Đại gia BĐS mua 100 tàu cá: Dư luận bị đánh lừa bởi dự án hoang tưởng

20/08/2014 11:44
Minh Hồng
(GDVN) - Ngay sau khi Công ty Đức Khải gửi đề xuất xin ưu đãi lên Chính phủ, nhiều người đã nhận ra, thực chất dự án mua tàu chỉ là hoang tưởng, đánh lừa dư luận

Bỗng chốc nổi danh vì dự án "khủng"

Ngay khi Công ty Cổ phần Đức Khải (Công ty Đức Khải) tiết lộ kế hoạch mua sắm 100 tàu cá, 2 ụ nổi và 2 trực thăng với mục đích cùng ngư dân ra khơi bám biển bảo vệ chủ quyền biển đảo… dư luận xã hội đã hình thành hai luồng ý kiến trái chiều.

Thứ nhất nhiều người tỏ rõ sự ủng hộ với kế hoạch của Đức Khải với niềm tin vào dự án khủng và giấc mơ một đội tàu cá hoành tráng ra khơi với trực thăng để cùng ngư dân đánh bắt cá bảo vệ biển đảo.

Luồng ý kiến thứ 2 hoài nghi về kế hoạch của Công ty Đức Khải vì ngay từ ban đầu kế hoạch đã bộc lộ nhiều vấn đề như chất lượng tàu cá, tuổi tàu cá, số vốn đầu tư dự án.

Bộ Nông nghiệp không đồng ý cho Công ty CP Đức Khải nhập những con tàu quá tuổi vào Việt Nam
Bộ Nông nghiệp không đồng ý cho Công ty CP Đức Khải nhập những con tàu quá tuổi vào Việt Nam

Tưởng chừng tranh luận xung quang dự án của Công ty Đức Khải sẽ không có hồi kết. Tuy nhiên theo thời gian những sự thật về dự án “màu hồng” được lộ ra với nhiều điều bất hợp lý. Và cho đến khi nhiều cơ quan quản lý lên tiếng phản bác và chốt lại Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Vũ Văn Tám ký văn bản chỉ rõ việc nhập khẩu của Công ty Cổ phần Đức Khải không đủ điều kiện, vì hầu hết những con tàu này đều quá tuổi quy định... dư luận như vỡ lẽ lâu nay mình “ăn dưa bở”, tin vào một dự án trong mơ.

Nhìn lại vấn đề, thời điểm Công ty Đức Khải tiết lộ thông tin dự án mua sắm tàu đánh cá  chỉ sau khoảng thời gian ngắn Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển Việt Nam.

Ngay khi thông tin dự án được tiết lộ ra ngoài, với sức lan tỏa của truyền thông bỗng nhiên trong ít ngày cái tên đại gia BĐS - Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Khải Phạm Ngọc Lâm mua 100 tàu cá… xuất hiện với tần suất lớn. Cùng với đó, Công ty Đức Khải bỗng dưng được nghĩ đến như doanh nghiệp đi đầu, ông Phạm Ngọc Lâm bỗng trở thành "người hùng" với tư tưởng "dám nghĩ, dám làm" vì chủ quyền biển đảo của đất nước. Cũng theo tuyên bố của ông Phạm Ngọc Lâm khi đó, nếu mọi việc thuận lợi 45 tàu cá đầu tiên sẽ về Việt Nam trước 30/8.

Tuy nhiên, diễn biến sự việc lại không như "tính toán" của vị đại gia BĐS...

Dư luận bị đánh lừa...

Từng chia sẻ dưới bài viết “Đại gia Sài Gòn muốn đưa 100 tàu thủy, 2 trực thăng bám biển: Không dễ” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 5/7, thời điểm thông tin dự án vừa được lan tỏa, độc giả halinh chia sẻ: “Tôi mong các đại gia Việt nên có những hành động thiết thực như ông Lâm để bảo vệ biển đảo thiêng liêng của chúng ta”.  

Tương tự độc giả Thiện Nha Trang bày tỏ: “Chính phủ phải vào cuộc! Chính phủ phải chỉ đạo các Bộ kiểm tra thực hư thế nào. Nếu ông Lâm làm thật sự, Thủ tướng phải lập Tổ công tác liên ngành hỗ trợ doanh nghiệp để thực hiện đúng qui định, đúng kế hoạch đánh giá rút kinh nghiệm để hỗ trợ giải quyết khó khăn kịp thời nhân rộng”.

