc là nhu cầu chính đáng.

Nhưng việc lợi dụng tín ngưỡng của người dân để thương mại hóa, trục lợi tâm linh thông qua những dự án tâm linh, chùa chiền lớn kỷ lục như chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc… để bán vé thu tiền du khách đến lễ phật là không chấp nhận được.

Thời gian qua xuất hiện của những doanh nghiệp làm khu du lịch gắn với địa danh có chùa, có yếu tố tâm linh với số vốn đầu tư vô cùng lớn cũng như diện tích đất giao cho doanh nghiệp lên đến cả ngàn héc-ta là điều rất bất thường.

Đã đến lúc các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải siết chặt việc này. Công bố công khai, minh bạch các dự án khu du lịch ở nơi có chùa, có yếu tố tâm linh đâu là phần vốn của nhà nước, đâu là phần vốn của doanh nghiệp? Việc giao diện tích đất lớn cho doanh nghiệp cũng phải làm rõ”.

Có bàn tay của doanh nghiệp Xuân Trường, người dân muốn lễ phật ở chùa Bái Đính phải chi khá nhiều tiền. Ảnh: Vũ Phương.
Có bàn tay của doanh nghiệp Xuân Trường, người dân muốn lễ phật ở chùa Bái Đính phải chi khá nhiều tiền. Ảnh: Vũ Phương. 

Đại biểu Phạm Văn Hòa đặt vấn đề: “Cho phép doanh nghiệp lấy đất nhiều ngàn héc-ta để làm khu du lịch tại nơi có di sản quốc gia, có chùa, gắn với yếu tố tâm linh có cần thiết hay không?

Cũng như việc đầu tư công - tư nhiều ngàn tỷ đồng vào các dự án kinh doanh (ở nơi có chùa chiền, có yếu tố tâm linh) có thực sự cần thiết khi điều kiện ngân sách cũng như đời sống của người dân còn khó khăn?

Người dân đến các địa điểm tâm linh bằng cái tâm, lòng thành lễ phật là nét đẹp văn hóa tâm linh, tín ngưỡng từ bao đời nay.

Nhưng sự xuất hiện của doanh nghiệp đầu tư vào các dự án du lịch gắn cả yếu tố tâm linh đã biến tướng, thương mại hóa khiến người dân muốn lễ phật buộc phải bỏ rất nhiều tiền sử dụng dịch vụ.

Có một thực tế, ở nhiều địa phương chỗ nào có di sản, kỳ quan, phong cảnh đẹp của thiên nhiên ban tặng lại làm khu du lịch (ở đó có chùa hoặc xây thêm chùa, có yếu tố tâm linh) thì hiệu quả thế nào đây?

Nhà nước cũng phải xem xét quy hoạch cho kỹ, quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành cũng vậy để không phát triển khu du lịch gắn với yếu tố tâm linh tràn lan như vậy.

Nhưng đáng nói, quy hoạch là vậy, nhưng vì lý do gì họ lại phá vỡ quy hoạch để cho phép xây những ngôi chùa lớn nhất thế giới… và các công trình phụ trợ nhằm thu lợi?”.

Hòm công đức, bát, đĩa đồng đặt la liệt khắp nơi để du khách thập phương về công đức, đặt tiền. Ảnh: Vũ Phương.
Hòm công đức, bát, đĩa đồng đặt la liệt khắp nơi để du khách thập phương về công đức, đặt tiền. Ảnh: Vũ Phương. 

Gần đây doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường nổi lên là nhà đầu tư lớn có mặt tại nhiều tỉnh thành với các dự án khu du lịch gắn với chùa chiền vô cùng lớn cả về số vốn đầu tư cũng như diện tích đất.

Không chỉ chùa Bái Đính, chùa Tam Chúc, mà doanh nghiệp này còn hướng đến siêu dự án chùa Hương (Hà Nội) đang khiến không ít người lo ngại cảnh quan, di sản thiên nhiên ban tặng sẽ bị biến dạng, môi trường bị hủy hoại, thiên nhiên bị tàn phá, chỉ doanh nghiệp được hưởng lợi.

Về việc này, Đại biểu Phạm Văn Hòa thẳng thắn đề nghị: “Đối với doanh nghiệp như Xuân Trường hay bất kỳ doanh nghiệp nào khác cũng phải xem xét lại, cần thiết phải chấm dứt việc giao đất cho những doanh nghiệp này làm khu du lịch gắn với yếu tố tâm linh.