Thậm chí trước việc nhiều người cho rằng Công ty Đức Khải đang PR thương hiệu, độc giả Nguyễn Anh Tuấn viết: “Bởi vì họ ganh tị, họ chẳng làm được... Nói tóm lại, được thì tốt, không được thì cũng chẳng sao, người ta vừa khai thác vừa có thể bảo vệ chủ quyền thì sao không làm”.

Sau công bố hào nhoáng ban đầu, nhiều vấn đề bất cập dự án dần được hé lộ kèm theo đó dư luận ngày càng nghi ngờ khả năng thành công của dự án. Nếu trước đó, nhiều người tin rằng ông Phạm Ngọc Lâm và Công ty Đức Khải sẻ bỏ ra số tiền 1.500 tỉ đồng để thực hiện dự án và nhiệt liệt ủng hộ thì cũng sau đó không lâu, niềm tin ấy giảm dần theo mức độ công bố của thông tin: Khi thì doanh nghiệp sẽ vay 70% vốn thực hiện dự án từ ngân hàng, khi thì vay đến 90% vốn từ chính sách ưu đãi.

Và tất cả vỡ lẽ khi Công ty Đức Khải trình Chính phủ đề xuất vay ưu đãi... 1.350 tỉ đồng (chiếm 90% số vốn dự án) với lãi suất 1% để thực hiện dự án, một đề xuất mà ai cũng dễ dàng nhận ra vị đại gia này muốn tranh thủ đón đầu Nghị định 67 về những chính sách ưu đãi cho ngư dân chuyển đổi tàu cá đánh bắt xa bở.

Chưa hết, thay vì con tàu có tuổi sử dụng từ 10 – 12 năm như ban đầu kế hoạch, Công ty Đức Khải xin nhập những con tàu từ năm 1985 (30 năm khai thác sử dụng). Trong khi vốn thực hiện dự án chỉ có 10%, tàu cá dự định mua về là con tàu “đồng nát”, Đức Khải vẫn mạnh miệng sẽ trả lương khủng cho ngư dân khi đưa mức lương từ 10 triệu đồng/tháng rồi nâng lên 20 triệu đồng/người/tháng, sau đó sẽ cao hơn.

Ngay sau khi Công ty Đức Khải gửi đề xuất xin ưu đãi lên Chính phủ, nhiều người đã nhận ra, thực chất dự án mua tàu của Đức Khải chỉ là hoang tưởng, đánh lừa dư luận. Thậm chí nhiều người cho rằng Đức Khải lập dự án khủng để tận dụng vốn nhà nước.

Không chỉ ký quyết định bác đề xuất xin ưu đãi của Công ty Đức Khải, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng đã khẳng định, với một dự án lớn, lại muốn vay tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước, song Công ty Đức Khải chưa đưa ra được phương án chi tiết về chi phí nhiên liệu từng chuyến đi, duy tu bảo dưỡng, nhân công, đối tượng hải sản đánh bắt và tiềm năng, sản lượng dự kiến... Hơn nữa, Công ty Đức Khải cũng chưa có kinh nghiệm thực tiễn trong kinh doanh, đánh bắt hải sản.

Bên cạnh đó, các chuyên gia thủy sản còn cảnh báo nguy cơ Việt Nam trở thành bãi rác thải tàu cũ của các nước trong khu vực và trên thế giới nếu dự án nhập tàu cũ của công ty này được thông qua.

Chia sẻ dưới bài viết “Đề xuất xin ưu đãi khủng: Nghi ngờ kế hoạch của đại gia mua 100 tàu cá” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 4/8, một độc giả viết: “Tôi xin trình bày kế hoạch vay vốn ưu đãi mua tàu và ụ nổi: Tôi khai có 50% vốn chỉ vay 50% tức là 500 tỷ, tôi bỏ ra 100 tỷ mua về khai thành 1.000 tỷ, vẫn còn dư 400 tỷ tha hồ chi tiêu… lại nổi tiếng "dám làm vì đất nước". Khi thua lỗ thì Ngân hàng tịch thu số tàu ụ đã mua cùng lắm phạt lãi suất ưu đãi”.

Những bất cập trên cũng là nguyên nhân chính khiến quyết định bác bỏ dự án của các cơ quan chức năng nhận được sự đồng tình lớn từ dư luận.

Minh Hồng