Bởi thực tế, giao đất là nhà nước thu không được bao nhiêu tiền, nhưng khi vào tay doanh nghiệp họ lại làm đủ thứ từ du lịch gắn với tâm linh, bất động sản nghỉ dưỡng… Trong câu chuyện giao đất chỉ doanh nghiệp hưởng lợi còn ngân sách, người dân bị thiệt hại nặng”.

Thứ duy nhất du khách về hành hướng, lễ phật tại chùa Bái Đính là được ngồi ghế miễn phí. Còn lại từ gửi xe, đi vệ sinh, đi xe điện, thăm Bảo tháp đều phải trả phí. Ảnh: Vũ Phương.
Thứ duy nhất du khách về hành hướng, lễ phật tại chùa Bái Đính là được ngồi ghế miễn phí. Còn lại từ gửi xe, đi vệ sinh, đi xe điện, thăm Bảo tháp đều phải trả phí. Ảnh: Vũ Phương. 

Cũng theo Đại biểu Phạm Văn Hòa, phải xem lại việc giao hàng ngàn héc-ta đất cho doanh nghiệp làm khu du lịch (ở nơi có chùa chiền, mang theo yếu tố tâm linh) có đúng quy định pháp luật hay không?

Nếu đó là đất của nhà nước phải đấu giá sòng phẳng theo thị trường. Tất nhiên, có thể vẫn có ưu đãi nhằm khuyến khích cho doanh nghiệp, nhưng ở một chừng mực nào đó trong giới hạn cho phép.

Còn đất của người dân muốn giao doanh nghiệp phải có sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người dân. Giá đất cũng phải tương đương với giá thị trường. Tránh việc lấy danh nghĩa nhà nước để áp đặt mức giá rẻ bèo buộc người dân phải giao đất cho doanh nghiệp.

Thực tế, thời gian qua không ít nơi cho doanh nghiệp vào đầu tư nhưng lại áp giá theo nhà nước là không ổn. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện ra tận trung ương.

“Giao cho doanh nghiệp nhiều ngàn héc-ta đất một cách vô tội vạ để doanh nghiệp tự tung tự tác để họ xây dựng đủ thứ làm phá vỡ cảnh quan, môi trường… là không thể chấp nhận được.

Đã đến lúc các bộ ngành, cơ quan chức năng, nhà nước ta phải xem xét lại một cách thận trọng trong việc đầu tư những dự án du lịch gắn với tâm linh lớn đến cả nghìn héc-ta như vậy.

Như dự án chùa Hương vừa rồi tôi cũng lên tiếng, làm sao để doanh nghiệp can thiệp như thế được. Việc làm đó sẽ ảnh hưởng đến cảnh quan, phong cảnh thiên nhiên…", Đại biểu Hòa nói.

Ngoài ra, hàng loạt khu du lịch (xây dựng ở nơi có chùa chiền, có yếu tố tâm linh) gắn với đủ loại kỷ lục khiến không ít người lo ngại về việc người dân bỏ thời gian, bỏ tiền bạc đi lễ chùa. Điều này có nghĩa lợi ích kinh tế, vật chất trong xã hội không dôi ra mà chảy vào túi doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng: “Nhu cầu tâm linh của người dân là có, nhưng việc quảng bá nhưng khu du lịch gắn với tâm linh như hiện nay là vấn đề rất đáng báo động. Đó không phải là tín ngưỡng mà là sự mê tín thái quá.

Xưa người ta đi chùa bỏ một giọt dầu để nhà chùa chi tiêu hương khói, nhưng ngày ngay số tiền công đức, tiền giọt dầu số tiền lên đến rất lớn. Đó là tiền của nhân dân chứ không phải tiền của ai nên cũng phải có hành lang pháp lý để quản lý vấn đề này.

Việc xây dựng nhiều các khu tâm linh không làm cho đời sống của người dân khấm khá hơn mà ngược lại họ phải bỏ thời gian, tiền bạc.

Việc xuất hiện các khu du lịch gắn với chùa chiền, tâm linh, trong đó có những ngôi chùa như Bái Đính, Tam Chúc… đã không còn gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp nữa mà thay vào đó là hình thức kinh doanh, thương mại.

Người đến chùa lễ phật phải mua vé, trả phí đủ các dịch vụ cho doanh nghiệp. Đó là cách doanh nghiệp đang móc túi người dân đi lễ phật”.

Một vấn đề Đại biểu Phạm Văn Hòa vô cùng quan ngại đó là một hình thức mới xuất hiện BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao), các khu du lịch gắn với chùa chiền, tâm linh. Thậm chí chỉ là BO tức là doanh nghiệp xây dựng và vận hành chứ không chuyển giao.

Vũ Phương